Ứơc tính của Quỹ Hỗ trợ phát triển phụ nữ (UNIFEM), trên thế giới, 1/3 phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ bị đánh, lạm dụng tình dục hoặc những hình thức lạm dụng khác trong cuộc đời. Đây là sự vi phạm nhân quyền nhưng phần lớn các nạn nhân không dám tố cáo thủ phạm vì lo ngại những hành vi bạo lực có thể tiếp diễn sau đó. Bà Huỳnh Thị Nhân - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH - nhấn mạnh, bạo lực gia đình (BLGĐ) không còn là vấn đề của “riêng” mỗi gia đình hay quốc gia mà đã trở thành vấn đề quan tâm của toàn cầu. BLGĐ làm tổn hại đến nhân phẩm, sức khoẻ và tâm lý của người bị bạo lực, cả nam và nữ. Chính vì vậy, vấn đề phòng chống BLGĐ đang được cộng đồng quốc tế và khu vực quan tâm mạnh mẽ.
Trước tình hình đó, các nước ASEAN đã cùng thông qua và cam kết thực hiện nhiều công ước quốc tế và khu vực về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt, bạo lực đối với phụ nữ, góp phần đem lại nỗ lực chung trong việc giải quyết vấn đề BLGĐ. Uỷ ban về xoá bỏ phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (LHQ) đã đánh giá cao việc Việt Nam thông qua một số văn bản pháp luật mới nhằm xoá bỏ phân biệt đối với phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới, trong đó có Luật Bình đẳng giới, Luật Đất đai (sửa đổi, bổ sung năm 2003), Luât phòng chống BLGĐ và Luật HN&GĐ.
Theo các chuyên gia pháp lý, một trong những biện pháp để phòng chống BLGĐ là cải cách luật pháp và chính sách để giải quyết BLGĐ nói chung và bạo lực với phụ nữ nói riêng, trong đó Luật Phòng chống BLGĐ được coi là công cụ chủ yếu và hiệu quả. Việt Nam và một số quốc gia ASEAN khác đã ban hành luật riêng về phòng chống BLGĐ. Song vấn đề hiện nay là đưa được luật và thực tiễn cuộc sống và tiếp tục hoàn thiện.
Trên cơ sở kế hoạch triển khai Tuyên bố xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ của ASEAN (năm 2004), trong 2 ngày (20-21/10), Bộ LĐTB&XH, Uỷ ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam phối hợp với Quỹ Hỗ trợ phát triển phụ nữ (UNIFEM), Ban Thư ký ASEAN tổ chức Hội thảo khu vực ASEAN về pháp luật phòng chống BLGĐ. Cùng với hơn 60 đại biểu đến từ các quốc gia ASEAN, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Huỳnh Thị Nhân, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thuý Hiền, đại diện các tổ chức trong và ngoài nước đã đến dự Hội thảo. Các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ thảo luận để tìm ra những nhân tố cần thiết quyết định hiệu quả của Luật Phòng chống BLGĐ, của các chương trình phòng chống BLGĐ, giải quyết tranh chấp tại cộng đồng...
Đây cũng là một hoạt động trước thềm khoá họp lần thứ 7 của Uỷ ban phụ nữ ASEAN do Việt Nam đăng cai./.
H.Giang