Đó là ý kiến phát biểu của bà Phạm Chi Lan (Cố vấn cao cấp kinh tế) tại Hội thảo do Bộ Công Thương tổ chức ngày 22/9/2008 về “Xây dựng Kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật trong khuôn khổ Dự án EU – Việt Nam MUTRAP III”, đồng thời đây cũng là một trong năm hợp phần cơ bản mà Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn III (MUTRAP III) đề cập đến trong khuôn khổ hoạt động của mình từ tháng 8 năm 2008 đến tháng 6 năm 2012.
MUTRAP III bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 8 năm 2008 với mục tiêu chủ yếu là hỗ trợ Việt Nam thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế xã hội và chương trình Hành động hậu gia nhập WTO nhằm tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm nghèo thông qua hội nhập mạnh mẽ hơn và hệ thống thương mại toàn cầu. Theo đó, nội dung chính của MUTRAP III gồm 05 hợp phần sau:
Hợp phần I: Tăng cường năng lực của Bộ Công Thương trong việc điều phối và thực hiện các cam kết WTO bao gồm cả các vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên ngành.
Hợp phần II: Tăng cường sự điều phối của Bộ Công Thương với khu vực tư nhân, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo để xây dựng một chiến lược hội nhập kinh tế và thương mại nhất quán, bền vững về mặt xã hội và môi trường.
Hợp phần III: Tăng cường năng lực của Bộ Công Thương để đàm phán và điều phối một cách hiệu quả các thoả thuận khu vực liên quan đến thương mại như AFTA, ASEAN cộng và tham gia đàm phán hiệp định mậu dịch tự do với các đối tác thương mại chủ yếu bao gồm EU.
Hợp phần IV: Tăng cường thuận lợi hoá thương mại dịch vụ thông qua việc nâng cao khả năng điều phối, thống kê và phân tích.
Hợp phần V: Tăng cường năng lực của các bên liên quan đến chính sách cạnh tranh để đảm bảo bảo vệ người tiêu dùng, một sân chơi bình đẳng và công bằng cho mọi doanh nghiệp thông quan thực thi luật cạnh tranh mới ban hành.
Với mục tiêu chính là tìm hiểu nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực của các bên hưởng lợi, ban đặc trách của MUTRAP III đã tổ chức hội thảo trên nhằm khuyến khích các đơn vị đề xuất hỗ trợ kỹ thuật, đưa ra kế hoạch hoạt động tổng thể dự kiến sẽ hoàn thiện vào tháng 11 năm 2008, đồng thời thông báo cho các trường đại học và các hiệp hội kinh doanh về khoản tài trợ của EC. Hội thảo đã thu hút được sự tham gia đông đảo của đại diện các Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, các trường đại học, viện nghiên cứu cũng như các hiệp hội kinh tế. Nhiều đề xuất hỗ trợ kỹ thuật được đưa ra từ phía các cơ quan Nhà nước như Bộ Giáo dục Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước, Sở Công Thương thành phố Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương… các tổ chức, hiệp hội như Hội da giầy Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài…
Ngoài ra, Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến quý báu từ các chuyên gia trong và ngoài nước, trong đó phải kể đến bài tham luận của bà Phạm Chi Lan. Theo bà Lan, MUTRAP III ngoài việc tiếp tục phát huy những kinh nghiệm và thành tựu của MUTRAP I và II thì các hợp phần của dự án trong giai đoạn này cũng cần tập trung vào các nhóm đối tượng quan trọng như: Nhóm Lập pháp gồm Quốc Hội, Hội đồng nhân dân các cấp; Nhóm Hành pháp gồm có các bộ, ngành khác vì hiện nay sự phối hợp giữa các cơ quan này trong vấn đề hội nhập chưa chặt chẽ; Nhóm Tư pháp gồm có hoà giải, trọng tài và toà án, trong đó cần tập trung nâng cao năng lực cho toà án vì theo thống kê hiện này chỉ có 7% doanh nghiệp lựa chọn thiết chế này khi xảy ra tranh chấp; Nhóm giáo dục, nghiên cứu để đào tạo và dự báo; Nhóm truyền thông để chuyển tải nhanh nhất các chủ trương chính sách từ trung ương đến địa phương đồng thời đây cũng là kênh phản hồi chân thực nhất từ phía người hưởng lợi; Ngoài ra, cần đặc biết chú ý đến một nhóm đối tượng xã hội giữ vai trò rất quan trọng đó chính là người tiêu dùng. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của WTO hơn một năm rưỡi nhưng những tác động của việc gia nhập WTO đối với người tiêu dùng còn rất mờ nhạt.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý, giám đốc dự án MUTRAP III, việc bảo vệ người tiêu dùng cũng được dự án đặc biệt quan tâm, vấn đề này được xác định là một trong năm nội dung chính của dự án giai đoạn này. Theo đó, dự án sẽ tăng cường năng lực của các bên liên quan đến chính sách cạnh tranh để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo một sân chơi bình đẳng và công bằng cho mọi doanh nghiệp thông qua thực thi Luật cạnh tranh. Cụ thể, dự án sẽ hỗ trợ soạn thảo và thực hiện luật bảo vệ người tiêu dùng và hỗ trợ việc thực hiện; tăng cường nhận thức về các chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng và sử dụng công cụ tự vệ thương mại để thúc đẩy văn hoá cạnh tranh công bằng trong kinh doanh; củng cố Hội đồng cạnh tranh Việt Nam và Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng cũng như việc chuyển giao kinh nghiệm thực tiễn của EU trong việc đối phó với các hành vi chống cạnh tranh.
Với mục tiêu giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm nghèo thông qua hội nhập mạnh mẽ hơn vào hệ thống thương mại toàn cầu, dự án MUTRAP III hứa hẹn sẽ mang lại nhiều kết quả rất tốt đẹp.
Đức Trí