Giám định tư pháp ở địa phương hiện nay - ai quản

31/12/2008
Thực hiện công tác quản lý nhà nước hiện nay, yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo giữ vững trật tự an toàn xã hội nâng cao năng lực và hiệu qủa quản lý mọi mặt đời sống xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền. Để thực hiện được điều đó đòi hỏi các cơ quan trong tỉnh, đặc biệt là cơ quan điều tra, truy tố, xét xử phải xét xử nghiêm minh đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt kẻ phạm tội, không làm oan người người vô tội.

Trong hoạt động tố tụng, để giúp các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết tốt vụ án, đưa ra được kết luận chính xác, khách quan công tác Giám định tư pháp có vai trò hết sức quan trọng. Thông qua việc xem xét, đánh giá về mặt chuyên môn các vấn đề có liên quan đến vụ án, Giám định tư pháp cung cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng những chứng cứ mang tính khoa học; kết luận giám định được pháp luật coi là nguồn chứng cứ, nhiều trường hợp là chứng cứ quan trọng, duy nhất để buộc tội hoặc định khung hình phạt, mức bồi thường thiệt hại. Có thể nói Giám định tư pháp là một hoạt động bổ trợ tồn tại cùng với hoạt động tố tụng và không thể thiếu trong bất kỳ nền tư pháp nào. Xã hội càng văn minh thì quyền con người càng được nâng cao và tôn trọng, yêu cầu trừng phạt kẻ phạm tội càng đòi hỏi sự khách quan, khoa học, chính xác, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội; do đó giám định tư pháp ngày càng có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải quyết các vụ án. Từng bước hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp, ngày 29/9/2004, Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội đã ban hành Pháp lệnh Giám định tư pháp và ngày 19/5/2005 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2005/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh giám định tư pháp. Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh giám định tư pháp, còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý hoạt động giám định tư pháp cần phải có những giải pháp cụ thể và sớm hoàn thiện thể chế pháp luật về giám định tư pháp quy định rõ quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý và các cơ quan chuyên môn trong hoạt động giám định tư pháp.

Pháp lệnh giám định tư pháp quy định UBND cấp tỉnh thực hiện việc quản lý nhà nước về giám định tư pháp ở địa phương và Nghị định số 67/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ quy định Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh trong việc quản lý nhà nước về giám định tư pháp ở địa phương; Sở Tư pháp có 07 nhiệm vụ và quyền hạn gồm: Chủ trì, phối hợp với Sở chuyên môn quản lý về lĩnh vực giám định tư pháp trình UBND cấp tỉnh quyết định thành lập tổ chức giám định tư pháp ở địa phương; đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp ở địa phương; lập hồ sơ đề nghị Bộ Tư pháp cấp và thu hồi thẻ giám định viên tư pháp; chủ trì, phối hợp với các Sở chuyên môn quản lý về lĩnh vực tư pháp lựa chọn người giám định theo vụ việc để UBND cấp tỉnh đề nghị Bộ Tư pháp lập và công bố danh sách; phối hợp với các sở chuyên môn quản lý lĩnh vực giám định tư pháp trong việc tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cần thiết cho giám định viên tư pháp; phối hợp kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về giám định tư pháp; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền; định kỳ sáu tháng và hàng năm, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tư pháp về tổ chức và hoạt động giám định tư pháp ở địa phương. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay Sở Tư pháp không quản lý về con người thực hiện hoạt động giám định tư pháp và kinh phí đảm bảo cho hoạt động giám định tư pháp nên khi thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đã gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc:

 Thứ nhất: Đối với việc bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở địa phương, Sở Tư pháp đã và đang thực hiện. Tuy nhiên, Pháp lệnh giám định tư pháp quy định không rõ ràng, cụ thể về mối quan hệ phối hợp công tác giữa cơ quan tiến hành tố tụng với các giám định viên và cơ quản quản lý nhà nước về giám định tư pháp. Do vậy, Sở Tư pháp và các Sở, ngành chuyên môn rất bị động trong công tác quản lý giám định. Không có cơ chế trao đổi thông tin giữa cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan quản lý nên không thể nắm bắt được nhu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng để xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ giám định viên ở địa phương. Hoạt động giám định tư pháp là một lĩnh vực công tác rất khó xây dựng kế hoạch trước, hoạt động hoàn toàn phụ thuộc vào yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và cá nhân, tổ chức. Chỉ khi có vụ việc phát sinh cần phải trưng cầu giám định thì giám định viên mới phải thực hiện nhiệm vụ. Ví dụ, để xác định tuổi của con trâu, bò; nhóm gỗ, loại gỗ, tuổi rừng… thì mới trưng cầu giám định về lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp. Theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định số 67/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ quy định Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, thủ tục bổ nhiệm giám định viên  thuộc lĩnh vực do Bộ, ngành mình quản lý; nhưng một số lĩnh vực như: Văn Hoá, Xây dựng, Môi trường…. chưa có văn bản hướng dẫn do vậy khi tiếp nhận hồ sơ do các ngành đề nghị bổ nhiệm Giám định viên thuộc lĩnh vực này Sở Tư pháp không có cơ sở pháp lý để đối chiếu về thủ tục và tiêu chuẩn của ngành.

Thứ hai: Đối với việc miễn nhiệm giám định viên tư pháp, theo quy định của Pháp lệnh Giám định tư pháp và Nghị định số 67/2005/NĐ-CP thì việc miễn nhiệm giám định viên tư pháp được thực hiện khi: Không còn đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 8 của Pháp lệnh giám định tư pháp; bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên do cố ý vi phạm trong hoạt động chuyên môn hoặc vi phạm đạo đức nghề nghiệp; bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về giám định tư pháp; vi phạm quy định tại Điều 14 của Pháp lệnh giám định tư pháp và trong trường hợp giám định viên tư pháp không thể tiếp tục đảm nhiệm công việc giám định vì lý do chính đáng khác. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy chế phối hợp quản lý hoạt động giám định tư pháp giữa cơ quản lý nhà nước và các cơ quan chuyên môn quản lý lĩnh vực giám định tư pháp. Do đó, trường hợp cơ quan chuyên môn xử lý kỷ luật cán bộ, công chức được bổ nhiệm làm giám định viên nhưng không thông báo cho cơ quan quản lý giám định viên tư pháp (Sở Tư pháp) thì Sở Tư pháp không thể biết để lập hồ sơ đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp được. Đặc biệt là khi cơ quan chuyên môn quản lý lĩnh vực giám định tư pháp thực hiện việc điều động, luân chuyển cán bộ hoặc trường hợp cán bộ công chức là giám định viên tư pháp nghỉ thôi việc, chuyển công tác khác hoặc nghỉ hưu mà cơ quan chuyên môn quản lý cán bộ, công chức khi ra các quyết định mà không thông báo hoặc yêu cầu Sở Tư pháp hoàn tất hồ sơ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh miễn nhiệm giám định viên tư pháp thì những trường hợp này sẽ giải quyết như thế nào? Theo báo cáo tổng kết bốn năm thực hiện pháp lệnh giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Lào Cai của Sở Tư pháp Lào Cai đến 30/6/2008 trên địa bàn toàn tỉnh có 67 giám đinh viên tư pháp đã được bổ nhiệm, nhưng chỉ có 32 giám định viên tư pháp đang hoạt động, 05 giám định viên đang đề nghị miễn nhiệm còn 30 giám định viên tư pháp đã được bổ nhiệm nhưng hiện không hoạt động do đã nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc nghỉ thôi việc. Như vậy, khi chưa có quyết định miễn nhiệm giám định viên thì các trường hợp này vẫn là giám định viên tư pháp của tỉnh Lào Cai, mặc dù thực tế họ không thực hiện hoạt động giám định tư  pháp nữa và có trường hợp đã chuyển công tác sang tỉnh khác.

Thứ ba: Khó khăn, vướng mắc liên quan đến quản lý giám định tư pháp ở địa phương đó là thực hiện công tác báo cáo về tổ chức giám định và hoạt động giám định tư pháp. Quản lý về tổ chức giám định tư pháp ở địa phương hiện nay rất khó khăn, vì như đã nói ở phần đầu hiện nay giám định viên tư pháp là cán bộ, công chức do các cơ quan chuyên môn quản lý. Pháp luật về giám định hiện hành không quy định trách nhiệm của các giám định viên tư pháp hàng năm phải nộp bản khai lý lịch bổ sung cho cơ quan quản lý về giám định tư pháp (Sở Tư pháp). Đặc biệt ở địa phương chưa có quy chế phối hợp quản lý giám định viên tư pháp giữa các cơ quan nên khi giám định viên tư pháp có sự thay đổi về chức vụ, đơn vị công tác, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ Sở Tư pháp không thể nắm bắt kịp thời được. Quyết định định bổ nhiệm giám định viên tư pháp không có thời hạn do vậy, thực tế đã có rất nhiều trường hợp khi được bổ nhiệm làm giám định viên tư pháp thì có trình độ chuyên môn là đại học, trình độ chính trị trung cấp và giữ chức vụ chuyên viên của cơ quan chuyên môn, sau đó đã đi học thêm và có bằng thạc sĩ, tiến sỹ, cử nhân hoặc cao cấp chính trị và được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo nhưng Sở Tư pháp không thể nắm bắt được kịp thời do không quản lý trực tiếp.

Theo quy định tại Khoản 1 - Điều 24 Pháp lệnh giám định tư pháp thì người trưng cầu giám định có thể trưng cầu giám định viên tư pháp, người giám định theo vụ việc; tổ chức giám định tư pháp hoặc tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện về chuyên môn, cơ sở vật chất bảo đảm thực hiện giám định. Như vậy khi có yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người trưng cầu giám định không thông qua cơ quan quản lý nhà nước mà trực tiếp yêu cầu người giám định, tổ chức giám định thực hiện yêu cầu giám định. Theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp thì hiện nay có hai lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự và pháp y được kiện toàn tổ chức theo mô hình Trung tâm hoặc Phòng nghiệp vụ, có nhiệm vụ định kỳ tháng, quý và hàng năm báo cáo kết quả công tác với cơ quan chủ quản và Sở Tư pháp. Các lĩnh vực giám định tư pháp khác pháp luật về giám định không quy định rõ người giám định phải định kỳ báo cáo kết quả hoạt động giám định với cơ quan chủ quản và Sở Tư pháp. Do vậy, trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước về giám định Sở Tư pháp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổng hợp, báo cáo kết quả giám định tư pháp thuộc các lĩnh vực này. Theo Pháp lệnh giám định tư pháp các giám định viên hoạt động độc lập và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật, không phụ thuộc vào cơ quan chủ quản. Do vậy nếu không quy định cụ thể trách nhiệm định kỳ các giám định viên phải báo cáo kết quả hoạt động với cơ quan chủ quản thì cơ quan chủ quản cũng không biết được giám định viên thuộc lĩnh vực do ngành quản lý có hoạt động hay không và kết quả hoạt động ra sao? Pháp lệnh giám định tư pháp quy định không rõ ràng, cụ thể về chế độ thông tin, báo cáo; mối quan hệ phối hợp công tác giữa cơ quan tiến hành tố tụng với các giám định viên và cơ quan quản lý nhà nước về giám định tư pháp. Không có cơ chế trao đổi thông tin giữa cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan quản lý nên các cơ quan quản lý không thể nắm bắt được kết quả hoạt động của các giám định viên tư pháp, chất lượng các kết luận giám định của giám định viên tư pháp.

Thứ tư: Pháp lệnh giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định rõ nguồn kinh phí phục vụ cho công tác quản lý giám định tư pháp ở địa phương gồm: kinh phí tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; kinh phí cho các giám định viên đi tham dự các lớp bồi dưỡng, tập huấn do Bộ Tư pháp và các Bộ ngành tổ chức sẽ do cơ quan nào ở cấp tỉnh đảm bảo. Hiện nay các đơn vị đang thực hiện khoán biên chế và  khoán kinh phí hoạt động do vậy nếu không có nguồn kinh phí của cơ quan quản lý nhà nước về giám định mà phụ thuộc và kinh phí của cơ quan chủ quản chuyên môn thì các giám định viên rất ít khi được đi tham gia các lớp tập huấn do các Bộ, ngành ở trung ương tổ chức do không có kinh phí. Ngoài ra, chưa có hướng dẫn cụ thể về nguồn kinh phí, cơ quan thực hiện thanh, quyết toán các chế độ bồi dưỡng, thi đua khen thưởng và các chế độ chính sách khác cho các giám định viên tư pháp do vậy không có cơ sở pháp lý để thực hiện.

Hoạt động giám định tư pháp có vị trí, vai trò rất quan trọng trong công tác điều tra, truy tố, xét xử. Làm tốt công tác này sẽ giúp các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra nhanh, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, trong những năm qua đã đạt được những kết quả nhất định. Hiện nay, ở cấp tỉnh lĩnh vực giám định tư pháp về Pháp y và Kỹ thuật hình sự đã được kiện toàn và đã được đầu tư một số trang thiết bị làm việc, có giám định viên chuyên trách, hoạt động. Tuy nhiên, các lĩnh vực giám định tư pháp khác như văn hoá, xây dựng và các giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y ở cấp huyện hiện nay chủ yếu làm việc kiêm nhiệm, chế độ đãi ngộ thấp, các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn; điều kiện làm việc không thuận lợi, môi trường ô nhiễm, phơi nhiễm cao với các bệnh lây truyền; các trang thiết bị bảo hộ như găng tay, ủng, quần áo... không được trang bị kịp thời, chưa đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới do đó đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động giám định tư pháp ở địa phương. Các quy định của pháp luật về giám định tư pháp hiện nay chưa quy định rõ cơ chế, biện pháp hỗ trợ cho các tổ chức giám định tư pháp, người thực hiện hoạt động giám định tư pháp; Sở Tư pháp lại không phải là cơ quan quản lý trực tiếp đối với các tổ chức giám định tư pháp, người giám định tư pháp nên không có cơ sở để tham mưu cho chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động giám định tư pháp trong khi các tổ chức quản lý trực tiếp lại thiếu quan tâm, hỗ trợ. Do vậy để động viên, khuyến khích các giám định viên yên tâm công tác, hăng say nghiên cứu khoa học cần có một cơ chế, chính sách rõ ràng nhằm thu hút được đông đảo đội ngũ cán bộ, trí thức giỏi tham gia hoạt động giám định tư pháp trên tất cả các lĩnh vực.

Hiện nay, chưa có quy chuẩn chuyên môn và quy trình giám định cho từng lĩnh vực. Ngoài ra công tác giám định tư pháp ở địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn do các quy định của pháp luật về giám định chưa đầy đủ, rõ ràng, còn nhiều quy định chưa được hướng dẫn chi tiết. Việc thực hiện các dịch vụ giám định theo quy định tại điều 23 Nghị định số 67/2005/NĐ-CP, việc thu phí giám định chưa triển khai thực hiện được do đến nay chưa có văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành về mức thu và chế độ thu, nộp quản lý sử dụng phí giám định.

Để công tác giám định tư pháp đi vào thực tế cuộc sống, góp phần phục vụ cho việc giải quyết vụ án một các đúng đắn và khách quan, các cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm khắc phục các tồn tại, vướng mắc trên trong thời gian sớm nhất: Cần sớm hoàn thiện pháp luật về giám định tư pháp, có quy định rõ ràng, cụ thể về cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về giám định tư pháp và các cơ quan tiến hành tố tụng; cơ chế phối hợp quản lý giữa cơ quan chuyên môn quản lý lĩnh vực giám định tư pháp với cơ quan quản lý nhà nước về giám định tư pháp, nhằm tiến tới xây dựng một đội ngũ giám định viên chuyên trách, ổn định có cơ cấu tổ chức rõ ràng từ Trung ương đến địa phương. Cần phải quy định cụ thể nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp do ngân sách nhà nước cấp  bao gồm các mục chi: Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, thi đua khen thưởng, kinh phí tổ chức cho các giám định viên đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh, thành trong nước và nước ngoài. Ngoài ra các cơ quan tiến hành tố tụng phải định kỳ có sự trao đổi thông tin, thông báo kết quả sử dụng kết luận giám định đến trực tiếp các giám định viên thực hiện hoặc tổ chức giám định để rút kinh nghiệm chung.

Lê Thị La - Sở Tư pháp Lào Cai