Cấp Phiếu lý lịch tư pháp – cơ chế mới để thực hiện xoá án tích đương nhiên

31/10/2008
Dự thảo Luật Lý lịch tư pháp đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư của Quốc hội khoá XII (tháng 11/2008. Một trong những nội dung cơ bản của Dự thảo Luật là giao thêm cho Cơ quan quản lý lý lịch tư pháp chủ động thực hiện xoá án tích đương nhiên cho người có đủ điều kiện. Đây cũng là vấn đề nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các nhà làm luật trong quá trình soạn thảo.

          1. Quy định hiện hành: Còn bất cập

          Theo quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành thì có hai loại xoá án tích – đương nhiên được xoá án tích và xoá án tích theo quyết định của Toà án. Người được xoá án tích coi như chưa bị kết án và được Toà án cấp Giấy chứng nhận.  Người bị kết án được đương nhiên xoá án tích khi có đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật Hình sự. Việc xoá án tích do Toà án quyết định được áp dụng đối với những người đã bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.

Theo quy định của Thông tư liên tịch số 07/1999/TTLT-BTP-BCA ngày 8/02/1999 thì Phiếu lý lịch tư pháp là loại Phiếu cấp cho cá nhân nhằm xác nhận người đó có hoặc không có tiền án. Trong trường hợp đương sự có án nhưng có đủ điều kiện để được đương nhiên xoá án tích hoặc xoá án tích theo quyết định của Toà án thì Sở Tư pháp hướng dẫn đương sự làm thủ tục yêu cầu Toà án có thẩm quyền xoá án tích theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Trong thực tế hiện nay rất ít khi người dân đến Toà án xin cấp Giấy chứng nhận đương nhiên xoá án tích, có thể do chưa nhận thức được ý nghĩa của vấn đề xoá án tích hoặc có tâm lý ngại đến làm thủ tục tại Toà án. Thực tiễn giải quyết yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại các Sở Tư pháp trong thời gian qua cho thấy, nhiều trường hợp kết quả xác minh lý lịch tư pháp của cơ quan Công an chuyển sang Sở Tư pháp trả lời là đương sự có án nhưng người đó đã có đủ điều kiện được đương nhiên xoá án tích nên Sở Tư pháp phải hướng dẫn người dân đến Toà án để xin cấp Giấy chứng nhận đương nhiên xoá án tích rồi mới cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho họ. Những trường hợp này thời gian cấp Phiếu thường kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân.  

Chế định xóa án tích và chính sách tạo điều kiện cho người phạm tội tái hoà nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong bản án là những chính sách thể hiện sâu sắc tính nhân đạo trong chính sách hình sự và quản lý xã hội của Nhà nước ta. Trong định hướng cải cách tư pháp hiện nay, cần đề cao quan điểm coi việc xoá án tích là trách nhiệm của cơ quan nhà nước và cơ quan này phải thực hiện nhiệm vụ này một cách chủ động, linh hoạt, phục vụ tốt nhất cho việc tái hoà nhập xã hội của người phạm tội.

          2. Giao thêm cho Trung tâm lý lịch tư pháp thực hiện xoá án tích đương nhiên – cơ chế mới tạo thuận lợi cho người dân

          Theo quy định của Dự thảo Luật Lý lịch tư pháp, Trung tâm lý lịch tư pháp là cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý, cập nhật và lưu trữ các thông tin về án tích của người bị kết án và tình trạng thi hành bản án đó. Bộ luật Hình sự hiện hành quy định chỉ cần người bị kết án có đủ điều kiện là đương nhiên được xoá án tích. Vì vậy, trong trường hợp này, Trung tâm lý lịch tư pháp thông qua việc cập nhật và xử lý thông tin, nếu thấy người bị kết án có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật Hình sự mà Toà án chưa cấp Giấy chứng nhận thì chủ động thực hiện xoá án tích đương nhiên cho đương sự bằng cách ghi rõ việc đương nhiên được xoá án tích vào Lý lịch tư pháp của người đó, đồng thời ghi không có án tích trong Phiếu lý lịch tư pháp cấp cho đương sự. Như vậy, người được đương nhiên xoá án tích có thể lựa chọn hoặc yêu cầu Toà án cấp Giấy chứng nhận xoá án tích theo quy định của pháp luật hiện hành, hoặc yêu cầu Trung tâm lý lịch tư pháp thực hiện việc này và cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong đó ghi không có án tích. Việc giao thêm cho Trung tâm lý lịch tư pháp chủ động thực hiện xoá án tích đương nhiên cho người có đủ điều kiện sẽ góp phần giảm bớt phiền hà cho người dân đồng thời giảm bớt sức ép công việc hành chính cho Toà án.

Việc xoá án tích được chứng minh bằng Phiếu lý lịch tư pháp trong đó ghi “không có án tích” sẽ tạo điều kiện cho người bị kết án tái hoà nhập cộng đồng, bớt mặc cảm và không bị cộng đồng phân biệt đối xử. Thực tế cho thấy người đã được xoá án tích chỉ có thể tham gia vào các quan hệ xã hội như xin việc làm, xuất khẩu lao động, du học, thăm thân nhân, xuất cảnh, thành lập doanh nghiệp v.v… khi có Phiếu lý lịch tư pháp xác nhận nội dung “không có án tích”. Với việc xác nhận của Phiếu lý lịch tư pháp, người được xoá án tích mới “thực sự” coi như chưa bị kết án và hoà nhập cộng đồng một cách dễ dàng hơn.

3. Kinh nghiệm một số nước về xoá án tích

Chính sách hình sự và chế định lý lịch tư pháp của Pháp, Đức và nhất là của Tây Ban Nha đều được xây dựng trên cơ sở chính sách tạo điều kiện cho người phạm tội tái hoà nhập cộng đồng. Lý lịch tư pháp được xem như một yếu tố đảm bảo không có sự phân biệt đối xử đối với người phạm tội sau khi đã chấp hành xong bản án.

Theo đó, Bộ luật Tố tụng hình sự của Pháp quy định không ghi vào Phiếu lý  lịch tư pháp (trừ Phiếu số 1 là loại Phiếu cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng) những trường hợp đã được đại xá, được xoá án đương nhiên hoặc xoá án do Toà án quyết định. Cũng không ghi vào Phiếu lý lịch tư pháp những hình phạt đã được tuyên trên 40 năm mà sau khi đó không bị xử phạt đối với tội mới về trọng tội hoặc khinh tội, trừ những hành vi không được áp dụng thời hiệu. Những bản án tuyên về phá sản của cá nhân hoặc cấm quyền nhưng đã được xoá bằng một bản án về hết nợ, bản án xoá án, hoặc đã quá hạn 5 năm kể từ ngày những bản án đó có hiệu lực pháp luật, hoặc đã quá 5 năm đối với bản án, quyết định việc thanh lý tư pháp đối với một thể nhân, tính từ ngày bản án đó có hiệu lực pháp luật.

Theo quy định của Luật về Cơ quan đăng ký của Đức, các thông tin được lưu trữ tại Cơ quan đăng ký liên bang trung ương không phải là vĩnh viễn mà sau khi hết một khoảng thời gian nhất định, thông tin về một người sẽ không còn bị ghi trong Giấy chứng nhận hành vi (Phiếu lý lịch tư pháp) và sau một khoảng thời gian khác nữa, thường là dài hơn, thông tin về người đó sẽ được xoá khỏi cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Độ dài của khoảng thời gian thường phụ thuộc vào mức độ hình phạt áp dụng. Thời hạn để xoá án tích trên Phiếu lý lịch tư pháp thường là từ 3 năm đến 10 năm và để xoá hoàn toàn là từ 5 đến 20 năm.

Theo quy định của Luật Hình sự Tây Ban Nha, đối với những tội phạm thông thường, trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày chấp hành xong bản án nếu không phạm tội mới thì được xoá án tích. Đối với những tội phạm nghiêm trọng, thì thời hạn này là 5 năm. Khi người bị kết án có đủ điều kiện theo luật định, thẩm phán đã xét xử vụ án phải gửi thông báo cho cơ quan lý lịch tư pháp để cơ quan này thực hiện xoá án tích. Trường hợp Toà án đã tuyên bản án không gửi thông tin đó cho cơ quan lý lịch tư pháp, sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn luật định, cơ quan lý lịch tư pháp sẽ tự động xoá án tích cho đương sự và thông báo cho Toà án đã xét xử vụ án đó.

 Đỗ Thuý Lan - Vụ Hành chính tư pháp