Bên lề Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XI, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu đại diện cơ quan soạn thảo đã trả lời phóng viên báo chí một số vấn đề về dự thảo Bộ luật Dân sự.
PV: Thưa Bộ trưởng, vấn đề quyền sử dụng đất đã đuợc quy định trong Luật Đất đai, vậy Bộ luật Dân sự có nên điều chỉnh quan hệ dân sự này?
Bên lề Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XI, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu đại diện cơ quan soạn thảo đã trả lời phóng viên báo chí một số vấn đề về dự thảo Bộ luật Dân sự.
PV: Thưa Bộ trưởng, vấn đề quyền sử dụng đất đã đuợc quy định trong Luật Đất đai, vậy Bộ luật Dân sự có nên điều chỉnh quan hệ dân sự này?
Bộ trưởng Uông Chu Lưu: Một số đại biểu Quốc hội đặt vấn đề: Trong Bộ luật Dân sự lần này phải có phần quy định về quyền sử dụng đất, nhưng chỉ quy định có tính chất chung, mang tính nguyên tắc, còn các nội dung cụ thể thì được quy định rõ trong Luật Đất đai. Quyền sử dụng đất với tư cách là một quyền về tài sản đã được đưa vào chương sở hữu tài sản của dự thảo luật. Theo đó Bộ luật Dân sự coi đất đai là loại tài sản đặc biệt, có giá trị rất lớn và cũng khẳng định rõ quyền sở hữu toàn dân đối với đất đai. Các giao dịch dân sự, các hợp đồng về đất đai thì trong Luật Đất đai cũng đã quy định cụ thể. Quá trình xây dựng, phát triển các quy định về đất đai, theo chính sách của Nhà nước ta, quyền sử dụng đất có sự thay đổi theo từng giai đoạn khác nhau. Như vậy, quy định của Bộ luật Dân sự và của Luật Đất đai không trùng lắp nhau mà có những vấn đề riêng biệt.
PV: Những quy định trong Bộ luật Dân sự có liên quan như thế nào đối với việc xây dựng, ban hành các đạo luật chuyên ngành?
Bộ trường Uông Chu Lưu: Theo quan điểm của chúng tôi, phải xây dựng Bộ luật Dân sự có tính ổn định tương đối, là bộ luật làm cơ sở, nền táng cho việc xây dựng các luật chuyên ngành. Những quy định mang tính chất đặc thù của các ngành luật chuyên biệt như Luật Đất đai, Luật Thương mại... phải dựa trên cơ sở quy định của Bộ luật Dân sự. Chẳng hạn, Bộ luật Dân sự quy định về các loại hợp đồng, có hợp đồng thế chấp, hợp đồng cầm cố, hợp đồng chuyển nhượng... với những điều kiện cần thiết, ví dụ như điều kiện cam kết hợp đồng, điều kiện thực hiện hợp đồng, hiệu lực của hợp đồng... Các đạo luật khác khi quy định về các loại hợp đồng cũng phải phù hợp những quy định có tính nguyên tắc này.
PV: Hộ gia đình được thừa nhận là một thành phần kinh tế. Vậy hộ gia đình có thể coi là chủ thể trong giao dịch dân sự được quy định trong Bộ luật Dân sự không?
Bộ trưởng Uông Chu Lưu: Trong Tờ trình của Chính phủ mà Ban soạn thảo chúng tôi chuẩn bị đã khẳng định vai trò của hộ gia đình trong giao lưu dân sự, trong quan hệ xã hội, quan hệ đời sống hiện nay là rất quan trọng. Nhưng để xác định nó là chủ thể giao dịch dân sự trong Bộ luật Dân sự giống như các chủ thể khác là pháp nhân, cá nhân khác thì chúng tôi thấy có những vấn đề cần phải xem xét kỹ. Đó là quan hệ của chủ hộ gia đình khi tham gia quan hệ giao dịch dân sự bên ngoài thì trách nhiệm pháp lý đến đâu?
Thực tế cho thấy, trách nhiệm pháp lý của hộ gia đình đối với những trường hợp đó là không rõ và không cụ thể nên rất khó để xác định. Vì vậy, chúng tôi xây dựng Dự thảo Bộ luật Dân sự với với hai loại chế định. Một là chế định đại diện, chế định này hiện đã có. Với hộ gia đình mà có chủ hộ là người đại diện hợp pháp thì điều chỉnh bằng chế định đại diện theo quy định. Thứ hai là vấn đề tài sản chung (sở hữu chung) của hộ gia đình thì tất cả những mối quan hệ giao dịch liên quan tài sản chung sẽ được điều chỉnh trong Bộ luật. Qua phát biểu của đại biểu Quốc hội tại hội trường, các đại biểu cũng mong muốn giữ lại chế định hộ gia đình là chủ thể giao dịch dân sự trong một số lĩnh vực như đất đai, sản xuất kinh doanh, phát triển rừng...
Đây là những giao dịch đã được quy định trong các luật chuyên ngành như Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng...
PV: Hình thức sở hữu là vấn đề rất lớn được Bộ luật Dân sự điều chỉnh nhưng việc quy định các hình thức sở hữu nào đảm bảo hợp lý trong điều kiện kinh tế thị trường là vấn đề chưa được thống nhất. Các hình thức sở hữu quy định trong Dự thảo Bộ luật lần này so với Bộ luật hiện hành có gì thay đổi?
Bộ trưởng Uông Chu Lưu: Bộ luật Dân sự hiện hành quy định hình thức sở hữu trên cơ sở ba chế độ sở hữu là sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân. Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự thảo lần này quy định: Trên cơ sở ba chế độ sở hữu thì cụ thể hoá thành bốn hình thức sở hữu, cụ thể là hình thức sở hữu toàn dân, sở hữu cá nhân, sở hữu pháp nhân và sở hữu chung. Như vậy, ở đây có điểm mới, đó là sở hữu pháp nhân. Hình thức sở hữu này bao gồm cả những hình thức sở hữu của các tổ chức có tư cách pháp nhân, doanh nghiệp, đơn vị... Đây là vấn đề lớn và còn phải tiếp tục nghiên cứu.
PV: Xin cám ơn Bộ trưởng!
Theo Phan Trường, báo Công an nhân dân, ngày 25/11/2004