Ngày 01/6, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT). Trước đó, thảo luận dự án này tại tổ đã có 109 ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.
Sử dụng tác phẩm đã công bố: không phải xin phép
“Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để thực hiện chương trình phát sóng không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả;… Đối với tổ chức, cá nhân sử dụng quyền liên quan trong một số trường hợp không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận cho tác giả”. Đây là quy định mới nhất theo Dự thảo Luật SHTT.
Đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội) tán thành với quan điểm chia các trường hợp thành 2 loại theo mục đích sử dụng thương mại và công cộng. Nhưng, đại biểu Anh cho rằng, đối với trường hợp sử dụng thương mại phải trả nhuận bút, còn đối với trường hợp thứ hai thì không phải trả nhuận bút. Tuy nhiên đối với trường hợp phải trả nhuận bút, cần bổ sung vào luật điều khoản quy định nguyên tắc thỏa thuận làm cơ sở cho việc thương lượng với các bên, cũng như tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết tại tòa án khi có tranh chấp phát sinh.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) lại cho rằng quy định như trong dự thảo rất khó thực hiện, bởi vì trong thực tế nếu thỏa thuận thành công thì rất tốt, nhưng trong trường hợp không thành công thì không có cơ sở để giải quyết vấn đề này. Cơ quan nào chịu trách nhiệm đứng ra giải quyết vấn đề này và lấy tiêu chí gì khẳng định khoản thù lao đó là phù hợp hay chưa. Chính vì vậy nếu chỉ dừng lại quy định như ở trong dự thảo thì sẽ dẫn đến những câu chuyện không có hồi kết. Đại biểu Ry đề nghị trong trường hợp sử dụng những tác phẩm vì mục đích thương mại thì trước khi sử dụng các tổ chức, cá nhân sử dụng đó cần phải có sự thỏa thuận về nhuận bút, thù lao với tác giả. Còn sử dụng không nhằm mục đích thương mại thì không phải xin phép, trong trường hợp này nếu các bên thỏa thuận được thì việc trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu thì tốt. Nhưng nếu không thỏa thuận được Chính phủ cần có những quy định cụ thể.
Chưa nên kéo dài thời hạn thẩm định.
Theo Tờ trình của Chính phủ sẽ kéo dài thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, cụ thể thời hạn thẩm định từ 12 tháng lên 18 tháng đối với sáng chế; từ 6 tháng lên 9 tháng đối với kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kể từ ngày công bố đơn.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) thì Luật SHTT hiện hành đã tính tới đến yếu tố phức tạp của lĩnh vực đăng ký sở hữu công nghiệp và so với thủ tục hành chính ở nhiều lĩnh vực khác thì thời gian này là rất dài. Việc sửa đổi theo hướng tăng thời gian xử lý đơn như dự thảo là một bước lùi trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Cũng theo ông Tấn, quy định về thời hạn phải bảo đảm quyền lợi ích cho chủ sở hữu. Nếu các cơ quan cấp phép quá tải trong giải quyết công việc thì Nhà nước cần có cơ chế chính sách đảm bảo nguồn lực con người, trang thiết bị, phương tiện, điều kiện làm việc để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đồng thời thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong quy trình tiếp nhận giải quyết đơn một cách khoa học và hợp lý hơn.
Một số đại biểu đồng ý với ý kiến của ông Tấn vì cho rằng việc kéo dài thời hạn là đi ngược với chủ trương cải cách hành chính, làm cho các sáng chế, phát minh chậm được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Ngược lại, nhiều đại biểu lại ủng hộ phương án mà Dự Luật đưa ra. Đại biểu Vũ Thị Phương Anh (Quảng Nam) sau khi đưa ra các lý do, trong đó có việc giải tỏa sức ép về thời gian do sự gia tăng đột biến về số đăng ký sở hữu công nghiệp của các chủ thể trong và ngoài nước có thể dẫn đến kết quả thẩm định không chính xác, đã cho rằng việc kéo dài thời hạn là cần thiết.
Giám định: nên giao cho các tổ chức sự nghiệp của nhà nước.
Các cơ quan quản lý nhà nước về SHTT quản lý cả hoạt động giám định do đó dịch vụ giám định cần giao cho các tổ chức sự nghiệp của nhà nước là ý kiến của nhiều đại biểu khi thảo luận về vấn đề này. Các đại biểu cho rằng quy định như vậy sẽ bảo đảm tận dụng chất xám của các nhà chuyên môn trong khi các tòa án đang phải đối mặt với sự thiếu hụt về đội ngũ và năng lực cán bộ khi giải quyết các vụ xâm phạm quyền SHTT. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc tham gia của các cơ quan nhà nước về SHTT trong hoạt động giám định có thể sẽ không bảo đảm tính khách quan, độc lập của hoạt động này. Mặt khác, thực hiện theo quy định này sẽ dẫn đến tình trạng cơ quan nhà nước vừa cấp văn bằng, vừa đánh giá, xử lý các vụ việc xâm phạm quyền SHTT.
Bình An