John Bentley, Chuyên gia pháp luật cao cấp Dự án STAR Việt Nam: Việt Nam nên sớm có bộ pháp điển hóa

25/09/2008
Dự án STAR Việt Nam nhận định, sau hơn 20 năm đổi mới và cải cách pháp luật liên tục, đây là thời điểm tốt để đưa hệ thống pháp luật và công tác xây dựng luật của Việt Nam tiến thêm một bước quan trọng. Đó là hướng tới việc sửa đổi, hệ thống hoá và biên soạn các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) thường xuyên và liên tục thông qua cơ chế pháp điển hoá. Ông John Bentley, Chuyên gia pháp luật cao cấp Dự án STAR Việt Nam đã đề xuất với Việt Nam mô hình pháp điển hoá đang được sử dụng rất hiệu quả ở Hoa Kỳ.

Pháp điển hoá của Hoa Kỳ – 3 lần mới thành công

Hoa Kỳ đã phải trải qua 3 lần tập hợp, rà soát và hệ thống hoá pháp luật quốc gia của mình. Lần thứ nhất vào năm 1866, Nghị viện Hoa Kỳ chỉ đạo một uỷ ban gồm 3 uỷ viên “rà soát, đơn giản hoá, sắp xếp và hợp nhất tất cả các đạo luật có tính chất chung và lâu dài của Hoa Kỳ”. Nhiệm vụ của các uỷ viên là “hợp nhất các đạo luật theo chủ đề và tiến hành sửa đổi nếu cần thiết để loại bỏ các mâu thuẫn và sửa đổi những điểm không hoàn thiện của VB ban đầu''. Sau 8 năm (năm 1874), Nghị viện mới thông qua Báo cáo sửa đổi bằng việc ban hành 2 tập Các đạo luật sửa đổi. Nhưng chỉ trong vòng 20 năm, Hoa Kỳ đã thấy sự hỗn độn tiếp tục xảy ra. Các luật mới liên tục được ban hành ngay khi các luật trước được tập hợp, hệ thống hoá và công bố. Vì vậy, năm 1901, Nghị viện đã chỉ định một uỷ ban khác sửa đổi các luật. Đáng buồn là, nỗ lực tập hợp và hệ thống hoá các luật lần này lại thất bại. Cuối cùng, vào năm 1924, Nghị viện uỷ quyền cho Uỷ ban Sửa đổi pháp luật xây dựng Bộ Pháp điển hoá các luật Hoa Kỳ chứa đựng tất cả các luật đang còn hiệu lực do Nghị viện Hoa Kỳ ban hành từ năm 1789. Uỷ ban này đã chọn 2 công ty xuất bản tư nhân tổ chức việc xuất bản các luật. Bản đầu tiên của Bộ Pháp điển hoá các luật Hoa Kỳ được phát hành năm 1926, đúng 150 năm sau ngày thành lập nước. Đến năm 1936, Văn phòng Cơ quan Đăng ký quốc gia về quản lý lưu trữ và ghi chép tập hợp các VBQPPL do các cơ quan Chính phủ và các bộ của Hoa Kỳ ban hành thành Bộ Pháp điển hoá các quy định của Liên bang.

Cả 2 Bộ Pháp điển hoá trên tổ chức các quy định pháp luật thành 50 nội dung hoặc các lĩnh vực chính theo chủ đề và đang rất thành công. Mỗi nội dung được chia thành các mục có chứa các quy định cụ thể của luật như các điều khoản trong pháp luật Việt Nam. Nếu cần thiết, trong mỗi sẽ có các tiểu mục, chương, phần... Các nội dung có thể có các phụ lục được chia thành các mục, quy tắc hoặc mẫu. Bộ Pháp điển hoá các luật Hoa Kỳ bao gồm 26 tập, trong khi Bộ Pháp điển hoá các quy định của Liên bang gồm 202 tập - nhiều gấp 8 lần. Hiện nay, thay vì là một đạo luật riêng rẽ, mỗi luật của Nghị viện được ban hành dưới hình thức thay đổi Bộ Pháp điển hoá các luật, bằng cách bổ sung hoặc sửa đổi các quy định hiện hành. Tương tự, mỗi VBQPPL mới do cơ quan Chính phủ Hoa Kỳ ban hành dưới hình thức thay đổi Bộ Pháp điển hoá các quy định của Liên bang.

Pháp điển hoá - những lợi ích cho hệ thống pháp luật Việt Nam

Theo ông Bentley, lợi ích rõ ràng nhất của việc pháp điển hoá là thường xuyên, liên tục sửa đổi và hệ thống hoá các luật và VBQPPL, làm cho chúng được sắp xếp theo một trật tự bằng cách trình bày theo những lĩnh vực liên quan vào một bộ tập hợp có nhiều tập, thay vì để các quy định (có hiệu lực và không có hiệu lực) nằm rải rác trong hàng ngàn VBQPPL đơn lẻ. Việc đưa các quy định và chủ đề pháp lý liên quan vào trong cùng một chương hoặc phần trong một chương của một bộ pháp điển hoá sẽ tăng cường tính thống nhất. Mọi điểm mâu thuẫn, chồng chéo và kẽ hở của pháp luật sẽ sớm được xác định, giảm bớt và loại bỏ một cách liên tục. Ngoài ra, bằng cách cập nhật các bộ pháp điển hoá thông qua việc sửa đổi liên tục khi các luật và văn bản pháp luật được ban hành, vấn đề thiếu chắc chắn do việc sửa đổi và hệ thống hoá theo định kỳ hoặc bất thường được thực hiện vài năm một lần sẽ không còn là khó khăn. Nhờ vậy, công tác xây dựng pháp luật trở nên dễ dàng hơn, vì không còn cần phải sửa đổi hay ban hành toàn bộ một luật cùng lúc, mà chỉ cần bổ sung, huỷ bỏ hoặc sửa đổi các điều khoản riêng biệt của một bộ pháp điển hoá khi có đề xuất xây dựng luật. Một điều không kém phần quan trọng là, bằng cách sắp xếp các quy định pháp luật theo các chủ đề, các nhà làm luật, cán bộ chính phủ hoặc người dân sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong việc tìm kiếm các quy định pháp luật liên quan và người dân sẽ tôn trọng cũng như tin tưởng hơn vào pháp luật.

Tiếp đến, thông qua việc giao trách nhiệm rà soát và hệ thống hoá cho một cơ quan duy nhất - có đội ngũ nhân viên gồm những nhà sửa đổi và pháp điển hoá chuyên nghiệp và được đào tạo tốt - có nhiệm vụ duy nhất là liên tục sửa đổi và hệ thống hoá thông qua việc pháp điển hoá, thì tính nhất quán, chất lượng và hiệu quả việc sửa đổi và hệ thống hoá VBQPPL sẽ được tăng cường mạnh mẽ hơn hẳn các cơ quan BHVB đã quá bận rộn với những công việc thường ngày. Tất nhiên, các cơ quan BHVB vẫn phải tiếp tục tham gia vào nhiệm vụ này và việc pháp điển hoá cũng sẽ giúp cho sự tham gia của họ dễ dàng hơn, hiệu quả hơn.

Một số lý do nên tiến hành pháp điển hoá

- Nhu cầu tập hợp, rà soát và hệ thống hoá xuất phát từ thực tế là các VBQPPL được đăng trên Công báo thường theo thứ tự thời gian nhận được văn bản. Điều này dẫn tới kết quả là sự không thống nhất, mâu thuẫn, trùng lặp và kẽ hở phát sinh giữa các VBPL khác nhau về cùng một hoặc các vấn đề có liên quan.

- Việc tập hợp, rà soát, hệ thống hoá các luật theo định kỳ 10, 20 hay 30 năm là một công việc khó khăn và tốn kém. Ngoài ra, Chính phủ, cơ quan lập pháp và công chúng thường không biết chắc thời điểm ban hành và có hiệu lực của VBPL.

Hai yếu tố cơ bản của bộ pháp điển hoá

- Bộ pháp điển hoá phải được xây dựng trên cơ sở tập hợp tất cả các VBPL vào một nơi và tổ chức lại chúng theo chủ đề.

- Phải giữ các bộ pháp điển hoá các luật và phụ lục một cách hệ thống hoá và thường xuyên cập nhật khi chúng được ban hành.

Cẩm Vân