Hôm qua (18/11), Chính phủ đã họp phiên giữa kỳ tháng 11 bàn nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có định hướng về cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao; Dự thảo Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và dự thảo Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh dân số 2003. Buổi chiều cùng ngày, Văn phòng Chính phủ đã họp báo để thông tin chi tiết những nội dung này.
61 huyện nghèo nhất nước sẽ được hỗ trợ giảm nghèo nhanh
Ông Lê Bạch Hồng, Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và Xã hội cho biết, đến cuối năm 2006, cả nước có 61 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 50%. Tại Phiên họp Chính phủ ngày hôm qua, Chính phủ đã cơ bản nhất trí với Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững đối với 61 huyện nghèo nhất này. Theo đó, Chính phủ nhất trí mục tiêu đến năm 2010 giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn hiện hành xuống dưới 40%, cơ bản không còn hộ dân ở nhà tạm, tăng tỷ lệ che phủ rừng và tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch. Đến năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức ngang bằng mức trung bình của tỉnh và đến năm 2020 sẽ giải quyết cơ bản vấn đề sản xuất, việc làm, thu nhập để nâng cao đời sống của dân cư ở các huyện nghèo gấp 2,5 lần so với hiện nay, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức ngang bằng mức trung bình của khu vực. Để làm được điều này, Chính phủ đề ra các định hướng và chính sách cụ thể như tạo điều kiện để người dân có thu nhập từ bảo vệ rừng, tạo các điều kiện sản xuất, hỗ trợ dịch vụ sản xuất cho hộ nghèo tăng thu nhập; hỗ trợ 100% các chi phí đào tạo và làm thủ tục để lao động nghèo có điều kiện tham gia xuất khẩu lao động, phấn đấu mỗi năm đưa khoảng từ 7.500 – 8000 lao động ở các huyện nghèo đi lao động ở nước ngoài ( bình quân 10 lao động/xã), góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo v.v…
Ông Lê Bạch Hồng cũng cho biết, để hạn chế thất thoát, lãng phí và nâng cao hiệu quả của các dự án đầu tư giảm nghèo, tới đây Chính phủ sẽ làm theo cách mới, không ôm đồm mà phân cấp cụ thể cho từng địa phương, từng huyện nghèo thực hiện. Theo đó, “UBND các huyện nghèo nhất căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế chính sách, định mức, tiêu chuẩn của Nhà nước để xây dựng Đề án hỗ trợ giảm nghèo bền vững trên địa bàn rồi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. UBND các huyện nghèo nhất cũng sẽ là nơi chỉ đạo xây dựng kế hoạch hàng năm, tổng hợp nhu cầu từ dưới lên, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, trình UBND tỉnh phê duyệt, đồng thời chỉ đạo và phê duyệt kế hoạch hàng năm của cấp xã” – ông Hồng cho biết.
Lập chiến lược Quốc gia để chống quốc nạn tham nhũng
Một nội dung khác được Chính phủ thảo luận trong phiên họp ngày hôm qua là Dự thảo Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Ông Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, Chính phủ nhận định, hiện nay, “tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phổ biến, nghiêm trọng, phức tạp trên nhiều lĩnh vực, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước”. Chiến lược xác định mục tiêu chung là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, lành mạnh hóa các quan hệ xã hội thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. Để thực hiện được mục tiêu này, Chiến lược đưa ra 5 nhóm giải pháp chủ yếu như gồm các giải pháp về tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động công quyền; kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước, hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ; hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng. Nhóm giải pháp cuối cùng là nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng.
Trong các nhóm giải pháp này, ôngTrần Văn Truyền cho biết, có nhiều giải pháp đang được thực hiện, nhưng cũng có những giải pháp sẽ được nâng cao về chất, đi vào chiều sâu như việc kê khai tài sản, hoàn thiện cơ chế miễn nhiệm, bãi nhiệm, cho từ chức, tạm đình chỉ chức vụ của người có chức vụ…, có những giải pháp mới như cơ chế hài hòa về lợi ích giữa người sử dụng đất bị thu hồi, nhà đầu tư và Nhà nước…Theo ông Trần Văn Truyền, Cơ quan chuẩn bị dự thảo Chiến lược có đề xuất phương án thành lập một cơ quan chuyên trách chống tham nhũng độc lập, có đủ thẩm quyền, đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ nhưng qua thảo thảo luận tại Phiên họp, Chính phủ thấy rằng không cần thiết phải đặt ra vấn đề này, chỉ cần củng cố các cơ quan hiện nay là đã có thể ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tệ tham nhũng. Tuy nhiên, người đứng đầu Thanh tra Chính phủ nhận định: “ Đánh giá tham nhũng trong thời gian tới giảm hay tăng là rất khó và cũng khó có thể định lượng hóa cái này. Bản thân chúng ta cũng vậy, hôm nay có thể không tham nhũng, nhưng có thể ngày mai, có điều kiện, lại có thể tham nhũng, nên dự báo sắp tới tham nhũng như thế nào là rất khó”.
Ngoài các nội dung trên, ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ đã nhất trí với dự thảo Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh dân số năm 2003 mà nội dung chính là khẳng định mỗi cặp vợ chồng chỉ được có từ 1 đến hai con. Kèm theo dự thảo Pháp lệnh sửa đổi là dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể những trường hợp được sinh trên hai con. Dự thảo các văn bản này sẽ được trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ngay trong tháng 12. Cùng ngày hôm qua, Chính phủ đã bàn về việc sửa đổi Điều 6 Pháp lệnh Thuế tài nguyên.
Hồng Thúy