Phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên: Xoá “đói nghèo” pháp luật

19/06/2008
Đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, giáp biên giới, đời sống kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, lạc hậu nên ít có điều kiện để cập nhật thông tin, nhất là thông tin về pháp luật. Do đó, việc nâng cao hiểu biết pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng biên giới đã trở thành một nhiệm vụ mang tầm quan trọng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) ở hiện nay.

Dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban Dân tộc, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin Truyền thông, Uỷ ban TƯ MTTQVN và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, hoạt động PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên đã được triển khai ở cả 4 vùng của cả nước có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với những hình thức phù hợp với đặc điểm tình hình của từng vùng, địa phương và dân tộc.

Bình Phước: Biên soạn và phát hành các ấn phẩm pháp luật

Với 40 dân tộc thiểu số (chiếm 18,4% dân số toàn tỉnh), phần đông có tín ngưỡng các tôn giáo, trong công tác PBGDPL, Bình Phước đã chọn biện pháp biên soạn và phát hành các ấn phẩm pháp luật để tuyên truyền pháp luật được rộng khắp đến từng người dân ở vùng dân tộc thiểu số và vùng biên. Hàng năm, cùng với Sở Thông tin & Truyền thông, Sở NN&PTNT, Sở Tư pháp biên soạn và phát hành miễn phí khoảng 4.000 cuốn sách pháp luật phổ thông, hỏi đáp pháp luật về những lĩnh vực như đất đai, khiếu nại tố cáo, bảo vệ rừng…. Ngoài ra còn có tờ tin ảnh thời sự Bình Phước tuyên truyền pháp luật được dán công khai tại trụ sở UBND cấp xã, Nhà Văn hoá cộng đồng, Trạm Y tế, khuyến nông…và phát hành thông qua các cuộc thông tin lưu động, TGPL lưu động, trong các đợt sinh hoạt chính trị của Hội Nông dân, các lớp tập huấn pháp luật, công tác hội.

Công tác tuyên truyền trực quan được Bình Phước đẩy mạnh, nhất là trong các đợt hoạt động chính trị lớn của tỉnh, thông qua các băng rôn, khẩu hiệu, panô, xe lưu động tuyên truyền. Qua 359 buổi chiếu phim lưu động, đặc biệt là ở các vùng đồng bào dân tộc, vùng biên, hơn 87.200 lượt người đã được tuyên truyền về các hoạt động chính trị của tỉnh, của đất nước và pháp luật. Riêng Đội Thông tin lưu động của tỉnh đã tổ chức tuyên truyền được gần 100 lượt, in gần 100 đĩa tuyên truyền chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bình Phước cũng tập trung tổ chức các buổi triển khai luật cho cán bộ, người có uy tín vùng dân tộc thiểu số, nhằm tạo ra đội ngũ tuyên truyền pháp luật tại địa phương. Bên cạnh đó, Trung tâm TGPL tỉnh cũng thành lập 10 CLB TGPL ở các xã vùng sâu, vùng xa để TGPL và cung cấp văn bản pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên, đưa pháp luật về gần với cuộc sống của người dân hơn.

Thanh Hoá: PBGDPL qua sóng phát thanh truyền hình

Thanh Hoá có 11 huyện miền núi, 7 huyện giáp ranh có xã miền núi, 15 xã biên giới Việt – Lào. Trong những năm qua, để PBGDPL hiệu quả cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên, Thanh Hoá đã tập trung thực hiện chương trình phủ sóng phát thanh, truyền hình, coi đây là “đường truyền” nhanh nhất để đưa pháp luật đến với từng thôn bản. Đến nay, 100% số huyện miền núi Thanh Hoá có trạm phát lại truyền hình, trên 70% số hộ miền núi được phủ sóng truyền hình, 65% số hộ có máy thu hình. Để người dân có phương tiện thu sóng phát thanh truyền hình, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh đã cấp cho các xã miền núi 700 tivi, 10.000 đài bán dẫn; tỉnh thực hiện bán trợ giá32.800 máy thu thanh đơn giản cho đồng bào, lắp đặt 24 cụm phát thanh có dây và không dân (2003-2006). Đồng thời, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh cũng tăng thời lượng chương trình phát thanh bằng tiếng dân tộc, xây dựng các chuyên mục “Nhà nước và Pháp luật”, “Văn bản pháp luật”, “Chính sách và pháp luật”, “Trả lời bạn nghe đài”.

Ngoài ra, từ năm 2002, Thanh Hoá đã thực hiện chính sách cấp không thu tiền 20 loại báo và tạp chí cô các huyện, xã, thôn, bản vùng dân tộc miền núi; xây dựng tủ sách pháp luật trị giá 3-6 triệu/tủ cho các xã miền núi. Do có 7 dân tộc thiểu số (chiếm gần 60% dân số của tỉnh),  các ấn phẩm tuyên truyền pháp luật ở Thanh Hoá được biên soạn, in ngắn gọn dưới dạng song ngữ, có tranh minh hoạ.

Nhờ đó, việc nhận thức và chấp hành pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên ở tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Tình trạng chặt phá rừng, khai thác lâm thổ sản, săn bắn trái phép đã giảm; độ che phủ rừng ở khu vực miền núi đã đạt gần 60% (năm 2006); đồng bào H’Mông đã tự giác xáo bỏ diện tích trồng thuốc phiện và không có hiện tượng tái trồng; nạn tảo hôn, tranh chấp trong nhân dân… giảm đáng kể, góp phần giữ vững tình hình an ninh trật tự  xã hội vùng dân tộc miền núi ở Thanh Hoá.

Đắk Lắk: Đề cao vai trò của báo chí

Nằm ở khu vực Tây Nguyên, có vị trí chiến lược và với 30% dân số là người dân tộc thiểu số, những năm qua, Đắk Lắk đã liên tục duy trì hiệu quả công tác PBGDPL với việc đề cao vai trò của báo chí trong công tác đưa pháp luật đến với từng người dân vùng dân tộc thiểu số, vùng biên của tỉnh.

Hiện 97% người dân trong tỉnh được nghe sóng phát thanh và 93% người dân được tiếp cận với sóng truyền hình. Đài Phát thanh truyền hình của tỉnh phát đều đặn 1 chương trình/tuần có nội dung PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số bằng 3 ngôn ngữ Ê đê, Mnông và Kinh. Báo Đắk Lắk phối hợp với Sở Tư pháp tăng cường tư vấn pháp luật cho bạn đọc, có nhiều tin, bài tuyên truyền pháp luật đặc biệt phục vụ cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên. Ngoài ra, nhiều cơ quan, ban, ngành đoàn thể trong tỉnh cũng tổ chức biên tập, phát hành những tập san, bản tin, thông tin… phục vụ công tác chuyên môn, có lồng ghép các nội dung tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên. Với chương trình phát thanh bằng 6 thứ tiếng Êđê, Mnông, Bana, Gia rai, Xê đăng, K’ho của cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Tây Nguyên, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên của Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung đã tiếp tục được các kiến thức, thông tin pháp luật thuận lợi hơn. Nhiều thí sinh là người dân tộc thiểu số đã đạt giải trong các cuộc thi tìm hiểu pháp luật do Sở Thông tin & Truyền thông, Sở Tư pháp và các sở, ngành tổ chức.

Dù với hình thức nào thì mục tiêu chung của hoạt động PBGDPL ở Bình Phước, Đắk Lắk, Thanh Hoá và nhiều tỉnh miền núi, giáp biên khác cũng nhằm vào việc nâng cao hiểu biết pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số. Và thực tế cho thấy, các hình thức PBDGPL được các địa phương lựa chọn đã phát huy hiệu quả, từng bước giúp người dân vận dụng pháp luật có hiệu quả vào việc bảo vệ lợi ích của bản thân, gia đình và quốc gia, “giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới” và giám sát việc thi hành pháp luật của chính quyền địa phương./.

Huy Long