Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ nhất – đã nhận xét, Liên đoàn Luật sư (LĐLS) toàn quốc không chỉ là một tổ chức xã hội nghề nghiệp đơn thuần mà là một tổ chức có tính chính trị cao. Vì vậy, sự ra đời của LĐLS sẽ đem đến nhiều bước ngoặt lịch sử cho hoạt động LS ở nước ta trong tương lai. PLVN đã có buổi trao đổi với ông Lê Thúc Anh (ảnh) – nguyên Phó Chánh án TANDTC, Chủ tịch Hội đồng lâm thời LS toàn quốc - về vai trò của LĐLS.
PV: Theo ông, các LS ở Việt Nam sẽ được lợi gì khi LĐLS ra đời?
Ông Lê Thúc Anh: Trước tiên có thể khẳng định, tổ chức LS toàn quốc ra đời sẽ là đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các LS và đoàn LS. Trước đây là từng đoàn LS hoạt động một cách độc lập, tự bảo vệ mình và các thành viên thì tới đây, tổ chức LS toàn quốc sẽ đứng ra để làm nhiệm vụ này như can thiệp khi LS bị gây khó khăn hay cản trở trong quá trình tham gia tố tụng... Có thể nói, với sự ra đời của tổ chức LS toàn quốc, các LS và đoàn LS sẽ có một chỗ dựa vững chắc. Bên cạnh đó, tổ chức này sẽ là nơi tập hợp, phản ánh các tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của giới LS đối với các cấp, các ngành. Vì thông qua tổ chức LS toàn quốc là một trong những thành viên của Mặt trận tổ quốc Việt Nam nên sự phản ánh sẽ có sức nặng hơn. Cuối cùng, các LS sẽ có điều kiện để bồi dưỡng có bài bản hơn kiến thức pháp luật cũng như kỹ năng hành nghề luật sư…thông qua các hoạt động do tổ chức LS toàn quốc tổ chức.
PV: Việc bảo vệ quyền lợi của LS đương nhiên là nhiệm vụ của tổ chức LS toàn quốc, nhưng vấn đề là bảo vệ như thế nào cho có hiệu quả, thưa ông?
Ông Lê Thúc Anh: Trước hết, LS chính là người dựa vào pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì đối với LS – “người nhà”, thành viên của tổ chức LS toàn quốc thì tổ chức càng có đủ cơ sở để bảo vệ thuận lợi hơn.
PV: Sau khi tổ chức LS toàn quốc ra đời, việc quản lý của Liên đoàn đối với các Đoàn LS được thực hiện như thế nào?
Ông Lê Thúc Anh: Một mặt, đây là tổ chức tự quản thì sẽ có điều kiện để ban hành những quy định, quy chế đạo đức, hành nghề thống nhất trong toàn quốc. Ngoài ra, LĐLS cũng sẽ có các bộ phận chức năng để thực hiện công tác khen thưởng, thi đua, kỷ luật. Điều quan trọng là LĐLS ra đời là để có sự phối kết hợp với hoạt động quản lý của nhà nước đối với hoạt động LS, coi như là đầu mối, đại diện cho một lực lượng nghề nghiệp để đứng ra giải quyết các vấn đề liên quan.
PV: Khi ra đời, Liên đoàn LS sẽ có chiến lược gì để tạo điều kiện cho các LS trẻ trong quá trình hành nghề khi chưa có nhiều kinh nghiệm?
Ông Lê Thúc Anh: Chắc chắn LĐLS sẽ có chiến lược đào tạo để sinh viên Luật khi ra trường có thể tiếp xúc ngay với thực tiễn. Có thể không cần học đa ngành mà chỉ cần chuyên sâu về từng lĩnh vực cụ thể, chứ đào tạo dàn trải như hiện nay sẽ khó có thể có chuyên gia giỏi trong từng lĩnh vực, nhất là về pháp lý. Hơn nữa, vấn đề số lượng sinh viên để đào tạo LS thì không thiếu vì xu hướng hiện nay ngành luật cũng đang được quan tâm, nhưng đáng lo nhất là chất lượng. Vì vậy, sau này, LĐLS sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp xem xét chương trình, chiến lược đào tạo để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Hương Giang
Hôm 6/6, Hội đồng lâm thời Luật sư (LS) toàn quốc đã có buổi họp đầu tiên để thông qua quy chế và kế hoạch hoạt động từ nay đến Đại hội Đại biểu LS toàn quốc. Hội đồng lâm thời chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho Đại hội đại biểu LS toàn quốc lần thứ nhất diễn ra thành công. Hội đồng sẽ làm việc với sự phối hợp của Bộ Tư pháp (đầu mối là Vụ Bổ trợ Tư pháp) và dự kiến họp 1 tháng/lần, không kể các cuộc họp bất thường để có thể hoàn thành việc soạn thảo các văn kiện trình Đại hội; các phương án về trị sở, kinh phí hoạt động của LĐLS; tổ chức thành công Đại hội đại biểu LS toàn quốc trong năm 2008./. |