Phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam: Trách nhiệm chủ yếu vẫn ở trên vai các cơ quan hành pháp

28/07/2008
Bà Phạm Thị Mai Phương, Phó Phòng nghiên cứu - Tổng hợp, Trung tâm Phòng chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, từ khi thành lập vào tháng 3/2007 đến nay, Trung tâm nhận được hơn 20 báo cáo về các giao dịch đáng ngờ, tuy nhiên, chưa có một giao dịch nào được Cơ quan điều tra kết luận là rửa tiền. Thông tin này vừa được đưa ra tại Hội thảo báo chí về phòng, chống rửa tiền được tổ chức vào ngày 25/7.

Vào tháng 11 tới, Nhóm các nước Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về phòng, chống rửa tiền (APG) sẽ cử Đoàn công tác chính thức vào Việt Nam để thu thập thông tin và đánh giá về công tác phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam, ông Ric Power, Cố vấn phòng chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố Chương trình toàn cầu phòng chống rửa tiền cho biết, để phục vụ tốt công tác phòng, chống rửa tiền, dự báo, Việt Nam cần nhận được 6 triệu báo cáo/năm về các giao dịch với số lượng lớn. Tuy nhiên, ngay cả khi nhận được đầy đủ các báo cáo này thì công tác phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam vẫn khó khăn hơn nhiều so với các nước khác do Việt Nam là một nước chủ yếu sử dụng tiền mặt trong các giao dịch.

 Pháp luật Việt Nam quy định, các tổ chức tín dụng bắt buộc có trách nhiệm báo cáo với Trung tâm thông tin phòng, chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam các giao dịch đáng ngờ. Giao dịch đáng ngờ ở đây là bất cứ giao dịch nào khác mà các định chế tài chính thấy có biểu hiện bất thường hoặc cơ sở pháp lý không đáng tin cậy. Bên cạnh đó, một hoặc nhiều giao dịch bằng tiền mặt trong 1 ngày do cá nhân hay tổ chức thực hiện có tổng giá trị từ 200 triệu đồng trở lên ( hay ngoại tệ, vàng có giá trị tương đương); giao dịch tiền gửi tiết kiệm với mức tổng giá trị của một hay nhiều giao dịch bằng tiền mặt  trong một ngày do cá nhân hay tổ chức thực hiện từ 500 triệu đồng trở lên cũng là đối tượng phải báo cáo. Tuy nhiên, từ những báo cáo này đến kết quả chứng minh được các giao dịch đáng ngờ đó là hoạt động rửa tiền là một việc làm vô cùng khó khăn, hầu như không mấy hiệu quả ở nước ta hiện nay do tiền “bẩn” thường được rửa bằng một con đường vô cùng lòng vòng, qua nhiều công đoạn và nhiều khi được hợp thức dưới các vỏ bọc rất “sạch sẽ”.

Ông Ric Power cũng cho biết, các nguồn tin đáng tin cậy của APG đã chứng minh được rằng, những giao dịch bất hợp pháp từ Úc đến Việt Nam  rồi cũng sẽ được tiếp tục chuyển đến các nước khác. “Vì Việt Nam hiện nay còn là nền kinh tế tiền mặt, nên hoạt động rửa tiền sẽ không thực hiện ở các giao dịch chính thức. Tức là Ngân hàng không có nhiều cơ hội phát hiện ra các giao dịch bất hợp pháp mà thông thường hoạt động rửa tiền nằm ở các giao dịch không chính thức” – ông Ric Power phân tích.  Chính vì hoạt động rửa tiền nằm ở ngoài những lĩnh vực chính thức nên theo ông Ric Power, cách tiếp cận hữu hiệu nhất hiện nay vẫn là thông qua các cơ quan hành pháp. Điều đó có nghĩa là, Cơ quan Công an và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ngoài việc theo dõi, điều tra các hoạt động phạm tội như buôn bán ma tuý, buôn người, tham nhũng v.v… thì còn có nhiệm vụ theo dõi xem từ hành vi phạm tội như  thế thì tiền của tội phạm được chuyển đi đâu, vào mục đích gì, từ đó mới nghiên cứu xem phương pháp, cách thức rửa tiền ở Việt Nam được thực hiện ra sao. “Tôi nghĩ rằng phương thức này rất quan trọng đối với Việt Nam hiện nay” – ông Ric Power khẳng định.

Dự kiến, sau tháng 11 tới, APG sẽ công bố công khai các số liệu chính thức về tình hình tội phạm rửa tiền cũng như  kết quả công tác phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam hiện nay, đồng thời, đưa ra các khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này ở Việt Nam.

Hồng Thuý 

Rửa tiền là quá trình nhờ đó tài sản do phạm tội mà có được đưa vào một loạt các giao dịch nhằm che đậy nguồn gốc bất hợp pháp và tạo vỏ bọc hợp pháp cho số tài sản đó.

Hiện nay, Việt Nam hiện đã là thành viên chính thức của APG. Theo đánh giá của APG: Việt Nam cần có một hệ thống  phòng chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố hiệu quả vì một hệ thống không hiệu quả sẽ dẫn đến gia tăng tội phạm và tham nhũng, tác động tiêu cực đến đầu tư nước ngoài, làm suy yếu các định chế tài chính như: rủi ro về uy tín, rủi ro về hoạt động, rủi ro về luật pháp; hạn chế cơ hội thiết lập các mối quan hệ giao dịch đối với các ngân hàng; hạn chế cơ hội mở các văn phòng đại diện tại nước ngoài; hạn chế cơ hội mở chi nhánh hoặc công ty con ở nước ngoài