Một số quy định đơn giản hóa các thủ tục về quốc tịch trong Dự thảo Luật Quốc tịch (sửa đổi)

29/10/2008
Ngày 28/10/2008, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Quốc tịch (sửa đổi). Theo đó, có 3 vấn đề nổi bật đang được Quốc hội thảo luận, xem xét theo hướng đơn giản hoá thủ tục hành chính các vấn đề liên quan đến quốc tịch.

        Vấn đề thứ nhất là việc giải quyết cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với những người không quốc tịch, người không rõ quốc tịch đang cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ nhiều năm nay cho đến thời điểm Luật này có hiệu lực.

        Thứ hai, trong Dự thảo Luật, Chính phủ được giao thẩm quyền quy định về hồ sơ, thủ tục giải quyết theo hướng đơn giản hoá. Thời hạn tối đa để giải quyết việc nhập, trở lại, thôi quốc tịch Việt Nam…đều giảm bớt một nửa thời gian so với hiện nay.

        Thứ ba, thực hiện "luật hóa" các thủ tục chung về giải quyết các vấn đề liên quan đến quốc tịch, thay vì được quy định trong Nghị định của Chính phủ.

        Dự thảo Luật Quốc tịch (sửa đổi) lần này vẫn tiếp tục quán triệt nguyên tắc một quốc tịch. Tuy nhiên, Dự luật có mở rộng hơn những trường hợp ngoại lệ công dân Việt Nam đồng thời mang quốc tịch nước ngoài. Mặc dù vậy, không nên hiểu Dự thảo Luật chủ trương công nhận đa quốc tịch.

        Việc cho phép ngoại lệ đa quốc tịch là nhằm đáp ứng tâm tư, nguyện vọng và tình cảm đối với Tổ quốc của một bộ phận người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Song, điều đó cũng sẽ làm phát sinh những khó khăn nhất định trong công tác quản lý nhà nước về quốc tịch và trong xử lý những trường hợp phát sinh do đa quốc tịch.

        Hiện nay, việc xác định rõ ràng về tình trạng quốc tịch của khoảng 3,6 triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài (ai đang còn mang quốc tịch Việt Nam, ai muốn giữ quốc tịch Việt Nam và ai không muốn giữ) đang gặp nhiều khó khăn.  Do đó, ông Trần Thất (Vụ trưởng Vụ Hành chính – Tư pháp, Bộ Tư pháp) cho rằng, cần phải định ra một thời hạn nhất định để giải quyết vấn đề này.

        Người Việt Nam định cư ở nước ngoài vừa có quốc tịch Việt Nam, vừa có quốc tịch của nước sở tại thì việc quản lý thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm công dân Việt Nam của họ như: nghĩa vụ quân sự, lao động công ích, thuế, bầu cử,... là vấn đề cần được quan tâm.

        Ông Trần Thất cũng khẳng định, về nguyên tắc, mọi công dân của nước ta đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, không phân biệt bởi bất kỳ lý do nào. Tuy nhiên, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài do hoàn cảnh sống xa đất nước không thuận lợi để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân bằng ở trong nước. Do đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài cần phải được đảm bảo quyền lợi thiết thực.

 Lệ Hằng