Phát triển đội ngũ và hoạt động luật sư (LS) được đánh giá là thước đo mức độ dân chủ của một xã hội. Ở nước ta, nghề LS vẫn đang phấn đấu để theo kịp sự phát triển chung của thế giới. Tuy nhiên, vấn đề đang được toàn xã hội và bản thân giới LS quan tâm hiện nay là liệu LS đã thực sự phát huy được vai trò để đáp ứng nhu cầu của xã hội?
LS đã là “cánh tay đắc lực” của doanh nghiệp?
Đồng hành …
Theo kết quả nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành vào năm 2001 và tháng 6/2006 cho thấy triển vọng khá lớn về phát triển của đội ngũ và hoạt động LS ở nước ta trước sự quan tâm về các dịch vụ pháp lý phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của giới doanh nghiệp (DN). Bên cạnh đó, gần 1.000 công ty, văn phòng Luật trong nước và nước ngoài đi vào hoạt động với số LS ngày càng đông (hiện có gần 4.000 LS đang hành nghề trên cả nước) và vẫn đang tiếp tục được phát triển đã dự báo được khả năng ngày càng tăng cao của nhu cầu xã hội đối với hoạt động LS.
Trong thực tế, giới LS đã đảm trách một phần lớn và quan trọng các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN. Bà Nguyễn Thị Thu Trang (Ban Pháp chế - VCCI) cho rằng, dịch vụ LS hiện đang là mảng dịch vụ hỗ trợ mà các DN có nhu cầu rất lớn do Nhà nước đang giảm dần, hạn chế can thiệp vào hoạt động của DN và quá trình hội nhập kinh tế - quốc tế đang được tăng cường cả chiều rộng và chiều sâu. Trong hoàn cảnh đó, mặc dù sự hỗ trợ pháp lý của Nhà nước đối với DN đã trở thành cơ chế chính thức (quyền của DN và nghĩa vụ của Nhà nước) theo Nghị định 66/2008/NĐ-CP (ngày 28/5/2008) của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho DN, nhưng đó chỉ là sự hỗ trợ về mặt pháp lý, mang tính hướng dẫn việc thực thi pháp luật nói chung. Do vậy, khi gặp các vấn đề pháp lý cụ thể trong hoạt động kinh doanh, các DN về nguyên tắc khó có thể trông mong sự hỗ trợ trực tiếp từ phía Nhà nước hay các tổ chức, mà phải sử dụng đến các dịch vụ pháp lý do tổ chức hành nghề LS hoặc tư vấn luật cung cấp.
Hơn nữa, quá trình hội nhập không chỉ tạo cơ hội cho các DN Việt Nam tiếp cận với các đối tác nước ngoài, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn làm tăng nguy cơ rủi ro nhiều hơn cho các DN Việt Nam với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Bản thân các DN Việt Nam cũng có khi phải tiến hành những vụ kiện tương tự chống lại hàng hoá nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam để bảo vệ ngành sản xuất nội địa. Như vậy, nếu không có các dịch vụ pháp lý của LS thì DN không thể tự mình tiến hành các hoạt động tố tụng nhằm hỗ trợ, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình.
…nhưng chưa đồng bộ
Dù LS được đánh giá là một bộ phận quan trọng của DN nhưng nhu cầu sử dụng LS trong các hoạt động kinh doanh ở nước ta ban đầu thường tập trung ở các tập đoàn Nhà nước, các ngân hàng và các DN lớn, các giao dịch có yếu tố nước ngoài. Các DN nhỏ chỉ “để ý” đến LS khi có tranh chấp trong hoạt động kinh doanh. Từ góc nhìn của một DN hoạt động dịch vụ LS, bà Nguyễn Lan Hương (Công ty Luật quốc tế Việt Nam (VILAF - Hồng Đức) cho rằng, nói chung, các DN trong nước còn chưa đề cao tính chuyên nghiệp, chưa đánh giá đúng giá trị của dịch vụ pháp lý của LS nên chưa tận dụng được vai trò của LS và tư vấn, dẫn đến việc sử dụng LS chỉ mang tính vụ việc, không có tính thường xuyên, chiến lược.
Trong khi DN trong nước còn chưa “mặn mà” với dịch vụ pháp lý của LS thì số lượng và chất lượng hiện nay của đội ngũ LS Việt Nam cũng chưa đáp ứng được yêu cầu chung của xã hội và của giới DN, nhất là khi các công ty luật và LS chủ yếu tập trung và hoạt động tại các TP lớn (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…). Theo đánh giá của các tạp chí luật uy tín quốc tế, Việt Nam hiện chỉ có khoảng 10 hãng luật và 10 LS hàng đầu có khả năng hành nghề theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng tại 10 hãng luật này cũng chỉ có từ 150 đến 200 LS (chiếm khoảng 3,7 - 5% số LS của cả nước) đang tập sự hoặc hành nghề, lại đa phần đều trẻ (còn cần từ 5-7 năm để có khả năng hành nghề độc lập).
Mặc dù Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhưng đến nay, số LS có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh để phục vụ cho hoạt động của mình là chưa nhiều. Ngay tại Đoàn LS TP.Hà Nội - 1 trong 2 đoàn LS lớn nhất cả nước - mới có khoảng 5% số LS thông thạo ngoại ngữ để có thể giao tiếp được. Điều đó cho thấy khả năng hội nhập của đội ngũ LS nước ta còn trong tình trạng xa vời và mơ hồ nếu không nhanh chóng có một chính sách thúc đẩy phù hợp./.
Trong vòng 5 năm (2001 – 2006), nhu cầu sử dụng dịch vụ LS của DN Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng (296%). Tỷ lệ thuê các công ty luật thường xuyên (để phục vụ cho việc rà soát tính pháp lý và tư vấn chung về các vấn đề pháp lý cho DN trong hoạt động có liên quan) cũng tăng 188%; số DN có LS riêng tăng 216%. Số DN có hoạt động liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ đã tăng lên 11%; số DN từng có tranh chấp thương mại quốc tế tăng 5%. (Nguồn: VCCI) NĐ 66/2008 qui định 03 nhóm chủ thể chịu trách nhiệm hỗ trợ pháp lý (miễn phí) cho DN là các Bộ, UBND tỉnh, các tổ chức đại diện của DN) và 04 hình thức hỗ trợ pháp lý cho DN là xây dựng – khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật; sử dụng tài liệu phổ biến, tuyên truyền pháp luật; bồi dưỡng kiến thức pháp luật; giải đáp pháp luật, tiếp nhận kiến nghị và hoàn thiện pháp luật. |
LS đã thực sự được tham gia tố tụng?
Vai trò LS trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự là điều kiện không thể thiếu để đảm bảo luật pháp được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất, góp phần giảm thiểu và đi đến loại trừ tình trạng oan sai, đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của các bên tham gia tố tụng. Nhưng đến nay, mới chỉ có 10% vụ án hình sự có LS tham gia vì việc LS tham gia các giai đoạn tố tụng vẫn vấp phải “muôn vàn trở ngại”.
“Cửa ải” giấy tờ
Vai trò của LS tham gia các hoạt động tố tụng đã được xác định thông qua các giải pháp quyết liệt về cải cách tư pháp trong Nghị quyết 08/2002/NQ-TƯ của Bộ Chính trị BCH TƯ Đảng, đó là “Toà án chỉ ra một bản án dựa trên cơ sở tranh tụng tại toà”. Muốn có giai đoạn tranh tụng tại toà hiệu quả, LS phải được tham gia ngay từ giai đoạn đầu của quá trình tố tụng là giai đoạn điều tra. Nhưng thực tế, trở ngại đầu tiên mà LS gặp phải lại bắt nguồn ngay từ các cơ quan điều tra (CQĐT). LS.Hoàng Huy Được (Đoàn LS TP.Hà Nội) bức xúc cho rằng, qui định cấp giấy chứng nhận người bào chữa không phải là một thủ tục tố tụng đơn thuần, mà đây thực chất là “cửa ải” để “gạt LS” ra khỏi giai đoạn điều tra một cách hợp pháp. Đoạn 1 khoản 4 điều 56 Bộ luật Tố tụng Hình sự qui định thời hạn để LS được cấp giấy chứng nhận người bào chữa (khi đã đủ điều kiện) là 3 ngày song thật hiếm khi CQĐT thực hiện đúng thời hạn này.
Bên cạnh đó, theo LS.Nguyễn Văn Chiến (Đoàn LS TP.Hà Nội), dù Điều 27 Luật LS qui định LS chỉ cần 3 loại giấy tờ (đơn yêu cầu được bào chữa, Thẻ LS và giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề LS) để được cấp giấy chứng nhận người bào chữa nhưng CQĐT thường “đòi hỏi” thêm “Chứng chỉ hành nghề LS” và “hợp đồng dịch vụ pháp lý” giữa đương sự và LS. Không khó để LS cung cấp cho CQĐT thêm 2 loại giấy tờ trên nhưng rõ ràng đó là yêu cầu trái qui định của Luật LS và để làm khó LS khi muốn tham gia tố tụng ngay từ giai đoạn điều tra.
Theo khoản 4 điều 27 Luật LS, “giấy chứng nhận người bào chữa” do CQĐT cấp sẽ có giá trị đối với cả giai đoạn truy tố và xét xử, nhưng LS.Hoàng Huy Được cho biết, khi chuyển giai đoạn tố tụng, các LS lại phải lo thủ tục xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa ở các cơ quan tiến hành tố tụng tương ứng.
Bị can luôn… từ chối LS (???)
Trong vụ án “Buôn lậu lá thuốc lá, đưa nhận hối lộ…” tại Lào Cai, LS.Hoàng Huy Được được gia đình hai bị can Nguyễn Huy Tần (Giám đốc Công ty Thành Sơn) và Nguyễn Thị Ngọc Liên (Giám đốc Công ty Thiên Lợi Hoà) mời bào chữa cho hai bị can từ giai đoạn điều tra. Khi LS đến CQĐT để lấy “giấy chứng nhận người bào chữa” thì lại nhận được “Giấy từ chối nhờ LS” của bị can Nguyễn Thị Ngọc Liên. Vấn đề là bị can Liên đã “có đủ thời gian để suy nghĩ lại”, tiếp tục nhờ LS khi CQĐT đã chuẩn bị hoàn tất quá trình điều tra. Hơn nữa tại phiên toà sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Liên khai trước toà: “Điều tra viên doạ bị cáo Liên là nếu nhờ LS thì tội sẽ nặng thêm nên bị cáo nghe theo”. Điều đó cho thấy, thực sự bị cáo Liên có nhu cầu nhờ LS ngay từ giai đoạn điều tra…
Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp từ chối LS một cách khó hiểu mà các LS khi tham gia giai đoạn điều tra gặp phải. Thậm chí không ít các vụ án nghiêm trọng mà bị can, bị cáo ở độ tuổi chưa thành niên, hay có trình độ học vấn chưa hết cấp 2 cũng viết “giấy từ chối nhờ LS” với lý do… có khả năng tự bào chữa, có trường hợp từ chối LS vì… quá tốn kém dù trước khi bị bắt, chính bị can đã đến thuê đích danh LS đó bào chữa cho mình.
Ngoài ra, việc CQĐT có công văn yêu cầu Đoàn LS cử LS tham gia tố tụng để bào chữa cho bị can trong giai đoạn điều tra vốn là chuyện bình thường, nhưng LS.Hoàng Huy Được cho rằng, vấn đề “bất bình thường” là yêu cầu này chỉ được thực hiện vào giai đoạn… chuẩn bị kết thúc điều tra. Nhiều LS đã được mời đến chỉ để… ký vào các bút lục trong hồ sơ nhằm hợp thức hoá các tài liệu, chứng cứ mà CQĐT thu thập được qua quá trình hỏi cung bị can. Thực trạng đó khiến rất nhiều LS bất bình vì với hành vi đó CQĐT vô hình chung đã “lợi dụng” LS để “tiếp tay” cho hành vi vi phạm tố tụng của mình.
Tham gia tố tụng là một hoạt động chính của LS. Nhưng với những “cửa ải” do chính các cơ quan tố tụng dựng lên như vậy thì LS đã bị “vô hiệu hoá” ngay trong địa hạt của mình. Xoá bỏ những “cửa ải” không phải dễ nếu bản thân các cơ quan tiến hành tố tụng không thay đổi nhận thức về vai trò của LS khi tham gia vào quá trình tố tụng./.
Huy Long
Hiện Bộ Tư pháp đang tiến hành cuộc khảo sát nhu cầu xã hội về dịch vụ pháp lý của LS và định hướng phát triển, nhằm vào các cơ quan, tổ chức trên cả nước. Theo ông Lê Hồng Sơn - Quyền Vụ trưởng Vụ Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp), kết quả cuộc khảo sát sẽ là cơ sở thực tiễn để xác định rõ nhu cầu xã hội về dịch vụ pháp lý của LS và xây dựng các chính sách phát triển đội ngũ LS phù hợp thực tiễn nước ta trong tương lai. |