Theo Chuyên gia Ken Matsumoto - Cố vấn đặc biệt Trung tâm Thương mại công bằng Nhật Bản thì Nhật Bản có chiến lược phòng vệ thương mại riêng, trong đó Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến những lợi thế được đánh giá có hiệu quả, bao gồm tận dụng lợi ích của tư cách thành viên WTO liên quan đến chống bán phá giá; đơn vị phòng vệ thương mại trong Chính phủ; đơn vị phòng vệ thương mại trong lĩnh vực tư nhân và đào tạo chuyên gia thương mại.
Lợi ích của tư cách thành viên WTO liên quan đến chống bán phá giá
Theo Chuyên gia Ken Matsumoto, có ba ngoại lệ đối với tự do hóa thương mại đó là thuế chống bán phá giá, thuế đối kháng và biện pháp tự vệ. Theo quy định tại Điều XI của GATT 1994, thuế chống bán phá giá được hiểu là một khoản thuế đánh vào sản phẩm của một nước được đưa vào kinh doanh thương mại trên thị trường của một nước khác với giá thấp hơn giá trị thông thường của sản phẩm (thấp hơn giá bán tại thị trường trong nước hoặc thấp hơn chi phí để sản xuất ra sản phẩm đó) và gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành công nghiệp nội địa nước nhập khẩu. Thuế đối kháng được hiểu là một khoản thuế đặc biệt áp dụng nhằm mục đích triệt tiêu mọi khoản ưu đãi hay trợ cấp dành trực tiếp hay gián tiếp cho công đoạn chế biến, sản xuất hay xuất khẩu bất cứ hàng hoá nào. Theo quy định tại Điều XIX GATT 1994, nếu do hậu quả của những diễn biến không lường trước được và do kết quả của những nghĩa vụ, trong đó có nhân nhượng thuế quan của một bên ký kết, một sản phẩm được nhập khẩu vào lãnh thổ của bên ký kết đó với số lượng gia tăng và đến mức gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà sản xuất sản phẩm tương tự hay sản phẩm cạnh tranh trực tiếp trong nước, bên ký kết có đó có quyền ngừng toàn bộ hay một phần cam kết của mình, rút bỏ hay điều chỉnh nhân nhượng thuế quan đối với sản phẩm đó trong thời gian cần thiết để ngăn chặn và khắc phục những tổn hại.
Như vậy, với tư cách là một thành viên của WTO, Nhật Bản có quyền áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu gian lận theo quy định của WTO, Nhật Bản cũng có thể dựa vào các nguyên tắc luật pháp để đối phó với hàng hóa bán phá giá thay vì dựa vào nỗ lực đàm phán với ưu thế của các quốc gia mạnh hơn. WTO hoạt động với những nguyên tắc nhất định buộc các nước thành viên phải tuân thủ theo mà không xem xét đến vị thế của mỗi nước, và với những nguyên tắc đó Nhật Bản cũng như các nước thành viên khác sẽ được bảo vệ khỏi các trường hợp vi phạm trong chống bán phá giá. Trong trường hợp có sự vi phạm dẫn đến tranh chấp, thành viên có quyền khởi kiện theo Quy trình giải quyết tranh chấp WTO, thực tiễn đã chứng minh rằng các quốc gia yếu hơn có thể thắng kiện các nước mạnh hơn, cụ thể là EU và Hoa Kỳ đã từng thua trong một số vụ kiện. Ngoài ra, theo kinh nghiệm của Nhật Bản thì các chuyên gia pháp luật nước ngoài cũng có thể hỗ trợ về mặt pháp lý để giành chiến thắng dựa trên những nguyên tắc của WTO.
Đơn vị phòng vệ thương mại trong Chính phủ
Hiện nay, tồn tại hai kiểu phòng vệ thương mại: kiểu thứ nhất được gọi là kiểu Hoa Kỳ hay còn gọi là kiểu phân chia thẩm quyền (phân chia thẩm quyền về bán phá giá và thiệt hai cho các cơ quan khác nhau), ví dụ theo luật pháp Hoa Kỳ thì hai cơ quan thực thi luật chống bán phá giá là Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) và Uỷ ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC), trong đó Bộ Thương mại là một cơ quan thuộc nội các của Tổng thống , được điều hành bởi yếu tố chính trị, chịu trách nhiệm tiến hành điều tra chính thức các vụ việc về chống bán phá giá, trợ cấp, đồng thời chịu trách nhiệm trong việc tính toán các mức độ phá giá, trợ cấp khi một vụ kiện bắt đầu. Uỷ ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ là cơ quan liên bang bán tư pháp, độc lập, gồm có 6 Uỷ viên (3 Uỷ viên thuộc Đảng cộng hoà và 3 Uỷ viên thuộc Đảng dân chủ), cơ quan này chịu trách nhiệm xác định liệu hàng hoá nhập khẩu có phải là nguyên nhân gây thiệt hại cho ngành công nghiệp nội địa Hoa Kỳ hay không, hay Đài Bắc - Trung Quốc thì Vụ Hải quan thuộc Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm điều tra về giá, và Ủy ban Thương mại quốc tế thuộc Bộ Kinh tế chịu trách nhiệm điều tra về thiệt hại. Kết luận cuối cùng về việc áp dụng thuế chống bán phá giá do Ủy ban thuế hải quan đưa ra. Theo Chuyên gia Ken Matsumoto kiểu này có thể khách quan hơn trong điều tra vì các cơ quan sẽ độc lập hơn trong trách nhiệm của mình.
Kiểu thứ hai được gọi là kiểu EU hay còn gọi là kiểu kết hợp (do một cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm), ví dụ như ở Inđônêxia là do Ủy ban chống bán phá giá, ở Malaixia do Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế hay ở Trung Quốc từ năm 2003 được giao cho Bộ Thương mại chịu trách nhiệm điều tra cả giá và thiệt hại.Kiều kết hợp này có thể hợp lý và kinh tế hơn trong trường hợp nguồn nhân lực và tài chính bị hạn chế.
Nhật Bản không theo một trong hai kiểu trên mà hình thành đơn vị phòng vệ thương mại trong Chính phủ theo một mô hình riêng, là sự kết hợp chung giữa một số bộ, ngành liên quan (Bộ Kinh tế, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Bộ Kho bạc). Quan chức của các Bộ, ngành này hình thành một nhóm công tác nhỏ để tiến hành điều tra giá và thiệt hại.
Đơn vị phòng vệ thương mại trong lĩnh vực tư nhân
Năm 1984 Nhật Bản thành lập Trung tâm thương mại Công bằng (FTC), đây là một tổ chức phi chính phủ với hơn 200 công ty và hiệp hội nghề nghiệp (bao gồm các ngành thép, ôtô, điện tử, máy móc, hóa dầu, dệt, xi măng, giấy, kinh doanh nhà) là thành viên, FTC chuyên nghiên cứu phi lợi nhuận để hỗ trợ hệ thống thương mại WTO, thương mại cởi mở và cạnh tranh công bằng; giúp xây dựng năng lực WTO, hài hòa thương mại, môi trường và phát triển bền vững nền kinh tế toàn cầu. Các hoạt động ban đầu của FTC chủ yếu tập trung vào hỗ trợ các công ty của Nhật Bản dính líu đến điều tra chống bán phá giá của nước ngoài, đến nay những hoạt động này đã được mở rộng bao gồm các vấn đề thương mại trong hệ thống thương mại của Tổ chức thương mại thế giới. Chức năng của FTC là chuyên gia cố vấn về các vấn đề thương mại; kênh thông tin giữa chính phủ và các ngành công nghiệp; thu thập thông tin và cơ sở dữ liệu; tổ chức giáo dục; tư vấn về các vấn đề pháp lý trong thương mại và làm cộng tác viên trong xây dựng năng lực. Với các dự án nghiên cứu, hội thảo, cố vấn trong các lĩnh vực thương mại quốc tế, mà đặc biệt liên quan đến chống bán phá giá, FTC tỏ ra có hiệu quả trong chiến lược phòng vệ thương mại của Nhật Bản.
Phương pháp đào tạo chuyên gia thương mại
Để đào tạo các chuyên gia thương mại, theo Chuyên gia Ken Matsumoto, trước tiên phải xác định 3 nhóm vấn đề cơ bản: (1) Nhật Bản sẽ cần những loại chuyên gia nào; (2) chương trình đào tạo nào và (3) ai nên được đào tạo. Chuyên gia cần bao gồm các chuyên gia pháp luật có hiểu biết tốt về luật kinh tế quốc tế, các nhà kinh tế học, kế toán và các chuyên gia có khả năng giao tiếp với các luật sư nước ngoài. Chương trình đào tạo bao gồm chương trình do WTO cung cấp hay một số trường luật của Hoa Kỳ, châu Âu hay chương trình hội thảo của các chuyên gia thương mại của các công ty luật. Những đối tượng được đào tạo thông thường là quan chức chính phủ; nhân sự pháp lý trong công ty tư nhân; hay các học giả (người đào tạo lại) và luật sư hành nghề.
Nhật Bản đã tận dụng nhiều ưu điểm của thành viên WTO cũng như trang bị cho mình nhiều chuyên gia pháp lý và áp dụng đơn vị phòng vệ thương mại trong chính phủ và lĩnh vực tư nhân đã thực sự mang lại hiệu quả trong chiến lược phòng vệ thương mại của Nhật Bản. Đây có thể là những kinh nghiệm tốt cho Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới và những bài học của các vụ kiện về chống bán phá giá của Việt Nam vẫn còn đó. Trong những năm qua, chúng ta thực sự có nhiều nỗ lực trong việc học hỏi kinh nghiệm của các nước, tuy nhiên làm thế nào để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp kịp thời vẫn đang là vấn đề đối với Việt Nam. Chúng ta thực sự đang thiếu một đội ngũ chuyên gia pháp lý giỏi ngoại ngữ, hiểu biết về thương mại quốc tế, sự phối hợp của các cơ quan liên quan trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế vẫn chưa được coi trọng. Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, Việt Nam thực sự cần xây dựng một địa chỉ tin cậy nhằm giải đáp những vướng mắc của doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
TTT