Ngày 06/11/2008 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trung tâm Viễn thông Toàn cầu của Ernst & Young tổ chức buổi Toạ đàm trao đổi và tìm hiểu về khung pháp lý của các nước trên thế giới nhằm đẩy nhanh quá trình triển khai áp dụng công nghệ 3G tại Việt Nam.
Công nghệ 3G hay còn gọi là mạng 3G (third-generation technology) là công nghệ truyền thông thế hệ thứ ba, cho phép truyền cả dữ liệu thoại và dữ liệu ngoài thoại (cuộc gọi hình ảnh, lướt web băng thông rộng hay các dịch vụ dữ liệu khác) trên cùng hạ tầng di động duy nhất. Hiện nay, phát triển công nghệ 3G ở Việt Nam là vấn đề được nhiều chuyên gia cũng như các nhà đầu tư rất quan tâm, đặc biệt là việc cấp giấy phép 3G.
Ngoài vấn đề về kỹ thuật, tác động về thương mại của 3G đối với nền kinh tế cũng rất mạnh mẽ. Việc triển khai 3G sẽ làm cho hiệu suất sử dụng tần số lớn hơn cho phép giảm các khoản chi phí phát sinh, đồng thời cắt giảm nhanh chóng chi phí hỗ trợ triển khai thiết bị.
Việc cấp giấy phép 3G được các nhà quản lý cũng như các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm bởi không giống như các phiên bản 2G và 2.5G trước đó, công nghệ 3G được thiết kế nhằm cung cấp một loạt các dịch vụ dữ liệu đa dạng hơn, điều này cho phép các công ty viễn thông cung cấp nhiều gói dịch vụ hơn, bao gồm cả phân phối đa phương tiện. Công nghệ 3G đồng thời đòi hỏi phải phát triển một hệ thống mạng hoàn toàn mới. Do có sự khác nhau về dải tần số, nên cần phải xây dựng hệ thống trạm làm việc mới hoàn toàn.
Theo các chuyên gia của Ernst & Young, có rất nhiều lựa chọn về cách thức cấp phép, việc cấp phép theo các phương pháp khác nhau sẽ dẫn đến kết quả khác nhau. Tuy nhiên, phương thức cấp phép phải phản ánh rõ những mối quan tâm của cơ quan quản lý đối với đất nước, như thể hiện tính cạnh tranh và giảm giá truy cập... Hiện nay, có một số phương thức có thể vận dụng khi cấp phép như: đấu giá; đấu thầu (dựa trên các yêu cầu đưa ra, tập trung vào khía cạnh công nghệ kỹ thuật và tài chính); cấp phép trực tiếp (không phát sinh chi phí và giấy phép được cấp cho các nhà khai thác dịch vụ hiện có)... Tại Châu Âu, giấy phép được cấp theo hình thức đấu giá, trong khi ở Châu Á, hình thức thi tuyển cấp phép được áp dụng phổ biến, trong đó có Việt Nam.
Tại buổi Toạ đàm, các chuyên gia của Ernst & Young cũng đã nêu ra các ví dụ cụ thể về văn bản quy định cũng như các vướng mắc và kinh nghiệm của một số nước như Trung Quốc, Sigapore, Malaysia.
Toạ đàm là dịp tốt để các đại biểu từ các cơ quan Bộ, ngành cũng như các hãng di động nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn về 3G, đặc biệt là khung pháp lý trong việc quản lý cũng như cấp phép dịch vụ này.
Theo ông Lê Nam Thắng, thứ trưởng thường trực Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay các tiêu chí cấp phép 3G ở Việt Nam được thực hiện theo Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông năm 2005 và các văn bản có liên quan. Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành hồ sơ thi tuyển và sẽ tổ chức thi tuyển 3G vào đầu năm 2009. |
Thu Phương