Một số kinh nghiệm qua việc giải quyết khiếu nại của bà Phạm Thị Thanh Bình hiện đang công tác tại Phòng Công chứng số 1, tỉnh Bình Định

22/10/2008
Giải quyết khiếu nại là một vấn đề nổi cộm đang đặt ra với các cơ quan nhà nước. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để giải quyết triệt để một vụ việc khiếu nại ? Đây là một mục tiêu lý tưởng cho những người giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, phải phụ thuộc vào từng nội dung vụ việc cụ thể, nhưng theo chúng tôi: nếu có sự hoà giải giữa người khiếu nại và người bị khiếu nại để người khiếu nại tự nguyện rút đơn khiếu nại thì mục tiêu lý tưởng nêu trên sẽ trở thành hiện thực. Sau đây, chúng tôi xin trình bày một vụ việc giải quyết khiếu nại của Thanh tra Bộ Tư pháp để chúng ta cùng tham khảo.

             Thực hiện quyết định số 114/QĐ-TTR ngày 02/6/2008 của Chánh Thanh Tra Bộ Tư pháp về việc thành lập Đoàn xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết đơn khiếu nại của bà Phạm Thị Thanh Bình hiện đang công tác tại Phòng Công chứng Nhà nước số 1, tỉnh Bình Định. Đoàn xác minh đã nghiên cứu đơn khiếu nại, các tài liệu được cung cấp,  xác minh, thu thập các thông tin, chứng cứ cần thiết, làm việc với các đương sự và các cơ quan hữu quan, kết quả giải quyết như sau: 

            I. NỘI DUNG VỤ VIỆC

            Bà Phạm Thị Thanh Bình là Công chứng viên Phòng Công chứng Nhà nước số 1, tỉnh Bình Định được bổ nhiệm theo Quyết định số 5541/QĐ-UB ngày 6/9/1994 của UBND tỉnh Bình Định căn cứ theo Nghị định số 45/HĐBT ngày 27/02/1991 và Thông tư số 276/TT-CC ngày 20/4/1991 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về tổ chức và quản lý Công chứng Nhà nước

            Bà Bình đã bị Công an thành phố Quy Nhơn ra Quyết định khởi tố bị can số 19 ngày 4/01/1997với tội danh ”thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”quy định tại điều 220 Bộ Luật Hình sự. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định đã ra Quyết định số 350/KSĐT-KT ngày 07/4/1997, đình chỉ điều tra bị can với nội dung: “Phạm Thị Thanh Bình Công chứng viên Phòng Công chứng Nhà nước số 1, tỉnh Bình Định trong quá trình thi hành công vụ từ tháng 5/1995 đến tháng 9/1995 đã ký chứng nhận vào hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo nợ vay và 2 giấy uỷ quyền, khi bên uỷ quyền không có mặt và cũng không có yêu cầu, dẫn đến Nguyễn Văn Thịnh công dân thường trú tại KV2 phường Trần Hưng Đạo, thành phố Quy Nhơn, lợi dụng thủ tục công chứng trên, lừa đảo chiếm đoạt của Ngân hàng đầu tư phát triển tỉnh Bình Định 60 triệu đồng (tiền gốc) và của công dân Nguyễn Ngọc Du 52.056.000 đồng, đủ yếu tố cấu thành tội “thiếu trách nhiệm gây hậu qủa nghiêm trọng” lẽ ra cần được xử lý bằng pháp luật hình sự nhưng xét thấy Công chứng viên Phạm Thị Thanh Bình phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt, hậu quả đã được khắc phục một phần. Hơn nữa bản thân bị can bị khuyết tật về thể chất, căn cứ vào khoản 2, điều 48 Bộ luật hình sự nên xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và kiến nghị xử lý hành chính nghiêm khắc”.

Do có sai phạm trong quá trình thực thi công vụ đã nêu trên bà Bình đã bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo theo Quyết định số 98/QĐ-TP ngày 20/8/1996 của Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Định

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định có Công văn số 352/KSĐT-KT ngày 7/4/1997 gửi Sở Tư pháp tỉnh Bình Định, Đảng uỷ dân chính đảng tỉnh Bình Định và “kiến nghị Sở Tư pháp tỉnh Bình Định xử lý kỷ luật nghiêm khắc về mặt chính quyền. Theo chúng tôi sở Tư pháp nên đề nghị cấp có thẩm quyền cách chức Công chứng viên, chuyển công tác khác đối với Công chứng viên Phạm Thị Thanh Bình”.

Thông báo kết luận số 141/TB-UB ngày 14/11/1997 buổi làm việc của UBND tỉnh Bình Định: ”Trường hợp sai phạm của Công chứng viên Phạm Thị Thanh Bình, giám đốc Sở Tư pháp căn cứ kiến nghị xử lý hành chính tại văn bản số 352 KSĐT ngày 7/4/1997 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, hoàn tất thủ tục trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định”.

Trưởng phòng Công chứng Nhà nước số 1, tỉnh Bình Định có Công văn số 09/CV-CC ngày 21/11/1997 và “kiến nghị Sở Tư pháp làm thủ tục cách chức Công chứng viên và chuyển công tác khác đối với đồng chí Phạm Thị Thanh Bình đang công tác tại Phòng Công chứng Nhà nước số 1 theo kiến nghị tại Quyết định số 350/KSĐT ngày 7/4/1997 và công văn số 352/KSĐT ngày 7/4/1997của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định”.

Sau khi xem xét tờ trình số 537/TT-TP ngày 22/11/1997của Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Định và các tài liệu có trong hồ sơ đề nghị miễn nhiệm Công chứng viên Phạm Thị Thanh Bình, xét thấy Công chứng viên Phạm Thị Thanh Bình có nhiều sai phạm nghiêm trọng đến nghiệp vụ công chứng, căn cứ Nghị định số 31/CP ngày 18/5/1996 của Chính phủ về hoạt động Công chứng Nhà nước, Bộ trưởng bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 31/QĐ ngày 10/12/1997 miễn nhiệm Công chứng viên đối với bà Bình.

          II. QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI 

          Khi nhận được Quyết định số 31/QĐ ngày 10/12/1997 v/v miễn nhiệm Công chứng viên đối với bà Bình, bà Bình đã có nhiều đơn gửi Bộ Tư pháp khiếu nại với nội dung:

         - Bà Bình phải chịu 2 hình thức kỷ luật (cảnh cáo và miễn nhiệm Công chứng viên) với cùng một nội dung vi phạm;

        Để giải quyết đơn khiếu nại của bà Phạm Thị Thanh Bình đề ngày 12/8/2000 Bộ Tư pháp đã có Công văn số 77/TP-CC ngày 15/02/2001 về việc trả lời đơn khiếu nại của bà Phạm Thị Thanh Bình: “Căn cứ nội dung vụ việc và các văn bản đề nghị của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định, ngày 10/12/1997 Bộ Tư pháp đã Quyết định miễn nhiệm Công chứng viên đối với Bà. Như vậy, việc miễn nhiệm công chứng viên đối với Bà là có cơ sở...”

        - Nhận được Công văn số 77/TP-CC ngày 15/2/2001 của Bộ Tư pháp,  Phạm Thị Thanh Bình tiếp tục khiếu nại 02 vấn đề:

+ Bà Bình chỉ vi phạm 01 hành vi hành chính nhưng bị xử lý 02 hình thức kỷ luật: cảnh cáo và miễn nhiệm Công chứng viên

+ Bộ Tư pháp không giải quyết khiếu nại của bà bằng 01 quyết định giải quyết khiếu nại, giải quyết khiếu nại không đúng với thủ tục quy định của Luật khiếu nại tố cáo.

            III. QUÁ TRÌNH TIẾN HÀNH XÁC MINH

         - Ngày 09/6/2008, Đoàn xác minh đã công bố Quyết định xác minh tại trụ sở Sở Tư pháp tỉnh Bình Định. Tham dự buổi công bố Quyết định xác minh gồm có: Lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Bình Định, Trưởng phòng Công chứng Nhà nước số 1, tỉnh Bình Định

- Đoàn xác minh đã tiến hành các công việc cụ thể sau:

            + Trao đổi với Lãnh đạo Sở về kế hoạch và phương pháp tiến hành xác minh, các quan điểm áp dụng pháp luật đối với từng chứng cứ về từng nội dung khiếu nại của bà Bình. Tại buổi làm việc với Lãnh đạo Sở, Đoàn đã nghe báo cáo quá trình giải quyết khiếu nại của Sở Tư pháp và thống nhất quan điểm giải quyết khiếu nại giữa Đoàn xác minh với Sở Tư pháp.

           + Đoàn xác minh đã trực tiếp đối thoại với bà Phạm Thị Thanh Bình về những nội dung có liên quan đến khiếu nại.

           IV. KẾT QUẢ XÁC MINH

1. Kết quả nghiên cứu hồ sơ và làm việc với Sở Tư pháp

Qua nghiên cứu Tờ trình số 537/TT-TP ngày 22/11/1997của Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Định đề nghị miễn nhiệm Công chứng viên Phạm Thị Thanh Bình và nghiên cứu hồ sơ, Đoàn xác minh thấy tài liệu, chứng cứ do Sở Tư pháp báo cáo không đủ cơ sở để kết luận sai phạm của bà Bình vì:

Tại Tờ trình số 537/TT-TP ngày 22/11/1997 của Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Định về việc đề nghị miễn nghiệm Công chứng viên đối với Phạm Thị Thanh Bình công tác tại Phòng Công chứng Nhà nước số 1 tỉnh Bình Định có ghi: “... Sau khi có Quyết định của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, đình chỉ điều tra bị can, Công chứng viên Phạm Thị Thanh Bình trở lại vị trí công tác thì tiếp tục có những sai phạm mới như: Ký khống chỉ vào một hợp đồng uỷ quyền, khống chỉ trong tờ trắng và ký giấy uỷ quyền chuyển nhượng quyền sử sụng đất ở tỉnh KonTum không đúng với quy định của pháp luật...”

Đoàn xác minh đã xem xét hồ sơ và đối thoại trực tiếp với Lãnh đạo Sở Tư pháp và được biết: khi thu được các tờ giấy ký khống của bà Bình thì Sở Tư pháp không lập biên bản ghi nhận nguồn gốc các vật chứng  để chứng minh những sai phạm của bà Bình. Do đó, bà Bình đã cho rằng Lãnh đạo Sở đã “trù úm”, cố “moi móc” trong sọt rác những tờ giấy bà Bình đã huỷ đi do sai sót.

Về phía các cơ quan liên quan của tỉnh Bình Định cũng có nhận thức rằng việc miễn nhiệm Công chứng viên là hình thức kỷ luật cách chức. Cụ thể:

            Tại Quyết định số 350/KSĐT-KT về việc đình chỉ điều tra bị can Phạm Thị Thanh Bình Công chứng viên Phòng Công chứng Nhà nước số 1, tỉnh Bình Định, Công văn số 352/KSĐT-KT ngày 7/4/1997 của Viện Trưởng Viên kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định, kiến nghị Sở Tư pháp tỉnh Bình Định: “đề nghị cấp có thẩm quyền cách chức Công chứng viên”; Trưởng phòng Công chứng Nhà nước số 1, tỉnh Bình Định có Công văn số 09/CV-CC ngày 21/11/1997: “kiến nghị Sở Tư pháp làm thủ tục cách chức Công chứng viên” đối với bà Bình.”.

            Đoàn xác minh đã phân tích là các cơ quan trên đã có nhận thức chưa đúng vì đã cho rằng “miễn nhiệm” là một hình thức kỷ luật (trong các văn bản đã dùng từ “cách chức” là chưa đúng mà phải dùng từ “miễn nhiệm” mới đúng) và đây là một trong những nguyên nhân làm cho đương sự hiểu sai và dẫn đến khiếu nại.

             Đoàn xác minh đã phân tích định hướng lại cách giải quyết khiếu nại là chỉ căn cứ vào các hành vi vi phạm của bà Bình đã được nêu trong Quyết định số 350/KSĐT-KT về việc đình chỉ điều tra bị can Phạm Thị Thanh Bình Công chứng viên Phòng Công chứng Nhà nước số 1, tỉnh Bình Định, Công văn số 352/KSĐT-KT ngày 7/4/1997của Viện Trưởng Viên kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định, kiến nghị Sở Tư pháp tỉnh Bình Định: “đề nghị cấp có thẩm quyền cách chức Công chứng viên chuyển công tác khác đối với Công chứng viên Phạm Thị Thanh Bình” để làm căn cứ miễn nhiệm Công chứng viên Phạm Thị Thanh Bình thì mới chặt chẽ, đầy đủ chứng cứ, có sức thuyết phục và bà Bình không thể khiếu nại được. 

Sau khi nghe Đoàn xác minh phân tích, Ban lãnh đạo Sở đã thừa nhận không đủ chứng cứ để kết luận các hành vi sai phạm của bà Bình sau khi có Công văn số 352/KSĐT-KT của Viện Kiểm sát  theo nội dung trang 2 của Tờ trình số 537, nếu càng đưa lý do bà Bình sai phạm ra để lý giải việc miễn nhiệm Công chứng viên thì sẽ càng rắc rối và phức tạp, cần có một hướng giải quyết khác.

Đoàn xác minh cho rằng: nếu cứ đi theo hướng giải quyết khiếu nại như Sở Tư pháp đã làm thì bà Bình sẽ còn khiếu nại căng thẳng hơn, do đó cần phải chuyển hướng giải quyết khiếu nại của bà Bình bằng cách tổ chức đối thoại để phân tích cho bà Bình hiểu rõ việc bà Bình chỉ bị 01 hình thức kỷ luật là cảnh cáo, còn việc miễn nhiệm Công chứng viên không phải là 1 hình thức kỷ luật cán bộ công chức. Việc miễn nhiệm Công chứng viên là thực hiện theo quy định của pháp luật về Công chứng. Phương án tối ưu nhất là phân tích, vận động, giáo dục, thuyết phục một cách thấu tình đạt lý để bà Bình thấy rõ việc khiếu nại của Bà chỉ gây khó khăn, rắc rối cho chính Bà và khó khăn cho Cơ quan, cho Bộ Tư pháp để bà Bình tự nguyện rút đơn khiếu nại thì khiếu nại của bà Bình mới được giải quyết triệt để.

Sau khi nghe Đoàn xác minh phân tích, Lãnh đạo Sở đã hoàn toàn nhất trí và ủng hộ giải pháp của Đoàn xác minh.

Đoàn xác minh đã họp bàn, trao đổi kỹ lưỡng nội dung, kế hoạch đối thoại với bà Bình nhằm mục đích phân tích về cơ sở pháp lý, giáo dục , thuyết phục để bà Bình thấy rõ kết quả khiếu nại, thấy rõ thiệt hơn khi rút đơn khiếu nại.

2. Kết quả đối thoại với bà Bình

Tại buổi đối thoại  Bà Bình cho rằng:

         - Bà Bình phải chịu 2 hình thức kỷ luật (cảnh cáo và miễn nhiệm Công chứng viên) với cùng một hành vi vi phạm, Bộ Tư pháp phải ra quyết định giải quyết khiếu nại thì Bà mới có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án để làm sáng tỏ việc này.

            - Về vấn đề Bộ Tư pháp chưa ra quyết định giải quyết khiếu nại cho bà Bình,         Đoàn xác minh đã phân tích như sau:

            Bộ Tư pháp đã giải quyết khiếu nại của bà Bình chưa đúng với trình tự thủ tục quy định tại Điều 53 của Luật khiếu nại tố cáo năm 1998 vì chưa ra quyết định giải quyết khiếu nại mà chỉ có công văn trả lời đơn khiếu nại của bà Bình. Do đó về vấn đề này, khiếu nại của bà Bình là có cơ sở, bởi vậy Bộ đã thành lập Đoàn  xác minh để kết luận, kiến nghị việc ra quyết định giải quyết đơn khiếu nại của Bà.

- Về vấn đề bà Bình cho rằng nếu có quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ Tư pháp thì Bà sẽ khởi kiện ra toà, Đoàn xác minh đã phân tích cơ sở pháp lý cho bà Bình như sau:

Tại Điều 55 của Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 đã quy định: “ Cán bộ, công chức khiếu nại quyết định kỷ luật buộc thôi việc, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết lần đầu, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết đó thì trong thời hạn quy định tại Điều 39 của Luật này có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết tiếp theo hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật về tố tụng hành chính.”. Theo đó, chỉ với hình thức kỷ luật buộc thôi việc thì cán bộ công chức mới được khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án. Vì vậy, sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại, bà Bình có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Nội vụ theo Điều 54 của Luật khiếu nại tố cáo: “đối với khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết tiếp theo là Bộ trưởng Bộ Nội vụ”. Qua phân tích của Đoàn xác minh, bà Bình đã thấy rõ không thể làm “to chuyện” vụ việc khiếu nại của Bà bằng cách đưa ra toà được và phần nào giảm bớt ý chí quyết tâm khiếu nại của bà Bình.

- Về vấn đề bà Bình cho rằng Bà đã phải chịu 2 hình thức kỷ luật (cảnh cáo và miễn nhiệm Công chứng viên) với cùng một hành vi vi phạm, Đoàn xác minh đã giải thích như sau:

 Việc kỷ luật cán bộ, công chức được thực hiện theo Điều 39 của Pháp lệnh cán bộ, công chức, tức là áp dụng pháp luật về cán bộ công chức (các hình thức kỷ luật như: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc), còn việc miễn nhiệm Công chứng viên là vì bà Bình không đủ tiêu chuẩn là Công chứng viên nên phải sắp xếp công việc khác và được thực hiện theo Thông tư số 1411/TT-CC ngày 03/10/1996 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện Nghị định số 31/CP ngày 18/5/1996 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động Công chứng Nhà nước, tức là áp dụng pháp luật về công chứng. Do vậy miễn nhiệm Công chứng viên không phải là hình thức kỷ luật cán bộ, công chức. Khiếu nại của bà Phạm Thị Thanh Bình cho rằng Bà phải chịu hai hình thức kỷ luật đối với một hành vi vi phạm là không có cơ sở.

Sau khi nghe Đoàn xác minh phân tích nội dung khiếu nại đã nêu trên, bà Bình đã tự nguyện xin rút đơn khiếu nại đã gửi Bộ Tư pháp. Bà đề nghị cấp trên tạo điều kiện để Bà hoàn thành nhiệm vụ của người chuyên viên vì chỉ còn 1 năm nữa bà đủ tuổi nghỉ hưu, tới đây nếu có lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Công chứng viên thì đề nghị cấp trên cho đi học để sau khi nghỉ hưu nếu có điều kiện sẽ xin mở phòng công chứng tư nhân. Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng phòng Công chứng Nhà nước số 1, tỉnh Bình Định đã chấp nhận đề nghị này của bà Bình và hứa tạo điều kiện với khả năng có thể cho bà Bình hoàn thành nhiệm vụ.

         V. KẾT LUẬN

         Việc kỷ luật cán bộ, công chức được thực hiện theo pháp luật về cán bộ công chức(các hình thức kỷ luật như: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc); việc miễn nhiệm Công chứng viên được thực hiện theo pháp luật về công chứng. Do vậy miễn nhiệm Công chứng viên không phải là hình thức kỷ luật cán bộ, công chức. Khiếu nại của bà Phạm Thị Thanh Bình cho rằng Bà phải chịu hai hình thức kỷ luật đối với một hành vi vi phạm là không có cơ sở.

          Khiếu nại việc miễn nhiệm Công chứng viên của bà Bình đã được Bộ Tư pháp trả lời tại văn bản số 77/TP-CC ngày 15/02/2001 về việc trả lời đơn khiếu nại của bà Phạm Thị Thanh Bình nhưng đây chỉ là một công văn trả lời, không phải quyết định giải quyết khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và sau khi có văn bản trả lời này, Bà vẫn tiếp tục có đơn khiếu nại.  Do đó, việc bà Bình đề nghị Bộ Tư pháp giải quyết bằng quyết định giải quyết khiếu nại là có cơ sở.

         VI. KIẾN NGHỊ

         Sau khi nghe Đoàn xác minh phân tích các cơ sở pháp lý, giáo dục, động viên, thuyết phục thấu tình, đạt lý, bà Bình đã tâm phục, khẩu phục và tự nguyện xin rút đơn khiếu nại, việc khiếu nại của bà Bình đã được giải quyết triệt để, Đoàn xác minh kiến nghị Bộ trưởng như sau:

        - Không ra quyết định giải quyết đơn khiếu nại của Bà Phạm Thị Thanh Bình.

        - Giao Thanh tra Bộ có Công văn trả lời các cơ quan đã có  công văn chuyển đơn khiếu nại của bà Bình đến Bộ Tư pháp theo đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. 

        - Giao cho Đoàn xác minh xắp xếp hồ sơ theo quy định và bàn giao cho Thanh tra Bộ để đưa vào lưu trữ.

         VII. MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

         Qua nội dung giải quyết một vụ việc cụ thể như trên, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

         Để giải quyết khiếu nại, cơ quan thanh tra phải thực hiện rất nhiều công việc, từ thụ lý đơn, nghiên cứu đơn, lập kế hoạch giải quyết cho đến xác minh, thu thập chứng cứ, làm rõ các nội dung khiếu nại, kiến nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định giải quyết khiếu nại, hoàn chỉnh hồ sơ, tài liệu... Tuy nhiên, có thể tóm lược việc giải quyết khiếu nại được chia làm 3 bước chính là : chuẩn bị giải quyết khiếu nại; xác minh, thu thập chứng cứ  và ra kết luận thanh tra việc giải quyết khiếu nại, hoàn chỉnh hồ sơ.

* Chuẩn bị giải quyết khiếu nại:

Trên cơ sở đơn và các tài liệu mà người khiếu nại cung cấp, cơ quan thanh tra phải tiến hành nghiên cứu kỹ để xác định nội dung khiếu nại của người khiếu nại bao gồm những vấn đề gì, yêu cầu của người khiếu nại là như thế nào, những căn cứ mà người khiếu nại đưa ra để chứng minh cho yêu cầu của họ có đúng pháp luật không, đã đầy đủ chưa...Đồng thời, có thể tiến hành việc tiếp xúc sơ bộ đối với người khiếu nại. Thông thường, đối với những vụ việc khiếu nại bức xúc, kéo dài thì người khiếu nại thường cho mình là người bị oan ức, quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm do vậy trong đơn của họ thường không phản ánh trung thực bản chất của vấn đề hoặc “thổi phồng” sự việc, thêm bớt tình tiết để có lợi cho mình, giấu giếm các chứng cứ để làm sai lệch thông tin, làm lạc hướng sự nhận định của người giải quyết khiếu nại. Do vậy, người giải quyết khiếu nại trong những trường hợp nhất định, để làm sáng tỏ những nội dung cơ bản của vụ việc mà mình chưa rõ, cần thiết phải tiếp xúc, đối thoại với đương sự nhằm khẳng định những nội dung khiếu nại và yêu cầu của họ, qua đó cũng có thể khai thác thêm phần nào những thông tin liên quan đến vụ việc bị khiếu nại.

Cơ quan thanh tra cần phải thu thập các văn bản pháp lý liên quan đến giải quyết vụ việc để làm căn cứ giải quyết khiếu nại. Đó có thể là các văn bản, tài liệu liên quan đến quyết định, hành vi bị khiếu nại hay những văn bản, tài liệu mà nội dung đơn thư khiếu nại đã đề cập đến như là những căn cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại hoặc những văn bản pháp luật điều chỉnh về lĩnh vực có liên quan đến vụ việc phát sinh...

Sau khi đã thu thập đầy đủ các văn bản pháp lý có liên quan đến nội dung khiếu nại thì người được giao chủ trì xác minh phải phân tích, so sánh, tổng hợp để tìm ra “điểm nút” về mặt pháp lý của nội dung khiếu nại. Cụ thể trong vụ việc trên là phải tìm ra “điểm nút” là: các cơ quan giải quyết khiếu nại trước đó đã “sa lầy” và cho rằng miễn nhiệm công chứng viên là một hình thức kỷ luật. Quan trọng hơn nữa là phải tìm được “điểm nút” tâm lý của người khiếu nại: ở vụ việc này người khiếu nại cho rằng khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định giải quyết khiếu nại thì người khiếu nại sẽ khởi kiện ra toà và “làm to chuyện lên cho bõ tức”. Lúc này cần phải tháo gỡ “điểm nút”  tâm lý bằng cách lập luận: theo quy định của pháp luật thì chỉ có hình thức kỷ luật buộc thôi việc thì cán bộ công chức mới được khởi kiện tại toà án để bẻ gãy ý chí của người khiếu nại. 

            *  Tiến hành thẩm tra, xác minh:

Thẩm tra, xác minh là nhằm mục đích thu thập chứng cứ, tài liệu làm cơ sở cho cơ quan thanh tra nhận xét chính xác, khách quan, đúng pháp luật về vụ việc, từ đó mới đề xuất đến cấp có thẩm quyền ra quyết định giải quyết khiếu nại được chính xác, đủ căn cứ, bảo vệ được lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.

Đây là khâu rất quan trọng trong quá trình xem xét, giải quyết vụ việc khiếu nại. Khiếu nại có được giải quyết kịp thời, đúng chính sách pháp luật hay không  phụ thuộc rất nhiều vào việc xác minh, thu thập chứng cứ.

Khi tiến hành xác minh, cần phải khách quan, trung thực, chú ý tìm hiểu bản chất của sự việc dẫn đến khiếu nại. Điều quan trọng là xác minh rõ nguồn gốc của chứng cứ, mức độ trung thực và chính xác của chứng cứ. Tuy nhiên, trong quá trình xác minh, cũng cần phải xem xét đến cả tính hợp pháp, tính hợp lý của vấn đề mà các bên nêu ra. Chú ý phải  lập  biên bản  từng vụ việc, từng nội dung xác minh..  

Để tiến hành xác minh đạt kết quả tốt, cần phải vận dụng khéo léo, linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ nhằm thu thập thông tin, chứng cứ. Cán bộ xác minh có thể thu thập thông tin từ các nguồn sau:

+ Người khiếu nại: việc gặp gỡ, tiếp xúc với người khiếu nại là công việc mang tính bắt buộc đối với người giải quyết khiếu nại lần đầu. Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành quy định: “Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại”. Đối với người giải quyết khiếu nại tiếp theo thì luật quy định: “người giải quyết khiếu nại lần tiếp theo phải gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại trong trường hợp cần thiết”.

+ Người bị khiếu nại: cơ quan thanh tra có quyền triệu tập người bị khiếu nại đến để giải trình rõ sự việc, lời giải trình phải được thể hiện bằng văn bản chính thức do người có thẩm quyền ký.

+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan: đây là những người biết được những thông tin liên quan đến vụ việc hoặc có mối quan hệ nào đó với nội dung của vụ việc mà cơ quan thanh tra cần thiết phải gặp gỡ, tiếp xúc nhằm làm rõ những thông tin nhất định, từ đó mới có đủ cơ sở để kết luận một cách khách quan, toàn diện về vấn đề.

Sau khi đã xác minh, thẩm tra hết các nội dung, đối tượng liên quan, cơ quan thanh tra cần so sánh, đối chiếu với các văn bản pháp luật hiện hành, các quy định của cơ quan, đơn vị người bị khiếu nại; so sánh, đối chiếu giữa các chứng cứ thu thập được để phân tích, đi đến nhận định rõ việc khiếu nại đúng hay sai, từ đó kết luận từng vấn đề và đưa ra phương hướng giải quyết cụ thể.

Một điều quan trọng là ưu tiên hàng đầu phương pháp giải thích, phân tích có lý có tình để người khiếu nại hiểu rõ bản chất pháp lý của vấn đề cần khiếu nại, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của người khiếu nại để người khiếu nại hiểu rõ nội dung khiếu nại của chính mình, thay đổi thái độ khiếu nại theo chiều hướng tích cực và nảy sinh ý muốn thoả thuận với người bị khiếu nại hoặc tự mình rút đơn khiếu nại như trường hợp nêu trên. Chỉ có như vậy thì khiếu nại mới được giải quyết triệt để.

Trên đây là một vài kinh nghiệm nhỏ khi giải quyết khiếu nại một vụ việc cụ thể, chúng tôi xin nêu ra để quý đọc giả cùng tham khảo, rất mong tiếp nhận những ý kiến phản hồi, trao đổi của đồng chí, đồng nghiệp để cùng nhau xây dựng nghiệp vụ cho Ngành ngày càng hoàn thiện hơn. Mọi chia sẻ thông tin, kiến thức hoặc hỏi đáp, thắc mắc về nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo xin liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ của tác giả: Hoàng Quốc Hùng - Thanh tra Bộ Tư pháp, Tel: 8231127 & 0913001513 & Email: Hunghq@moj.gov.vn./ 

                                                                                                 Thanh Thái