Tuyên bố phá sản doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh: Toà vướng vì cơ chế

30/06/2008
Số lượng doanh nghiệp (DN) ở TP. Hồ Chí Minh ước tính chiếm 1/2của cả nước. Tuy vậy, suốt 10 năm thực hiện Luật phá sản 1993 chỉ có 2 doanh nghiệp được tuyên bố phá sản. Từ năm 2004 đến nay (Luật Phá sản 2004 có hiệu lực) TA TP. Hồ Chí Minh đã thụ lý 27 đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của DN. Số lượng ít và thực tế giải quyết thì rất khó khăn vì những bất cập của pháp luật hiện hành.

Luật yêu cầu 3, thực tế chỉ một

Một trong những khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp công nợ là quy định về số lượng thẩm phán. Ông Trần Văn Sự – Phó Chánh án TP.Hồ Chí Minh dẫn chứng: Nghị quyết số 03 ngày 28/4/2005 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn các trường hợp phải có Tổ thẩm phán 3 người tiến hành, đó là: giải quyết tranh chấp về khoản nợ; tuyên bố giao dịch là vô hiệu; giải quyết tiếp vụ án mà DN bị yêu cầu mở thủ tục phá sản là đương sự trong vụ án đó; DN bị yêu cầu mở thủ tục phá sản có bất động sản, có nhiều chủ nợ hoặc nhiều người mắc nợ tại nhiều tỉnh khác nhau hoặc nước ngoài. Tuy nhiên, ông Sự phân tích: thường thì vụ phá sản nào cũng có tranh chấp khoản nợ, có thể là nợ phải trả cho chủ nợ, hoặc nợ phải thu từ người mắc nợ. Và mỗi vụ phá sản đều có nhiều người tham gia và thế nào cũng có chủ nợ hoặc người mắc nợ ở một tỉnh khác. Vậy thì vụ nào cũng phải do Tổ thẩm phán 3 người tiến hành. Thực hiện quy định này đòi hỏi toà kinh tế phải có nhiều thẩm phán. Tuy nhiên thực tế ở Tp. Hồ Chí Minh thì mỗi vụ chỉ do một thẩm phán tiến hành. Ông Sự đề nghị: chỉ khi nào tiến hành giải quyết các việc như : cần giải quyết tranh chấp về khoản nợ, tuyên bố giao dịch là vô hiệu hoặc giải quyết tiếp vụ án mà DN bị yêu cầu mở thủ tục phá sản là đương sự trong vụ án đó thì mới cần tập thể 3 thẩm phán thực hiện. Trường hợp còn lại  chỉ khi nào quá phức tạp, một thẩm phán không thể đảm đương nổi mới cần thiết tổ chức Tổ thẩm phán.

Bất cập trong hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản.

Khó khăn trong hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản trong việc giải quyết phá sản ở TP.Hồ Chí Minh có lẽ cũng là những bất cập của hầu hết các địa phương trong cả nước khi có yêu cầu mở thủ tục phá sản.Trước đây theo Luật phá sản 1993, tổ quản lý tài sản do Toà án thành lập và điều khiển, Tổ thanh lý tài sản do Thi hành án phụ trách. Nhưng đến Luật phá sản 2004 thì hai tổ này gộp làm một và do Chấp hành viên làm tổ trưởng. Cơ chế này phát sinh nhiều bất cập, nhất là khi hầu hết các vụ phá sản đều kéo dài, chấp hành viên không thể vừa điều hành tốt tổ quản lý, thanh lý tài sản vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại cơ quan thi hành án.

Một vấn đề khác là trong trường hợp thẩm phán ra quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản do có đương sự khiếu nại không đồng ý việc toà án mở thủ tục thanh lý tài sản nên toà phải chuyển toàn bộ hồ sơ đang giải quyết lên toà cấp trên để xem xét. Trong khi đó, DN lại yêu cầu Tổ quản lý, thanh lý tài sản áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cho bán những hàng hoá dễ bị hư hỏng, hàng hoá sắp hết thời hạn sử dụng, hàng hoá không bán đúng thời điểm sẽ khó có khả năng tiêu thụ thì trường hợp này tổ quản lý, thanh lý tài sản có được tự quyết định bán hàng không? Vì khi đó, tổ quản lý thanh lý tài sản vẫn đang hoạt động chưa giải thể do đó việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để đảm bảo tài sản của DN thuộc thẩm quyền của Tổ thẩm phán đang giải quyết hay Tổ thẩm phán của Toà án cấp trên xem xét giải quyết khiếu nại?

Theo đề nghị của TA TP. Hồ Chí Minh thì để bảo vệ quyền lợi cho DN, các chủ nợ thì Tổ quản lý, thanh lý tài sản có quyền đề nghị với thẩm phán phụ trách tiến hành áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Thẩm phán hoàn toàn có quyền thực hiện việc này mặc dù đương sự có khiếu nại vì Luật phá sản không có quy định khi quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản của Toà án bị khiếu nại, kháng nghị sau đó quyết định này bị huỷ, sửa thì thẩm phán phụ trách phá sản không được tiếp tục giải quyết. Để thống nhất thực hiện quy định này cần phải có hướng dẫn cụ thể.

Rất nhiều vấn đề vướng mắc khác trong hoạt động của Tổ quản lý thanh lý tài sản được TAND Tp. Hồ Chí Minh đề cập trong một Hội nghị đánh giá thực tiễn Luật Phá sản mới đây và lãnh đạo Toà án này cho rằng cần phải xem xét để sửa đổi, bổ sung Luật phá sản cho phù hợp với thực tiễn.

Thu Hằng

Ông Trần Văn Sự- Phó chánh án TANDTP. Hồ Chí Minh:

Ngay trong việc ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản đã là cả một vấn đề. Luật quy định thời hạn chỉ có 30 ngày, nhưng thực tế nhiều khi DN không nộp báo cáo tài chính có kiểm toán nên thẩm phán phải chờ đợi đến khi có kiểm toán thì mới ra quyết định mở thủ tục phá sản, dẫn đến thời gian kéo dài đến 3-4 tháng.