Sau hơn 3 tháng phát sóng (bắt đầu từ ngày 1/3/2008), chương trình “Toà tuyên án” của Đài Truyền hình Việt Nam đã thực sự gây ấn tượng tốt với khán giả, trong đó có giới trẻ. Đây là chương trình nhằm phổ biến kiến thức, tăng cường năng lực pháp luật cho đối tượng thanh thiếu niên, do Trung tâm thanh thiếu niên (VTV6) sản xuất cùng sự phối hợp chặt chẽ của Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp), TANDTC, trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh.
Những bài học giản dị mà sâu sắc
Được xây dựng dựa theo những tư liệu trong thực tế xét xử, quá trình giải quyết vụ án tại toà được tái hiện lại trong chương trình “Toà tuyên án” đã khiến người xem truyền hình, đặc biệt là các bạn thanh thiếu niên - đối tượng trọng tâm của VTV6, không có cảm giác mình đang “được” giáo dục. Ngay từ số đầu tiên của chương trình, được lựa chọn từ rất nhiều vụ án hình sự trong giáo án giảng dạy của Học viện Tư pháp, về một vụ án tưởng chừng đơn giản, nhưng lại đem đến bài học đau lòng về sự hiểu biết pháp luật non nớt của 3 chàng trai trẻ. Tân, Chiến, Cường - ba "tên cướp" đều ngoan ngoãn, con nhà lành, học giỏi - phải đứng trước vành móng ngựa vì đã dàn dựng một vụ cướp giả để Tân có dịp thể hiện vai trò người hùng với cô gái cậu yêu. Tang vật chỉ là một sợi dây chuyền mạ vàng, trị giá vài nghìn đồng. Còn nạn nhân là bạn trai của cô gái mà Tân mê, trong khi chống lại "bọn cướp", anh bị thương - tỷ lệ thương tật qua giám định là 18%. Trò lãng mạn nông nổi ấy đã dẫn ba chàng trai đến vòng tù tội, thấp nhất 2 năm án treo, cao nhất 5 năm tù giam. Cánh cửa vào đời đang thênh thang đã sập lại phũ phàng trước mặt họ. Họ phải mang án phạt khá nặng, là vết đen trong hành trang vào đời.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Ước - một trong những người được giao trách nhiệm xây dựng chương trình cho biết: Ngoài việc hướng tới đối tượng chính là thanh thiếu niên rồi lan toả sang các đối tượng khác trong xã hội, chương trình còn có mục đích xây dựng những phiên toà mẫu để làm phương tiện giảng dạy trong các trường của ngành toà án và các toà địa phương nên êkip làm "Toà tuyên án" luôn tâm niệm phải đưa ra những bài học thật dễ hiểu và chân thực.
Khán giả Nguyễn Đức Anh (Ba Đình, Hà Nội) tâm sự: Tôi thường đi chơi cùng bạn bè vào tối thứ 7 song được biết trước thông tin về “Toà tuyên án” nên đã về nhà sớm hơn để xem. Thật không ngờ, qua chương trình đầu tiên, tôi đã có được một bài học giản dị và cần thiết. Đó là đừng nghĩ rằng ăn cắp và ăn cướp là như nhau. Cướp của thì dù chỉ một xu cũng phải đi tù, còn ăn cắp thì phải 500.000 trở lên mới bị khép vào khung hình phạt. Bạn Đỗ Lan Phương – sinh viên Đại học Mở Bách khoa Hà Nội thì khẳng định: Qua chương trình này, tôi đã thu được những hiểu biết pháp luật cần thiết và tự rút ra nhiều bài học bổ ích về các ứng xử, đạo đức, lối sống, trách nhiệm xã hội. Và đây chắc chắn không phải là cảm nhận của riêng tôi.
Nhà báo Tạ Bích Loan – Giám đốc VTV6 rất tâm huyết khi nói về chương trình, một phiên toà tự thân đã có sức hấp dẫn, vì nó đụng chạm đến số phận con người. Hơn nữa, chúng lại là những câu chuyện thật, có nhiều tình tiết éo le. Xã hội nào cũng cần tuyên truyền giáo dục pháp luật, nhất là cho thế hệ trẻ, những con người thừa năng động nhưng chưa kịp trang bị cho mình những kiến thức cần thiết nhất để vào đời. Ở hầu hết các nước phát triển đều có loại chương trình tương tự, thậm chí ở Pháp còn được phát trực tiếp và có khá đông khán giả. Vì vậy, mong muốn của những người làm chương trình này là giúp các bạn trẻ có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong cuộc sống, cũng như tăng sự hiểu biết với pháp luật để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Không bạo lực, giật gân, câu khách
45 phút cho việc phục hiện một phiên toà không phải là việc đơn giản, vì những phiên toà bình thường có khi kéo dài ngày nọ qua ngày kia, với những bộ hồ sơ dày hàng nghìn trang. Tư liệu không thiếu, thậm chí quá dư thừa, nhưng tất cả vụ án có thật đã đưa ra xét xử được phục hiện trong chương trình được Học viện Tư pháp và êkip thực hiện tự tin tuyên bố không hề giật gân, câu khách mà vẫn hấp dẫn và mang tính giáo dục cao. Với thể loại kịch truyền hình mang thông điệp “Xem để sống có trách nhiệm hơn", “Toà tuyên án” dựng lại gần như toàn bộ diễn biến tại toà với các phần đọc cáo trạng, tranh luận, nghị án... Tất cả các chức danh tư pháp như thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, hội thẩm nhân dân... hoàn toàn do các giảng viên và học viên của Học viện Tư pháp thể hiện. Đóng chính vai của mình trong cuộc sống và công việc hàng ngày nên có thể nói, phần tranh tụng của họ (phần được đầu tư công phu nhất) không hề gây cảm giác dàn dựng và phần tuyên án cũng rất thuyết phục.
Những vai nhân chứng, bị can chỉ có khoảng 30% do các sinh viên Đại học SK&ĐA thể hiện. Đạo diễn Hữu Ước lý giải: Chúng tôi thấy quần chúng ngoài đời tham gia diễn xuất sinh động chân thực hơn, không bị quen mặt và bị các bệnh nghề nghiệp như sinh viên nghệ thuật. Ngay từ khi quay một số tình huống đã gây xúc động cho những người có mặt trong trường quay. Chẳng hạn, một chương trình tái hiện vụ án một phụ nữ bị lừa tình đã tạt axít vào mặt người tình, nhiều khán giả trường quay đã ứa nước mắt khi nghe cô gái bị cáo vừa khóc vừa kể lại sự tình. Ngoài ra, để cho chương trình thêm hấp dẫn và chân thực, chúng tôi còn cho quay một số phóng sự tái hiện vụ án minh hoạ cho các lời khai hay lời làm chứng của phiên toà.
TS. Nguyễn Văn Điệp - Trưởng khoa đào tạo kiểm sát viên của Học viện Tư pháp - cho biết, ông đã đóng rất nhiều phiên toà giả định với sinh viên và đang là thành viên Ban Cố vấn thuộc Học viện Tư pháp cho chương trình. Việc phân tích nguyên nhân, bối cảnh, động cơ phạm tội và những hậu quả của nó trong các phiên toà phục dựng sẽ giúp khán giả suy nghĩ về trách nhiệm của mỗi cá nhân, của gia đình, nhà trường và xã hội đối với việc giáo dục nhân cách và tăng cường hiểu biết pháp luật. Bởi thế, Ban Cố vấn đã thống nhất không chạy theo những vụ án có quá nhiều máu me, bạo lực nhằm câu khách một cách rẻ tiền. Giám đốc VTV6, TS. Tạ Bích Loan cũng nhấn mạnh, “Toà tuyên án” sẽ hướng tới các vụ án mà hành vi phạm tội xuất phát từ suy nghĩ nông nổi, thiếu hiểu biết pháp luật của tuổi trẻ.
Tuy nhiên, TS Điệp thừa nhận chương trình vẫn tồn tại một vài thiếu sót như chưa thể hiện được một số khâu (kiểm tra căn cước, phổ biến quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng, thư ký báo cáo danh sách phiên toà) trong quy trình tố tụng hay thời gian tranh luận không nhiều do thời lượng phát sóng eo hẹp, một số vai diễn chưa đạt… Còn phía ĐTH Việt Nam cho biết, có lẽ sẽ cân nhắc để xếp lịch phát lại hợp lý hơn (hiện, phát chính thức vào 22h tối thứ bảy trên VTV3, VTV6 và phát lại lúc 15h30 ngày thứ 2 và 20h ngày thứ 4 trên VTV6, dự kiến trong vòng 3 năm liên tục). Theo TS. Loan, khó có thể bắt các bạn trẻ ngồi ôm tivi 45 phút tối thứ bảy để xem một chương trình giáo dục thuần tuý như “Toà tuyên án”. Song, với sự giúp sức của toàn xã hội từ các cơ quan tư pháp, các phương tiện truyền thông, ĐTH Việt Nam hy vọng các bạn trẻ sẽ tự thu xếp được thời gian để nạp thêm cho mình những kiến thức quan trọng trong cuộc sống khi mà đã có không ít bậc phụ huynh xem trước và truyền đạt cho con cháu của họ.
Cẩm Vân