Đề án “Đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008 – 2010”: “Hội nhập hoá” đội ngũ luật sư

05/06/2008

“Chập chững” phát triển 

Cùng với sự phát triển về số lượng trong những năm gần đây, chất lượng đội ngũ LS ở nước ta cũng bức đầu đáp ứng yêu cầu chuyên nghiệp hoá hoạt động LS. Thông qua các hoạt động tham gia tố tụng, thực hiện tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác, hoạt động của đội ngũ LS đã đóng góp tích cực cho công tác tư pháp và hỗ trợ phát triển các quan hệ kinh tế thị trường định hướng XHCN trong thời kỳ hội nhập, tạo được sự tín nhiệm trên thị trường dịch vụ pháp lý trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng “phi mã” - 200% trong vòng từ 2001 – 2008 so với trước khi Pháp lệnh LS 2001 có hiệu lực - cũng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu về các hoạt động có LS tham gia khi tỷ lệ LS/dân số ở nước ta còn quá thấp so với thế giới. Hơn nữa, lực lượng LS lại phân bố không đồng đều giữa thành thị và nông thôn, miền xuôi và miền núi nên dẫn đến sự thiếu hụt LS trong việc thực hiện các dịch vụ pháp lý ở những địa phương còn nghèo, chậm phát triển. Thực tế cho thấy, hiện 2 tỉnh miền núi Lai Châu và Điện Biên chưa thành lập được LS vì chưa đủ... 3 LS/tỉnh nên như những địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa khác, ở 2 tỉnh này nhiều vụ án phải tạm hoãn trong thời gian dài do không có LS để chỉ định bào chữa.

Bên cạnh đó, do chất lượng đạo tạo nghề LS còn nhiều bất cập nên có đến gần 50% số lượng LS đang hành nghề hiện nay chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng cũng như kinh nghiệm, kiến thức hành nghề. Dù nghề LS không phải là mới mẻ ở nước ta, nhưng đội ngũ LS chuyên môn hoá trong các lĩnh vực liên quan đến các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế như đầu tư, kinh doanh, thương mại... còn đang trong quá trình “tạo mới”. Đó cũng là nguyên nhân khiến phần lớn các vụ tranh chấp thương mại quốc tế thời gian qua ở Việt Nam đều phải thuê LS nước ngoài tham gia giải quyết.

Điều đáng nói là khi lực lượng LS của nước ta đang “chập chững” phát triển thì các LS nước ngoài đã nhanh chóng phát triển, tạo uy tín trên thị trường dịch vụ pháp lý nước ta, nhất là đối với những khách hàng nước ngoài hoạt động ở Việt Nam. Mặc dù các tổ chức LS nước ngoài cũng góp phần phát triển đội ngũ LS Việt Nam thông thạo ngoại ngữ, nắm vững kiến thức và kỹ năng hành nghề luật quốc tế, nhưng nếu bản thân đội ngũ LS trong nước không nhanh chóng được hoàn thiện, củng cố, bắt kịp yêu cầu thì sẽ trở nên “lép vế” trước các đồng nghiệp đến từ các nước khác ngay trên “sân nhà” mình.

“Luồng gió mới” cho hoạt động LS

Trước yêu cầu cần có một đội ngũ LS và chuyên gia pháp luật đáp ứng yêu cầu hội nhập, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 544/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008 – 2010” theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường. Quyết định này có hiệu lực thi hành 15 ngày sau khi được đăng Công báo.

Đề án được thực hiện với mục tiêu xây dựng một đội ngũ chuyên gia pháp luật, luật sư am hiểu pháp luật và tập quán thương mại quốc tế, giỏi kỹ năng hành nghề luật sư quốc tế, có khả năng được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư của nước hoặc bang được đào tạo. Sau thời gian được đào tạo tại cơ sở nước ngoài, các chuyên gia pháp luật và luật sư này được sẽ tham gia tư vấn về hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, soạn thảo văn bản qui phạm pháp luật, giảng dạy tại các cơ sở đào tạo luật, đồng thời là nòng cốt để từng bước hình thành và phát triển đội ngũ chuyên gia pháp luật, luật sư đạt tiêu chuẩn quốc tế của Việt Nam.

Hội đồng tuyển chọn sẽ gửi danh sách những ứng viên qua được vòng phỏng vấn để Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định việc gửi học viên đi đào tạo. Học viên được đi đào tạo theo đề án này phải là công chức đang công tác tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC (nhà nước cấp kinh phí); luật sư đang hành nghề tại các công ty luật, văn phòng luật sư, doanh nghiệp (tự túc kinh phí, trong trường hợp có yêu cầu, Chính phủ có chính sách cho vay tín dụng ưu đãi).

Công chức được đào tạo theo Đề án tiếp tục công tác tại cơ quan cử đi học sau khi kết thúc khoá đào tạo. Cơ quan cử côg chức đi học có trách nhiệm tạo điều kiện cho những công chức đó tham gia công việc liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế khi được yêu cầu. Luật sư được Chính phủ cho vay tín dụng ưu đãi để tham gia đào tạo theo Đề án có trách nhiệm thực hiện công việc do Chính phủ yêu cầu theo cam kết. Công ty Luật, văn phòng luật sư nơi luật sư đó hành nghề có trách nhiệm tạo điều kiện về thời gian để các luật sư hoàn thành công việc được yêu cầu. Luật sư do các doanh nghiệp gửi đi đào tạo theo đề án thì có thể được Chính phủ thuê trong trường hợp có nhu cầu. Trường hợp công chức được đào tạo theo đề án vi phạm cam kết thì bị xử lý theo qui định tại Đề án “Đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (phê duyệt tại QĐ 356/QĐ-TTg ngày 28/4/2005). Đối với luật sư được Chính phủ cho vay ưu đãi vi phạm cam kết thì bị xử lý vi phạm theo các hình thức đã cam kết trong văn bản cam kết với Bộ Tư pháp trước khi đi đào tạo.

Để chuẩn bị cho việc đề án này, hiện Bộ Tư pháp đang phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài khảo sát, xác định các điều kiện, cơ sở đào tạo có chất lượng cao, các công ty luật, chủ yếu ở Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Australia, để gửi học viên đi đào tạo theo từng đợt, dự kiến bắt đầu từ tháng 11/2008./.

Hương Giang