Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN cam kết tăng cường hợp tác pháp luật và tư pháp

20/10/2008
Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN cam kết tăng cường hợp tác pháp luật và tư pháp
Sáng nay 20/8, Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN lần thứ 7 (ALAWMM 7) đã long trọng khai mạc tại Banda Seri Begawan, thủ đô Vương quốc Hồi giáo Brunei Darussalam với sự tham dự của Phó Tổng Thư ký ASEAN và Trưởng đoàn đại biểu mười nước ASEAN là các Bộ trưởng Tư pháp, Tổng công tố, Bộ trưởng pháp luật. Ðoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường dẫn đầu tham dự Hội nghị. Thái tử Brunei Darussalam, Bộ trưởng cao cấp, Văn phòng Thủ tướng - Ngài Haji Al – Muhtadee Billah ibni đã đến dự và phát biểu khai mạc Hộị nghị.

Trong bài phát biểu của mình, Thái tử Brunei Darussalam bày tỏ vui mừng được đăng cai Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN và ca ngợi những đóng góp to lớn của ALAWMM trong hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa các nước ASEAN, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu của ASEAN nói chung về phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá và bảo đảm sự ổn định chính trị và kinh tế khu vực. Thái tử kêu gọi các nước ASEAN tăng cường hợp tác về pháp luật và tư pháp để vượt qua những khó khăn kinh tế trên quy mô toàn cầu đang tác động đến nhiều nước châu Á. Từ khi thành lập đến nay, mặc dù phải đối mặt không ít khó khăn và thách thức, song ASEAN đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển năng động và thu được những kết quả rất quan trọng. Hiện ASEAN đã trưởng thành và ngày càng gắn bó chặt chẽ với nhau vì lợi ích chung, vì hoà bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực, góp phần bảo vệ hoà bình, ổn định, khuyến khích hợp tác, phát triển ở Ðông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương và toàn thế giới.

Trong phiên họp toàn thể đầu tiên tại Hội nghị, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam - Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã có bài phát biểu. Bộ trưởng bày tỏ vui mừng về tình đoàn kết, hữu nghị và sự hợp tác nhiều mặt giữa các nước ASEAN không ngừng được tăng cường và ngày càng đi vào chiều sâu, được thể hiện sinh động qua việc ký kết Hiến chương ASEAN vào cuối năm 2007.[i] Việc Việt Nam đóng góp tích cực cùng với các nước ASEAN xây dựng và phê chuẩn Hiến chương ASEAN, theo Bộ trưởng, là một bước tiến quan trọng trong quá trình Việt Nam tham gia ASEAN cũng như quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế nói chung của Việt Nam, góp phần mở ra giai đoạn hợp tác mới chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn giữa các nước Đông Nam Á, hướng tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Bộ trưởng khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong việc đưa tinh thần và nội dung của Hiến chương ASEAN vào cuộc sống, mang lại lợi ích cho mỗi quốc gia thành viên và cả ASEAN nói chung, góp phần vào hoà bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và thế giới.

Trong Bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã chia sẻ với ALAWMM 7 thành công của Việt Nam trong việc tiếp tục thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 -2010.  Bộ trưởng cũng đề cập đến những thách thức đặt ra với Việt Nam - một đất nước đang trong quá trình hội nhập kinh tế, chịu ảnh hưởng của những biến chuyển không thuận lợi của tình hình kinh tế toàn cầu và khu vực -  và khẳng định tính cấp thiết của những quyết tâm, nỗ lực và giải pháp đồng bộ của Chính phủ Việt Nam nhằm đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2010, tiến tới cơ bản trở thành một nước công nghiệp hoá, theo hướng hiện đại vào năm 2020. Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của cải cách pháp luật và tư pháp trong việc tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho kinh doanh và đầu tư. Bộ trưởng cho rằng, muốn phát triển kinh tế, đạt mục tiêu công bằng xã hội, thì một trong những công cụ và điều kiện tiên quyết là hoàn thiện hệ thống pháp luật và các cơ quan tư pháp.  

Đánh giá cao những bước tiến quan trọng về hợp tác pháp luật và tư pháp giữa các nước ASEAN, trong lĩnh vực hình sự, Bộ trưởng nhấn mạnh việc các nước ASEAN tham gia soạn thảo và thông qua các công cụ pháp lý quan trọng như Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa  các nước  ASEAN, xây dựng Công ước ASEAN về chống khủng bố v.v.... Về hợp tác trong lĩnh vực dân sự, Bộ trưởng hoan nghênh nỗ lực của các nước ASEAN trong việc hài hoà hoá pháp luật thương mại và đẩy mạnh tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại. Đặc biệt, Bộ trưởng đã nhấn mạnh đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam trong hợp tác pháp luật và tư pháp, vì sự phát triển ASEAN và ALAWMM, trong đó có việc tổ chức thành công Diễn đàn pháp luật ASEAN lần thứ 4 vừa qua tại Hà Nội. Bộ trưởng cho rằng, trong khi một số nước ASEAN chưa sẵn sàng gia nhập các thiết chế đa phương về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại, thì việc triển khai những bước tiến cần thiết trên tầm khu vực, có tính đến sự hài hoà với những mục tiêu đa phương nhằm đáp ứng nhu cầu của cộng đồng kinh doanh ASEAN và công dân các nước ASEAN là cần thiết.  

Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN khác và Phó Tổng Thư ký ASEAN đã phát biểu bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề trong nước và khu vực, trong đó cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác giữa các quan chức pháp luật các nước thành viên vì mục tiêu phát triển ASEAN, xây dựng Cộng đồng ASEAN trong khuôn khổ Hiến chương ASEAN đã được thông qua. Các Bộ trưởng đều cho rằng, Hiến chương ASEAN là một nhu cầu tất yếu khách quan và là bước chuyển giai đoạn quan trọng của Hiệp hội sau 40 năm tồn tại và phát triển, phản ánh sự trưởng thành của ASEAN, thể hiện tầm nhìn và quyết tâm chính trị của các nước ASEAN, nhất là của các vị lãnh đạo về mục tiêu xây dựng một ASEAN liên kết chặt chẽ hơn và vững mạnh hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương, để hỗ trợ cho mục tiêu hoà bình và phát triển của cả khu vực cũng như từng nước thành viên. 

Nhân tố quan trọng hàng đầu để ASEAN tiếp tục thành công trong giai đoạn mới là Hiệp hội cần tăng cường những nỗ lực chung để bảo đảm môi trường hoà bình, ổn định và hợp tác ở khu vực trên cơ sở các mục tiêu và nguyên tắc cơ bản của ASEAN đã được ghi nhận trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á và Hiến chương ASEAN. Các nước thành viên cần tiếp tục làm hết sức mình để củng cố sự đoàn kết và thống nhất của Hiệp hội, tăng cường tình hữu nghị và ý thức cộng đồng, đẩy mạnh hợp tác và giải quyết mọi khác biệt bằng biện pháp hoà bình. Đồng thời, ASEAN cần tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong các vấn đề khu vực, chủ động thúc đẩy các tiến trình đối thoại và hợp tác ở khu vực, tạo điều kiện cho các đối tác bên ngoài tham gia và đóng góp tích cực cho việc xử lý các thách thức đối với hoà bình, an ninh và phát triển khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương.

Theo các Bộ trưởng ASEAN, một nhân tố mới rất đáng quan tâm là chúng ta phải đối mặt với ngày càng nhiều tội phạm xuyên quốc gia như buôn bán ma tuý, buôn bán người, rửa tiền, cướp biển, khủng bố... Tình hình trên đặt ra nhu cầu phải hợp tác chặt chẽ hơn, sâu sắc hơn về  tư pháp và pháp luật để theo kịp với sự hợp tác trên các mặt khác cũng như đối phó với những thách thức mới. Các Bộ trưởng cho rằng, chỉ có như vậy thì thể chế pháp luật và tư pháp của các nước ASEAN mới thực sự trở thành động lực và cơ sở để tạo thuận lợi cho sự hợp tác và phát triển bền vững của ASEAN trong thời gian tới.

ALAWMM nhấn mạnh vai trò của Bộ trưởng Tư pháp là những người xây dựng những chiếc cầu nối giữa quan chức pháp luật các nước ASEAN; các cuộc họp của Bộ trưởng Tư pháp là cơ hội để các thành viên ALAWMM chia sẻ với nhau nhiều hơn về tình hình phát triển/ cải cách pháp luật và tư pháp của từng nước .Các Bộ trưởng  cho rằng, cùng với những cố gắng từ phía Nhà nước, Chính phủ, Bộ/ ngành tư pháp các nước ASEAN cũng có những đóng góp hết sức quan trọng cho quá trình liên kết khu vực và để thực hiện tốt vai trò của mình, ALAWMM cần tiếp tục được củng cố và hoàn thiện về cơ chế hoạt động và tổ chức, trong đó có việc tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban Thư ký - bộ máy giúp việc của ALAWMM.  .

Hội nghị Bộ trưởng tư pháp các nước ASEAN lần thứ 7 diễn ra trong 2 ngày 20 và 21 tháng 10 năm 2008. Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN là hoạt động định kỳ được tổ chức 3 năm một lần, luân phiên giữa các nước thành viên nhằm thảo luận và quyết định về các vấn đề hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa các nước ASEAN. Hội nghị Bộ trưởng vừa là cơ quan quyết định về mặt chính sách, định hướng và nội dung  hợp tác cơ bản, vừa là một hình thức hoạt động hợp tác về pháp luật và tư pháp.  

Tại ALAWMM 7 lần này, các Bộ trưởng cũng sẽ xem xét thông qua các báo cáo của Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN (ASLOM) 11 và 12; quyết định về địa điểm, thời gian tổ chức ALAWMM 8; ra thông cáo chung và thông qua Báo cáo của ALAWMM 7.  

Đặng Hoàng Oanh - Vụ Hợp tác quốc tế , Bộ Tư pháp


[i] Tháng 11-2007, lãnh đạo các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia ASEAN đã ký Hiến chương ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 13, tổ chức tại Singapore, đánh dấu một mốc lịch sử trong quá trình phát triển của Hiệp hội. Chưa đầy bốn tháng sau, ngày 6/3/2008, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký phê chuẩn Hiến chương ASEAN. Ngày 14-3-2008,  Việt Nam đã long trọng chuyển bản Hiến chương vừa phê chuẩn tới Ban Thư ký ASEAN, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình Việt Nam tham gia ASEAN cũng như quá trình hội nhập khu vực và quốc tế nói chung. Hiến chương ASEAN là một nhu cầu tất yếu khách quan và là bước chuyển giai đoạn quan trọng của Hiệp hội sau 40 năm tồn tại và phát triển, phản ánh sự trưởng thành của ASEAN, thể hiện tầm nhìn và quyết tâm chính trị của các nước ASEAN, nhất là của các vị lãnh đạo  các quốc gia Đông Nam Á về mục tiêu xây dựng một ASEAN liên kết chặt chẽ hơn và vững mạnh hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương, để hỗ trợ cho mục tiêu hòa bình và phát triển của cả khu vực cũng như từng nước thành viên. 

_________________________________________ 

Các bài viết có liên quan: