Thảo luận về dự thảo luật Bồi thường nhà nước tại Hội trường, các Đại biểu quốc hội (ĐBQH) cho rằng luật chưa quy định công chức không thực hiện nhiệm vụ nhưng gây ra thiệt hại, vẫn phải bồi thường, là không phù hợp. Bởi như vậy sẽ vô tình chấp nhận đội ngũ cán bộ, công chức chây lười, vô trách nhiệm, vô cảm.
Lòng vòng căn cứ bồi thường
Góp ý cho dự Luật Bồi thường Nhà nước, ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hoá) nêu trường hợp một giáo viên trung học cơ sở khiếu nại việc bị một chủ tịch UBND huyện ra quyết định xử lý kỷ luật không đúng quy định của pháp luật.
"Công dân này đã gửi đơn khiếu nại đến các cấp chính quyền ở huyện, tỉnh, rồi toà án, kiến nghị ĐBQH xin hướng dẫn của Bộ Tư Pháp để được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần do quyết định sai gây ra nhưng không được chấp nhận do không có căn cứ pháp luật để xét xử việc bồi thường", ông Cuông nói.
ĐB Cuông cho biết: Do không còn đường đi, công dân đến toà án xin rút lại đơn nhưng cũng không được hoàn trả lại tiền án phí và rất bức xúc vì "bị mất cả chì lẫn chài".
Theo Trưởng Ban Dân nguyện QH Trần Thế Vượng, Luật Bồi thường nhà nước ban hành chỉ có thể đi vào cuộc sống nếu như Luật Khiếu nại và giải quyết khiếu nại được ban hành kịp thời, đồng bộ.
Theo ông Vượng, hai luật này có mối liên hệ với nhau bởi nếu như không giải quyết được quyết định hành chính của một cơ quan có thẩm quyền đúng hay sai thì không có căn cứ để đòi bồi thường.
"Tình trạng hiện nay của chúng ta là rất nhiều việc khiếu nại chuyển lòng vòng từ cơ quan này đến cơ quan khác, nên người dân cũng khó có căn cứ để đòi bồi thường", ông Vượng băn khoăn.
ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) không đồng tình dự Luật mới chỉ nêu nhóm hành vi gây thiệt hại gồm 11 loại mà Nhà nước phải chịu trách nhiệm bồi thường, không phù hợp với nguyên tắc của Hiến pháp, vốn nêu "mọi hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và công dân phải được xử lý nghiêm minh".
Gây thiệt hại gián tiếp phải bồi thường
ĐB Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long) nhận xét dự Luật chưa quy định cán bộ, công chức không thực hiện nhiệm vụ nhưng vẫn gây thiệt hại thì phải bồi thường, trong khi dự luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân, và tổ chức.
Bà Hằng nêu trường hợp một bác sỹ e ngại phẫu thuật bệnh nhân do sợ nếu có sai sót phải bồi thường nên không làm, trong khi nếu người bệnh được phẫu thuật sớm hơn sẽ khoẻ hơn và điều trị ít tốn kém hơn. "Tại sao làm gây thiệt hại thì phải bồi thường, không làm, gây thiệt hại thì không phải bồi thường?", ĐB Hằng chất vấn.
ĐB Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) cũng cho rằng quy định chỉ bồi thường trong những trường hợp hành vi do công chức thực hiện nhiệm vụ gây ra thiệt hại là không phù hợp. "Nếu như vậy chúng ta sẽ vô tình chấp nhận một đội ngũ cán bộ, công chức chây lười, vô trách nhiệm, vô cảm với công việc được giao".
ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nêu câu hỏi những trường hợp như một bị cáo A có hành vi phạm pháp luật lẽ ra chỉ đáng phạt 3 năm tù thì toà lại phạt 7 năm tù, hoặc đáng được hưởng án treo nhưng toà án lại phạt tù giam thì bồi thường thiệt hại cho họ như thế nào? Theo ĐB, dự luật không đề cập đến trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong việc xử lý sai về trách nhiệm hình sự của công dân.
ĐB Hồ Thị Thu Hằng chất vấn việc dự luật không quy định bồi thường thiệt hại về danh dự, sức khoẻ, tính mạng và các quyền cơ bản khác của cá nhân, tổ chức là chưa phù hợp.
"Tôi thấy quyền nhân thân là rất quan trọng, "nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại". Đặc biệt người Việt Nam ta rất quan tâm đến chữ tín "cọp chết để da, người chết để tiếng". Theo tôi cần được xin lỗi công khai từ phía cán bộ, công chức đối với trường hợp cá nhân, tổ chức bị oan sai", bà Hằng kiến nghị.
Không thể thương lượng
ĐB Lê Văn Cuông yêu cầu bỏ khoản 4 điều 8, trong đó quy định việc bồi thường thiệt hại được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường với người bị thiệt hại. Ông Cuông nói rõ, luật phải thực hiện theo nguyên tắc gây thiệt hại đến đâu phải bồi thường đến đó.
"Bản chất của quan hệ bồi thường nhà nước là quan hệ hành chính chứ không phải quan hệ dân sự. Do đó, áp dụng cơ chế thoả thuận, thương lượng là không phù hợp", ông Cuông nói.
ĐB Trần Hồng Việt (Hậu Giang) cho rằng toàn bộ chi phí cho bộ máy nhà nước, cán bộ, công chức là do nhân dân đóng góp thông qua các sắc thuế nên việc phục vụ cho dân là nghĩa vụ của bộ máy Nhà nước chứ không phải là "ban ơn".
Ông Việt cũng đề nghị bổ sung vấn đề có "tinh thần khá nóng" là những dự án qui hoạch chi tiết không khả thi, kéo dài thời hạn vi phạm luật định mà không triển khai được, buộc phải huỷ bỏ, gây thiệt hại cho công dân thì phải tính toán bồi thường.
LH