Những quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008 cần có hướng dẫn thi hành và kế hoạch triển khai thực hiện của Bộ Tư pháp

31/12/2008
Luật thi hành án dân sự đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 4, thông qua ngày 14-11-2008, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-7-2009. Cùng với việc thông qua Luật thi hành án dân sự năm 2008, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về việc thi hành Luật thi hành án dân sự. Quá trình xây dựng Luật thi hành án dân sự năm 2008, Ban soạn thảo cũng đã quán triệt quan điểm chỉ đạo kế thừa, luật hoá các quy định của pháp luật hiện hành về thi hành án dân sự, đặc biệt là các quy định tại Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 và các nghị định hướng dẫn thi hành.

Do vậy, so với Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 (có 8 chương và 70 Điều) thì Luật thi hành án dân sự năm 2008 đã tăng thêm một chương và 113 Điều (có tổng số 9 chương, 183 Điều). Một số quy định trước đây được quy định tại các văn bản dưới Luật như Nghị định số 164/2004/NĐ-CP ngày 14-9-2004 của Chính phủ về kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất để bảo đảm thi hành án; Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30-9-2004 của Chính phủ quy định về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự; Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11-4-2005 của Chính phủ quy định về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự, nay đã được luật hoá vào trong các quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ của một đạo luật, một số vấn đề được quy định trong Luật thi hành án dân sự năm 2008 và Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật thi hành án dân sự năm 2008 mới chỉ dừng ở các quy định có tính chất khung và cần được Chính phủ hướng dẫn trong các văn bản quy phạm dưới luật, cụ thể là:

1. Điều 13. Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự

“Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự bao gồm:

1. Cơ quan quản lý thi hành án dân sự:

a) Cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp;

b) Cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng.

2. Cơ quan thi hành án dân sự:

a) Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh);

b) Cơ quan thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện);

c) Cơ quan thi hành án quân khu và tương đương (sau đây gọi chung là cơ quan thi hành án cấp quân khu).

Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thi hành án dân sự; tên gọi, cơ cấu, tổ chức cụ thể của cơ quan thi hành án dân sự”.

2. Điều 17. Chấp hành viên

“1. Chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định theo quy định tại Điều 2 của Luật này. Chấp hành viên có ba ngạch là Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp.

2. Chấp hành viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm.

3. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thi tuyển, bổ nhiệm Chấp hành viên”.    

3. Điều 18. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên

“1. Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, trung thực, liêm khiết, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ cử nhân luật trở lên, có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có thể được bổ nhiệm làm Chấp hành viên.

2. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này và có đủ các điều kiện sau thì được bổ nhiệm làm Chấp hành viên sơ cấp:

a) Có thời gian làm công tác pháp luật từ 03 năm trở lên;

b) Đã được đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự;

c) Trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp.

3. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này và có đủ các điều kiện sau thì được bổ nhiệm làm Chấp hành viên trung cấp:

a) Có thời gian làm Chấp hành viên sơ cấp từ 05 năm trở lên;

b) Trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên trung cấp.

4. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này và có đủ các điều kiện sau thì được bổ nhiệm làm Chấp hành viên cao cấp:

a) Có thời gian làm Chấp hành viên trung cấp từ 05 năm trở lên;

b) Trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên cao cấp.

5. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều này, là sỹ quan quân đội tại ngũ thì được bổ nhiệm làm Chấp hành viên trong quân đội.

Tiêu chuẩn để được bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp trong quân đội được thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

6. Người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên chuyển công tác đến cơ quan thi hành án dân sự có thể được bổ nhiệm làm Chấp hành viên ở ngạch tương đương mà không qua thi tuyển.

7. Trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 10 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên trung cấp hoặc đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 15 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên cao cấp”.

4. Điều 19. Miễn nhiệm Chấp hành viên

“1. Chấp hành viên đương nhiên được miễn nhiệm trong trường hợp nghỉ hưu hoặc chuyển công tác đến cơ quan khác.

2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định miễn nhiệm Chấp hành viên trong các trường hợp sau đây:

a) Do hoàn cảnh gia đình hoặc sức khỏe mà xét thấy không thể bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ Chấp hành viên;

b) Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ không bảo đảm thực hiện nhiệm vụ Chấp hành viên hoặc vì lý do khác mà không còn đủ tiêu chuẩn để làm Chấp hành viên.

3. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục miễn nhiệm Chấp hành viên”.

5. Điều 20. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên

“1. Kịp thời tổ chức thi hành vụ việc được phân công; ra các quyết định về thi hành án theo thẩm quyền.

2. Thi hành đúng nội dung bản án, quyết định; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; thực hiện nghiêm chỉnh chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp Chấp hành viên.

3. Triệu tập đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết việc thi hành án.

4. Xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan xử lý vật chứng, tài sản và những việc khác liên quan đến thi hành án.

5. Quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án; lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án; thu giữ tài sản thi hành án.

6. Yêu cầu cơ quan Công an tạm giữ người chống đối việc thi hành án theo quy định của pháp luật.

7. Lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm.

8. Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền, tài sản đã chi trả cho đương sự không đúng quy định của pháp luật, thu phí thi hành án và các khoản phải nộp khác.

9. Được sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ theo quy định của Chính phủ.

10. Thực hiện nhiệm vụ khác theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự.

Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Chấp hành viên phải tuân theo pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án và được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín”.

6. Điều 22. Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự

“1. Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải là Chấp hành viên. Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm; Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án trong quân đội do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm, miễn nhiệm.

2. Chính phủ quy định tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án trong quân đội”.

7. Điều 25. Trang phục, phù hiệu, chế độ đối với công chức làm công tác thi hành án dân sự

“Chấp hành viên, Thẩm tra viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự được cấp trang phục, phù hiệu để sử dụng trong khi thi hành công vụ, được hưởng tiền lương, chế độ phụ cấp phù hợp với nghề nghiệp và chế độ ưu đãi khác theo quy định của Chính phủ”.

8. Điều 46. Cưỡng chế thi hành án

“1. Hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.

2. Không tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.

9. Điều 60. Phí thi hành án dân sự

Người được thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự.

Chính phủ quy định mức phí thi hành án dân sự, thủ tục thu nộp, quản lý, sử dụng phí thi hành án dân sự”.

10. Điều 65. Bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án

Trường hợp cơ quan, tổ chức hoạt động hoàn toàn bằng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp phải thi hành án đã áp dụng mọi biện pháp tài chính cần thiết mà vẫn không có khả năng thi hành án thì ngân sách nhà nước bảo đảm nghĩa vụ thi hành án. Việc xử lý trách nhiệm vật chất đối với người gây ra thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chính phủ quy định thẩm quyền, điều kiện, đối tượng, thủ tục bảo đảm tài chính để thi hành án.

11. Điều 73. Chi phí cưỡng chế thi hành án

“1. Người phải thi hành án chịu chi phí cưỡng chế thi hành án sau đây:

a) Chi phí thông báo về cưỡng chế thi hành án;

b) Chi phí mua nguyên liệu, nhiên liệu, thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế, phòng, chống cháy, nổ, các thiết bị, phương tiện cần thiết khác cho việc cưỡng chế thi hành án;

c) Chi phí cho việc định giá, giám định tài sản, bán đấu giá tài sản; chi phí định giá lại tài sản, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này;

d) Chi phí cho việc thuê, trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản; chi phí thuê nhân công và khoản chi phục vụ cho việc xây ngăn, phá dỡ; chi thuê đo đạc, xác định mốc giới để thực hiện việc cưỡng chế thi hành án;

đ) Chi phí cho việc tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ;

e) Tiền bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế thi hành án.

2. Người được thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án sau đây:

a) Chi phí xác minh theo quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật này; chi phí định giá lại tài sản nếu người được thi hành án yêu cầu định giá lại, trừ trường hợp định giá lại do có vi phạm quy định về định giá;

b) Một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn, phá dỡ trong trường hợp bản án, quyết định xác định người được thi hành án phải chịu chi phí xây ngăn, phá dỡ.

3. Ngân sách nhà nước trả chi phí cưỡng chế thi hành án trong các trường hợp sau đây:

a) Định giá lại tài sản khi có vi phạm quy định về định giá;

b) Chi phí xác minh điều kiện thi hành án trong trường hợp chủ động thi hành án quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật này;

c) Chi phí cần thiết khác theo quy định của Chính phủ;

d) Trường hợp đương sự được miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật.

4. Chấp hành viên dự trù chi phí cưỡng chế và thông báo cho người phải thi hành án biết ít nhất 03 ngày làm việc trước ngày cưỡng chế đã được ấn định, trừ trường hợp cần thiết phải cưỡng chế ngay. Chi phí cưỡng chế thi hành án được tạm ứng từ ngân sách nhà nước.

5. Các khoản chi phí cưỡng chế thi hành án được thanh toán theo mức chi thực tế, hợp lý do Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự duyệt theo đề xuất của Chấp hành viên.

Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự nơi tổ chức việc thi hành án thực hiện xét miễn, giảm các khoản chi phí cưỡng chế thi hành án”.

6. Chi phí cưỡng chế thi hành án do đương sự nộp hoặc được khấu trừ vào tiền thu được, tiền bán đấu giá tài sản kê biên, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ. Sau khi xử lý tài sản hoặc thu được tiền, Chấp hành viên phải làm thủ tục hoàn trả ngay các khoản tiền đã tạm ứng trước đó.

7. Chính phủ quy định mức bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế thi hành án; thủ tục thu, nộp, miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án.

12. Điều 85. Định giá quyền sở hữu trí tuệ

“1. Quyền sở hữu trí tuệ được định giá theo quy định tại Điều 98 và Điều 99 của Luật này và pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ.

2. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục, phương pháp định giá và thẩm quyền định giá quyền sở hữu trí tuệ”.

13. Điều 86. Bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ

1. Quyền sở hữu trí tuệ được bán đấu giá theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản và pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ.

2. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục bán đấu giá và thẩm quyền bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ.

14. Điều 98. Định giá tài sản kê biên

“1. Ngay khi kê biên tài sản mà đương sự thoả thuận được về giá tài sản hoặc về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên lập biên bản về thỏa thuận đó. Giá tài sản do đương sự thoả thuận là giá khởi điểm để bán đấu giá. Trường hợp đương sự có thoả thuận về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá đó.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên tài sản, Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên trong các trường hợp sau đây:

a) Đương sự không thoả thuận được về giá và không thoả thuận được việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá;

b) Tổ chức thẩm định giá do đương sự lựa chọn từ chối việc ký hợp đồng dịch vụ;

c) Thi hành phần bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật này.

3. Chấp hành viên xác định giá trong các trường hợp sau đây:

a) Không thực hiện được việc ký hợp đồng dịch vụ quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Tài sản kê biên thuộc loại tươi sống, mau hỏng hoặc có giá trị nhỏ mà đương sự không thoả thuận được với nhau về giá. Chính phủ quy định về tài sản có giá trị nhỏ”.

15. Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14-11-2008 của Quốc hội về việc thi hành Luật thi hành án dân sự năm 2008 đã quyết nghị:

- “2. Để triển khai thực hiện chủ trương xã hội hoá một số công việc có liên quan đến thi hành án dân sự, giao Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (Thừa hành viên) tại một số địa phương.

Việc thí điểm được thực hiện từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành đến ngày 01 tháng 7 năm 2012.

Chính phủ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

3. Để phù hợp với điều kiện cụ thể về nguồn công chức làm công tác thi hành án tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa trong giai đoạn hiện nay, giao Chính phủ quy định những cơ quan thi hành án dân sự cụ thể các địa bàn nêu trên được tuyển chọn người có trình độ cử nhân luật làm Chấp hành viên không qua thi tuyển trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Luật thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành”.

Ngoài ra, còn một số quy định khác của Luật thi hành án dân sự năm 2008 cũng cần có hướng dẫn để đảm bảo việc thi hành được thống nhất trên phạm vi cả nước như: kê biên, xử lý quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; cưỡng chế trả giấy tờ; cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định; cưỡng chế buộc nhận người lao động trở lại làm việc, v.v.,

Để thực hiện tốt việc chuẩn bị các biện pháp cần thiết để thi hành có hiệu quả Luật thi hành án dân sự năm 2008 và Nghị quyết về việc thi hành Luật này ngay sau ngày có hiệu lực pháp luật, thực sự tạo chuyển biến đột phá trong công tác thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đã kịp thời xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Luật thi hành án dân sự và Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật thi hành án dân sự. Theo đó, từ nay đến trước ngày Luật thi hành án dân sự năm 2008 có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2009), Bộ Tư pháp sẽ được giao chủ trì xây dựng hoặc phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng để trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quan trọng hướng dẫn thi hành Luật thi hành án dân sự năm 2008 sau đây:

Một là, xây dựng dự thảo nghị định hướng dẫn về hệ thống tổ chức thi hành án và công chức làm công tác thi hành án. Nghị định này gồm có các nội dung chính như nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thi hành án dân sự, tên gọi, cơ cấu, tổ chức cụ thể của cơ quan thi hành án dân sự; trình tự, thủ tục thi tuyển, bổ nhiệm Chấp hành viên; trình tự, thủ tục miễn nhiệm Chấp hành viên; quyền được sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ của Chấp hành viên; tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án trong quân đội; trang phục, phù hiệu để sử dụng trong khi thi hành công vụ, được hưởng tiền lương, chế độ phụ cấp phù hợp với nghề nghiệp và chế độ ưu đãi khác đối với Chấp hành viên, Thẩm tra viên và công chức làm công tác thi hành án dân sự, v.v.

Hai là, xây dựng dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn về thủ tục thi hành án dân sự. Nghị định này gồm các nội dung chính như cưỡng chế thi hành án; mức phí thi hành án dân sự, thủ tục thu nộp, quản lý, sử dụng phí thi hành án dân sự; bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án; chi phí cưỡng chế thi hành án; định giá quyền sở hữu trí tuệ; bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ; định giá tài sản kê biên; v.v.

Ba là, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục các cơ quan thi hành án dân sự tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa được tuyển chọn người có trình độ cử nhân luật làm Chấp hành viên không qua thi tuyển.

Bốn là, sau khi Đề án thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh được cơ quan có thẩm quyền thông qua, sẽ xây dựng dự thảo Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Nghị định này gồm các nội dung cơ bản như nguyên tắc hoạt động của Thừa phát lại; phạm vi công việc Thừa phát lại được thực hiện trong lĩnh vực thi hành án dân sự; thủ tục chung về thi hành án của Thừa phát lại; quản lý nhà nước về Thừa phát lại; tiêu chuẩn, thẩm quyền, thủ tục bổ nhiệm Thừa phát lại, khiếu nại, tố cáo hoạt động thi hành án của Thừa phát lại, v.v.

Ngoài ra, còn một số quy định khác trong Luật thi hành án dân sự và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật này cũng cần có thông tư hướng dẫn cụ thể hơn như miễn giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản nộp ngân sách nhà nước; hướng dẫn trại giam, trại tạm giam thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền thi hành án; bảo vệ cưỡng chế thi hành án; bảo đảm tài chính để thi hành án; v.v.

Cùng với việc xây dựng các văn bản mới, Bộ Tư pháp sẽ đồng thời tiến hành rà soát các quy định của pháp luật trong các Nghị định, Thông tư, Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan khác về thi hành án dân sự, các quy định của pháp luật liên quan đến thi hành án dân sự trong các bộ luật, luật, pháp lệnh liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành còn hoặc không còn phù hợp với quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008. Từ kết quả rà soát đó, sẽ công bố danh mục những văn bản không còn phù hợp, những văn bản, quy định còn phù hợp để làm cơ sở tiếp tục soạn thảo, xây dựng các văn bản mới hướng dẫn thi hành Luật thi hành án dân sự năm 2008. Trong số các văn bản hướng dẫn Luật thi hành án dân sự năm 2008 dự kiến ban hành trong thời gian tới thì một số văn bản cần được tập trung ưu tiên soạn thảo, xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền ban hành trước như: nghị định của Chính phủ quy định về hệ thống tổ chức thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự; nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về thủ tục thi hành án dân sự; phí thi hành án; nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục các cơ quan thi hành án dân sự tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa được tuyển chọn người có trình độ cử nhân luật làm Chấp hành viên không qua thi tuyển, v.v.

Có thể nói công tác xây dựng thể chế thi hành án dân sự đang được Chính phủ và các Bộ, ngành gấp rút khẩn trương triển khai thực hiện theo đúng quyết nghị tại Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật thi hành án dân sự năm 2008. Hy vọng rằng với sự tập trung, nỗ lực cao của các cấp Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, tinh thần đổi mới công tác thi hành án dân sự trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng đã được thể chế hoá vào Luật thi hành án dân sự năm 2008 và Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật thi hành án dân sự sẽ sớm được triển khai thực hiện theo đúng tiến độ, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phát huy tác dụng của Luật thi hành án dân sự trong việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức./.


Nguyễn Quang Minh