Sau khi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội xem xét và cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi BLHS, hôm qua (16/9), ông Nguyễn Quốc Việt – Vụ trưởng Vụ Hành chính Hình sự (Bộ Tư pháp), Tổ trưởng Tổ Biên tập Dự án Luật sửa đổi BLHS – đánh giá, việc sửa đổi BLHS lần này là một bước tiến dài, nhất là đối với một số qui định như tội phạm về môi trường, chính sách đối với tội phạm chưa thành niên…
Gây ô nhiễm môi trường: có thể xử như đồng phạm
Khi UBTP xem xét Dự án Luật sửa đổi BLHS, nhiều ý kiến còn băn khoăn về tính khả thi của các qui định đối với nhóm tội liên quan đến môi trường. Hiện nay, BLHS chưa có qui định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân dù trong thực tế, chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật về môi trường chủ yếu lại là các pháp nhân. Do đó, nếu có hành vi gây ra sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường thì chủ yếu là xử phạt hành chính đối với pháp nhân, mà không thể xử lý hình sự đối với cá nhân nào. Thực tế đến nay toà án vẫn chưa xét xử vụ án nào về môi trường vì như ông Việt nhận xét, các qui định của BLHS về tội phạm môi trường hiện nay chủ yếu mang tính chất răn đe. Hơn nữa các yếu tố cấu thành tội phạm về môi trường như qui định của BLHS cũng rất khó để xác định trong thực tế, nhất là yếu tố “gây hậu quả nghiêm trọng” nếu tiếp tục tái phạm.
Vì thế, trong lần sửa đổi này, tổ biên tập cũng đề xuất sửa đổi các qui định này theo hướng đơn giản hơn, xử lý hình sự ngay (không cần phải xử lý hành chính). Có thể không xử lý hình sự đối với pháp nhân nhưng có thể xử các cá nhân trong pháp nhân đó nếu xác định được hành vi phạm tội có tổ chức, cấu kết khi ra quyết định dẫn đến gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường... Theo hướng sửa đổi này, Thứ nhất là trong tội phạm môi trường sẽ không có qui định xử lý hành chính như trước nữa. Nghĩa là xử lý hành chính không phải là khâu tiên quyết để xử lý hình sự đối với tội phạm môi trường. Thứ hai là có thể xem xét xử lý hình sự đối với tội phạm liên quan đến môi trường theo hướng xử đồng phạm đối với một nhóm người có liên quan, có chung ý định phạm tội.
Cũng theo ông Việt, những qui định trên cũng chỉ hạn chế được phần nào các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Để đảm bảo ngăn chặn, xử lý triệt để tội phạm trong lĩnh vực này thì phải xử lý được pháp nhân bằng các hình thức phạt tiền, tước giấy phép hoạt động (thậm chí vĩnh viễn)…mới “trúng”.
Thực ra ngay từ khi xây dựng BLHS 1999cũng đã có ý kiến xem xét trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong lĩnh vực tội phạm liên quan đến môi trường. Nhưng vì đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm nên có thể phải đến khi sửa đổi toàn diện BLHS (hiện chưa có kế hoạch nhưng dự kiến sau năm 2012) mới có thể đề cập đến.
Ngăn chặn tái phạm đối với tội phạm chưa thành niên
Bà Nguyễn Thanh Trúc (Vụ Hành chính Hình sự) - thành viên Tổ Biên tập Dự án Luật sửa đổi BLHS – cho biết, đã số ý kiến của UBTP đồng thuận với những đề xuất sửa đổi liên quan đến chính sách hình sự đối với tội phạm chưa thành niên. Thống kê của các cơ quan chức năng hiện nay cho thấy, trẻ chưa thành niên phạm tội ngày càng nhiều, tính chất phức tạp, mức độ nghiêm trọng, thậm chí có rất nhiều trẻ chưa thành niên phạm tội trong các băng nhóm. Đặc biệt, tỷ lệ tái phạm của tội phạm chưa thành niên rất cao (hơn 30%/năm).
Đến nay, Việt Nam đã là thành viên của nhiều công ước quốc tế, trong đó có nhiều qui định liên quan đến quyền trẻ em, trẻ chưa thành niên. Do đó, các qui định của pháp luật hình sự đối với đối tượng phạm tội này cần đảm bảo tính nhân đạo, giáo dục…, chứ không nên đề cao tính trừng phạt. Có như vậy, vừa thể hiện được chính sách của Nhà nước đối với trẻ em và cũng tạo sự đồng thuận giữa pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế về vấn đề này.
Bà Trúc khẳng định, dựa trên những đánh giá tình hình thực tiễn thì giai đoạn này chưa thích hợp để có qui định giảm thời gian phạt tù đối với tội phạm chưa thành niên vì chúng ta chưa có một hệ thống các biện pháp hỗ trợ giáo dục trẻ chưa thành niên phạm tội. Bên cạnh đó, phạt tù dài hạn đối với tội phạm chưa thành niên không đem lại lợi ích cho xã hội và bản thân người phạm tội. Vì thế, Tổ Biên tập đưa ra đề xuất vẫn xét xử theo các qui định hiện hành nhưng có thể rút ngắn thời gian thụ án tù giam (trả tự do sớm) cùng với các điều kiện rằng buộc chặt chẽ để hạn chế tình trạng tái phạm ở tội phạm chưa thành niên. Các điều kiện này sẽ được Chính phủ qui định, hướng dẫn cụ thể.
Ngoài ra, UBTP cũng đề nghị Tổ Biên tập có những giải trình thêm, chỉnh lý đối với một số qui định liên quan đến tội phạm ma tuý, tội phạm công nghệ cao, tội đầu cơ…/.
Huy Anh