Phải đánh giá tác động văn bản pháp luật trước khi ban hành

30/10/2008
“Mục tiêu chính của việc đánh giá tác động văn bản (RIA) là đảm bảo các văn bản pháp luật có chất lượng cao hơn, khả thi hơn, gần dân hơn” - Ông Jim Winkler, Giám đốc Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh (VNCI) đã nói như vậy trong cuộc Hội thảo về “Đánh giá tác động văn bản pháp luật” do Bộ Tư pháp và Dự án VNCI tổ chức tại Hà Nội ngày 30.10.

Theo ông Jim, trước đây, Bộ Giao thông vận tải đưa ra quy định cấm sử dụng xe 3 bánh ở một số địa phương đã gặp phải sự phản ứng của người dân là do công tác đánh giá tác động văn bản chưa được coi trọng, nên chưa hiểu hết những tác động của quy định này đối với người dân và xã hội.

Tham dự Hội thảo, các đại biểu làm công tác pháp chế của các Bộ, ngành, Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam… cho rằng, nếu trước khi văn bản được ban hành, cơ quan có thẩm quyền tiến hành đánh giá tác động văn bản theo đúng yêu cầu, thì việc này sẽ có tác dụng giảm thiểu rủi ro gây ra do sai sót khiến chi phí tăng lên làm phương hại đến đời sống nhân dân và nền kinh tế.

Các đại biểu cũng bày tỏ, đánh giá tác động văn bản sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn. Về mặt kinh tế, Việt Nam đang phải chịu chi phí kinh tế tăng cao do hệ thống các văn bản pháp luật không có chất lượng tốt. Tăng trưởng kinh tế cũng bị chậm lại do chi phí cao một cách không cần thiết; chi phí và rủi ro luật pháp cao làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, từ đó làm giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam; các yếu tố này tác động đến đầu tư, công ăn việc làm và dẫn đến tỷ lệ lạm phát cao. Về mặt xã hội, các văn bản pháp luật không hiệu quả, được soạn thảo không tốt và được thực hiện cũng không tốt làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân do không bảo vệ được lợi ích của họ. Các quy định và quá trình thực hiện quy định có chất lượng thấp làm tăng rủi ro về sức khỏe và an toàn cho người tiêu dùng, phá hủy môi trường do không ngăn chặn được những đối tượng gây ô nhiễm…

Tại sao phải đánh giá tác động văn bản? Trả lời câu hỏi này, Tiến sỹ Jonh F. Morrall III, chuyên gia về đánh giá tác động chính sách, người từng giúp việc cho 6 đời Tổng thống Mỹ từ năm 1981 tới nay, chia sẻ: Đánh giá tác động văn bản pháp luật giúp cho các nhà hoạch định chính sách xác định mục tiêu rõ ràng của việc ban hành văn bản; xem xét và đánh giá đầy đủ các tác động của đề xuất về thay đổi chính sách; góp phần đánh giá và nâng cao nhận thức về các tác động nằm ngoài dự kiến đối với các nhóm không phải là mục tiêu của sự thay đối chính sách dự kiến đó; đảm bảo rằng các văn bản pháp luật thống nhất với các chính sách và văn bản pháp luật do các cơ quan khác ban hành…

Tiến sỹ Jonh cũng chia sẻ kinh nghiệm của Hoa Kỳ khi thực hiện việc đánh giá tác động văn bản pháp luật. Theo ông, ở Hoa Kỳ, các văn bản phải thực hiện đánh giá tác động trước khi ban hành là những văn bản quan trọng về mặt kinh tế (tác động kinh tế hơn 100 triệu USD/1 năm) và những văn bản mà Văn phòng Tổng thống thấy rằng, đó là những văn bản quan trọng cần phải thực hiện đánh giá tác động (những văn bản quan trọng là những văn bản liên quan đến đất đai, nhà cửa và đô thị…). Ông cũng cho biết, việc đánh giá tác động văn bản sẽ là cơ sở để cá nhân, cơ quan có thẩm quyền ở Hoa Kỳ thông qua hay không thông qua một văn bản pháp luật.

Nguyễn Đình Thơ