Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII: Sẽ thông qua Luật Thi hành án dân sự và Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi)

15/10/2008
Hôm qua (14/10), Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo giới thiệu nội dung kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII sẽ khai mạc vào ngày 16/10. Về công tác xây dựng pháp luật, ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án Luật và cho ý kiến về 6 dự án Luật khác, trong đó có 1 dự án được trình và thông qua tại một kỳ họp là dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Quốc hội cũng sẽ xem xét Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 và thông qua Nghị quyết về vấn đề này.

             Đáng chú ý trong 8 dự án Luật được Quốc hội dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 4 này có 2 dự án Luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo. Đó là dự án Luật Thi hành án dân sự và dự án Luật quốc tịch Việt Nam (sửa đổi). Ông Nguyễn Sỹ Dũng khẳng định, so với dự án Luật được trình tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII thì dự án Luật thi hành án dân sự mới đã được tiếp thu, chỉnh lý toàn diện, tập trung vào phạm vi điều chỉnh, vấn đề xã hội hóa hoạt động thi hành án, mô hình tổ chức cơ quan thi hành án dân sự, ngạch và tiêu chuẩn chấp hành viên, về sử dụng công cụ hỗ trợ trong thi hành án dân sự, thẩm quyền ra quyết định thi hành án, ủy quyền thi hành án, thẩm quyền miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án…

             Đối với dự án Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi), tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật này. Sau đó, dự án Luật tiếp tục được tiếp thu, chỉnh lý. Lần này đưa ra Quốc hội thảo luận để thông qua, dự thảo Luật tiếp tục khẳng định nguyên tắc một quốc tịch, đồng thời có mở ra một số trường hợp cho phép công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài. Về giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng lược bỏ các loại giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam. Theo đó, một trong những loại giấy tờ sau có giá trị chứng minh người có quốc tịch Việt Nam: Giấy khai sinh, trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ; giấy chứng minh nhân dân; hộ chiếu Việt Nam; Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam; Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài; Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi. Về giải quyết hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam đối với người không quốc tịch, dự thảo Luật quy định những người không quốc tịch mà không có đầy đủ các giấy tờ về nhân thân nhưng đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên tính đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành và tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam thì sẽ hồ sơ và trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ xin nhập quốc tịch do Chính phủ quy định.

             Cũng theo thông tin được công bố tại buổi họp báo chiều qua, trong 6 dự án Luật được đưa ra thảo luận tại kỳ họp lần này có dự án Luật Lý lịch tư pháp và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự. Hai dự án Luật này cũng do Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì soạn thảo. Điều đặc biệt là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 14 loại tội phạm và phi hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Điều đó có nghĩa là nếu điều luật này được Quốc hội thông qua, người nghiện ma túy sẽ không còn là tội phạm mà được coi là người bệnh, nạn nhân của tệ ma túy.

Hồng Thúy