Giới thiệu sơ lược về các cơ quan pháp luật của các quốc gia thành viên ASEAN

16/10/2008
Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN lần thứ 12 (ASLOM 12) và Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN lần thứ 7 (ALAWMM 7) sẽ được tổ chức tại Brunei Daussalam trong các ngày từ 7 -21/10/2008. Để hiểu thêm về ALAWMM, về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được các quốc gia cử tham gia Hội nghị Bộ trưởng, cũng như các cơ quan pháp luật khác của các nước đó, chúng tôi xin giới thiệu sơ lược hệ thống các cơ quan tư pháp của các quốc gia thành viên ASEAN.

Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations-ASEAN) được thành lập ngày 8/8/1967 trên cơ sở Tuyên bố Băng-cốc, Thái Lan. Khi mới thành lập, ASEAN gồm 5 nước là In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin, Xin-ga-po và Thái Lan. Năm 1984, ASEAN kết nạp thêm Bru-nây Da-ru-xa-lam làm thành viên thứ 6. Ngày 28/7/1995, Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội. Ngày 23/7/1997, kết nạp Lào và Mi-an-ma. Ngày 30/4/1999, kết nạp Căm-pu-chia, hoàn thiện ASEAN-10.

Các nước ASEAN (trừ Thái Lan) đều trải qua giai đoạn lịch sử là thuộc địa của các nước phương Tây và giành được độc lập vào các thời điểm khác nhau sau chiến tranh thế giới thứ hai. Mặc dù ở trong cùng một khu vực địa lý, song các nước ASEAN rất khác nhau về chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, văn hoá và chế độ chính trị có nước theo chế độ cộng hoà, có nước theo chế độ quân chủ lập hiến hay chuyên chế, có nước theo chủ nghĩa xã hội. Qua gần 40 năm hình thành và phát triển, cho đến nay các lĩnh vực hợp tác trong ASEAN ngày càng mở rộng và phát triển, từ hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học và công nghệ, phát triển xã hội, đến hợp tác về pháp luật nhằm xây dựng ASEAN thành một nhóm hài hoà các dân tộc Đông Nam á, hướng ngoại, sống trong hoà bình, ổn định và thịnh vượng, gắn bó nhau trong quan hệ đối tác trong phát triển năng động và trong một cộng đồng các xã hội chăm sóc lẫn nhau.

Trong lĩnh vực hợp tác về luật pháp, cho đến nay, đã có 5 Hội nghị cấp Bộ trưởng hoặc người đứng đầu của cơ quan pháp luật các nước ASEAN đã được tổ chức để điều hành các chương trình hợp tác trong các lĩnh vực này. Để góp phần cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc, sau đây chúng tôi xin giới thiệu khát quát về các cơ quan pháp luật của các nước ASEAN.

BRUNEI

Thủ đô: Bandar Seri Begawan

Dân số: 305.100

Ngôn ngữ: Bahasa Melayu 

Hệ thống pháp luật của Brunei là sự kết hợp giữa hệ thống pháp luật án lệ (common law) và hệ thống pháp luật của Đạo hồi. Theo Hiến pháp năm 1959, đứng đầu Nhà nước là nhà vua (Sultan). Sultan nắm giữ quyền hành pháp và lập pháp. Sultan cũng là người đứng đầu nội các giống như Thủ tướng Chính phủ của các nước và nắm giữ vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính.  

Hệ thống tư pháp của Brunei độc lập và việc xét xử của toà án được dựa trên cơ sở các đạo luật thành văn và án lệ. Trong bài này, chúng tôi xin giới thiệu các cơ quan tư pháp của Brunei đó là Cơ quan  Tổng Chưởng lý và các toà án của Brunei. 

Cơ quan  Tổng Chưởng lý. 

Cơ quan  Tổng Chưởng lý của Brunei có chức năng, nhiệm vụ giống Bộ Tư pháp của các nước. Tổng Chưởng lý là người đứng đầu Cơ quan  Tổng Chưởng lý. Tổng Chưởng lý là cố vấn pháp lý của Chính phủ Hoàng Gia giúp việc cho Tổng Chưởng lý có Cố vấn chưởng và các luật sư cung cấp ý kiến pháp lý cho Chính phủ và đại diện cho Chính phủ trong các vụ kiện dân sự và hình sự. Tổng Chưởng lý có trách nhiệm xây dựng luật. Để tiến hành nhiệm vụ xây dựng luật, các Cơ quan  của Tổng Chưởng lý phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành khác của Chính phủ.  

Tổng Chưởng lý theo Hiến pháp được trao quyền khởi tố, tiếp tục và chấm dứt khởi tố trong bất kỳ giai đoạn nào của quy trình tố tụng hình sự nào. Tất cả việc khởi tố hình sự đều được thực hiện nhân danh Công tố viên (Tổng Chưởng lý). Để thực hiện nhiệm vụ của mình, Tổng Chưởng lý không phải chịu sự quản lý hoặc điều hành của bất kỳ người nào hoặc cơ quan nào. Phó Công tố viên, giúp việc cho Tổng Chưởng lý, chịu trách nhiệm tiến hành các vụ kiện hình sự ở toà án tối cao và toà cấp dưới. 

Công tố viên và các phó sẽ tư vấn và hướng dẫn quá trình khởi tố do công an và cơ quan thi hành pháp luật khác thực hiện bao gồm việc tư vấn trong quá trình điều tra. 

Ngoài việc tiến hành các nhiệm vụ trên, các Cơ quan  của Chưởng lý cũng sẽ cung cấp các dịch vụ công cộng như đăng ký thành lập công ty, tên công ty, nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, quyền của công tố, kết hôn và văn bản mua bán hàng hoá tư. 

Cơ quan của Tổng Chưởng lý được chia thành 5 bộ phận: Vụ Dân sự, Vụ Tư pháp hình sự, Vụ Quốc tế, Vụ Xây dựng văn bản và Vụ đăng ký.  

Vụ Dân sự. 

- Cung cấp các ý kiến pháp lý cho các Bộ và cơ quan Chính phủ, trừ những vấn đề liên quan tới quốc tế và hình sự;

- Xây dựng hợp đồng và các văn bản pháp luật;

- Hỗ trợ việc thu hồi các khoản nợ của Chính phủ;

- Thực hiện việc khởi kiện dân sự nhân danh Chính phủ;

- Đại diện cho Chưởng lý khi gặp các cơ quan, Bộ, ngành của Chính phủ;

- Hỗ trợ việc xây dựng pháp luật nếu cần thiết. 

Vụ Tư pháp hình sự.

Vụ Tư pháp hình sự gồm có một số Công tố viên là những người chịu trách nhiệm chủ yếu tiến hành các vụ khởi tố hình sự và phúc thẩm tại toà án, đồng thời đưa ra ý kiến tư vấn cho các cơ quan thực thi pháp luật. Hơn thế nữa, Vụ này cũng giải quyết các đơn yêu cầu của các công ty luật tư nhân, công ty bảo hiểm và người thanh toán bảo hiểm. 

Vụ quan hệ  Quốc tế. 

Vụ quan hệ Quốc tế chủ yếu cung cấp các ý kiến pháp lý liên quan tới Công pháp quốc tế cho Bộ và các cơ quan của Chính phủ. Chuyên viên trong Vụ này thường tham dự vào các cuộc Hội thảo, hội nghị, nhóm làm việc của các tổ chức quốc tế và khu vực; sau đó đưa ra những đề xuất xây dựng pháp luật nhằm thực thi các cam kết quốc tế trong các điều ước quốc tế song phương và đa phương. 

Vụ xây dựng pháp luật. 

Vụ Xây dựng pháp luật chịu trách nhiệm soạn thảo và hoặc thẩm định các dự thảo pháp luật của các Bộ khác hoặc cơ quan Chính phủ khác hoặc của các Vụ trong Cơ quan  Công tố. 

Vụ này cũng chịu trách nhiệm chỉnh lý các luật của Brunei. Việc sửa đổi luật là quá trình liên tục nhằm tránh những thay đổi lớn và xây dựng luật mới 

Vụ Đăng ký. 

Vụ đăng ký bao gồm việc đăng ký công ty, nhãn hiệu hàng hoá, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và hôn nhân. Chính vì vậy, trách nhiệm chính của nó là đăng ký như nói ở trên và lưu giữ những thông tin này để công chúng và Chính phủ sử dụng và giúp ích điều tra. Vụ này cũng đưa ra ý kiến pháp lý cho các Bộ, cơ quan của Chính phủ về những vấn đề lập pháp liên quan tới việc quản lý đăng ký. 

Toà án. 

Toà án của Brunei được điều hành thông qua hệ thống các toà án: Toà Hoàng gia, Toà cấp cao và Toà phúc thẩm. 

Tất cả các toà án đều thụ lý các vụ kiện hình sự và dân sự, phần lớn các vụ kiện đều được giải quyết tại Toà Hoàng gia ở Bandar Seri Begawan, Kuala Belait, Tutong và Temburong. Những vụ kiện nghiêm trọng sẽ được giải quyết tại Toà cấp cao và Toà này cũng có thẩm quyền phúc thẩm các bản án, quyết định của Toà Hoàng Gia. Toà Phúc thẩm có thẩm quyền phúc thẩm các bản án, quyết định của Toà cấp dưới và toà cấp cao. Brunei có thoả thuận Anh Quốc nhằm bổ nhiệm các thẩm phán của Anh vào Toà cấp cao của Brunei và Toà Phúc thẩm. Hội đồng thẩm phán của Hội đồng Cơ mật ở Luân Đôn có thẩm quyền giải quyết cuối cùng đối với các vụ kiện dân sự nhưng không có thẩm quyền đó với các vụ kiện hình sự. Brunei có hệ thống Toà án Hồi giáo riêng biệt áp dụng luật Sharia đối với các vấn đề liên quan tới hôn nhân gia đình và các vấn đề khác liên quan tới đạo hồi. 

CAMPUCHIA

Thủ đô: Phnom Penh

Dân số: 12 triệu

Ngôn ngữ: Khmer 

Hệ thống pháp luật của Campuchia theo truyền thống dân luật. Tổ chức bộ máy nhà nước của Campuchia gần giống với tổ chức bộ máy nhà nước của Việt Nam. Quyền lực tối cao của Nhà nước thuộc về Quốc hội. Quốc hội có chức năng thông qua và sửa đổi Hiến pháp và pháp luật, giám sát việc thực hiện pháp luật, quyết định các chính sách về đối nội và đối ngoại, thông qua chương trình kinh tế, văn hoá và ngân sách nhà nước; bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm thành viên của Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng, quyết định các chính sách thuế, phê chuẩn điều ước quốc tế. Hội đồng Bộ trưởng đứng đầu là Chủ tịch (hay còn gọi là Thủ tướng) nắm quyền hành pháp. Toà án là cơ quan xét xử cao nhất và độc lập trong việc xét xử. Trong bài này, chúng tôi xin giới thiệu cơ quan tư pháp gồm có: Bộ Tư pháp và Hội đồng Toà án và các Toà án của Campuchia. 

1. Bộ Tư pháp Campuchia. 

Là cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng, ban hành và thực thi các chính sách pháp luật của Chính phủ Hoàng gia. Nhiệm vụ của Bộ Tư pháp là đảm bảo cơ sở pháp lý để hỗ trợ cho việc thực thi các mục tiêu kinh tế và xã hội của Campuchia 

Bộ Tư pháp có những nhiệm vụ cụ thể như sau:

- Bảo vệ sự độc lập của thẩm phán khi thực thi các nhiệm vụ của họ tại toà án;

- Thực thi công lý cho mọi người trước pháp luật;

- Tổ chức và kiểm tra quy trình hành chính của toà án;

- Quản lý các cán bộ công chức của Bộ Tư pháp;

- Đảm bảo chức năng của toàn án và cơ quan công tố và ban hành pháp luật điều chỉnh các cơ quan này;

- Đào tạo và phổ biến pháp luật liên quan đến các hoạt động tư pháp;

- Đảm bảo áp dụng đúng đắn các lệnh của toà án, các phán quyết của toà và lệnh của công tố viên;

- Tiếp tục thực thi phán quyết của toà án, kiểm tra việc thu giữ nhà và bắt giam với các mục đính thực thi luật nói riêng;

- Quản lý và ban hành danh sách các hồ sơ bản án;

- Thừa nhận, chuẩn bị và quản lý việc ân xá hoặc xoá tội theo quy định của pháp luật;

- Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý tư pháp;

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chính phủ Hoàng gia giao; 

Bộ Tư pháp Campuchia có các đơn vị sau:

- Lãnh đạo Bộ;

- Ban Thanh tra;

- Vụ Hành chính và tổng hợp;

- Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo;

- Vụ Dân sự;

- Vụ Hình sự và ân xá;

- Vụ Công tố;

- Vụ Hợp tác quốc tế.

2. Hội đồng Toà án Tối cao. 

Hội đồng Toà án Tối cao là cơ quan giúp Nhà Vua đảm bảo sự độc lập của bộ máy tư pháp. 

Hội đồng Toà án Tối cao có các quyền hạn và nhiệm vụ như sau: 

- Đề xuất lên Nhà Vua về việc bổ nhiệm, thuyên chuyển và thăng chức cho các Thẩm phán và các Công tố viên;

- Kỷ luật các Thẩm phán và các Công tố viên có vi phạm;

- Đưa ra quyết định cho thôi việc đối với các Thẩm phán hoặc các Công tố viên theo đề nghị của họ.

Hội đồng Toà án Tối cao do Nhà Vua đứng đầu. Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chánh án Toà án Tối cao, Tổng Công tố của Toà án Tối cao, Chánh án Toà án phúc thẩm, Tổng công tố của Toà án Phúc thẩm và 3 thẩm phán được bầu có trách nhiệm giúp Nhà Vua trong Hội đồng Toà án Tối cao. Nhà Vua có thể chỉ định một đại diện chủ trì Hội đồng. 

3. Hệ thống toà án. 

Toà án là một trong ba trụ cột của Nhà nước. Toà án thực thi pháp luật độc lập với cơ quan lập pháp và hành pháp. Nhà Vua đảm bảo sự độc lập này cho toà án theo quy định của Hiến pháp Vương quốc Campuchia. Theo quy định của Hiến pháp Vương quốc Campuchia, quyền lực của toà án được giao cho Toà án Tối cao và các toà án cấp dưới ở tất các các ngành và các cấp. 

INDONESIA

 

Thủ đô: Jakarta

Dân số: 200 triệu

Ngôn ngữ: Bahasa Indonesia

Hệ thống pháp luật của Indonesia rất phức tạp vì nó chịu ảnh hưởng bởi truyền thống pháp luật án lệ (common law), truyền thống pháp luật dân sự (civil law) và truyền thống pháp luật Indonesia. Bộ máy Nhà nước của Indonesia được tổ chức theo mô hình cộng hoà tổng thống, có sự phân chia giữa quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các cơ quan pháp luật của Indonesia bao gồm: Bộ Tư pháp và nhân quyền, Cơ quan Cải cách pháp luật, Cơ quan Công tố và Toà án. 

1. Bộ Tư pháp và nhân quyền. 

Bộ Tư pháp và nhân quyền của Indonesia có những chức năng thúc đẩy việc thực thi luật pháp và quyền con người; Nghiên cứu và áp dụng các nghiên cứu trong việc giáo dục, đào tạo và thực thi các quy định được ban hành để thực hiện các chính sách trong lĩnh vực pháp luật và quyền con người. 

Để thực hiện những chức năng trên, Bộ Tư pháp và nhân quyền Indonesia có các thẩm quyền như sau: 

- Ban hành các chính sách hỗ trợ cho phát triển ở cấp vĩ mô;

- Xây dựng kế hoạch quốc gia trong lĩnh vực mình phụ trách;

- Ban hành các điều kiện công nhận các cơ sở giáo dục và các chứng chỉ nghề nghiệp, chuyên môn và các điều kiện nghề nghiệp;

- Đảm bảo sự tuân thủ các điều ước hoặc hiệp định quốc tế được ký kết với danh nghĩa Nhà nước;

- Ban hành các chính sách liên quan đến hệ thống thông tin quốc gia;

- Xây dựng pháp luật;

- Ban hành pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ;

- Giám sát hoạt động nhập cảnh, công chứng, giam giữ; sung công quỹ hàng hoá, tịch thu hàng hoá, những vấn đề liên quan đến toà án, đăng ký uỷ thác, thay đổi tên, thừa kế, phá sản, các vấn đề về hiến pháp và công dân; các vấn đề về ân xá; bảo vệ và thực thi các quyền con người.

 Bộ Tư pháp và nhân quyền Indonesia có cơ cấu tổ chức như sau:

- Bộ trưởng

- Tổng thư ký

- Vụ Pháp luật

- Vụ Pháp luật hành chính công

- Vụ về các chế tài

- Vụ Nhập cảnh

- Vụ Sở hữu trí tuệ

- Vụ Hành chính Tư pháp Nhà nước và Các cơ quan toà án

- Vụ Nhân quyền

- Ban Thanh tra

- Cơ quan Phát triển Luật Quốc gia

- Cơ quan Nghiên cứu và phát triển Nhân quyền

- Bộ phận Kinh tế và quan hệ quốc tế

- Bộ phận Chính sách, các vấn đề xã hội và an ninh

- Bộ phận Luật và Luật Môi trường

- Bộ phận Phát triển Văn hoá Pháp lý

- Bộ phận phụ trách về các vấn đề vi phạm nhân quyền. 

2. Cơ quan Cải cách pháp luật. 

Cơ quan cải cách pháp luật là cơ quan có nhiệm vụ giám sát cải cách và xây dựng luật quốc gia. Cơ quan này có các chức năng sau:  

- Ban hành và thực thi các chính sách trong lĩnh vực Cải cách Pháp luật Quốc gia;

- Ban hành các tiêu chuẩn, hướng dẫn, tiêu chí và các thủ tục liên quan đến lĩnh vực Cải cách pháp luật;

- Cải cách và phát triển Hệ thống Pháp luật Quốc gia;

- Phối hợp thực hiện kế hoạch phát triển Pháp luật quốc gia và chương trình Luật quốc gia;

- Cải cách, hướng dẫn và đảm bảo sự phối hợp và hợp tác trong việc phổ biến pháp luật

- Tổ chức các hoạt động nâng cao văn hoá pháp lý;

- Cải cách và phát triển hệ thống thông tin, tài liệu pháp luật và Thư viện luật. 

3. Cơ quan Công tố của Indonesia.

 Cơ quan công tố của nước Cộng hoà Indonesia là cơ quan của Chính phủ thực hiện quyền lực Nhà nước trong lĩnh vực truy tố và tham gia xây dựng pháp luật.

Cơ quan công tố có những nhiệm vụ và thẩm quyền như sau: 

- Trong các vụ hình sự, cơ quan công tố có nhiệm vụ và thẩm quyền: Thực hiện truy tố trong các vụ hình sự; đảm bảo thực thi quyết định của thẩm phán và của toà án; hoàn thiện các điều tra bổ sung có tham vấn với các quan điều tra trước khi trình cho toà.

- Trong các vụ về hành chính nhà nước và tư nhân, cơ quan công tố với thẩm quyền đặc biệt có thể thực hiện các biện pháp trong hoặc ngoài toà với tư cách Nhà nước hoặc Chính phủ;

- Đối với các lợi ích chung về tăng cường nhận thức về pháp luật chung, đảm bảo việc thực thi pháp luật, đảm bảo lưu thông của các ấn phẩm, quản lý các giáo phái tôn giáo mà có thể tác động nguy hại đến xã hội và Nhà nước, thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lạm dụng hoặc ngược đãi tôn giáo, thực hiện nghiên cứu về phát triển pháp luật và thống kê tội phạm.

 4. Hệ thống Toà án.

Hệ thống Toà án của Indonesia dựa trên cơ sở truyền thống dân luật, vì vậy các Toà án của Indonesia trong quá trình xét xử không áp dụng tiền lệ như các nước theo truyền thống án lệ của Đông Nam á.  

Hầu hết các tranh chấp được xét xử sơ thẩm tại Toà án Nhà nước (State Court, Pengadilan Negeri). ở Indonesia, Toà án Nhà nước được chia thành: Toà Hình sự, Toà Tư và Toà Vị thành niên. Phúc thẩm của Toà án Nhà nước được đưa lên Toà án cấp cao (Pengadilan Tinggi), có khoảng 20 Toà án cấp cao tại Indonesia. Toà án tối cao ở Jakata có thẩm quyền phúc thẩm các bản án, quyết định của Toà án cấp cao và một số bản án quyết định của Toà án Nhà nước. Xét xử của Toà án tối cao là quyết định cuối cùng. Ngoài ra, ở Indonesia có những Toà án chuyên biệt như: Toà Hiến pháp, Toà Thương mại, Toà Tôn giáo, Toà Quân sự, Toà Hành chính Nhà nước, Toà Nhân quyền.

LÀO 

       Thủ đô: Vientian

       Dân số: 4,8 triệu người

       Ngôn ngữ: Lào

 Hệ thống pháp luật của Lào dựa trên cơ sở luật thành văn. Quyền lực Nhà nước cao nhất thuộc về Quốc hội Lào nhưng vẫn có sự phân chia giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp. Quốc hội là cơ quan lập pháp, quyết định những vấn đề cơ bản của Quốc gia và giám sát hoạt động của cơ quan hành chính và tư pháp. Chủ tịch nước là nguyên thủ Quốc gia và là người đại diện cho Nhà nước Lào về mặt đối nội và và đối ngoại. Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất của đất nước. Toà án nhân dân là cơ quan xét xử cao nhất. Các cơ quan tư pháp của Lào gồm: Bộ Tư pháp, Toà án các cấp và Viện Kiểm sát nhân dân các cấp.

1. Bộ Tư pháp.

 Bộ Tư pháp Lào là cơ quan trung ương thuộc Chính phủ. Bộ Tư pháp Lào có chức năng nhiệm vụ sau:

- Xây dựng luật và cung cấp ý kiến pháp luật cho các cơ quan của Chính phủ;

- Quản lý các toà án địa phương;

- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật;

- Xây dựng chính sách đối với việc thi hành án; 

Cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp Lào gồm có:

- Văn phòng Bộ

- Vụ Tổ chức cán bộ

- Vụ Xây dựng pháp luật

- Vụ Phổ biến pháp luật

- Vụ Quản lý tư pháp

- Vụ Công chứng

- Vụ Thi hành án

- Văn phòng Trọng tài kinh tế

- Trung tâm nghiên cứu pháp lý

- Trung tâm đào tạo tư pháp

 2. Toà án.

Hệ thống Toà án của Lào gồm có Toà án nhân dân tối cao và toà án nhân dân địa phương (địa án tỉnh, quận, huyện, toà án ở một số khu vực đặc biệt), toà án quân sự. 

Toà án nhân dân tối cao. 

Toà án nhân dân tối cao có thẩm quyền giải quyết các vụ án thuộc thẩm quyền của toà án cấp cấp và Toà phúc thẩm. Toà án nhân dân tối cao giải quyết các vụ án dân sự và hình sự. Toà xét xử sơ thẩm đối với các vụ án nghiêm trọng, phúc thẩm các bản án, quyết định của Toà án cấp dưới khi chưa có hiệu lực pháp luật. Toà án nhân dân tối cao cũng có thẩm quyền hướng dẫn xét xử và giảm sát các toà án địa phương và toà án quân sự. 

Toà án nhân dân địa phương. 

Toà án nhân dân địa phương bao gồm 18 toà án tỉnh, quận và các khu vực đặc biệt và 120 toà án cấp hạt. 

3. Viện kiểm sát. 

Viện kiểm sát có thẩm quyền quản lý việc tuân thủ và thực thi pháp luật của các cơ quan của Chính phủ. Viện kiểm sát có quyền khởi tố các vụ án hình sự và đại diện cho Chính phủ trong các vụ án dân sự. Viện kiểm sát gồm có Viện kiểm sát tối cao và các viện kiểm sát ở địa phương, Viện kiểm sát địa phương được chia thành 18 tỉnh và 135 hạt. 

MALAYSIA 

Thủ đô: Kuala Lumpur

Dân số: 23,27 triệu

Ngôn ngữ: Bahasa Malaysia 

Hệ thống pháp luật của Malaysia dựa trên cơ sở truyền thống pháp luật án lệ (common law). Theo Hiến pháp, đứng đầu bộ máy nhà nước của Malaysia là nhà vua. Nhà vua có nhiệm kỳ là 5 năm được bầu ra từ 9 Sultan của các Bang thuộc bán đảo Malaysia. Quyền hành pháp được trao cho Chính phủ đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ. Theo quy định của Hiến pháp, Thủ tướng Chính phủ phải là thành viên của Hạ viện và phải nắm được đa số phiếu trong Quốc hội. Quốc hội của Malaysia gồm có Thượng nghị viện (Dewan Negara) và Hạ Nghị viện (Dewan Rakyat). Quyền lập pháp được giao cho Quốc hội.  

1. Văn phòng Tổng Chưởng lý.

 Đứng đầu Văn phòng Chưởng lý là Tổng Chưởng lý. Văn phòng Tổng chưởng lý có các chức năng sau:

- Tư vấn cho Chính phủ Liên bang và bang về các vấn đề pháp luật trong nước và quốc tế;

- Soạn thảo pháp luật của Chính phủ Liên bang;

- Hướng dẫn việc khởi tố đối với các vụ án hình sự;

- Đại diện cho Chính phủ trong các vụ kiện dân sự;

- Quản lý hoạt động rà soát và sửa đổi pháp luật và thực hiện nghiên cứu cải cách pháp luật. 

Giúp việc cho Tổng Chưởng lý còn có Luật sư Chưởng có nhiệm vụ hỗ trợ cho Tổng Chưởng lý những nhiệm vụ theo thuộc chức năng, nhiệm vụ của Tổng Chưởng lý. Ngoài ra, giúp việc cho Tổng Chưởng lý còn có những cơ quan sau: 

Vụ Tư vấn pháp luật. 

- Cung cấp ý kiến pháp lý về tất cả các lĩnh vực pháp luật trừ Luật Quốc tế và Luật đạo hồi;

- Hỗ trợ việc giải thích pháp luật theo yêu cầu của Chính phủ;

- Xây dựng hoặc thẩm định các văn bản pháp luật ví dụ như: Thoả thuận biên bản ghi nhớ mà Chính phủ là một bên tham gia nhằm đảm bảo quyền lợi của Chính phủ;

- Thực hiện các nghiên cứu pháp lý theo yêu cầu của Chính phủ;

- Thẩm định các Dự luật trước khi Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn; 

Vụ Dân sự. 

- Khởi kiện các vụ kiện dân sự nhân danh Chính phủ Malaysia;

- Bảo vệ Chính phủ Malaysia trong các vụ kiện dân sự chống lại Chính phủ;

- Xem xét việc bổ nhiệm Công chứng viên theo Đạo luật Công chúng;

- Đại diện cho Chưởng lý tư vấn pháp luật theo Đạo luật hành nghề luật 1976. 

Vụ Xây dựng pháp luật. 

- Xây dựng các Dự luật bằng ngôn ngữ quốc gia và tiếng Anh để trình lên Quốc hội;

- Dịch hợp đồng, thoả thuận các các văn bản pháp luật ra tiếng dân tộc;

- Chuẩn bị dự thảo bản trả lời bằng văn bản hoặc chất vấn của Quốc hội hoặc của Văn phòng Tổng Chưởng lý về các vấn đề liên quan tới pháp luật;

- Cho ý kiến pháp lý về việc soạn thảo pháp luật ở địa phương. 

Vụ Công tố. 

- Thực hiện quyền công tố trong các vụ án hình sự tại Toà án các cấp.

 Vụ Pháp luật quốc tế. 

- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Malaysia trên trường quốc tế;

- Cung cấp ý kiến pháp lý cho Chính phủ Malaysia nhằm phù hợp với nguyên tắc và luật pháp quốc tế có cân nhắc tới các chính sách của Chính phủ, lợi ích công cộng và luật quốc gia;

- Đảm bảo các nghĩa vụ mà Malaysia ký kết, phê chuẩn hoặc tham gia trong các điều ước quốc tế phù hợp với pháp luật và chính sách của Malaysia.  

2. Hệ thống toà án.  

Hệ thống toà án của Malaysia được chia thành:

- Toà án Liên bang (Federal Court): Toà án Liên bang phúc thẩm các quyết định của Toà Phúc thẩm; có thẩm quyền giải quyết các vấn đề thuộc về Hiến pháp, các tranh chấp giữa các Bang hoặc giữa Chính phủ Liên bang và Bang. Toà án Liên bang của Malaysia là cơ quan xét xử có thẩm quyền cao nhất của Malaysia.

- Toà phúc thẩm (Court of appeal): Toà phúc thẩm có thẩm quyền xét xử phúc thẩm các bản án quyết định của Toà án cấp cao và một số trường hợp của Toà án cấp dưới.

- Toà án cấp cao (High Court ): Toà án cấp cao có thẩm quyền xét xử phúc thẩm đối với tất cả các vụ việc về dân sự và hình sự và một số các vụ việc theo quy định của pháp luật.

- Toà án cấp dưới (Subordinate Courts) có thẩm quyền xét xử sơ thẩm đối với tất cả các vụ việc về dân sự và hình sự theo quy định của pháp luật. 

MYANMAR  

Thủ đô: Yangon

Dân số: 49 triệu

Ngôn ngữ: Myanmar

Myanmar là Nhà nước Liên bang với 14 bang. Hệ thống pháp luật của Myanmar dựa trên cơ sở truyền thống pháp luật án lệ (common law). Quyền lực Nhà nước của Myanmar được tập trung vào hội đồng quân sự tuy nhiên vẫn có sự phân chia giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp. Thủ tướng Chính phủ là nguyên thủ quốc gia và đồng thời là Chủ tịch của Hội đồng Hoà Bình và Phát triển của Nhà nước. Quốc hội là cơ quan lập pháp và được bầu theo hình thức phổ thông đầu phiếu, có nhiệm kỳ 4 năm. Hệ thống tư pháp bao gồm toà án ở các cấp và xét xử dựa trên cơ sở luật thành văn. Xin giới thiệu hai cơ quan tư pháp của Myanmar đó là Cơ quan   Tổng Chưởng lý và Toà án các cấp. 

1. Cơ quan  Tổng Chưởng lý.

Cơ quan  Tổng Chưởng lý của Myanmar có chức năng nhiệm vụ tương đương với Bộ Tư pháp của các nước. Đứng đầu Cơ quan   Tổng Chưởng lý là Tổng Chưởng lý. Tổng Chưởng lý theo quy định của pháp luật Myanmar có nhiệm vụ sau: 

- Đưa ra các ý kiến pháp lý theo yêu cầu của Hội đồng Hoà Bình và phát triển của Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ;

- Nhân danh Nhà nước trong các vụ án hình sự;

- Nhân danh Nhà nước trong các vụ kiện dân sự mà Chính phủ là nguyên đơn hoặc bị đơn;

- Kháng nghị lên Toà án tối cao các quyết định của Toà án các cấp không tuân thủ pháp luật;

- Đề xuất, xây dựng luật;

- Góp ý kiến pháp lý đối với các cơ quan liên quan của Chính phủ về việc tham gia các công ước quốc tế và hiệp định khu vực nhân danh Nhà nước;

- Góp ý kiến với các cơ quan, tổ chức của Chính phủ về các vấn đề liên quan tới các điều ước quốc tế song phong, đa phương, biên bản ghi nhớ, biên bản thoả thuận, các biện pháp đầu tư trong và ngoài nước;

- Khuyến cáo các cơ quan, tổ chức của Chính phủ nếu những cơ quan tổ chức này không tuân thủ pháp luật;

- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân;

- Hướng dẫn và giám sát Văn phòng Chưởng lý, các cơ quan pháp luật và các chuyên viên pháp luật ở các cấp;

- Thực hiện những nhiệm vụ khác theo yêu cầu của pháp luật và của Hội đồng phát triển và Hoà Bình của Nhà nước.

- Tổng Chưởng lý có quyền hạn như sau:

- Quy định trách nhiệm và quyền hạn của các Phó Tổng Chưởng lý;

- Huỷ bỏ, thay đổi nếu cần với bất kỳ bản cáo trạng của Cơ quan   ra trước toà;

- Ra quyết định chấm dứt vụ án hình sự;

- Kháng nghị quyết định vô tội của các toà án lên Toà án tối cao theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự;

- Đồng ý về mặt văn bản để tiến hành các vụ kiện liên quan tới Nhà nước theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. 

2. Toà án.

Hệ thống toà án của Myanmar gồm có: Toà án tối cao, Toà án khu vực và Toà án quận và Toà án hạt. 

Toà án tối cao. 

Toà án tối cao của Myanmar có chức năng giám sát tư pháp và hành chính. Toà án tối cao là cơ quan tư pháp cao nhất, xây dựng, ban hành các luật, quyết định và chỉ thị cần thiết cho tư pháp. Ngân sách của các toà là do toà án tối cao điều phối dựa trên nhu cầu về tư pháp và hành chính của từng toà. Toà án tối cao xét xử các vụ án theo thẩm quyền với một thẩm phán hoặc ban hội thẩm do Chánh án quyết định 

Toà án tối cao hướng dẫn giải quyết các vụ án ở Toà bang hoặc Toà khu vực, Toà quận và Toà hạt.  

Phán quyết của Toà án tối cao là phán quyết cuối cùng 

Toà án tối cao sẽ quyết định mô hình của Toà án khu vực, Toà án quận và Toà án hạt. Toà án tối cao bổ nhiệm thẩm phán của các toà án này và có thẩm quyền quy định về chức năng nhiệm vụ của các toà án cấp dưới. 

Toà án khu vực. 

Toà án khu vực có thẩm quyền phúc thẩm các bản án quyết định của Toà án quận. Việc xét xử tại toà án khu vực được thực hiện bởi một thẩm phán hoặc hoặc bởi hội đồng thẩm phán do Chánh án Toà án khu vực quyết định theo chỉ thị của Toà án tối cao. 

Toà án quận.

Toà án quận có thẩm quyền phúc thẩm các bản án quyết định của Toà án hạt. Việc xét xử tại Toà án quận được thực hiện bởi một thẩm phán hoặc bởi hội đồng thẩm phán do Chánh án toà án quận quyết định phù hợp với Chỉ thị của Toà án tối cao.  

Toà án hạt. 

Việc xét xử tại Toà án hạt được thực hiện bởi một thẩm phán hoặc bởi hội đồng thẩm phán do Chánh án Toà án quận quyết định phù hợp với Chỉ thị của Toà án tối cao.  

PHILIPPINES 

Thủ đô: Manila

Dân số: 74 triệu

Ngôn ngữ: Filipino

Hệ thống pháp luật của Philippines dựa trên cơ sở truyền thống án lệ (common law). Tổ chức bộ máy Nhà nước của Phillippines giống với mô hình tổ chức bộ máy Nhà nước của Hoa Kỳ. Quyền lực Nhà nước được phân chia theo học thuyết tam quyền phân lập. Đứng đầu cơ quan hành pháp là Tổng thống do nhân dân bầu ra. Quốc hội chịu trách nhiệm lập pháp còn tư pháp được giao cho Toà án. Xin giới thiệu hai cơ quan tư pháp của Phillippines là Bộ Tư pháp và Toà án. 

1. Bộ Tư pháp của Philippines. 

Bộ Tư pháp của Philippines là cơ quan pháp luật của Chính phủ.  

Chức năng nhiệm vụ của Bộ Tư pháp như sau: 

- Là cơ quan pháp luật của Chính phủ, tư vấn pháp lý và đại diện của Chính phủ khi có yêu cầu;

- Điều tra tội phạm, khởi tố và quản lý hệ thống quản chế và phục hồi nhân phẩm;

- Trợ giúp pháp lý cho những người nghèo trong các vụ án hình sự hoặc các tranh chấp dân sự phi thương mại;

- Thống nhất quản lý hệ thống đất đai thông qua hệ thống đăng ký;

- Điều tra và trọng tài đối với tranh chấp đất vô chủ liên quan tới người sở hữu đất nhỏ và các thành viên của dân tộc thiểu số;

- Quản lý việc nhập cư, hộ tịch;

- Cung cấp dịch vụ pháp lý cho Chính phủ quốc gia và các chức năng của nó bao gồm các tập đoàn của nhà nước hoặc do nhà nước kiểm soát và các chi nhánh của nó;

- Thực hiện các chức năng khác theo quy định của pháp luật. 

Bộ Tư pháp bao gồm các đơn vị chức năng sau:

- Phòng Trị sự;

- Văn phòng tư vấn của luật sư Chính phủ cho công ty Nhà nước;

- Cục điều tra quốc gia;

- Văn phòng Chưởng lý;

- Ban Đặc xá và ân xá;

- Ban Quản lý quản chế;

- Cục Phục hồi nhân phẩm;

- Ban đăng ký đất đai;

- Uỷ ban giải quyết tranh chấp các vấn đề về đất đai;

- Văn phòng luật sư công. 

Văn phòng Chưởng lý. 

- Giúp Bộ trưởng trong việc thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của Bộ Tư pháp liên quan tới chức năng công tố của Chính phủ.

- Thực thi các quy định của pháp luật, các yêu cầu của cơ quan lập pháp, thực hiện các chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án của Bộ Tư pháp liên quan tới điều tra và khởi tố vụ án hình sự.

- Giúp Bộ trưởng thực hiện việc giám sát và quản lý các dịch vụ tố tụng quốc gia theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện các chức năng khác theo quy định của pháp luật và yêu cầu của Bộ trưởng. 

Văn phòng tư vấn luật của Chính phủ cho doanh nghiệp nhà nước. 

Văn phòng tư vấn luật công ty của Chính phủ hoạt động như là văn phòng luật của các công ty của Chính phủ và do Chính phủ kiểm soát và các công ty có vốn của Chính phủ và quản lý các văn phòng luật của các công ty này. 

Cục điều tra Liên bang. 

Cục điều tra liên bang được trao quyền điều tra các tội phạm và các hành vi phạm tội theo luật của Philippines, cả vì động cơ của Chính phủ lẫn vì mục đích của cộng đồng. Cục điều tra sẽ lưu giữ hồ sơ hình sự và tất cả các thông tin cần thiết để sử dụng cho việc buộc tội và thực thi pháp luật của các cơ quan của Philippines, lưu giữ hồ sơ nhận dạng của tất cả các công dân dù chưa bị buộc tội hình sự, hồ sơ về đặc điểm nhận dạng của việc sở hữu súng đạn. 

Văn phòng Luật sư công. 

Văn phòng này có trách nhiệm cung cấp các dịch vụ pháp lý cho người nghèo và bị can. 

2. Toà án. 

Toà án của Phillippines được chia thành Toà án tối cao, Toà án khu vực, Toà án quận, thành phố. 

1.Toà án quận, thành phố. 

Toà án quận, thành phố có thẩm quyền đối với các vụ án hình sự mà hình phạt tù không quá bốn năm hai tháng hoặc phạt tiền không quá 4000 pêso hoặc cả phạt tiền và phạt tù. Đối với các vụ dân sự, thẩm quyền chung của nó đối với các tài sản và yêu cầu không được vượt quá 20.000 pêso. 

2.Toà án khu vực. 

Toà án khu vực của được chia thành 13 khu vực toà thủ đô và toà I đến XII. Toà án khu vực có thẩm quyền đối với các vụ án hình sự trừ những vụ thuộc thẩm quyền của Toà án quận, thành phố và theo quy định của pháp luật. Đối với các vụ án dân sự, Toà khu vực có thẩm quyền đối với tất cả các vụ dân sự mà tài sản hoặc yêu cầu từ 20.000 pêso trở lên.

3. Toà Sharia. 

Ở một số tỉnh ở vùng phía Nam Mindanao theo luật của đạo hồi đối với luật tư, có 5 toà án quận được thành lập nó tương đương với toà khu vực và có 51 toà hạt tương đương với toà quận bình thường. 

4. Toà phúc thẩm thuế. 

Đây là toà có thẩm quyền phúc thẩm đặc biệt nhằm phúc thẩm các quyết định của Uỷ ban doanh thu quốc gia và Uỷ ban hải quan. 

5. Toà phúc thẩm. 

Toà phúc thẩm phúc thẩm các vụ án thuộc thẩm quyền của Toà án quận, cơ quan, ban, Uỷ ban bán tư pháp. Các quyết định của Toà phúc thẩm có thể bị phúc thẩm của Toà án tối cao. 

6.Toà tối cao.

Toà tối cao có thẩm quyền xét xử cao nhất. Toà tối cao phúc thẩm các vụ án của Toà phúc thẩm. Toà tối cao có nhiệm vụ hướng dẫn xét xử. Toà án Tối cao gồm có Chánh án và 14 Phó Chánh án.  

SINGAPORE 

Thủ đô: Singapore

Dân số: 3,3 triệu người

Ngôn ngữ: Tiếng Anh,  Bahasa Melayu, Madarin và Tamil 

Theo Hiến pháp sửa đổi năm 1965, Singapore theo chế độ cộng hoà nghị viện. Quyền lực chính trị tập trung chủ yếu vào Thủ tướng Chính phủ và Nội các. Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Đảng hoặc liên minh chiếm đa số ghế trong Nghị viện. Tổng thống là nguyên thủ quốc gia, trước đây chỉ mang tính biểu trưng. Hiện nay, theo Hiến pháp năm 1991 thì tổng thống được bầu cử và được trao nhiều quyền hơn trong việc các vấn đề về lập pháp, ngân sách chính phủ và an ninh quốc gia. Xin giới thiệu các cơ quan pháp luật của Singapore gồm có Bộ Pháp luật.  

1. Bộ Pháp luật.

Bộ Pháp luật có trách nhiệm đề xuất, ban hành và thực hiện pháp luật và các chính sách đất đai, bao gồm các vấn đề cụ thể như sau: 

- Các vấn đề pháp luật;

- Cải cách pháp luật;

- Các vấn đề về Luật Dân sự chung;

- Nghề luật;

- Trợ giúp pháp lý;

- Các vấn đề về xử lý nợ và phá sản công ty;

- Uỷ thác và quản lý tài sản của người chết;

- Quản lý hoạt động cầm đồ và cho vay lãi;

- Chi trả bồi thường đối với các tai nạn ôtô

- Sở hữu trí tuệ;

- Giải quyết tranh chấp ngoài toà án;

- Hoà giải tập thể;

- Quản lý đất của Nhà nước;

- Thu đất tư nhân;

- Đăng ký các giao dịch về đất;

- Quyền sở hữu nước ngoài đối với các tài sản nhà;

- Khảo sát đất đai;

- Quản lý cán bộ khảo sát đất đai. 

Tương ứng với các lĩnh vực thực hiện, Bộ Tư pháp Singapore có cơ cấu bao gồm các đơn vị như sau: 

- Các Phòng:  

+ Phòng Chính sách pháp luật;

+ Phòng Chính sách đất đai;

+ Phòng Kế hoạch chiến lược;

+ Phòng Chính sách sở hữu trí tuệ;

+ Phòng giải quyết tranh chấp ngoài toà án; 

- Các Vụ, Cục: 

+ Cục Trợ giúp pháp lý;

+ Cơ quan uỷ thác và giải quyết nợ; 

- Các Ban:  

+ Ban sở hữu trí tuệ;

+ Cơ quan đất đai;

+ Cơ quan sở hữu trí tuệ của Singapore;

+ Cơ quan quản lý đất đai của Singapore;

+ Ban giải quyết.  

- Các Uỷ ban và Toà trong Bộ Tư pháp:  

+ Ban giải quyết kháng cáo về việc thu giữ đất;

+ Toà giải quyết các tranh chấp về quyền tác giả;

+ Ban khảo sát đất đai. 

2. Văn phòng Tổng chưởng lý.

Theo quy định của Hiếp pháp Singapore, Văn phòng Tổng Chưởng lý có nhiệm vụ “tư vấn cho Chính phủ liên về các vấn đề về pháp luật và thực thi các nhiệm vụ của một cơ quan pháp luật theo sự phân công của Tổng thống hoặc của Chính phủ và thực hiện các chức năng theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”. Văn phòng Tổng Chưởng lý đồng thời là Cơ quan Công tố, có chức năng mở các cuộc điều tra, thực hiện hoặc dừng các cuộc điều tra tội phạm. Cơ quan Công tố quản lý và hướng dẫn các hoạt động liên quan đến khởi tố và quá trình điều tra các tội hình sự. 

Về tổ chức, Văn phòng Chưởng lý có năm bộ phận gồm: Bộ phận về Dân sự, Bộ phận về Hình sự, Bộ phận về Pháp luật quốc tế, Bộ phận cải cách và sửa đổi pháp luật và cuối cùng là Bộ phận Pháp chế. 

3. Các phòng, ban phụ trách về các vấn đề pháp luật trong các bộ, ngành của Singapore. 

Trong một số Bộ, ngành của Singapore có những đơn vị chịu trách nhiệm về các vấn đề pháp lý trong lĩnh vực của Bộ, ngành mình. Các đơn vị này chịu trách nhiệm xây dựng pháp luật, đàm phán các điều ước quốc tế, tư vấn về pháp luật... trong lĩnh vực của Bộ, ngành mình phụ trách. 

4. Hệ thống Toà án.  

Là một trong ba trụ cột của nhà nước, thực thi pháp luật độc lập với cơ quan lập pháp và hành pháp, hệ thống toà án của Singapore gồm có hai cấp Toà án là Toà án tối cao (Supreme Court) và Các Toà án cấp dưới (Subordinate Courts). Người đứng đầu hệ thống toà án của Singapore là Chánh án. 

- Toà án cấp dưới: gồm nhiều Toà khác nhau như:  

+ Toà án cấp quận (District Courts);

+ Toà án địa phương (Magistrates’ Courts);

+ Toà án xét xử các vụ tử vong bất thường (The Coroner’s Court);

+ Toà án vị thành niên (The Juvenile Court);

+ Toà án giải quyết các tranh chấp nhỏ (The Small Claims Tribunals).  

Toà án cấp quận và toà án địa phương có thể được thành lập một số toà chuyên trách như: Toà án về các vấn đề hình sự (The Criminal Mentions Courts); Toà án giải quyết các vụ án hình sự và dân sự trong thương mại (The Commercial Civil and Criminal Courts); Toà án gia đình (The Family Court); Toà án giao thông (The Traffic Court); Toà chọn lọc (The Filter Court); Toà án ban đêm (The Night Court); Toà kết án tập trung (Centralized Sentencing Court).  

Trung tâm giải quyết tranh chấp qua mạng (e@dr Centre) và Trung tâm giải quyết tranh chấp kết hợp (Multidoor Courthouse) cũng là một bộ phận của toà án cấp dưới.

Trong hệ thống toà án của Singapore, toà án cấp dưới có vai trò quan trọng, số lượng các vụ việc được giải quyết tại toà án cấp dưới chiếm hơn 95% số vụ việc được giải quyết tại hệ thống toà án của Singapore. Thẩm phán cấp cao cấp quận có trách nhiệm quản lý toà án cấp dưới. Các vụ án đã được xét xử sơ thẩm tại các toà của toà án cấp dưới đều có thể được xét xử phúc thẩm tại Toà án Thượng thẩm Toà án tối cao trong trường hợp có kháng cáo 

- Toà án tối cao của Singapore gồm hai cấp xét xử là Toà Thượng thẩm và Toà Phúc thẩm.

  Toà Thượng thẩm có thẩm quyền xét xử sơ thẩm và phúc thẩm: Toà Thượng thẩm không bị giới hạn về phạm vi thẩm quyền xét xử sơ thẩm, từ những vụ việc liên quan đến tranh chấp trong hôn nhân, pháp luật hàng hải và vận tải biển cũng như các vấn đề liên quan đến nợ. Toà Thượng thẩm có thẩm quyền phúc thẩm các kháng cáo đối với quyết định, bản án của toà án cấp quận và toà án địa phương; xem xét về mặt pháp luật đã được sử dụng trong các vụ việc đặc biệt được toà án cấp quận và toà án địa phương đưa lên. Toà Thượng thẩm có thẩm quyền giám sát và quản lý hoạt động của các toà án cấp dưới về các vấn đề dân sự và hình sự.

Toà Phúc thẩm có thẩm quyền xét xử phúc thẩm các bản án và quyết định sơ thẩm hoặc phúc thẩm trong lĩnh vực dân sự của Toà Thượng thẩm.

THÁI LAN 

Thủ đô: Băngkok

Dân số: 61 triệu

Ngôn ngữ: Thái 

Thái Lan là một trong các nước của Đông Nam á có hệ thống pháp luật dựa trên cơ sở hệ thống dân luật (civil law), tuy nhiên vẫn có sự ảnh hưởng của truyền thống luật án lệ (common law) và pháp luật Thái Lan cổ điển. Bộ máy Nhà nước Thái Lan được tổ chức theo hình thức quân chủ lập hiến. Quyền lực của Nhà vua Thái Lan mang tính biểu tượng. Quốc hội gồm có hai Cơ quan   là Thượng nghị viện và Hạ nghị viện nắm quyền lập pháp. Chính phủ đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu ra nắm quyền hành pháp. Toà án là cơ quan xét xử cao nhất và độc lập đối với cơ quan hành pháp và lập pháp. Xin giới thiệu hai cơ quan tư pháp của Thái Lan đó là Bộ Tư pháp và các cơ quan Toà án của Thái Lan. 

Bộ Tư pháp Thái Lan. 

Bộ Tư pháp của Thái Lan là cơ quan Chính phủ và là một trong những cơ quan quan trọng nhất của Chính phủ Thái Lan.  

Bộ Tư pháp Thái Lan có chức năng nhiệm vụ: 

- Xây dựng luật và minh bạch hoá thủ tục hành chính;

- Bảo vệ quyền và tự do của con người;

- Trợ giúp và tuyên truyền pháp luật cho người dân;

- Bảo vệ, ngăn chặn hành vi phạm tội, tái hoà nhập người nghiện ma tuý với cộng đồng;

- Thi hành án dân sự, hình sự;

- Tái hoà nhập người phạm tội với cộng đồng. 

Cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp Thái Lan như sau:  

Giúp việc cho Bộ trưởng có: 

- Văn phòng Bộ trưởng;

- Văn phòng Chưởng lý;

- Văn phòng Chống rửa tiền;

- Văn phòng Kiểm soát chất gây nghiện. 

Bên cạnh đó, giúp việc cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp Thái Lan còn có những cơ quan chuyên môn sau: 

Vụ Quản chế. 

- Xây dựng và phát triển hệ thống quản chế, xây dựng chính sách về quản chế;

- Cải tiến quy trình phục hồi nhân phẩm và tái hoà nhập cộng đồng cho người phạm tội theo đạo luật về thủ tục quản chế;

- Tiến hành các hoạt động điều tra tiền xét xử, giám sát, cải tạo và tái hoà nhập những người phạm tội theo quy định của Luật quản chế;

- Thực hiện nhiệm vụ ngoài các nhiệm vụ chính theo yêu cầu của pháp luật và Nội các.

- Vụ Bảo vệ tự do và lợi ích.

- Xây dựng hệ thống quản lý nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền tự do và lợi ích của người dân;

- Nâng cao nhận thức cho nhân dân về quyền tự do và lợi ích hợp pháp của họ;

- Xây dựng hệ thống và các biện pháp nhằm giúp đỡ các nạn nhân của tội phạm;

Hỗ trợ tài chính cho những người bị thương, những người bị oan sai trong các vụ án hình sự;

Xây dựng và phát triển cơ chế giải quyết các tranh chấp trong xã hội;

Thúc đẩy sự hợp tác giữa khu vực công và tư trong nước và nước ngoài liên quan tới việc bảo vệ quyền tự do và lợi ích của con người;

Điều phối và đánh giá các hoạt động bảo vệ quyền tự do và lợi ích hợp pháp của người dân.

 Vụ Thi hành án.

- Cung cấp các dịch vụ liên quan tới việc thi hành án dân sự, phá sản, tái tổ chức, thanh lý tài sản dựa trên tiêu chí hiệu quả, công bằng và nhanh chóng;

- Tiêu chuẩn hoá và nâng các hoạt động thực tiễn trong cả nước;

- Hiện đại hoá hoạt động của vụ theo kịp với sự phát triển của xã hội;

- Nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý trong lĩnh vực mà Vụ phụ trách;

- Trang bị kiến thức và kỹ năng cho các chấp hành viên. 

Vụ Giám sát và bảo vệ vị thành niên. 

Vụ giám sát và bảo vệ vị thành niên có nhiệm vụ xây dựng chính sách, hình thành các chiến lược nhằm bảo vệ trẻ em, giúp phòng chống tội phạm và cung cấp các dịch vụ tư pháp vị thành niên thông qua các nhóm nghề nghiệp. 

Vụ Phục hồi nhân phẩm. 

Vụ phục hồi nhân phẩm chịu trách nhiệm giám sát người phạm tội bị kết án bởi toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác. Vụ chịu trách nhiệm trong việc quản lý việc tạm giam, tạm giữ, trại giam theo quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các quy định pháp luật khác. 

Vụ Điều tra đặc biệt. 

- Ngăn chặn và dập tắt tội phạm tổ chức và tội phạm xuyên quốc gia.

- Tiến hành điều tra và thẩm vấn các vụ án đặc biệt, những vụ mà có tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội và an ninh quốc gia;

- Tiến hành nghiên cứu và xây dựng hệ thống làm việc cũng như các thủ tục cho việc điều tra và thẩm vấn cũng như nâng cao năng lực cho những cán bộ hoạt động. 

2. Hệ thống Toà án của Thái Lan. 

Hệ thống tư pháp của Thái Lan dựa trên cơ sở truyền thống dân luật.

Hệ thống Toà án của Thái Lan chia thành ba cấp: toà cấp sơ thẩm, toà phúc thẩm và toà án tối cao.  

Toà sơ thẩm của Thái Lan được phân bổ theo lãnh thổ. ở các tỉnh, Toà sơ thẩm được chia thành toà vị thành niên và toà quận. ở Băng Cốc, các toà án được chia thành toà dân sự, hình sự, toà vị thành niên, toà lao động, thuế và toà quận. Có khoảng 135 toà sơ thẩm trên cả nước. 

Toà phúc thẩm được chia thành ba khu vực ở trên cả nước và một toà trung tâm ở Băng Cốc.  

Toà án tối cao (Sandika) là toà án có thẩm quyền xét xử cao nhất và phán quyết của Toà án tối cao là cuối cùng. Chỉ có phán quyết hình sự là bị phúc thẩm và bị cáo có quyền đệ đơn xin ân giảm lên nhà vua. Thành viên của toà án tối cao sẽ do Nhà vua quyết định. 

Vụ HTQT,  Tài liệu chuẩn bị cho ALAWMM 6

_________________________________________ 

Các bài viết có liên quan: