Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội: sẽ nhìn thẳng vào những khuyết điểm, yếu kém

14/11/2008
Sáng 13/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài báo cáo trước Quốc hội và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Trong phiên chất vấn sôi nổi này, Thủ tướng đã trả lời đầy đủ, trực diện vào hàng loạt câu hỏi rất thẳng thắn của các đại biểu, khái quát được vấn đề và thỏa mãn được mối quan tâm cụ thể của đại biểu cử tri.

Việc điều hành xuất khẩu gạo là vì lợi ích tổng thể của đất nước.

Trình bày trước Quốc hội về vấn đề điều hành xuất khẩu gạo, Thủ tướng khẳng định chủ trương của việc điều hành xuất khẩu gạo là phải đạt các yêu cầu: tiêu thụ hết lúa hàng hóa với giá hợp lý, có lợi cho nông dân, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, ổn định giá gạo trong nước ở mức phù hợp.

Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đến phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo cho nông dân bằng nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể.

Ngay từ đầu năm nay, Chính phủ đã đặt chỉ tiêu định hướng điều hành xuất khẩu cho cả năm là 4 - 4,5 triệu tấn và sẽ được xem xét điều chỉnh vào đầu quý III.

Trên cơ sở sản xuất vụ mùa năm 2007 và dự báo sản lượng lúa đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long, sau khi cân đối đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, lượng gạo hàng hóa dành cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm là khoảng 2,3 - 2,5 triệu tấn và đã ký hợp đồng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm trên 2,4 triệu tấn.

Đến cuối tháng 3, giá lương thực thế giới tăng cao và theo nhu cầu dự báo, thế giới có thể thiếu lương thực nghiêm trọng, kéo theo giá lương thực trong nước tăng cao; trong khi đó không ít doanh nghiệp lại tăng cường mua vào (để tích trữ cho xuất khẩu) nên tiếp tục đẩy giá gạo trong nước lên.

Trên cơ sở báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Hiệp hội Lương thực và các cơ quan liên quan về tình hình sản xuất và xuất khẩu gạo, ngày 25/3, Thủ tướng chỉ đạo tạm ngừng ký thêm các hợp đồng xuất khẩu mới. Một trong những lý do mà Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh là: Vào thời điểm này, các tỉnh miền Bắc bị rét đậm, rét hại kéo dài lịch sử. Dự báo lúc đó là 50% được mùa, 50% mất mùa. "Lúc đó tôi chủ trì mà rất suy nghĩ bởi không ai dám nói là sẽ được mùa hay mất mùa. Điều này khó cho lựa chọn quyết định của lãnh đạo. Chúng ta đã gặp tình hình mất mùa như vậy 2 lần, khi gió Lào, nắng nóng về", Thủ tướng bày tỏ.

Việc tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu mới cho đến khi đánh giá được kết quả các vụ mùa này là nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong trường hợp bị mất mùa.

Từ cuối tháng 3, giá gạo trên thế giới tăng cao, có đề nghị cho ký hợp đồng xuất khẩu thêm để tận dụng cơ hội thị trường.

"Nhưng nếu chúng ta cho ký hợp đồng mới, bán thêm gạo và giao hàng ngay trong các tháng 4, 5, 6 thì có thể bán được một số ít gạo với giá cao hơn nhưng các doanh nghiệp sẽ phải mua vét phần gạo cân đối để tiêu dùng trong nước đem đi xuất khẩu. Điều này sẽ đẩy giá gạo trong nước, vốn đã cao lại càng cao hơn, kéo theo giá các hàng hóa khác tăng mạnh, chắc chắn là chỉ số lạm phát tăng cao, gây thiệt hại cho toàn xã hội, cho người trồng lúa".

"Lúc này trong kho dự trữ còn 116 ngàn tấn lúa, tương đương 60 ngàn tấn gạo. Nếu mất mùa thất bát hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng." - Thủ tướng cho biết.

 "Việc tạm dừng ký bán thêm gạo giao ngay trong tháng 4, 5, 6 là cần thiết nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước, giữ giá gạo trong nước hợp lý, không bị đẩy lên quá cao, góp phần quan trọng, thiết thực vào việc thực hiện mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát và bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước trong tình huống bất trắc khó lường".

Để tận dụng giá xuất khẩu gạo cao, Chính phủ đã chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu liên quan đàm phán với khách hàng điều chỉnh tăng giá với các hợp đồng đã ký và nhiều hợp đồng đã được điều chỉnh.

Hiện đã ký được hợp đồng bán 4,5 triệu tấn gạo

Từ đầu tháng 6, khi triển vọng mùa vụ tốt, Chính phủ đã chỉ đạo ký tiếp các hợp đồng xuất khẩu mới. Đến ngày 10/11, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng bán được trên 4,5 triệu tấn. Hiện các doanh nghiệp đang đàm phán để ký hợp đồng bán với khối lượng lớn (trên 1,5 triệu tấn) và sẽ giao hàng ngay trong tháng 12/2008.

Để tiêu thụ lúa hàng hóa còn lại cho nông dân, Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo và hỗ trợ thiết thực các doanh nghiệp đẩy mạnh mua vào. Sau khi hoàn thành chỉ tiêu, các doanh nghiệp tiếp tục mua thêm, trong đó có 300 nghìn tấn gạo mua theo chỉ đạo của Chính phủ.

Thủ tướng khẳng định: "Trong điều kiện khó khăn, phức tạp, tuy dự báo chưa thật chính xác nhưng việc điều hành xuất khẩu gạo là vì lợi ích tổng thể, toàn cục của đất nước và cơ bản đã đạt các yêu cầu đề ra".

Chuyển sang phần trả lời chất vấn Thủ tướng, Đại biểu Nguyễn Trọng Nhân (Cần Thơ) đề nghị Thủ tướng bổ sung thêm một câu trong các giải pháp giúp nông dân: “Hỗ trợ bà con nông dân 5.000 tỉ đồng mua giống, vật tư”.

Thủ tướng cho rằng, đây là một câu rất quan trọng, không thể quyết ngay lập tức. Tuy nhiên, những khoản nào có thể hỗ trợ nông dân, Thủ tướng đã yêu cầu Phó Thủ tướng cùng các Bộ tính toán.

Đại biểu Phạm Quốc Anh (Đồng Nai) cho rằng, công tác tham mưu của các Bộ, ngành còn lúng túng đã ảnh hưởng đến điều hành của Thủ tướng. Ông đưa ngay dẫn chứng, việc tính toán nông dân lãi chung hai vụ Đông Xuân, Hè Thu như Thủ tướng nói 60% là quá lớn, thiếu chính xác.

“Thủ tướng có biện pháp gì để củng cố chất lượng của cơ quan tham mưu, nắm sát tình hình hơn?”, ông Quốc Anh nêu câu hỏi.

Thủ tướng thừa nhận công tác tham mưu của các Bộ, ngành còn những lúng túng, nhưng đã có nhiều trưởng thành so với trước đây. Về con số lãi 60%, Thủ tướng cho rằng đó là kết quả Bộ Tài chính thu được qua khảo sát tại địa phương, theo yêu cầu của Thủ tướng

“Có thể tại vị trí này, vị trí kia, lãi có thể cao hơn hoặc thấp hơn, nhưng đây là số liệu của cơ quan chức năng chịu trách nhiệm với Thủ tướng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Công tác tham mưu dự báo, phối hợp giữa các Bộ, ngành chưa chặt chẽ khiến việc điều hành chưa hợp lí, gây lãng phí, thất thoát lớn là câu hỏi được đại biểu Nguyễn Thị Hoài Thu (Đồng Tháp) tiếp tục đặt ra. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Đức Hiền hỏi, Thủ tướng có ý kiến gì về việc thành lập một cơ quan chịu trách nhiệm về việc dự báo, cảnh báo sớm?

Thủ tướng chia sẻ, trong quản lí điều hành, dự báo kém sẽ dẫn đến việc điều hành chậm, lúng túng. Tuy nhiên, việc thành lập thêm một cơ quan nữa để chuyên làm việc cảnh báo, dự báo là không cần thiết. Bởi lẽ, hiện đã có Bộ Kế hoạch - Đầu tư giữ vai trò tổng tham mưu về kinh tế và Bộ này đã có các Viện Chiến lược và Viện Quản lí kinh tế. Vấn đề là Bộ này cũng như các Bộ khác cần phải làm tốt hơn công việc dự báo.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nêu vấn đề, khi trình dự án luật các Bộ đều muốn là cơ quan chủ trì một lĩnh vực nào đó, nhưng khi xảy ra vấn đề gì, dư luận bức xúc lại đổ lỗi cho ngành khác. Bà Khánh dẫn chứng ngay việc Bộ Y tế chưa nhận trách nhiệm đối với việc sữa nhiễm melamin, hoa quả có chất bảo quản độc hại…

“Đến bao giờ Thủ tướng mới điều hành các Bộ, ngành, địa phương không còn chồng chéo, triệt tiêu lẫn nhau?”, bà Khánh thẳng thắn nêu câu hỏi.

Thủ tướng cho biết đã đề cập đến việc làm rõ chức năng của các Bộ, ngành, địa phương về vấn đề môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Chủ trương của Chính phủ là mỗi việc phải có một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính. Thủ tướng nhấn mạnh, sẽ không để xảy ra tình trạng kiểu như việc xử lí Vedan, Bộ làm, địa phương làm hoặc Chính phủ làm đều được.

Đại biểu Dương Trung Quốc ví Chính phủ như một dàn nhạc và đặt vấn đề, khi các Bộ trưởng là những nhạc công có lỗi, Nhạc trưởng là Thủ tướng có nhận trách nhiệm?

“Tôi đã nói 7 nhóm yếu kém, khuyết điểm trong báo cáo về Kinh tế - xã hội, trong đó có trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng. Chúng tôi nhìn thẳng vào những khuyết điểm, yếu kém để sau mỗi lần như thế sẽ có tiến bộ”, Thủ tướng đáp lại.

“Dứt khoát xử lí cán bộ tiêu cực”

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nêu vấn đề, số cơ sở gây ô nhiễm và ô nhiễm nặng là nhiều. Ông chuyển tới Thủ tướng một loạt câu hỏi: Chính phủ sẽ xử lí như thế nào để vừa bảo đảm tăng trưởng, vừa bảo đảm an sinh xã hội? Sau vụ Vedan, các tỉnh đã phát hiện nhiều vụ việc, nhưng đến nay dường như trùng xuống, nghe ngóng? Chính phủ đã có chỉ tiêu về môi trường, nhưng cơ quan nào sẽ đảm nhận hay chỉ giao chung chung?

Đáp lại, Thủ tướng nhấn mạnh, với những cơ sở đang gây ô nhiễm sẽ phải xử lí dứt điểm. Tuy nhiên cũng cần có thời gian, bởi dù mong muốn, nhưng để xử lí được cần có điều kiện.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, không để chỉ tiêu xử lí môi trường là chỉ tiêu “chay”, mà phải phân bổ ngân sách đi kèm. Sẽ phân rõ các cơ sở thuộc Bộ nào, ngành nào, địa phương nào để thực hiện xử lí.

“Không vì cái lợi ích trước mắt mà dễ dãi với vấn đề môi trường”, Thủ tướng nhấn mạnh. Ông cho biết, Chính phủ vừa từ chối một dự án tới 4 -5 ngàn tỉ USD do lo ngại về vấn đề môi trường.

Với vụ Vedan, Thủ tướng cho biết đã giao tỉnh Đồng Nai giám sát Cty này thực hiện quyết định của Bộ Tài nguyên - Môi trường, nếu Cty không chấp hành sẽ tiếp tục xử lí. Tinh thần đối với vụ việc này là xử lí vừa đúng pháp luật, vừa có lợi nhất.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết chuyển sang đề nghị Thủ tướng cho biết kết quả phối hợp với Nhật Bản điều tra cáo buộc Cty tư vấn Thái Bình Dương (PCI) của nước này hối lộ quan chức Việt Nam.

Thủ tướng đáp lại, phía Nhật Bản chuyển hồ sơ cho chúng ta chậm và hồ sơ cũng chưa đủ cơ sở pháp lí. Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan điều tra vào cuộc với tinh thần làm rõ đến đâu xử lí đến đó. Việt Nam và Nhật Bản cũng đã thành lập Uỷ ban phối hợp nhằm ngăn ngừa tiêu cực trong đầu tư sử dụng nguồn vốn ODA của bạn.

“Nước ta còn nghèo, còn nhiều thách thức, cử tri không chấp nhận những cán bộ, công chức không quan tâm tới quyền lợi của dân hoặc sách nhiễu. Thủ tướng có giải pháp gì để tăng cường kỷ cương hành chính?”, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nêu câu hỏi.

Thủ tướng chia sẻ, việc xử lí cán bộ tiêu cực Chính phủ vẫn đang làm và tinh thần là dứt khoát phải xử lí. Theo Thủ tướng, bộ phận cán bộ này chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ và để giữ vững kỷ cương, tới đây Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, kiện toàn bộ máy, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lí.

Trả lời những câu hỏi liên quan đến “độc quyền ngành điện”, việc “ngành điện trả lại 13 dự án”, Thủ tướng nêu: rà soát lại, ngành điện lãi 5%, chứ không phải 3% như Bộ Công thương đã thông tin, nhưng đây vẫn là lãi suất thấp. Với lãi suất thấp, cộng với tỉ lệ vốn tự có cho mỗi dự án của ngành điện nhỏ nên các ngân hàng không cho vay đầu tư. Với 13 dự án của ngành điện được nói tới rất nhiều thời gian qua, Thủ tướng nhấn mạnh: “Không phải ngành điện lực đùn đẩy, trả Chính phủ, tôi là người điều hành việc này”.

Theo Thủ tướng, ngành điện không đủ vốn nên Chính phủ chủ động điều các dự án sang các tập đoàn Dầu khí, tập đoàn Than - Khoáng sản.

Thủ tướng cũng cho rằng, việc độc quyền của ngành điện có yếu tố tự nhiên. Ngành điện được hình thành từ một công ty điện, đến nay Chính phủ muốn nhiều thành phần vào đầu tư, nhưng các doanh nghiệp vào không nhiều. Mới chỉ 2 -3 dự án bên ngoài đầu tư vào, trong khi một số doanh nghiệp khác muốn đầu tư lại đặt yêu cầu giá bán cao.

Về phân phối điện Nhà nước vẫn giữ độc quyền và Nhà nước giao cho ngành điện thực hiện việc này. Hiện tại Nhà nước đã giao Bộ Công thương tách sản xuất và phân phối điện. Nhà nước vẫn giữ quyền phân phối, bán điện theo hướng lập một công ty làm việc này và giá bán có thể nơi thấp, nơi cao.  

 Lệ Hằng