Những quy định pháp luật về giáo viên dạy nghề: Vì sao khó thực hiện?

12/09/2008
Xét về phương diện lập pháp, hệ thống các quy định pháp luật liên quan đến giáo viên dạy nghề ( như số lượng, chất lượng, tỷ lệ học sinh/giáo viên hợp lý...) được quy định trong Luật Dạy nghề, các Nghị định hướng dẫn và các VBQPPL của các Bộ, ngành liên quan là khá đầy đủ. Tuy nhiên, hiệu lực pháp luật của các quy định này lại không được như mong muốn của những nhà làm luật. Vì sao?

Từ điều luật...

            Nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, song song với việc chia ra 3 cấp dạy nghề sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, Luật Dạy nghề cũng đưa ra các quy định chuẩn cho giáo viên dạy nghề của từng cấp như giáo viên dạy lý thuyết trình độ sơ cấp nghề phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên, giáo viên dạy thực hành trình độ sơ cấp nghề phải là người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề trở lên hoặc là nghệ nhân, người có tay nghề cao...

Cũng theo Luật Dạy nghề, nếu các cơ sở dạy nghề không đảm bảo được các yêu cầu về chất lượng, số lượng, thời lượng sử dụng giáo viên dạy nghề theo luật định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Vấn đề này đã được cụ thể hóa trong dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề (hiện nay đã hoàn tất khâu xây dựng, lấy ý kiến để chuẩn bị trình Chính phủ ban hành). Theo đó, Điều 15, 16 của dự thảo Nghị định đưa ra các mức phạt khá cao từ 2 -15 triệu đồng cho các hành vi vi phạm sử dụng giáo viên không đủ tiêu chuẩn quy định, sử dụng giáo viên vượt quá giờ chuẩn theo luật định, không đảm bảo tỷ lệ giáo viên cơ hữu trên tổng số giáo viên quy đổi...Ngoài nộp phạt, cơ sở dạy nghề phải chấp hành các biện pháp khắc phục nghiêm khắc như buộc đình chỉ hoạt động giảng dạy đối với các giáo viên không đủ tiêu chuẩn, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề có thời hạn từ 3-6 tháng.

Là cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất về lĩnh vực dạy nghề, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng coi tiêu chí về giáo viên dạy nghề là một trong những điều kiện quan trọng để cho phép thành lập các Trung tâm dạy nghề công lập và tư thục. Quyết định số 17/2007/QĐ-BLĐTBXH về điều kiện, thủ tục, thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập trung tâm dạy nghề công lập và tư thục quy định nếu muốn được cho phép thành lập, các Trung tâm dạy nghề công lập và tư thục phải có một đội ngũ giáo viên dạy nghề không chỉ đạt chuẩn trình độ đào tạo theo luật định, mà còn phải đảm  bảo tỷ lệ tối đa 25 học sinh quy đổi/1 giáo viên, và phải đảm bảo có giáo viên cơ hữu cho từng nghề...

Đến thực tế

            Năm 2008, tổng chỉ tiêu đăng ký tuyển sinh trình độ Trung cấp nghề, Cao đẳng nghề đều tăng vượt so với năm 2007, trong đó hệ Cao đẳng nghề tăng tới 87,3%. Trong khi đó, điểm mới của năm nay là số học sinh, sinh viên học nghề quy đổi trên số giáo viên dạy nghề không quá 23 HS, SV/1GV (năm 2007 là 25). Theo Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB và XH, hiện nguồn giáo viên dạy nghề cả nước trông chờ vào 4 trường ĐH sư phạm kỹ thuật ở TP.HCM, Hưng Yên, Vinh, Nam Định và một số trường cao đẳng, một số khoa sư phạm khác. Số lượng nghề mà những nơi này đào tạo mới chỉ dựng lại ở con số khiêm tốn 20 trong khi xã hội có hàng trăm nghề cần đào tạo. Như vậy, nguy cơ khủng hoảng nguồn nhân lực vì thiếu giáo viên dạy nghề đã trở thành vấn đề nóng.

Tại các địa phương,  thiếu giáo viên dạy nghề còn là nguyên nhân khiến cho các cơ sở dạy nghề lâm vào tình huống bắt buộc phải vi phạm pháp luật. Ông Trần Đình Vui, Trưởng phòng Quản lý dạy nghề, Sở LĐ-TB và XH tỉnh Hòa Bình cho biết, là một tỉnh miền núi gây dựng được một đội ngũ giáo viên dạy nghề đủ số lượng đã khó, nói gì tới việc đạt chuẩn theo luật định. Các cơ ở dạy nghề trên địa bàn tỉnh dù đã cố gắng hết sức để nâng cao chất lượng giáo viên dạy nghề theo 3 cấp trình độ, nhưng cũng chỉ đáp ứng được phần nào vì thiếu điều kiện, cơ sở vật chất... Còn theo Sở LĐ-TB và XH Cần Thơ, toàn thành phố hiện có 535 giáo viên dạy nghề trong đó có tới 29,78% giáo viên dạy nghề chưa đạt chuẩn quy định (24,17% chưa đạt chuẩn về sư phạm và 5,61% chưa đạt chuẩn về chuyên môn và kỹ năng nghề). Nếu muốn đáp ứng tỷ lệ chuẩn 23 người học/ 1GV thì lực lượng giáo viên cần bổ sung thêm khoảng 500 người nữa.

Như vậy, việc phải sử dụng đội ngũ giáo viên không đạt chuẩn, tăng số giờ dạy của giáo viên quá luật định đang là tình trạng chung của rất nhiều cơ sở dạy nghề. Tình trạng này không chỉ làm ảnh hưởng tới chất lượng dạy nghề mà còn làm mất tính nghiêm minh, tính khả thi của những cơ sở pháp lý trong lĩnh vực này.

Xuân Hoa

Mới đây, trước nguy cơ khủng hoảng nhân lực vì thiếu giáo viên dạy nghề đang và sẽ diễn ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi làm việc với đại diện của Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB và XH  và một số ban, ngành liên quan. Tại buổi làm việc này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ-TB và XH,  Bộ GD-ĐT, khẩn trương phối hợp xây dựng đề cương chi tiết đề án đào tạo giáo viên dạy nghề trung cấp và cao đẳng trình Chính phủ trước ngày 30.8.2008. Cuối tháng 10.2008 cơ bản hoàn thành đề án để lấy ý kiến Bộ, ngành, DN. Tháng 12.2008 phải hoàn chỉnh để trình Thủ tướng phê duyệt.