Hội thảo khoa học Đề án “Sức nước ngàn năm”

31/07/2008
Ngày 30/7/2008 vừa qua, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Tư pháp và Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học nhằm đánh giá và tìm các giải pháp để triển khai thực hiện hiệu quả nhất Đề án “Sức nước ngàn năm”, một trong những Đề án lớn nhất từ trước đến nay nhằm đưa pháp luật đi vào cuộc sống bằng những phương pháp dễ hiểu, dễ nhớ và dễ vận dụng.

          Với mong muốn đơn giản hoá việc tiếp thu luật pháp và góp phần quan trọng trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng với Bộ Tư pháp và Đài Truyền hình Việt Nam đã xây dựng đề án “Sức nước ngàn năm”, thông qua công việc cụ thể là đi sâu nghiên cứu và tổng hợp trên 26.000 văn bản pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam từ đó chọn ra gần 200 văn bản thiết thực nhất, trực tiếp điều chỉnh các quan hệ xã hội thường xuyên, phổ biến trong cuộc sống hằng ngày của người dân ở cấp cơ sở. Các văn bản này được tổng hợp và chia thành 4 lĩnh vực cơ bản:  Dân sinh; Y tế, giáo dục, văn hoá; An ninh trật tự; Tư pháp – chính sách.

          Việc thực hiện Đề án này sẽ cho  những kết quả chủ yếu là xuất bản cuốn sách mang tên “Sức nước ngàn năm” làm cuốn cẩm nang tra cứu pháp luật, làm tài liệu tham khảo thường xuyên trong việc quản lý của các cán bộ cơ sở, trong sinh hoạt hằng ngày của nhân dân và trong việc học tập, nghiên cứu của các tầng lớp học sinh, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đồng thời, thiết kế một trò chơi trên sóng phát thanh truyền hình dành cho các lãnh đạo chủ chốt xã, phường thi tài năng quản lý ở địa phương; Hình thành đường dây điện thoại tư vấn pháp luật cho người dân cả nước. Đề án đã bắt đầu triển khai thực hiện từ tháng 3 năm 2008 và dự kiến hoàn thành vào tháng 9 năm 2008.

          Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện của Đề án đồng thời nâng cao hiệu chất lượng sản phẩm của Đề án, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với hai đồng bảo trợ là Bộ Tư pháp và Đài truyền hình Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học nhằm đánh giá hiệu quả nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng phương pháp mới: chuyển tải các nội dung văn bản pháp luật vốn trừu tượng, khô cứng, khó tiếp thu dưới dạng tình huống giả định và phương án trắc nghiệm dễ hiểu, dễ nhớ; đánh giá hiệu quả của phương pháp tổng hợp và chia hệ thống văn bản pháp luật thành 4 lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội; đánh giá tính khả thi của Đề án, các giải pháp để triển khai nhanh và có hiệu quả; đồng thời, Hội thảo cũng là dịp để Ban tổ chức tiếp thu ý kiến của các ngành, các địa phương về việc tham gia, hỗ trợ việc thực hiện Đề án một cách hiệu quả nhất.

          Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu với sự thống nhất cao của các đồng chí Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng; Phan Trung Lý, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội; nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc… và hàng chục tham luận của các chuyên gia pháp luật của các Bộ, ban ngành và các giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật - Đại học Quốc gia.

          Theo đánh giá của các đại biểu tham dự Hội thảo, phương pháp tuyên truyền mà Đề án nêu ra là hoàn toàn mới ở Việt Nam có tác dụng chuyển tải tốt nhất, hiệu quả nhất các lĩnh vực pháp luật vào đời sống nhân dân, góp phần nâng cao dân trí từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đề án này không chỉ ứng dụng được riêng ở Viêt Nam mà còn có khả năng thực hiện đầy khả thi ở nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới.

Thu Phương