“Trước đây, Phòng Công chứng do Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động. Các phòng công chứng chỉ được thu lệ phí và lệ phí là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, không nhằm bù đắp chi phí. Hiện nay, theo Luật Công chứng, hoạt động công chứng được coi là hoạt động dịch vụ công. Các tổ chức hành nghề công chứng được quyền thu phí công chứng nhằm bù đắp chi phí cho hoạt động công chứng” – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trao đổi với báo chí về việc tăng mức phí công chứng và lệ phí chứng thực.
KHÔNG LẤY TIỀN THUẾ CỦA DÂN ĐỂ NUÔI PHÒNG CÔNG CHỨNG
PV: Thưa Bộ trưởng, trong khi chi phí hành chính đều có xu hướng giảm thì mới đây, Thông tư liên tịch số 91 và 92 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp về mức phí công chứng và lệ phí chứng thực lại quy định theo hướng tăng. Bộ trưởng lý giải điều này như thế nào?
*. Trước khi Thông tư 91 được ban hành, việc thu phí công chứng được tạm thời thực hiện theo quy định của Thông tư liên tịch số 93/2001/TTLT/BTC-BTP. Mức thu này đã được áp dụng từ năm 2001 đến nay và không còn phù hợp. Hiện nay, theo Luật Công chứng, hoạt động công chứng được coi là hoạt động dịch vụ công. Phòng công chứng là đơn vị sự nghiệp tự trang trải về tài chính, Văn phòng công chứng hoạt động theo loại hình doanh nghiệp và phải tự chủ về tài chính. Các tổ chức hành nghề công chứng được quyền thu phí công chứng, theo đó, phí công chứng là khoản thu nhằm bù đắp chi phí cho hoạt động công chứng. Mặt khác, các chi phí liên quan đến việc thực hiện công việc công chứng và thu phí vào thời điểm hiện nay đã tăng lên so với thời điểm 2001, ví dụ như lương tối thiểu tăng từ 210 nghìn đồng lên 540 nghìn đồng, văn phòng phẩm, điện, nước… cũng tăng lên đáng kể.
Tôi cho rằng, sự thay đổi của việc thu phí thay vì lệ phí công chứng là công bằng, vì điều này đảm bảo Nhà nước không lấy tiền nộp thuế của dân để nuôi các Phòng công chứng. Nếu lấy thuế để nuôi hoạt động của các Phòng công chứng nhà nước thì người dân ai cũng phải chịu, dù không được hưởng dịch vụ. Với cách thu phí như Thông tư 91 thì ai hưởng dịch vụ công chứng mới phải đóng phí, dùng nhiều đóng nhiều, không dùng không mất phí. Hơn nữa, mức tăng trung bình của các phí công chứng so với lệ phí công chứng năm 2001 chỉ gấp đôi. Cũng có những trường hợp phí công chứng chỉ 20 nghìn đồng, hoặc công chứng giao dịch mua bán một căn nhà trị giá dưới 1 tỷ đồng cũng chỉ phải nộp 100 nghìn đồng. Nếu chỉ đề cập một vài trường hợp tăng gấp 10 - 20 lần là phiến diện, dễ gây bức xúc trong dân.
PV: Thông tư 91 cũng có sự thay đổi về cách tính phí so với Thông tư số 93 trước đây. Cách tính mới này có ưu điểm gì không, thưa Bộ trưởng?
*. Thông tư 91 có ưu điểm về cách tính phí. Theo hướng dẫn của Thông tư 93 trước đây, mức thu phí công chứng đối với các hợp đồng, giao dịch được tính theo mức ấn định. Tuy nhiên, do khoảng cách giữa các mức thu tương đối lớn (10 nghìn đồng, 20 nghìn đồng, 50 nghìn đồng, 100 nghìn đồng, 200 nghìn đồng, 500 nghìn đồng, 1 triệu đồng, 1,5 triệu đồng, 2 triệu đồng) nên đối tượng nộp phí dễ dàng điều chỉnh giá trị tài sản hoặc hợp đồng, giao dịch để tránh phải nộp mức lệ phí cao. Ví dụ, trong trường hợp tài sản có giá trị 2 tỷ đồng thì mức thu lệ phí tương ứng là 1 triệu đồng, trong khi tài sản có giá trị 1,999 tỷ đồng thì mức lệ phí tương ứng chỉ là 500 nghìn đồng. Để khắc phục bất cập nêu trên, Thông tư liên tịch 91 hướng dẫn cách tính mức thu phí theo tỷ lệ phần trăm của giá trị tài sản hoặc hợp đồng, giao dịch. Cách tính này phù hợp với quy định của Pháp lệnh phí, lệ phí về cách tính mức thu phí, hơn nữa, từng mức thu cụ thể cũng được xác định chỉ bằng ½ mức thu lệ phí công chứng đã được hướng dẫn tại Thông tư số 84/TT-LB năm 1992 của liên Bộ Tài chính – Tư pháp quy định chế độ thu lệ phí công chứng và được quy định giảm dần theo giá trị tài sản.
ĐÃ TÍNH ĐẾN KHẢ NĂNG CHI TRẢ CỦA NGƯỜI DÂN
PV: Về mức thu lệ phí chứng thực tại Thông tư liên tịch số 92 thì sao, thưa Bộ trưởng?
*. Thông tư liên tịch 92 không quy định về mức thu cụ thể đối với việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký mà chỉ quy định mức trần đối với các loại lệ phí này. Việc quy định cụ thể về các mức lệ phí do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định. Như chúng ta đã biết, lệ phí chỉ là khoản bù đắp cho phần ngân sách, chưa đủ cho hoạt động. Ở nhiều địa phương vẫn còn phổ biến tình trạng không có máy photocopy phục vụ hoạt động công chứng, chứng thực, nhất là vùng sâu, vùng xa, trong khi đó, ngân sách địa phương chưa sẵn sàng, nên rất cần sự đóng góp từ phía người dân để trang bị phương tiện phục vụ cho chính nhu cầu của họ. Hơn nữa, các mức thu lệ phí cấp bản sao từ sổ gốc theo hướng dẫn của Thông tư 92 là không quá 3 nghìn đồng/bản sao, bằng mức thu lệ phí cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch hướng dẫn tại Thông tư số 97 năm 2006 của Bộ Tài chính. Mức thu lệ phí chứng thực chữ ký cá nhân là không quá 10 nghìn đồng/trường hợp, bằng mức thu hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 93 năm 2001.
PV: Với mức phí, lệ phí như quy định tại Thông tư liên tịch 91, 92, theo Bộ trưởng, người dân có gặp khó khăn khi chi trả cho các dịch vụ này?
*. Thông tư liên tịch số 91 và 92 được xây dựng trên cơ sở Luật Công chứng, Nghị định 02/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký. Trong quá trình xây dựng các Thông tư nêu trên, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã yêu cầu các địa phương xây dựng Đề án thu phí của địa phương, trong đó có tính đến khả năng của đối tượng nộp phí, lệ phí, theo đúng quy định của pháp luật về phí, lệ phí, đồng thời tiến hành khảo sát thực tế ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trên cơ sở tổng hợp các đề án thu phí, lệ phí và kết quả khảo sát thực tế, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp dự thảo các Thông tư và tiến hành lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan theo đúng quy định của pháp luật trước khi ban hành. Điều đó có nghĩa là sau khi Luật Công chứng ra đời 2 năm thì 2 Thông tư này với được ban hành, trải qua một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, có tính toán đến khả năng chi trả của người dân.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng !
La Thành (thực hiện)