Quy tắc xuất xứ được hiểu là những luật, quy định, quyết định hành chính được các nước Thành viên WTO sử dụng để xác định nguồn gốc xuất xứ hàng hoá, những quy tắc này không liên quan đến thoả thuận thương mại hoặc chế độ thương mại tự chủ có áp dụng ưu đãi thuế quan ngoài phạm vi điều chỉnh của GATT 1994, nó bao gồm tất cả các quy tắc xuất xứ được sử dụng trong công cụ chính sách thương mại không ưu đãi.
Hiệp định về quy tắc xuất xứ được hình thành với mong muốn tiếp tục thực hiện mục tiêu của GATT 1994 của các nước Thành viên. Hiệp định gồm có 4 Phần với 9 Điều và 2 Phụ lục quy định Uỷ ban kỹ thuật về quy tắc xuất xứ và Tuyên bố chung về quy tắc xuất xứ.
Quy định nguyên tắc điều chỉnh việc áp dụng quy tắc xuất xứ, Hiệp định phân biệt hai thời kỳ quá độ và thời kỳ sau quá độ.
Trong thời quá độ
Trong thời kỳ quá độ đòi hỏi các Thành viên phải đảm bảo một số các nguyên tắc cơ bản: khi ban hành quyết định hành chính để áp dụng chung thì các yêu cầu cần được định nghĩa rõ ràng, ví dụ khi áp dụng các tiêu chí chuyển đổi hạng mục trên biểu thuế quan thì phải phải quy định rõ ràng dòng thuế hoặc nhóm các dòng thuế trên biểu thuế chịu sự điều chỉnh của quy tắc đó hoặc khi áp dụng tiêu chí theo tỷ lệ phần trăm giá trị phải quy định cách thức tính phần trăm này trong quy tắc xuất xứ; các quy tắc xuất xứ cũng không được sử dụng để trực tiếp hay gián tiếp theo đuổi chính sách thương mại; không tạo ra các tác động hạn chế, bóp méo thương mại, không đưa ra yêu cầu chặt chẽ hơn thông lệ hoặc không liên quan đến sản xuất hoặc chế biến; việc áp dụng quy tắc xuất xứ đối với hàng xuất khẩu và nhập khẩu không được chặt chẽ hơn quy tắc xuất xứ xác định có phải hàng nội địa hay không; Hiệp định cũng đòi hỏi các Thành viên quản lý quy tắc xuất xứ một cách thống nhất và hợp lý; luật, quy định dưới luật, quyết định hành chính áp dụng chung liên quan đến quy tắc xuất xứ phải được công bố theo quy định tại khoản 1 Điều X GATT 1994; theo yêu cầu của nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu hoặc bất kỳ ai mà có lý do chính đáng, kết quả đánh giá xuất xứ hàng hoá được chấp nhận sớm nhất có thể nhưng không chậm hơn 150 ngày kể từ ngày có yêu cầu đánh giá hợp lệ; hiệu lực hồi tố không được áp dụng khi có sự thay đổi hay ban hành quy tắc xuất xứ mới; theo quy định của Hiệp định này thì bất kỳ hành động hành chính nào liên quan đến xuất xứ đều có thể được Toà án, trọng tài hay toà hành chính độc lập xem xét lại một cách nhanh chống để sửa đổi hoặc huỷ bỏ; các thông tin bí mật để thực thi các quy tắc xuất xứ phải được các cơ quan có thẩm quyền bảo đảm tuyệt mật, không được tiết lộ nếu không được sự cho phép của người, chính phủ cung cấp thông tin.
Sau thời kỳ quá độ
Sau khi có kết quả của chương trình hài hoà quy tắc xuất xứ và triển khai chương trình, Thành viên phải đảm bảo áp dụng quy tắc xuất xứ cho tất cả các mục tiêu như nhau; một nước được coi là nước xuất xứ của một hàng hoá cụ thể nếu hàng hoá được hoàn toàn sản xuất ra ở nước đó, nếu có nhiều nước cùng tham gia vào quá trình sản xuất thì nước nước thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng được coi là nước xuất xứ hàng hoá. Cũng như trong thời kỳ quá độ đòi hỏi các Thành viên không được quy định quy tắc xuất xứ áp dụng cho hàng xuất khẩu và nhập khẩu chặt chẽ hơn quy tắc xác định hàng hoá có phải là nội địa hay không; việc quản lý quy tắc xuất xứ phải thống nhất, vô tư, hợp lý; luật, quy định dưới luật, quyết định hành chính áp dụng chung liên quan đến quy tắc xuất xứ phải được công bố theo quy định tại khoản 1 Điều X GATT 1994…
Hài hoà quy tắc xuất xứ
Theo quy định của Hiệp định, với mục tiêu hài hoà quy tắc xuất xứ, ổn định thương mại thế giới, Hội nghị Bộ trưởng phối hợp với Hội đồng Hợp tác Hải quan thực thi chương trình làm việc trên nhưng nguyên tắc: quy tắc xuất xứ được áp dụng đồng nhất cho tất cả các mục đích được nên tại Hiệp định; quy tắc xuất xứ phải thể hiện rõ nước xuất xứ của hàng hoá; quy tắc xuất xứ cần phải khách quan, dễ hiểu và có thể dự đoán được; Hiệp định cũng quy định rõ không được sử dụng quy tắc xuất xứ trực tiếp hoặc gián tiếp làm công cụ thực hiện mục tiêu thương mại, việc sử dụng quy tắc này không được hạn chế, bóp méo thương mại quốc tế, cũng không được đặt ra yêu cầu quá chặt chẽ không hợp lệ; thực hiện quy tắc này phải thống nhất, khách quan, minh bạch, chặt chẽ và phải dựa trên những tiêu chuẩn khẳng định.
Quy tắc xuất xứ ưu đãi
Quy tắc xuất xứ ưu đãi được hiểu là các luật, quy định, quyết định hành chính được áp dụng để xác định hàng hoá có đủ tiêu chuẩn được hưởng đối xử ưu đãi theo chế độ thương mại dành ưu đãi lẫn nhau ưu đãi thuế vượt ngoài phạm vi áp dụng đối xử tối huệ quốc tại khoản 1 Điều 1 GATT.
Quy tắc xuất xứ ưu đãi yêu cầu các Thành viên đảm bảo khi ban hành quyết định hành chính áp dụng chung, các yêu cầu cần đáp ứng sẽ được quy định rõ ràng, đặc biệt áp dụng tiêu chí chuyển hạng mục thuế quan, áp dụng tiêu chí tỷ lệ phần trăm theo giá trị và áp dụng tiêu chí công đoạn chế biến hay gia công; quy tắc xuất xứ ưu đãi phải được dựa trên tiêu chuẩn khẳng định; đảm bảo xuất bản các luật, quy định dưới luật, quyết định hành chính liên quan tới áp dụng áp dụng quy tắc xuất xứ ưu đãi; cấp kết quả đánh giá xuất xứ hàng hoá không chậm hơn 150 ngày kể từ ngày có yêu cầu của bất kỳ người nào có đầy đủ thủ tục và lý do chính đáng, chấp nhận kết quả đánh giá xuất xứ hàng hoá trong vòng ba năm nếu kết quả đó vẫn tương đồng, trong trường hợp kết quả đánh giá xuất xứ hàng hoá không còn giá trị thì phải thông báo trước cho các bên liên quan; không được áp dụng hồi tố những quy định mới nếu gây tổn hại; các cơ quan chức năng có trách nhiệm phải giữ bí mật tuyệt đối thông tin mật được cung cấp nhằm thực thi quy tắc xuất xứ ưu đãi.
Cam kết của Việt Nam
Những cam kết của Việt Nam liên quan đến quy tắc xuất xứ được thể hiện từ đoạn 239 đến 244 Báo cáo Ban Công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO, theo đó đại Việt Nam xác nhận từ ngày gia nhập WTO, pháp luật và các quy định khác của Việt Nam về quy tắc xuất xứ đối với hàng hoá được buôn bán theo thoả thuận mậu dịch ưu đãi và theo quy chế tối huệ quốc sẽ được áp dụng đúng theo quy định của Hiệp định về quy tắc xuất xứ của WTO. Liên quan đến xuất xứ ưu đãi và không ưu đãi, Việt Nam cam kết khi nhận được yêu cầu của bất kỳ người nào có lý do chính đáng, cơ quan hải quan của Việt Nam sẽ xác định xuất xứ hàng nhập khẩu và định ra các điều kiện mà theo đó việc xác định xuất xứ sẽ được tiến hành, những yêu cầu này cũng sẽ được chấp nhận ngay cả trước khi việc mua bán hàng hoá được bắt đầu và việc xác định xuất xứ đó sẽ có hiệu lực trong vòng thời gian là ba năm. Ngoài ra, Việt Nam cũng cam kết không sử dụng quy tắc xuất xứ như một công cụ để theo đuổi các mục tiêu thương mại một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Quy định của Việt Nam
Mặc dù chưa điều chỉnh hết tất cả các lĩnh nhưng hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh về quy tắc xuất xứ của Việt Nam được đánh giá là phù hợp với Công ước Kyoto và Hiệp định về quy tắc xuất xứ hàng hoá của WTO. Luật Thương mại 2005 dành một điều quy định về giấy chứng nhận xuất xứ và quy tắc xuất xứ hàng hoá, và đã được cụ thể hoá tại Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ngày 20/02/2006 quy định chi tiết Luật thương mại về xuất xứ hàng hoá. Ngoài ra, còn có Quyết định số 1420/2004/QĐ-BTM của Bộ Thương mại về ban hành quy chế cấp giấy chứng nhận xuất xứ ASEAN của Việt Nam -Mẫu D để hưởng các ưu đãi theo Hiệp định về các chương trình thuế quan có hiệu lực chung (CEPT), Thông tư liên tịch giữa Bộ Thương mại và Tổng cục hải quan số 09/2000/TTLT-BTM-TCHQ ngày 17/8/2000 về việc xác định và kiểm tra xuất xứ hàng hoá và số 22/2001/TTLT-BTM-TCHQ ngày 2/10/2001 điều chỉnh bổ sung Thông tư liên tịch 09/2000/TTLT-BTM-TCHQ.
TTT