Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm đàm phán gia nhập và thực hiện cam kết WTO"

09/07/2008
Ngày 07/7/2008 vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Quỹ Hanns Seidel (CHLB Đức) tổ chức hội thảo tiểu vùng nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong đàm phán gia nhập và thực hiện cam kết WTO. Tham dự Hội thảo có nhiều quan chức, học giả ba nước Căm-pu-chia, Lào, Việt Nam và đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

Tại Hội thảo, các đại biểu của Campuchia đã trình bày một cách khá chi tiết về lịch sử cũng như kinh nghiệm gia nhập WTO của Campuchia. Sau gần mười năm đàm phán, Campuchia đã chính thức trở thành thành viên của WTO vào ngày 13/10/2004. Theo Ông Tan Yuvaroath, Bộ Thương mại Campuchia, có hai cách để gia nhập WTO: một là, trở thành thành viên của GATT; hai là thông qua quá trình xin gia nhập. Campuchia đã trở thành thành viên của WTO theo con đường thứ nhất: thông qua mối quan hệ với Pháp, Campuchia được hưởng vị thế đặc biệt trong GATT và sau đó có nhiều thuận lợi trong tiến trình xin gia nhập WTO.

Cùng với các báo cáo về lịch sử và kinh nghiệm gia nhập WTO từ vấn đề hồ sơ, đến kế hoạch hành động của Nhóm công tác đến các chính sách của Chính phủ… các đại biểu của Campuchia đặc biệt nhấn mạnh đến sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa Chính phủ và khu vực tư nhân từ giai đoạn đàm phán, trong khi đàm phán đến giai đoạn sau đàm phán. Từ đó, các đại biểu cũng nêu ra những thách thức của Campuchia khi trở thành thành viên WTO như: không có đủ nguồn nhân lực và kỹ thuật; năng lực điều chỉnh cơ cấu sản xuất và thương mại thấp; hệ thống pháp luật và hành chính còn yếu; không đủ khả năng sản xuất và nguồn lực để đa dạng hoá xuất khẩu. Ngoài ra, còn có một số thách thức khác như vấn đề hoàn thành các nghĩa vụ cải cách pháp luật và hành chính, đặc biệt là những thủ tục hành chính chồng chéo và mất thời gian…

Để giải quyết những khó khăn đó, Campuchia đã thực hiện các biện pháp sau: Đưa ra các cam kết chính trị rõ ràng; Xác định rõ các chiến lược, chính sách kinh tế và hội nhập, đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc WTO; Trong đàm phán song phương về mở cửa thị trường thì lợi ích dài hạn cần được đàm phán triệt để; Cần có quá trình cụ thể, chi tiết liên quan đến điều chỉnh luật pháp sau khi gia nhập; Xác định rõ các yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình đàm phán và sau khi gia nhập; Cần có sự phù hợp giữa chính sách trong nước và sự tham gia của Các bên liên quan.

Hội thảo là cơ hội để đại diện các cơ quan hữu quan của ba nước trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đàm phán gia nhập và thực hiện cam kết WTO, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế khu vực và quốc tế có nhiều biến chuyển nhanh và phức tạp trong thời gian gần đây.

Thu Phương