Hỗ trợ cải cách pháp luật và tư pháp từ đối tác nước ngoài: Mới dừng ở… Nghị quyết số 48-NQ/TW

23/10/2008
Theo một chuyên gia của Dự án VIE/02/015, ngay từ đầu những năm 1990, nguồn hỗ trợ quốc tế cho việc cải cách pháp luật ở Việt Nam đã lên tới hàng chục triệu đô la. Và tới năm 2005, Việt Nam mới chính thức có được cơ sở cho hoạt động điều phối các hỗ trợ nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp với sự kiện Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW. Tuy nhiên, các dự án tài trợ của nước ngoài dường như “lãng quên” Nghị quyết số 49-NQ/TW.

Tập trung sâu vào Nghị quyết số 48-NQ/TW

Từ năm 2005, phần lớn các dự án tài trợ toàn hỗ trợ cho các nội dung ưu tiên nêu trong Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Điều này được thể hiện khá rõ qua dự án đa nhà tài trợ gồm Đan Mạch, Thuỵ Điển, Na Uy, Ireland và UNDP về phát triển hệ thống pháp luật (Dự án VIE/02/015) hay Dự án VIE/02/007 về tăng cường năng lực của các cơ quan dân cử (do UNDP, Thuỵ Sỹ và Canada tài trợ) cùng hàng loạt các dự án khác của Uỷ ban châu Âu, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng thế giới…

Trong số các nội dung ưu tiên tại Nghị quyết số 48-NQ/TW, hỗ trợ của các đối tác nước ngoài chú trọng 4 lĩnh vực sau: tăng cường vai trò và công tác lập pháp của Quốc hội và các cơ quan dân cử; tăng cường năng lực các cơ quan hành chính nhà nước và cải cách hành chính công; xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân sự và kinh tế, chú trọng chế định pháp luật về kinh tế thị trường theo định hướng XHCN; xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hội nhập quốc tế. Còn đối với các giải pháp của Nghị quyết số 48-NQ/TW, đa số hoạt động của các dự án chủ yếu hướng vào 6 bước là hoàn thiện quy trình làm luật, nâng cao kiến thức và năng lực công tác của Quốc hội, hiện đại hoá các phương thức và trang thiết bị kỹ thuật cho hoạt động lập pháp, hoàn thiện pháp luật về Công báo, tăng cường tính nguyên tắc và hợp pháp trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, đảm bảo nguồn nhân lực cán bộ pháp lý về cả chất lượng lẫn số lượng.

Các dự án trên, nếu có hỗ trợ cho các lĩnh vực thuộc Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 thì cũng là về các nội dung liên quan đã đề cập trong Nghị quyết số 48-NQ/TW. Không những thế, trong số đó có rất ít hoạt động trực tiếp hỗ trợ cho cải cách tư pháp và toà án. Chỉ có một số nhà tài trợ quan tâm tới các ưu tiên của Nghị quyết số 49-NQ/TW như Đan Mạch, UNDP, Hoa Kỳ hỗ trợ tăng cường năng lực cho viện kiểm sát; Uỷ ban châu Âu tài trợ việc tăng cường năng lực và thiết chế cho hệ thống toà án và viện kiểm sát; Thuỵ Điển và các nhà tài trợ khác hỗ trợ cho hoạt động trợ giúp pháp lý…

Những “khoảng trống” trong hỗ trợ

Theo nhận định của Dự án VIE/02/015, mặc dù khá đa dạng song vẫn tồn tại nhiều khoảng trống trong tổng thể hoạt động hỗ trợ cho cải cách pháp luật và tư pháp ở Việt Nam của các nhà tài trợ. Trước tiên, hầu hết tất cả hỗ trợ của các nhà tài trợ song phương và đa phương về vốn cam kết, số lượng dự án đều thông qua các bộ, ngành và cơ quan chính phủ mà ít đổ vào các tổ chức xã hội dân sự hoặc chính quyền cấp tỉnh và cấp cơ sở. Ngoài một số hoạt động với Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia HCM về hành chính công và quyền con người cùng một số nỗ lực của Thuỵ Điển và một vài nhà tài trợ khác, thì không có nhiều hoạt động tài trợ với các cơ quan, tổ chức của Đảng nhằm hỗ trợ cho phát triển pháp luật và đặc biệt là phát triển tư pháp. Các chuyên gia Việt Nam cho rằng, đây không nhất thiết là “lỗi” của các nhà tài trợ bởi sự ưu tiên này phản ánh tương đối chính xác các nội dung ưu tiên của Đảng và Chính phủ Việt Nam khi việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW sẽ là tiền đề, động lực cho Nghị quyết số 49-NQ/TW.nào đang thực hiện

Tuy nhiên, một lỗ hổng lớn là các nhà tài trợ nước ngoài đã gần như không thực hiện hoạt động tiêu biểu nào trong các lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm và đang còn nhiều tranh luận ở Việt Nam như tính thống nhất của hệ thống pháp luật, sự độc lập của cơ quan tư pháp, tự do lập hội, bảo hiến…, trừ một số hoạt động không thường xuyên của UNDP. Thêm nữa, các hoạt động hỗ trợ liên quan đến lĩnh vực tiếp cận công lý - một trong những lĩnh vực được các đối tác nước ngoài đang chuyển hướng tài trợ - nếu so sánh với các nội dung ưu tiên khác thì rất mờ nhạt về vốn tài trợ và số lượng dự án. Chúng cũng chỉ tập trung vào tăng cường năng lực thiết chế của các bộ, thiết chế pháp luật và tư pháp ở TƯ hơn là hỗ trợ tiếp cận công lý từ dưới lên và ở cấp cơ sở.

Hoàng Thư