Không nên cho thanh tra giao thông có quyền dừng phương tiện

25/07/2008
Chiều qua (24/7), Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Giao thông đường bộ. Dự thảo Luật trình ra Ủy ban thường vụ Quốc hội lần này có nhiều quy định còn gây tranh cãi, nhất là quy định về thẩm quyền của tranh tra giao thông đường bộ, về sự phối hợp của Công an xã trong quá trình tuần tra, kiểm soát và Quỹ bảo trì đường bộ.

Dễ lẫn lộn và nảy sinh tiêu cực

Điều 86 dự thảo luật có quy định: “trong trường hợp cần thiết, để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình giao thông, (Thanh tra giao thông) được phép dừng phương tiện giao thông để có biện pháp xử lý theo thẩm quyền”. Không đồng tình với quy định này, ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phân tích: “Theo quy định của pháp luật, Thanh tra giao thông làm nhiệm vụ thanh tra tĩnh, bây giờ dự án Luật này lại cho họ được phép dừng phương tiện để xử lý sẽ trùng lắp với lực lượng Công an. Mà ngay trong lực lượng Công an cũng chỉ có Cảnh sát giao thông được phép dừng phương tiện thôi. Quy định như này rất mập mờ, người dân đi ra ngoài đường không hiểu tại sao cùng một sự việc mà Thanh tra Giao thông cũng có quyền dừng mà Cảnh sát giao thông cũng có quyền dừng phương tiện để xử phạt”. Ông Trần Thế Vượng, Trưởng Ban dân nguyện của Quốc hội thận trọng hơn: “Cho Thanh tra giao thông thẩm quyền dừng phương tiện trong trường hợp cần thiết, gắn với việc bảo vệ công trình giao thông đường bộ, chúng ta cần cân nhắc. Nói quy định như thế trùng lắp với nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát nhưng thực ra quy định này đối với Cảnh sát cũng không rõ lắm. Ra đường cứ thấy Cảnh sát  dừng phương tiện lại một lúc rồi cho đi, không biết dừng lại để làm gì. Đúng là Cảnh sát cũng có tình trạng dừng xe tùy tiện”. Từ phân tích này, ông Vượng đề nghị, nếu dự thảo Luật còn giữ quy định này thì phải quy định rõ Thanh tra giao thông phải chịu trách nhiệm về quyết định dừng phương tiện của mình.

Huy động Công an xã vào tuần tra, kiểm soát: chưa ổn

Ngoài quy định về thẩm quyền của Thanh tra giao thông, quy định về vấn đề tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ còn gây nhiều tranh cãi hơn. Lần này, Điều 87, dự thảo Luật bổ sung Khoản 3 ghi rõ:Chính phủ quy định việc huy động các lực lượng cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết..”.  Ông Trần Thế Vượng cho rằng, trong điều kiện hiện nay, tất cả các lực lượng cảnh sát đều cần chuyên môn hóa, Bộ Công an đã có trường đào tạo riêng, nếu thiếu thì tăng cường đào tạo. “ Không thể cứ có vi phạm giao thông là có thể đưa cả Cảnh sát ma túy ra để giải quyết.  Điều này có thể dẫn đến tình trạng cán bộ không nắm vững luật chuyên ngành sẽ đi phạt lung tung hoặc Cảnh sát đang đi làm án lại bị điều về giải quyết vấn đề giao thông. Phải xác định tuần tra, kiểm soát là làm gì, chứ không phải chỉ đi đi, lại lại, mất thời giờ” -  Ông Vượng kiên quyết. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đồng tình với ý kiến này và cho rằng, trong những trường hợp cần thiết như tắc đường thì bất cứ lực lượng nào cũng được huy động để giải quyết, thậm chí cả người dân, nhưng đã quy định vào Luật thành một công việc thường xuyên thì không nên, mà chỉ nên quy định trong trường hợp cần thiết thì huy động lực lượng Cảnh sát giao thông từ nơi khác đến. Đặc biệt, hầu hết các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đều không đồng tình với quy định có thể huy động cả Công an xã vào phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết.  Sau khi phân tích, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định: “Việc này làm thí điểm ở Thanh Hóa thì được, nhưng thành phong trào, nhân rộng ra cả nước thì chưa ổn”.

Trong quá trình thảo luận chiều qua, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để thảo luận về vấn đề chuyển đổi xe ô tô tải chưa qua sử dụng thành xe ô tô chở người và hàng hóa. Các ý kiến đề cho rằng, không nên chấp nhận bổ sung quy định này vì mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người phải đặt lên hàng đầu. Nếu cho chuyển đổi ô tô chưa qua sử dụng thành xe chở người sẽ không đảm bảo an toàn. Đối với quy định về Quỹ bảo trì đường bộ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Ban Soạn thảo làm rõ hơn nguồn tài chính cho quỹ này và nếu thấy không rõ ràng, minh bạch thì không nên đặt vấn đề này vào Luật.

Hôm nay ( 25/7), Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm Y tế và cho ý kiến về việc đàm phán, ký kết Công ước Lahay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế.

La Thành