Việc phân chia di sản là một trong những vấn đề đang được nhiều người quan tâm khi có di chúc hoặc không có di chúc của người thân trong gia đình để lại. Xã hội phát triển kéo theo nhiều nhu cầu của người dân đòi hỏi pháp luật ngày càng phải hoàn thiện. Luật công chứng được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006 đã có các quy định về thủ tục công chứng Di chúc, công chứng Văn bản thoả thuận phân chia di sản, công chứng Văn bản khai nhận di sản, công chứng Văn bản từ chối nhận di sản và Nhận lưu giữ di chúc.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng nhiều của những người đang muốn tìm hiểu về việc công chứng Văn bản thoả thuận phân chia di sản quy định trong Luật công chứng, xin được giới thiệu để bạn đọc tham khảo.
Trước hết cần tìm hiểu về quy định phân chia di sản trong Bộ luật dân sự năm 2005 cho thấy: tại chương XXV quy định về Thanh toán và phân chia di sản trong đó có Phân chia di sản theo di chúc (Điều 684) và Phân chia di sản theo Pháp luật (Điều 685 ).
Đối với việc phân chia di sản theo di chúc thì: việc phân chia này được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc, nếu trong di chúc đó không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản phải chia đều cho từng người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Đối với việc phân chia di sản theo pháp luật thì: nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng, để nếu người đó còn sống khi sinh ra được hưởng, nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.
Để có căn cứ khi đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản thì cần phải có Văn bản thoả thuận phân chia di sản đã được công chứng. Luật công chứng quy định thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, trong đó tại khoản 1 Điều 49 có quy định về công chứng Văn bản thoả thuận phân chia di sản như sau: những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì họ có quyền yêu cầu công chứng Văn bản thoả thuận phân chia di sản. Trong văn bản thoả thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần quyền hưởng di sản của mình cho người thừa kế khác.
Như vậy, công chứng Văn bản thoả thuận phân chia di sản rất quan trọng đối với việc phân chia di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu. Văn bản thoả thuận phân chia di sản được công chứng là cơ sở để làm căn cứ cho việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.
Thủ tục cần thiết đối với người yêu cầu công chứng Văn bản thoả thuận phân chia di sản bao gồm các giấy tờ sau:
- Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu;
- Dự thảo Văn bản thoả thuận phân chia di sản;
- Bản sao giấy tờ tuỳ thân;
- Bản sao giấy tờ liên quan đến việc công chứng Văn bản thoả thuận phân chia di sản. ( bản sao là bản chụp, bản in, bản đánh máy nhưng có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính không phải chứng thực nhưng khi nộp bản sao người yêu cầu công chứng phải nộp bản chính để đối chiếu).
Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì người yêu cầu công chứng phải xuất trình :
- Giấy tờ để chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.
Đối với trường hợp thừa kế theo pháp luật người yêu cầu công chứng còn phải xuất trình:
- Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Đối với trường hợp thừa kế theo di chúc người yêu cầu công chứng còn phải xuất trình:
- Bản di chúc.
Đây là các loại giấy tờ được Luật công chứng quy định cần phải có khi đến yêu cầu công chứng Văn bản thoả thuận phân chia di sản.
Hiệu lực của văn bản công chứng không chỉ phụ thuộc vào nội dung mà còn phụ thuộc rất nhiều vào hình thức của văn bản công chứng. Một trong những vấn đề phải chú ý và coi trọng khi dự thảo Văn bản công chứng thoả thuận phân chia di sản cần phải chặt chẽ về nội dung và phải đáp ứng đúng quy định về hình thức của một Văn bản công chứng. Luật công chứng quy định về chữ viết trong văn bản "phải rõ ràng, dễ đọc, không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, không được viết xen dòng, viết dè dòng, không được tẩy xoá, không được để trống. Văn bản công chứng có từ hai trang trở lên thì từng trang phải được đánh số thứ tự". Đây là những vấn đề cần thiết đối với hình thức của một Văn bản thoả thuận phân chia di sản.
Việc ký và điểm chỉ trong văn bản công chứng được quy định đối với người yêu cầu công chứng và người làm chứng là phải ký trước mặt công chứng viên. Việc điểm chỉ được thay thế khi người yêu cầu công chứng, người làm chứng không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký.
Khi muốn sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ Văn bản thoả thuận phân chia di sản đã được công chứng thì phải có sự thoả thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia trong Văn bản thoả thuận phân chia di sản và phải được công chứng.
Thời hạn công chứng được quy định không quá 2 ngày làm việc, đối với những trường hợp phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày làm việc. Thời gian xác minh không tính vào thời hạn công chứng.
Trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng và người có quyền, lợi ích liên quan phát hiện thấy có căn cứ cho rằng việc công chứng vi phạm pháp luật thì có quyền đề nghị Toà án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.
Như vậy có thể nói rằng, để phòng ngừa, ngăn chặn những tranh chấp có thể xảy ra trong đời sống xã hội của người dân, Luật công chứng đã có những quy định ngày một hoàn thiện hơn về công chứng Di chúc nói chung, trong đó có quy định về công chứng Văn bản thoả thuận phân chia di sản. Thiết nghĩ, người có yêu cầu công chứng cần đến các Phòng công chứng, Văn phòng công chứng để công chứng Văn bản thoả thuận phân chia di sản. Bởi vì, đây là địa chỉ tin cậy cho mọi người dân, cho các tổ chức, cho các cơ quan khi cần công chứng. Các tổ chức hành nghề công chứng có công chứng viên Phòng công chứng và công chứng viên Văn phòng công chứng. Họ là những người phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật công chứng mới được bổ nhiệm để hành nghề công chứng, nhà nước giao cho họ thực hiện các việc công chứng. Công chứng viên là người có trình độ, kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, nắm bắt kịp thời các quy định của pháp luật và có kinh nghiệm, có thâm niên trong công tác pháp luật. Giá trị pháp lý của văn bản công chứng do công chứng viên chứng nhận "có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Toà án giải quyết theo quy định của pháp luật," trừ khi các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có những thoả thuận khác. Ngoài ra, Văn bản công chứng do công chứng viên chứng nhận còn " có giá trị chứng cứ, những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Toà án tuyên bố là vô hiệu". Từ quy định về giá trị pháp lý của văn bản công chứng do công chứng viên chứng nhận cho thấy Văn bản thoả thuận phân chia di sản được công chứng viên chứng nhận sẽ bảo đảm về sự an toàn pháp lý và có hiệu lực pháp luật cao.
Phan Thuỷ - Vụ Hành chính tư pháp