Trao đổi thông tin về trợ giúp pháp lý: Cần thể chế hoá bằng văn bản

05/06/2008
Sau hơn 10 năm hình thành, hệ thống trợ giúp pháp lý (TGPL) ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp. Điều này đòi hỏi các tổ chức TGPL phải duy trì thường xuyên nhận và gửi thông tin để tạo được mối liên hệ ổn định, nhiều chiều với nhau và với các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, bà Tạ Thị Minh Lý - Cục trưởng Cục TGPL, Bộ Tư pháp đã nhận định, cho đến nay vẫn chưa xây dựng được một cơ chế trao đổi thông tin mang tính chính thống.

Càng nhiều hình thức trao đổi, hiệu quả càng cao

Việc trao đổi thông tin giữa các tổ chức TGPL hiện được tiến hành qua 7 hình thức là công văn; báo cáo; học tập, trao đổi kinh nghiệm; khảo sát, kiểm tra hoạt động TGPL; TGPL lưu động, đặt biển báo, sinh hoạt câu lạc bộ TGPL; hội thảo, toạ đàm, hội nghị, tập huấn; và qua phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, hình thức công văn chủ yếu phục vụ hoạt động quản lý của cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về TGPL. Báo cáo là hình thức trao đổi thông tin của tổ chức trực tiếp thực hiện TGPL với các tổ chức có thẩm quyền quản lý hoạt động TGPL. Hình thức thứ 3 dành cho các Trung tâm TGPL thuộc tỉnh đến giao lưu ở các địa phương khác. Việc khảo sát, kiểm tra hoạt động TGPL áp dụng cho các chủ thể làm công tác quản lý. Ba hình thức cuối cùng là những cơ hội thể hiện thông tin công khai giúp các tổ chức TGPL có thể thông tin sâu rộng đến những người dân có nhu cầu TGPL cũng như tạo điều kiện gặp gỡ, trao đổi với nhau về hoạt động TGPL, nhờ đó mà học được những bài học kinh nghiệm và các điển hình tiên tiến.

Tất cả các hình thức trao đổi thông tin trên đã và đang được các tổ chức TGPL áp dụng linh hoạt trong suốt 10 năm qua nhằm học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm của nhau. Các nguồn thông tin chính là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước về TGPL có căn cứ chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời về nghiệp vụ, đồng thời kiến nghị các chính sách, sửa đổi các văn bản pháp luật. Trong hệ thống tổ chức TGPL, đã có rất nhiều Trung tâm qua các hình thức trao đổi thông tin mà biết về nhau, thường xuyên liên hệ để cùng xây dựng Trung tâm lớn mạnh, đáp ứng tốt nhất nhu cầu TGPL của địa phương. Rất nhiều đối tượng đến với tổ chức TGPL khi biết thông tin về các tổ chức này từ các phương tiện thông tin đại chúng…

Nên sớm được thể chế hoá

Hiệu quả của việc trao đổi thông tin rõ ràng không thể phủ nhận nhưng không phải tổ chức nào cũng làm tốt. Theo đánh giá của Cục TGPL, một số tổ chức TGPL chưa chủ động thực hiện trao đổi thông tin, cho rằng công việc này chỉ mang tính hình thức. Nhiều tổ chức lại cục bộ, không học hỏi kinh nghiệm hay của các tổ chức ở địa phương khác. Hơn nữa, hoạt động báo cáo còn chưa liên tục, có nơi báo cáo qua quýt, đối phó. Bà Lý cho rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là ngoài công tác báo cáo, thống kê đã được quy định thì hiện nay chưa có một cơ chế trao đổi thông tin mang tính chính thống giữa các tổ chức TGPL, giữa các tổ chức TGPL với các tổ chức khác. Hệ quả dẫn đến là, việc trao đổi thông tin còn manh múm, thiếu chính xác, không kịp thời và gây khó khăn nhất định trong quá trình hoạch định chính sách, tổ chức quản lý và điều hành hoạt động TGPL. Ngoài ra, Luật TGPL có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007 đã bổ sung thêm nhiều biện pháp hỗ trợ thông tin giữa các tổ chức TGPL như tham gia TGPL, phối hợp điều tra, xác minh, giải quyết vụ việc TGPL… Vì thế, cần sớm thể chế hoá hình thức trao đổi thông tin về TGPL trong một văn bản quy phạm cấp Bộ với các Bộ, ngành có liên quan. Văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động TGPL sẽ thiết lập cơ chế trao đổi thông tin nhiều chiều cũng như xác định nội dung, hình thức giải pháp thông tin nhằm bảo đảm cho việc trao đổi thông tin được áp dụng thống nhất, kịp thời, thường xuyên và liên tục trên cả nước. Văn bản này phải đảm bảo các yêu cầu sau: xác định rõ các chủ thể của thông tin, chủ thể quản lý; cách thức và quy trình xử lý các thông tin; cơ chế sử dụng, khai thác và bảo mật thông tin; biện pháp xử lý các trường hợp vi phạm chế độ trao đổi thông tin…

Qua hoạt động thực tế có thể thấy, hình thức trao đổi thông tin qua việc ứng dụng các tiện ích của công nghệ thông tin như sử dụng phần mềm, trang web, email… chưa được nhiều Trung tâm áp dụng. Bởi thế, việc triển khai hoạt động của website về TGPL đã đáp ứng kịp thời mong muốn của phần lớn các Trung tâm. Sau khi ra mắt trang web vào cuối năm 2007, Cục TGPL đang tích cực nghiên cứu hoàn thiện nhằm ban hành Quy chế sử dụng. Theo đó, dự thảo Quy chế có thể yêu cầu bố trí một cán bộ chuyên trách mảng thông tin để các Trung tâm tích cực tham gia vào hoạt động của trang web nói riêng và hoạt động trao đổi thông tin nói chung.

Hoàng Thư

Một số giải pháp nâng cao việc trao đổi thông tin giữa các tổ chức TGPL: Đưa mục thông tin để tập huấn, trao đổi kinh nghiệm giữa các Trung tâm, Chi nhánh, Câu lạc bộ thành một mục hoạt động của các Trung tâm; Tổ chức các hội thảo, toạ đàm, tập huấn theo khu vực và theo từng nội dung, lựa chọn các tổ chức TGPL (được đánh giá là tốt hoặc kém về lĩnh vực lựa chọn) để vừa trao đổi kinh nghiệm hay vừa cùng nghiên cứu, giải quyết vấn đề yếu kém và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của tổ chức TGPL làm chưa đạt; Các cơ quan quản lý nhà nước chú trọng kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc trao đổi thông tin giữa các tổ chức thực hiện TGPL với nhau nhằm bảo đảm tính thường xuyên liên tục của thông tin.