Tình trạng nhân thân của một người nhìn chung hầu hết được thể hiện thông qua các giấy tờ như Giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, hộ khẩu gia đình, lý lịch… Các giấy tờ tuỳ thân của công dân nêu trên có nội dung thể hiện tình trạng nhân thân của người đó khi tham gia các giao dịch dân sự trong xã hội. Nhưng việc ghi nội dung các giấy tờ đó theo quy định của pháp luật còn nhiều vấn đề chưa thống nhất dẫn đến nội dung của cá nhân không thống nhất dẫn đến khó khăn trong các hệ quả khi công dân tham gia các giao dịch điển hình là việc ghi phần quê quán trong các giấy tờ hộ tịch của người dân.
Trước đây chưa có một văn bản chính thức nào hướng dẫn việc ghi quê quán của một người là căn cứ vào nội dung của người cha hay người và địa chỉ nào mới là cơ sở pháp lý cho việc ghi quê quán của một người. Vấn đề này hầu như chỉ được giải quyết thông qua tập quán hành chính thông qua đó việc xác định quê quán của một người hầu như là ghi theo quê quán của người cha hoặc người mẹ. Liên quan đến việc ghi quê quán trong các giấy tờ hộ tịch của công dân Nghị định 83/1998/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký hộ tịch và Thông tư 12/1999/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 83 chưa có quy định rõ việc ghi quê quán của một người khi đăng ký hộ tịch. Việc hướng dẫn cách ghi quê quán của một người khi đăng ký khai sinh chỉ thông qua các mẫu đơn đăng ký và được xác định là nơi sinh trưởng của cha đẻ, hoặc mẹ đẻ, của người nuôi dưỡng từ nhỏ hoặc bỏ trống. Đến nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thì vấn đề ghi quê quán cũng chỉ được hướng dẫn thông qua các tờ khai đăng ký. Theo đó quê quán của một người được ghi theo quê quán của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc để trống (nếu không xác định được cha, mẹ đẻ). Như vậy so với Nghị định 183 trước đây thì quy định của Nghị định 158 đã loại bỏ trường hợp ghi theo quê quán của người nuôi dưỡng từ nhỏ.
Thực tiễn đăng ký hộ tịch cho thấy việc ghi quê quán của một người được cán bộ tư pháp hộ tịch giải quyết với nhiều cách ghi khác nhau.
- Việc ghi quê quán căn cứ vào quê quán của người cha. Ví dụ người cha có quê quán xã Hoà Long thì quê quán của các người con sẽ luôn luôn là xã Hoà Long. Cách ghi này dẫn đến cả một dòng tộc đều ghi chung một quê quán không có sự thay đổi.
- Việc ghi quê quán căn cứ vào hộ khẩu thường trú của người cha. Ví dụ hộ khẩu thường trú của cha là thị trấn Lai Vung nhưng quê quán xã Phong Hoà thì quê quán của các người con sẽ là thị trấn Lai Vung chứ không là xã Phong Hoà. Đây là cách ghi mà cán bộ tư pháp hộ tịch áp dụng nhiều nhất. Chỉ cần căn cứ vào hộ khẩu thường trú của người cha thì sẽ xác định được quê quán của người con.
- Việc ghi quê quán căn cứ vào nơi sinh của người cha. Ví dụ nơi sinh của người cha là Định Hoà nhưng quê quán lại ở Long Hậu thì ghi Định Hoà. Cách ghi quê quán như thế này hoàn toàn không phù hợp với thực tế cũng như thực tiễn pháp lý. Nơi sinh của người cha không mang ý nghĩa quê quán vì đơn thuần quê quán của một người là cơ sở nguồn gốc của người đó.
Chú ý rằng trong các thuật ngữ pháp lý liên quan đến việc ghi quê quán của một người không phải giống nhau. Nơi sinh của cha đẻ, quê quán của cha đẻ, hộ khẩu thường trú của cha đẻ, nơi sinh trưởng của cha đẻ. Các thuật ngữ này luôn luôn có sự khác nhau về ý nghĩa. Thuật ngữ “nơi sinh trưởng của cha đẻ” hiện đang được áp dụng khi đăng ký hộ tịch mang ý nghĩa quá chung chung. Theo từ điển Tiếng việt thì nơi sinh trưởng là nơi ra đời và lớn lên. Nhưng trong thực tế thì nơi ra đời (tức nơi sinh) và nơi lớn lên hoàn toàn khác nhau. Có thể một người sinh ra ở Bệnh viện Lai Vung nhưng lớn lên ở xã Hoà Long thì hai nơi này hoàn toàn khác nhau.
Từ những cách ghi quê quán cho một người vào các giấy tờ hộ tịch nêu trên người viết nhận thấy có sự bất cập trong việc “lựa chọn” cách ghi quê quán của các cán bộ tư pháp hộ tịch. Việc “lựa chọn” khác nhau này dẫn đến hệ quả gây ra những khó khăn trong các giao dịch của người dân. Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 158 cũng chỉ quy định việc ghi quê quán căn cứ vào quê quán của cha đẻ hoặc mẹ đẻ. Nhưng hiện nay đa số cán bộ tư pháp hộ tịch luôn luôn căn cứ vào hộ khẩu thường trú của người cha mà ghi quê quán của người con nên quê quán của một người luôn luôn có sự thay đổi. Ví dụ quê quán của người cha ở xã Long Hậu nhưng hộ khẩu thường trú ở xã Hoà Long thì cán bộ tư pháp hộ tịch không ghi xã Long Hậu mà ghi xã Hoà Long cho phần quê quán của người con trong giấy khai sinh, sau đó người con chuyển hộ khẩu đến thị trấn Lai Vung và đăng ký khai sinh cho con mình thì quê quán của con mình lại là thị trấn Lai Vung. Do đó phần ghi quê quán luôn luôn có sự thay đổi không cố định, “bất di bất dịch”. Nếu theo quy định hiện hành thì một cá nhân đến đăng ký khai sinh cho con mình thì phải xuất trình những giấy tờ tuỳ thân như Chứng minh nhân dân, hộ khẩu gia đình để xác định việc ghi quê quán trong giấy khai sinh người con chứ không căn cứ vào hộ khẩu thường trú của người cha để ghi quê quán của con dẫn đến việc xác định sai phần ghi quê quán của một người.
Như vậy công việc tưởng chừng đơn giản trong các thủ tục hành chính nhưng thật ra không đơn giản vì việc xác định một nội dung nào đó liên quan đến nhân thân của một người là việc rất quan trọng và là hệ quả trong các giao dịch sau này của người dân. Do vậy cần có sự xác định chính xác, đúng theo quy định của pháp luật nhằm giải quyết thoả đáng các yêu cầu của người dân.
Thanh Xuân