Được sự hỗ trợ của Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập WTO, trong hai ngày 3-4/7/2008 tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp Ngân hàng thế giới tổ chức Hội thảo đánh giá tác động sau khi Việt Nam gia nhập WTO nhằm tiếp nhận và công bố các kết quả nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế về một số vấn đề sau khi Việt Nam gia nhập WTO.
Làm thế nào để Việt Nam không bị coi là nền kinh tế phi thị trường (NME) khi đã là thành viên của WTO là vấn đề được các chuyên gia đề cập đến đầu tiên tại Hội thảo. Theo ông Adam McCarty, WTO không thể hoạt động như một diễn đàn khi nói đến vấn đề NME bởi trong quy định của WTO không có quy định rõ ràng về NME, do vậy với tư cách là thành viên của WTO cũng không thể giúp được gì cho Việt Nam trong các vụ kiện liên quan đến NME. Vì thế, Việt Nam cần tập trung "phòng vệ tốt hơn" thông qua các biện pháp cụ thể như: tăng cường cho Bộ Công Thương nhiều chuyên gia thương mại giỏi hơn, nâng cao nhận thức công chúng, xây dựng hệ thống tự vệ hiệu quả hơn (từ giám sát đến gỡ bỏ phụ phí), nghiên cứu dài hạn và chiến lược vận động hành lang.
Cùng với chuyên đề về "Hiện trạng về nền kinh tế thị trường của Việt Nam", các chuyên gia còn tập trung vào các vấn đề cơ bản như: chính sách công nghiệp, cải cách thể chế, thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ, truyền thông, nông nghiệp, hàng rào kỹ thuật trong thương mại và tác động về mặt xã hội của việc gia nhập WTO.
Thông qua các báo cáo phân tích tình hình thực hiện các nghĩa vụ WTO của Việt Nam, các chuyên gia đã đưa ra các khuyến nghị đối với kế hoạch hành động nhằm thực thi có hiệu quả các cam kết WTO, giảm thiểu các tác động không mong muốn của WTO đối với nền kinh tế và thực hiện công cuộc xoá đói giảm nghèo tại Việt Nam theo đúng tinh thần của Nghị quyết 16/2007/NQ-CP, trong đó có một số điểm đáng chú ý như sau:
Thứ nhất, cần cải thiện công tác lập kế hoạch chiến lược ngành, phân tích chính sách và giám sát. Trong đó, nêu rõ mối liên kết với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (bao gồm đầu vào để chuẩn bị chiến lược phát triển quốc gia mới; Cần coi WTO là cơ hội hơn là nghĩa vụ để từ đó cân đối lại trọng tâm, từ việc thực hiện các cam kết WTO, đến đánh giá tác động của các chính sách và quy định đối với lợi ích quốc gia. Việc này đòi hỏi năng lực quốc gia phải mạnh hơn trong công tác hoạch định chính sách và đánh giá tác động "học từ công việc" dường như là phương pháp hiệu quả nhất để xây dựng năng lực này; Đồng thời cần xây dựng năng lực để phân tích và tránh các phương án chính sách có thể làm chậm lại quá trình chuyển đổi khỏi nền kinh tế phi thị trường.
Thứ hai, sớm thực hiện các nghiên cứu và hành động nhằm tối đa hoá tác động kinh tế xã hội hậu WTO, cụ thể như thực hiện một chuỗi (5-8) đánh giá chính sách có sự tham vấn trong vòng hai năm tới để giải quyết những vấn đề ưu tiên (bao gồm việc tuân thủ quy tắc WTO) đã được xác định trong các kế hoạch hành động. Các nghiên cứu phải xem xét tác động phân phối của các phương án chính sách. Đồng thời hỗ trợ bên ngoài trong công tác soạn thảo chính sách và luật có thể giúp thực hiện và nâng cao năng lực trong hoạt động phân tích tác động chính sách; Xác định những cách tiếp cận tốt nhất (và phù hợp với quy tắc WTO) về công nghiệp hoá nông thôn. Nỗ lực khuyến khích phát triển công nghiệp ở các thành phố và đô thị loại hai (và các thị trấn biên giới) có thể giúp đảm bảo cho quá trình phát triển phân cấp mạnh hơn và đồng đều hơn. Khuyến khích tăng cường hợp tác dựa trên nhu cầu giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp lớn…
Thứ ba, cần phải xây dựng và cải cách thể chế theo hướng xây dựng chiến lược quản lý nhân lực mới, chính sách và hệ thống quản lý mới tập trung vào cung cấp dịch vụ để đẩy mạnh phát triển thương mại và công nghiệp. Ngoài ra, còn phải tính đến việc xây dựng chiến lược trung hạn để nâng cao kỹ năng con người của Bộ Công Thương; Xây dựng và thực hiện những hướng dẫn chính thức để thể chế hoá những cách làm tốt nhất trong lĩnh vực tham vấn và đánh giá tác động chính sách…
Cùng với các tham vấn của các tư vấn phản biện trong nước về báo cáo của chuyên gia tư vấn quốc tế, các chuyên đề báo cáo tại Hội thảo đã mang lại nhiều gợi mở cho các nhà hoạch định chính sách trong việc thực thi có hiệu quả các cam kết WTO, giảm thiểu các tác động không mong muốn của WTO đối với nền kinh tế Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu này có thể được xem xét, sử dụng trong việc xây dựng và soạn thảo chính sách, công tác quy hoạch, kế hoạch và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến WTO cũng như để thực hiện các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.
Đức Trí