Một số kết quả đạt được sau gần 01 năm triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC

13/10/2008
Để thực hiện đúng và thống nhất các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, ngày 28/12/2007, liên ngành Tư pháp - Công an - Quốc phòng - Tài chính - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định về trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng (sau đây gọi là Thông tư). Sau gần một năm thực hiện Thông tư đã đạt được một số kết quả sau đây:

1. Về quá trình hướng dẫn triển khai thực hiện

Sau khi Thông tư có hiệu lực pháp luật, với tư cách là cơ quan thường trực của Hội đồng, Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập Hội đồng. Bộ Tư pháp cũng đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan thuộc Bộ và các Sở Tư pháp chủ động hướng dẫn việc triển khai thực hiện Thông tư trong phạm vi toàn quốc và ở từng địa phương, bảo đảm để Thông tư được triển khai thực hiện trong thực tế. Ngày 07/3/2008, Bộ trưởng ban hành Quyết định số 259/QĐ-BTP thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở Trung ương và Tổ giúp việc cho Hội đồng. Trong điều kiện chưa tổ chức được lễ ra mắt Hội đồng, ngày 29/4/2008, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 1283/BTP-TGPL hướng dẫn các Sở Tư pháp triển khai thực hiện Thông tư ở địa phương (như thành lập Hội đồng ở địa phương và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng, quán triệt, phổ biến, nâng cao nhận thức của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, nâng cao số lượng các vụ việc trợ giúp pháp lý được thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng); hướng dẫn các Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (sau đây gọi là Trung tâm) tăng cường thực hiện các vụ việc TGPL trong hoạt động tố tụng. Bộ Tư pháp còn cử báo cáo viên trực tiếp giúp một số địa phương giới thiệu, phổ biến, quán triệt nội dung và tinh thần của Thông tư đến các cán bộ chủ chốt của các cơ quan tiến hành tố tụng (như Hoà Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Điện Biên, Kiên Giang, Hà Nội…). Sau một thời gian triển khai thực hiện, ngày 30/7/2008, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 2398/BTP-TGPL yêu cầu các Sở Tư pháp báo cáo kết quả triển khai thực hiện Thông tư.

Ở địa phương, hầu hết các Sở Tư pháp đã kịp thời tham mưu để Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định thành lập Hội đồng, đồng thời chỉ đạo Trung tâm xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Thông tư cũng như triển khai thực hiện các nội dung phối hợp cụ thể thuộc phạm vi trách nhiệm của Trung tâm. Nhiều địa phương cũng đã thực hiện việc ký kết mới hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế các Chương trình, Kế hoạch phối hợp công tác TGPL trong hoạt động tố tụng giữa Sở Tư pháp với các cơ quan tiến hành tố tụng cho phù hợp với nội dung, tinh thần của Luật TGPL, các văn bản hướng dẫn thi hành và Thông tư (như Đồng Tháp, Hà Nội, Lào Cai, Ninh Bình …).

2. Về phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức

Qua báo cáo, ở hầu hết các địa phương trong toàn quốc, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt, giới thiệu những nội dung và tinh thần của Thông tư. Đối tượng tham dự Hội nghị đều là các cán bộ chủ chốt đến từ các cơ quan tiến hành tố tụng (Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Sở Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân cấp tỉnh); đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan và người thực hiện TGPL. Nội dung của Hội nghị rất phong phú, đa dạng, không chỉ tập trung giới thiệu về nội dung của Thông tư mà còn làm rõ hơn về nội dung, tinh thần của Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các đại biểu tham dự Hội nghị đều được cung cấp Thông tư và các tài liệu có liên quan đến pháp luật về TGPL. Sau Hội nghị, phần lớn các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện việc phổ biến, quán triệt nội dung, tinh thần của Thông tư đến các cán bộ, công chức, nhất là người tiến hành tố tụng (Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Thư ký Toà án, Hội thẩm nhân dân) trong toàn đơn vị. Cục TGPL, Bộ Tư pháp cũng đã phát hành miễn phí cuốn tài liệu tập hợp những văn bản pháp luật về TGPL đang có hiệu lực đến Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Trung tâm và tới đây dự kiến sẽ phát cho lãnh đạo của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người thực hiện TGPL trong toàn quốc. Ngoài ra, ở nhiều địa phương, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm thực hiện việc giới thiệu những nội dung cơ bản của Thông tư trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc biên soạn, ấn hành các tờ gấp pháp luật về những nội dung của Thông tư để nhân dân đều biết.

Có thể nói, với những hoạt động tích cực, chủ động nêu trên, đến nay, nhận thức về vị trí, vai trò của công tác TGPL nói chung và TGPL trong hoạt động tố tụng nói riêng từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đã được nâng nên một bước. Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với Trung tâm ngày càng được củng cố, tăng cường. Ngày càng có nhiều người được các cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu đến Trung tâm để hoàn tất các thủ tục yêu cầu TGPL hoặc đề nghị Trung tâm cử người tham gia tố tụng để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp. Nhờ làm tốt công tác phối hợp nên số lượng vụ việc được thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng ngày càng tăng, chất lượng từng bước được bảo đảm.

 3. Về thành lập Hội đồng ở Trung ương và địa phương

Ngay sau khi Thông tư có hiệu lực pháp luật, ngày 17/01/2008 Bộ Tư pháp đã có Công văn số 148/BTP-TGPL đề nghị các Bộ, ngành có liên quan (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao) cử thành viên tham gia Hội đồng ở Trung ương và Tổ giúp việc cho Hội đồng. Trên cơ sở Công văn cử người tham gia Hội đồng và Tổ giúp việc cho Hội đồng, ngày 07/3/2008, Bộ trưởng ban hành Quyết định số 259/QĐ-BTP thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở Trung ương và Tổ giúp việc cho Hội đồng. Theo Quyết định nêu trên thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp là Chủ tịch Hội đồng, 01 Thứ trưởng Bộ Tư pháp là Phó Chủ tịch Hội đồng. Các thành viên khác của Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Phó Chánh án TAND tối cao và Cục trưởng Cục TGPL, Bộ Tư pháp. Các thành viên của Tổ giúp việc của Hội đồng là đại diện các cơ quan đến từ các cơ quan, ban ngành có liên quan theo đúng thành phần được quy định tại Thông tư.

Trong điều kiện chưa tổ chức được lễ ra mắt Hội đồng ở Trung ương, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương để giới thiệu, dự kiến nhân sự trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ra Quyết định thành lập Hội đồng ở địa phương và Tổ giúp việc cho Hội đồng; tổ chức lễ ra mắt Hội đồng và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng. Đến nay, qua báo cáo của các địa phương, đã có 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định thành lập Hội đồng, trong đó 22 tỉnh, thành phố cũng đã ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng. Việc tổ chức lễ ra mắt Hội đồng, tổ chức họp và thông qua kế hoạch hoạt động trong năm 2008 của Hội đồng, đề xuất nhiều kiến nghị, vướng mắc đã thực hiện ở nhiều địa phương. Đồng thời, một số địa phương còn lại cũng đã hoàn tất công tác giới thiệu thành phần tham gia Hội đồng và dự kiến sẽ trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh Quyết định thành lập Hội đồng, ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng.

4. Về kết quả triển khai thực hiện các nội dung phối hợp và thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng

Về kết quả triển khai thực hiện các nội dung phối hợp: Hầu hết các Trung tâm đều đã thực hiện trách nhiệm quy định trong Thông tư như cung cấp cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ Bảng thông tin về TGPL; mẫu đơn đề nghị TGPL, Hộp tin TGPL, tờ gấp pháp luật và các tài liệu pháp luật có liên quan về TGPL; lập danh sách Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư là cộng tác viên của Trung tâm, Chi nhánh kèm theo địa chỉ liên lạc và thực hiện việc thông báo cho các cơ quan này để có thể liên hệ ngay trong những trường hợp cần thiết. Đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, đã tiến hành niêm yết công khai Bảng thông tin về TGPL tại địa điểm tiếp dân ở trụ sở cơ quan mình; đặt Hộp tin TGPL để cấp phát miễn phí tờ gấp pháp luật, mẫu đơn yêu cầu TGPL và các tài liệu pháp luật có liên quan về TGPL tại các địa điểm tiếp dân và chủ động yêu cầu Trung tâm, Chi nhánh phối hợp thực hiện các hoạt động truyền thông và hướng dẫn về TGPL để người dân được biết về hoạt động TGPL. Mặt khác, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã chủ động yêu cầu Trung tâm, Chi nhánh cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng để đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý (như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nghệ An…).

Về kết quả triển khai thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng: Qua báo cáo, các thủ tục để được tham gia tố tụng của người thực hiện TGPL đã thuận lợi hơn, tạo điều kiện thuận lợi để người thực hiện TGPL có thời gian nghiên cứu hồ sơ, tiếp cận đối tượng và tìm hiểu sự thật vụ án.

Sau gần một năm triển khai Thông tư, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, số lượng vụ việc TGPL trong lĩnh vực tố tụng đã đạt được kết quả khích lệ, như Kiên Giang (156), Cần Thơ (146), Sóc Trăng (142 vụ), Hải Dương (134)... Bên cạnh đó, Trợ giúp viên pháp lý cũng đã tích cực tham gia tố tụng Lào Cai (75 vụ), Nghệ An (24 vụ), Hải Dương (21 vụ)... Qua đó, vai trò, vị trí của người thực hiện TGPL trong tố tụng, nhất là các Trợ giúp viên pháp lý từng bước được khẳng định, không chỉ giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL mà còn hỗ trợ các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng sớm tìm ra sự thật khách quan của vụ án, xét xử, ra bản án, quyết định đúng người, đúng pháp luật, hạn chế việc khiếu nại, kháng cáo.

5. Một số nhận xét, đánh giá

a) Những ưu điểm

Thứ nhất, việc hướng dẫn, triển khai công tác TGPL trong hoạt động tố tụng trong thời gian qua là tương đối kịp thời, đồng bộ, toàn diện theo từng nội dung, yêu cầu, bảo đảm kịp thời, thuận tiện, toàn diện cả về mặt tổ chức, triển khai các hoạt động đến việc tăng cường các mối quan hệ phối hợp TGPL cụ thể trong hoạt động tố tụng, có sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm.

Thứ hai, nhận thức về vị trí, vai trò của công tác TGPL nói chung và TGPL trong hoạt động tố tụng nói riêng từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đã được nâng lên. Các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã và đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho Trung tâm và Chi nhánh trong việc cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư là cộng tác viên tham gia tố tụng, đồng thời có cơ chế phản hồi thông tin về chất lượng tham gia tố tụng của người thực hiện TGPL.

Thứ ba, quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với Sở Tư pháp và Trung tâm từng bước được thiết lập và ngày càng được củng cố, tăng cường. Ngày càng có nhiều người được các cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu đến Trung tâm để hoàn tất các thủ tục yêu cầu TGPL hoặc đề nghị Trung tâm cử người tham gia tố tụng để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp.

Thứ tư, số lượng vụ việc được thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng ngày càng tăng, chất lượng từng bước được bảo đảm. Đội ngũ người thực hiện TGPL ngày càng tham gia tích cực và chủ động vào các giai đoạn của quá trình tố tụng. Nếu như trước kia, các vụ việc TGPL trong tố tụng được thực hiện chủ yếu trong giai đoạn xét xử thì đến nay đã được mở rộng ngay từ giai đoạn đầu của quá trình tố tụng (từ giai đoạn điều tra, truy tố) để kịp thời bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL.

b) Những hạn chế, bất cập

Mặc dù đạt được những kết quả nêu trên nhưng từ thực tiễn triển khai thực hiện Thông tư cũng đã nảy sinh một số hạn chế, bất cập sau đây:

Thứ nhất, nhận thức về TGPL nói chung và TGPL trong hoạt động tố tụng nói riêng của một số cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, cơ quan, tổ chức còn hạn chế, thậm chí chưa thống nhất, có lúc, có nơi bị xem nhẹ, thậm chí không cộng tác. Việc tổ chức triển khai TGPL trong hoạt động tố tụng ở một số địa phương vẫn chưa được thật sự được quan tâm, chú trọng (chưa kiểm tra, đôn đốc, sự phối hợp chưa thường xuyên, thiếu kịp thời). Vì vậy, vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức còn tồn tại tâm lý chưa sẵn sàng cho người thực hiện TGPL tham gia tố tụng vì e ngại làm chậm tiến độ vụ án, làm lộ bí mật công tác điều tra, phá án hoặc chạy chọt làm sai lệch vụ án. Có nơi chưa sẵn sàng chấp nhận chức danh Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng (Quảng Bình).

Thứ hai, số lượng vụ việc TGPL được thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng còn rất ít so với số lượng án phải giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng, phần lớn chỉ tập trung vào các vụ án hình sự mà chưa thật chú trọng trong các vụ án dân sự, lao động. Số lượng vụ việc do các Trợ giúp viên pháp lý thực hiện chưa nhiều, cá biệt có nơi Trợ giúp viên pháp lý tuy đã được bổ nhiệm nhưng chưa thực hiện một vụ việc tham gia tố tụng nào (Phú Thọ, Bình Thuận, Đắk Nông, Hà Tĩnh, Ninh Thuận…).

Thứ ba, việc cung cấp các quyết định tố tụng và bản sao bản án còn chưa kịp thời, có nơi không thực hiện; chế độ thống kê, báo cáo còn hạn chế, thiếu tiêu chí thống kê số liệu cụ thể đối với các vụ việc TGPL được thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng ở từng giai đoạn. Việc báo cáo kết quả triển khai thực hiện còn chậm, cá biệt có nơi không thực hiện chế độ báo cáo. Việc cung cấp Bảng Thông tin và đặt bảng này tại các cơ quan tiến hành tố tụng ở nhiều địa phương chưa kịp thời, Bảng in chữ quá nhỏ, nội dung chưa phù hợp với Luật TGPL và Nghị định số 07/2007/NĐ-CP.

Thứ tư, việc triển khai thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở địa phương, tổ chức lễ ra mắt Hội đồng và ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng ở nhiều nơi còn chậm. Việc sơ kết, tổng kết đánh giá những kết quả đạt được cũng như chỉ ra những vướng mắc, bất cập còn chưa được thường xuyên, thiếu kịp thời, cá biệt có nơi hoạt động của Hội đồng còn mang tính hình thức.

 Thứ năm, việc triển khai công tác TGPL trong hoạt động tố tụng còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí (phần lớn ở các địa phương Sở Tài chính chưa cấp kinh phí thực hiện); kinh phí dành cho tập huấn triển khai Thông tư cũng như dành cho việc giới thiệu người thuộc diện TGPL và cung cấp thông tin, hướng dẫn, giải thích, giới thiệu họ đến với tổ chức TGPL rất hạn hẹp.

c) Một số đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, hoàn thiện các quy định pháp luật về tố tụng tạo lập hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất để các Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên chủ động, tích cực tham gia tố tụng. Sớm nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính để tạo thuận lợi cho các Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL.

Thứ hai, các Trung tâm cần chủ động đề xuất với Sở Tư pháp cần mời các cơ quan tiến hành tố tụng họp để sớm thành lập Hội đồng cấp tỉnh, ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng cũng như ban hành Chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng để kịp thời thống nhất chỉ đạo, hướng dẫn về công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng, bảo đảm hoạt động của Hội đồng thật sự chất lượng, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức. Đề cao vai trò của các thành viên Hội đồng trong việc thống nhất hướng dẫn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc ngành mình phụ trách, quản lý trong công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng, chú trọng củng cố Tổ giúp việc Hội đồng. Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa thành viên Hội đồng Trung ương với thành viên thuộc ngành ở Hội đồng cấp tỉnh giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với Trung tâm trong việc triển khai thực hiện các nội dung về phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng. Nâng cao vai trò Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp với tư cách là cơ quan thường trực của Hội đồng ở Trung ương và cấp tỉnh trong sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện để kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập nảy sinh từ thực tiễn để kịp thời đề xuất Hội đồng có biện pháp tháo gỡ kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Thứ ba, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Trung tâm và cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thực hiện các nội dung của Thông tư, đặc biệt là trong công tác phối hợp thông tin về TGPL đến với người được TGPL cũng như phối hợp triển khai thực hiện các vụ việc TGPL cụ thể, tạo thuận lợi nhất để người thực hiện TGPL, người tiến hành tố tụng có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao; chú trọng việc kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng TGPL và trách nhiệm giải quyết công việc thuộc phạm vi giải quyết của người tiến hành tố tụng, tạo lập cơ chế thông tin hai chiều để cùng giám sát, đánh giá chất lượng thực hiện công việc được giao của người thực hiện TGPL và người tiến hành tố tụng.

Thứ tư, sớm ban hành Quy chế bồi dưỡng nghiệp vụ, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho Trợ giúp viên, Luật sư cộng tác viên TGPL nhằm nâng cao chất lượng tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên. Nâng cao chất lượng tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư là cộng tác viên. Xác định cơ cấu Trợ giúp viên pháp lý hợp lý trong Trung tâm, Chi nhánh trong tương quan với mạng lưới luật sư là cộng tác viên hiện có của Trung tâm để có chính sách đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tham gia tố tụng để các Trợ giúp viên pháp lý có thể tích cực, chủ động thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng.

Thứ năm, bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất cho việc duy trì, củng cố các mối quan hệ phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng, bảo đảm có đủ điều kiện để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra của mỗi bên, đặc biệt là trong công tác thông tin về TGPL đến với nhân dân; bảo đảm để Hội đồng ở Trung ương và Hội đồng ở từng địa phương có đủ điều kiện hoạt động, thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Thứ sáu, thường xuyên thực hiện việc sơ kết, tổng kết tổng hợp kết quả phối hợp để trao đổi trực tiếp hoặc bằng văn bản theo định kỳ hàng quý để kịp thời nắm bắt tình hình phối hợp hoạt động TGPL trong tố tụng, xử lý hoặc kịp thời những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai, thực hiện Thông tư./.

Phong Nghiệp