Hôm qua (23/12), phiên họp thứ 15 Ủy ban thường vụ Quốc hội đã khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và các Phó Chủ tịch Quốc hội. Trong buổi làm việc đầu tiên, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự là nội dung được Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận.
Bỏ hình phạt tử hình đến đâu là vừa?
Tán thành với chủ trương nên bỏ dần hình phạt tử hình, nhưng khi đi vào các loại tội cụ thể, Ủy ban thường vụ Quốc hội còn nhiều ý kiến khác nhau. Trước đó, thảo luận tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII, nhiều đại biểu cũng tập trung thảo luận về những vấn đề lớn này. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba cho biết, quan điểm của Ủy ban Tư pháp là chưa nên bỏ tử hình đối với Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Tội tham ô tài sản; Tội nhận hối lộ. Lý do là trong giai đoạn hiện nay, tình hình sản xuất, mua bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh đang là vấn đề nhức nhối trong dư luận xã hội, nhân dân rất bất bình vì hành vi phạm tội có thể gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe nhiều người trên một diện rộng. Tương tự như vậy, Báo cáo về phòng chống tham nhũng hàng năm của Chính phủ cho thấy, hiện nay, tệ nạn tham nhũng được coi là quốc nạn và vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và của mọi người dân, thể hiện quyết tâm cao của cả Đảng và Nhà nước ta. Do vậy, việc bỏ hình phạt tử hình đối với loại tội phạm này trong thời điểm hiện nay có nhiều bất lợi và khó có thể có sự đồng thuận rộng rãi của công luận. Ông Trần Thế Vượng, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội đồng tình với phân tích này và cho rằng, trong khi tình hình tham nhũng vẫn phức tạp, việc xử lí còn hạn chế thì cần phải tiếp tục duy trì án cao nhất. Không có lý gì một người ăn trộm 500.000 đồng phải tù mấy năm mà trường hợp tham ô nhà nước hàng ngàn tỉ đồng lại không phải tử hình.
Đối với các tội như: Tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Tội chống loài người...., lần sửa này đề xuất bỏ hình phạt tử hình. Ủy ban Tư pháp cho rằng, xuất phát từ thực tiễn áp dụng, khả năng trấn áp tội phạm bằng các biện pháp khác ngoài tử hình cũng như có tính đến xu hướng chung trên thế giới là thu hẹp dần và tiến tới bãi bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình. Hành vi cấu thành tội phạm này thường là tập hợp của nhiều hành vi vi phạm các tội cụ thể khác như: giết người, cướp phá tài sản, hủy hoại môi trường, môi sinh, tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược.... Do vậy, nếu cần thiết phải áp dụng hình phạt tử hình đối với một số trường hợp cụ thể thì cũng có thể vận dụng các điều luật quy định về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, giết người, cướp tài sản... để xử lý. Vì vậy, Ủy ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị cân nhắc có thể bỏ hình phạt tử hình ở các tội này. Đối với tội chống mệnh lệnh, Tội đầu hàng địch thì hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mà hành vi phạm tội của họ gây ra có thể không nằm trong ý muốn chủ quan của người phạm tội. Trong trường hợp chứng minh được rằng các hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đó nằm trong ý muốn chủ quan của người phạm tội thì có thể hành vi phạm tội của họ đã vượt ra ngoài phạm vi tội chống mệnh lệnh hoặc đầu hàng địch. Khi đó, sẽ kết hợp xử lý về các tội phạm khác có liên quan. Ủy ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo đồng tình cho rằng, hình phạt tù chung thân đối với các tội phạm này là đã nghiêm khắc và vẫn đề cao được việc phòng ngừa, giáo dục. Tuy nhiên, ý kiến của các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội còn khác nhau khi thảo luận về vấn đề này.
Nhà nước có Casino: không nên phạt quá nặng người đánh bạc
Ngoài những băn khoăn về việc bỏ hình phạt tử hình, trong buổi thảo luận sáng ngày 23/12, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng tập trung thảo luận về quy định miễn chấp hành có điều kiện thời hạn còn lại của hình phạt tù đối với người chưa thành niên và Tội đánh bạc. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Đào Trọng Thi rất hoan nghênh quy định miễn, giảm hình phạt đã tuyên đối với người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, ông Đào Trọng Thi đề nghị phải quy định cụ thể điều kiện gia đình bảo lãnh và hình thức quản lý tại gia. Việc sửa đổi các quy định đối với Tội đánh bạc cũng được ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện rất quan tâm. Hai ông cùng cho rằng, không nên quy định chặt quá đối với tội này trong khi nhà nước vẫn tổ chức sổ xố, vẫn cho phép các trò chơi có thưởng và vẫn có Casino ở Hải Phòng.
Hồng Thúy