Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là cơ sở sản xuất, kinh doanh độc lập, đã đăng ký kinh doanh theo pháp luật hiện hành, có vốn đăng ký không quá 10 tỷ đồng hoặc số lao động trung bình hàng năm không quá 300 người . Các DNNVV bao gồm các doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp nhà nước và Luật Hợp tác xã, hoạt động theo nhiều loại hình doanh nghiệp, như doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, hợp tác xã, công ty hợp danh.
Xây dựng và phát triển đội ngũ DNNVV là một nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đảng và Nhà nước Việt Nam khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát huy tính chủ động sáng tạo, nâng cao năng lực quản lý, phát triển khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực, mở rộng các mối liên kết với các loại hình doanh nghiệp khác, tăng hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh trên thị trường; phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động.
Ở mỗi nền kinh tế quốc gia hay lãnh thổ, các DNNVV có thể giữ những vai trò với mức độ khác nhau, song nhìn chung, qua thực tiễn hoạt động và phát triển của DNNVV ở Việt Nam cho thấy, DNNVV có một số vai trò đối với kinh tế - xã hội như sau:
- Giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế: các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường chiếm tỷ trọng lớn, thậm chí áp đảo trong tổng số doanh nghiệp (Ở Việt Nam chỉ xét các doanh nghiệp có đăng ký thì tỷ lệ này là trên 98%). Vì thế, đóng góp của họ vào tổng sản lượng và tạo việc làm là rất đáng kể.
- Giữ vai trò ổn định nền kinh tế: ở phần lớn các nền kinh tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa là những nhà thầu phụ cho các doanh nghiệp lớn. Sự điều chỉnh hợp đồng thầu phụ tại các thời điểm cho phép nền kinh tế có được sự ổn định. Vì thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa được ví là “thanh giảm sốc” cho nền kinh tế.
- Làm cho nền kinh tế năng động: vì doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô nhỏ, nên dễ điều chỉnh (xét về mặt lý thuyết) hoạt động.
- Tạo nên ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ quan trọng: doanh nghiệp nhỏ và vừa thường chuyên môn hoá vào sản xuất một vài chi tiết được dùng để lắp ráp thành một sản phẩm hoàn chỉnh.
- Là trụ cột của kinh tế địa phương: nếu như doanh nghiệp lớn thường đặt cơ sở ở những trung tâm kinh tế của đất nước (Ví dụ như: TP. Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng…), thì doanh nghiệp nhỏ và vừa lại có mặt ở khắp các địa phương và là người đóng góp quan trọng vào thu ngân sách, vào sản lượng và tạo công ăn việc làm ở địa phương.
Ở các nước phát triển, số lượng DNNVV thường chiếm từ 90 - 95% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế và giải quyết việc làm cho khoảng 2/3 lực lượng lao động. Tác dụng tạo việc làm của các DNNVV trong thời kỳ kinh tế suy thoái tựa như một "chiếc van an toàn" để điều chỉnh kinh tế vĩ mô nền kinh tế, hạn chế những tác động tiêu cực của các cuộc khủng hoảng kinh tế. Ở Việt Nam, sự hình thành và phát triển DNNVV ngày càng tăng về số lượng bởi lẽ DNNVV có nhiều lợi thế trong hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế thị trường. Nhưng lợi thế của DNNVV có thể kể đến như DNNVV cần vốn ít, lao động không nhiều, dễ quản lý nên dễ dàng khởi sự; có thể tận dụng dễ dàng mọi nguồn lực trong xã hội cho yêu cầu phát triển; dễ linh hoạt về thời gian giao hàng và giá cả nên dễ giao dịch; có tính linh động, có tính phản ứng nhanh trước sự chuyển biến mạnh về sản phẩm, dịch vụ, quy trình sản xuất và thị trường. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể từ khi ban hành Nghị định 90/2001/NĐ-CP về trợ giúp phát triển các DNNVV đến nay, các DNNVV đã tăng nhanh về số lượng, hoạt động năng động và có hiệu quả hơn. Tính đến nay, cả nước đã có khoảng 240.000 DNNVV, chiếm 98% tổng số DN cả nước. DNNVV đóng góp khoảng 30% tổng GDP của cả nước và 31% tổng giá trị sản lượng công nghiệp; tạo ra khoảng 49% việc làm phi nông nghiệp ở nông thôn và 26% lực lượng lao động trong cả nước.
Bước vào thời kỳ mới, Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện và sâu rộng hơn, đó là thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế khu vực và song phương. Theo đó, hàng rào bảo hộ bị dỡ bỏ hoặc giảm mạnh, đồng thời chúng ta có cơ hội để mở rộng thị trường với sự gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Những yêu cầu mới đặt ra trong sự phát triển kinh tế - xã hội cùng với việc hội nhập kinh tế quốc tế đang đòi hỏi doanh nghiệp nói chung, trong đó nhất là đội ngũ DNNVV phải không ngừng hoàn thiện về mọi mặt.
Việt Nam đã và đang coi trọng và có các chính sách ưu đãi để phát triển các DNNVV, các làng nghề ở vùng nông thôn, đưa doanh nghiệp về nông thôn để góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, phát triển đô thị nhỏ, giảm bớt sự chênh lệch về đời sống giữa thành thị và nông thôn. Đây cũng là giải pháp chủ yếu tạo ra thu nhập và việc làm cho những nông dân không còn đất trong quá trình đô thị hoá, hạn chế tình trạng dân nông thôn đổ về thành thị làm phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với DNNVV, đây là vấn đề cấp thiết và được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện nhằm khơi dậy tinh thần kinh doanh trong dân ta, khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn, trí tuệ, tài năng ra kinh doanh vì sự phồn vinh của đất nước, nhằm thực hiện thắng lợi chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.
Tuy giữ vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế, lại nhận được quan điểm khuyến khích phát triển của Đảng, của Nhà nước, thái độ ngày càng cởi mở của chính quyền các cấp, nhưng có một thực tế là DNNVV còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Thống kê của Dự án nghiên cứu TF/VIE/03/001 và kết quả một cuộc điều tra vừa qua đối với hơn 2.800 doanh nghiệp nhỏ và vừa tại 10 tỉnh, thành phố do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Tổ chức Danida (Đan Mạch) cho thấy, một loạt các trở ngại đối với sự tồn tại của doanh nghiệp. Trong những trở ngại mà doanh nghiệp gặp phải thì thiếu vốn cũng như ít khả năng tiếp cận vốn là vấn đề nghiêm trọng nhất, tiếp theo mới là mức độ cạnh tranh và sau đó mới là sự hạn chế về cầu đối với sản phẩm và khó khăn về đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh.
Mặc dù thời gian qua, Nhà nước đã cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp bằng cách mở rộng các loại tài sản có thể dùng để thế chấp, tuy nhiên, điều này cũng chưa giải quyết được cơ bản tình trạng thiếu vốn, thiếu nguồn tín dụng từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng trưởng tín dụng dành cho khối DNNVV trong những năm gần đây cũng cho thấy có dấu hiệu khả quan. Trong hai năm gần đây số vốn mà các ngân hàng thương mại dành cho khối DNNVV vay chiếm bình quân khoảng 40% tổng dư nợ. Chỉ tính riêng hoạt động cho vay của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, tổng dư nợ cho vay DNNVV tăng liên tục qua từng năm. Ngân hàng NN&PTNT còn xác định, đến năm 2010, dư nợ cho vay DNNVV đạt 140-160 nghìn tỷ đồng, gấp 2,5 lần mức hiện tại và chiếm 40% tổng dư nợ của ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế việc tiếp cận được với nguồn vốn vay ngân hàng của DNNVV còn gặp nhiều gian nan. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ có 32,38% DNNVV có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, 35,24% khó tiếp cận và 32,38% không tiếp cận được. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là việc các DNNVV không có đủ các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật hiện hành, trong đó thiếu và/hoặc không đủ tài sản bảo đảm là điều kiện khó đáp ứng nhất đối với các DNNVV.
Tình trạng phổ biến là có khoảng 35-45% doanh nghiệp tin tưởng nộp hồ sơ vay vốn thường xuyên nhưng 19% gặp khó khăn và đã bị từ chối. Số doanh nghiệp còn lại cũng có nhu cầu vay không thường xuyên, nhưng một số cũng gặp trở ngại trong thủ tục tiếp cận và nâng tỷ lệ gặp khó khăn tín dụng lên mức 26,5%. Ngoài ra, số doanh nghiệp thuộc nhóm không nộp hồ sơ một phần cũng gặp trở ngại như thiếu tài sản thế chấp thích hợp, nhận thức quá trình vay vốn quá khó khăn hoặc do tỷ lệ lãi suất quá cao.
Trong số các doanh nghiệp được vay thương mại, 69% các khoản vay từ các ngân hàng thương mại Nhà nước, mức vay ở khu vực thành thị trung bình là 52.500 USD so với 12.171 USD ở khu vực nông thôn, trong khi các doanh nghiệp nông thôn trả mức lãi suất trung bình 0,989%/tháng so với mức 0,897%/tháng ở khu vực thành thị. Khoảng 82% doanh nghiệp có thế chấp cho khoản vay chính thức quan trọng nhất và ở nông thôn 62% sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm thế chấp so với 30% ở thành thị.
Về tín dụng phi chính thức, theo đánh giá thị trường này đang khá phát triển ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện mới có khoảng 50% doanh nghiệp gặp trở ngại tín dụng thông thường tiếp cận với các các khoản vay phi chính thức.
Theo khảo sát, quy mô tín dụng khoản vay phi chính thức và lãi suất trung bình thấp hơn so với các khoản vay chính thức. Các khoản vay phi chính thức có quy mô bằng khoảng 1/3 khoản vay chính thức nhưng doanh nghiệp không phải trả lãi suất cho khoảng 50% khoản vay này, nguyên nhân là 2/3 khoản vay là từ bạn bè và người thân. Hơn nữa, các khoản vay phi chính thức rất ít phải thế chấp, trong khi 90% khoản vay chính thức cần phải có tài sản thế chấp.
Theo các chuyên gia, việc khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng cả trên thị trường chính thức và phi chính thức tiếp tục sẽ là trở ngại lớn của doanh nghiệp nếu Chính phủ chậm tiến hành các giải pháp đồng bộ để thiết lập một môi trường thuận lợi nhằm thúc đẩy tín dụng chính thức cho sự phát triển của các DNNVV.
Khá nhiều doanh nghiệp được hỏi cho rằng, sự hỗ trợ tốt nhất cơ quan quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp là việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng một cách dễ dàng và ít tốn kém hơn, sau đó mới đề cập tới việc hỗ trợ để có được mặt bằng sản xuất kinh doanh cũng như cải thiện chính sách cho doanh nghiệp tư nhân, dỡ bỏ các thủ tục hành chính, hỗ trợ hoạt động tiếp thị.
Trên cơ sở đó mà giải pháp sắp tới của nhà nước nhằm “cởi trói” cho DNNVV trong việc tiếp cận với nguồn vốn là cải cách cơ chế bảo đảm tiền vay và những vấn đề có liên quan đến cơ chế này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNVV tiếp cận dễ hơn với các nguồn vốn. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý về giao dịch bảo đảm nói chung và bảo đảm tín dụng nói riêng nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng tiếp cận nguồn vốn tín dụng (trong đó có việc hướng dẫn quy định về bảo đảm tiền vay trong Bộ luật dân sự, Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam; xây dựng và hoàn thiện các cơ chế bảo đảm trong Luật đăng ký giao dịch bảo đảm đang được Bộ Tư pháp soạn thảo);
Thứ hai, tạo cơ chế mở, linh hoạt cho hoạt động của các ngân hàng thương mại, đồng thời khuyến nghị các ngân hàng thương mại trong việc mở rộng biên độ trong giao dịch với các DNNVV, chấp nhận rộng rãi hơn nữa các loại hình giao dịch bảo đảm và chấp nhận đa dạng hoá hơn các loại tài sản có thể dùng để bảo đảm. Về phía Nhà nước (Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cần có cơ chế để khuyến khích các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DNNVV;
Thứ ba, giảm thiểu các thủ tục hành chính theo xu hướng áp dụng rộng rãi và tăng cường vai trò của dịch vụ công trong các lĩnh vực: đăng ký tài sản, công chứng hợp đồng, đăng ký giao dịch bảo đảm, định giá tài sản bảo đảm… Ví dụ: quy định về xã hội hoá dịch vụ công chứng có hiệu lực hơn một năm nay nhưng đến nay chưa có một phòng công chứng tư nào được cấp phép hoạt động. Chính vì vậy, trong từng lĩnh vực nhà nước cần có các văn bản hướng dẫn rõ ràng, cụ thể nhằm khuyến khích tăng cường vai trò dịch vụ công trong các lĩnh vực trên.
Thứ tư, cải cách mô hình tổ chức, hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng (Quỹ BLTD) tại Việt Nam để phát huy vai trò của tổ chức này trong việc giúp các tiếp cận dễ dàng hơn nữa với các nguồn vốn. Đề nghị xây dựng hệ thống Quỹ BLTD như sau: (1) Quỹ BLTD Việt Nam: được thiết kế và vận hành theo mô hình Quỹ BLTD tập trung thống nhất. Thực hiện bảo lãnh cho tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao và các doanh nghiệp kinh doanh mạo hiểm. Nhận Tái bảo lãnh từ các Quỹ BLTD địa phương. (2) Quỹ BLTD địa phương: được thiết kế như hiện nay nhưng cần sửa đổi những điểm bất hợp lý. Quỹ BLTD địa phương chỉ thực hiện bảo lãnh cho các DNNVV và hạn chế trong một số loại bảo lãnh. Quỹ hoạt động độc lập, không thực hiện hình thức uỷ thác hoặc giao cho các tổ chức tài chính khác. Cán bộ làm việc tại Quỹ phải là cán bộ chuyên trách, trừ một số thành viên hội đồng quản lý (thực tế hiện nay chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm).
Thứ năm, hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến bảo đảm tín dụng, cơ chế xử lý tài sản bảo đảm theo hướng: minh bạch hoá cơ chế và quá trình xử lý; tạo ra thế cân bằng về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, không quá thiên lệch về bảo vệ quyền lợi của một bên nào;
Thứ sáu, phát huy vai trò của Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp có liên quan trong việc tăng cường phổ biến, tuyên truyền và đào tạo pháp luật cho các doanh nghiệp, trong đó có DNNVV để họ được tăng cường năng lực nhằm thích ứng tốt hơn với thời kỳ mới.
Trần Minh Sơn
Chẳng hạn các DNNVV của Thụy Điển đã tạo việc làm cho hơn 60% người lao động, tỷ lệ này ở Nhật là 66,9%, Đài loan là 78%, Chi Lê là 70,3%.
Theo Báo cáo năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình phát triển doanh nghiệp dân doanh và định hướng phát triển giai đoạn 2007 đến 2010.
Bài viết: Thực trạng pháp luật về bảo đảm tiền vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tác giả: Đoàn Thái Sơn, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.