Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ: Tiến tới mục tiêu bình đẳng giới

21/04/2008
Trợ giúp pháp lý (TGPL) cho phụ nữ trước kia chỉ là các hoạt động dành cho phụ nữ một cách đơn thuần như hỗ trợ phụ nữ trong các vụ việc tư vấn, soạn thảo đơn từ… thì cho đến vài năm gần đây, đặc biệt là từ khi Quốc hội thông qua Luật TGPL ngày 29/6/2006 và Luật Bình đẳng giới ngày 21/11/2006, việc thực hiện lồng ghép giới trong hoạt động TGPL đã được tiến hành đồng bộ hơn. Bảo vệ quyền bình đẳng giới cho phụ nữ trở thành mục tiêu và nguyên tắc xuyên suốt trong mọi hoạt động của các tổ chức TGPL.

Trong cơ cấu, tổ chức: 30 – 60% cán bộ TGPL là nữ

Bình đẳng giới được thực hiện trong chính sách tuyển dụng cũng như phát triển nguồn nhân lực của các cơ quan TGPL từ TƯ tới địa phương. Tại Cục TGPL, số lượng cán bộ nữ chiếm trên 60%. Còn ở các Trung tâm TGPL Nhà nước (gọi tắt là Trung tâm), số cán bộ nữ của 64 Trung tâm có hơn 200 người (chiếm khoảng 37%). Tỷ lệ cán bộ nữ của các cơ quan TGPL góp phần bảo đảm hoạt động TGPL cho phụ nữ trong các trường hợp cần thiết.

Xuất phát từ thực tiễn hoạt động và trên cơ sở nghiên cứu các chuyên đề về TGPL cho phụ nữ, Cục TGPL (Bộ Tư pháp) đã chỉ đạo triển khai thí điểm thực hiện TGPL cho phụ nữ ở Thái Bình, Hà Tây, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Khánh Hoà, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Bình Định, Lai Châu… Tại các tỉnh này, nhiều Trung tâm mở ra các tổ TGPL cho phụ nữ. Dựa vào kết quả thí điểm, Cục TGPL thành lập một tổ chức đầu tiên chuyên thực hiện TGPL cho phụ nữ vào tháng 7/2002. Đó là Văn phòng TGPL cho phụ nữ tại Hà Nội. Đến tháng 1/2006, Văn phòng này đã có 4 Chi nhánh ở Hà Tây, Khánh Hoà, Bắc Giang, Thái Bình, đáp ứng nhu cầu TGPL của phụ nữ địa phương và cả các tỉnh lân cận. Hiện nay, các Chi nhánh trên đều đã đổi tên thành Văn phòng TGPL cho phụ nữ bằng Quyết định số 250b/QĐ- TGPL của Cục trưởng Cục TGPL. Đối với những tỉnh chưa có Văn phòng, việc thực hiện TGPL vẫn được tiến hành thông qua các tổ TGPL cho phụ nữ hoặc cán bộ chuyên trách thực hiện TGPL cho phụ nữ (thường là các cán bộ nữ).

Cùng với TƯ Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Cục TGPL đã ký kết văn bản liên tịch về TGPL cho phụ nữ. Theo đó, Văn phòng tư vấn pháp luật của Hội LHPNVN đã thực hiện TGPL cho đối tượng nữ bằng các hình thức cụ thể như phối hợp trong việc điều tra vụ việc trợ giúp, phối hợp kiến nghị với các cơ quan chức năng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho phụ nữ (tổ chức nói chuyện chuyên đề, phát tờ gấp pháp luật…). Các cơ quan TGPL cũng có một mạng lưới cộng tác viên đông đảo là các cán bộ nữ thuộc Hội LHPN và thuộc các cơ quan, tổ chức khác như Hội Nông dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Trong công tác chuyên môn: Chú trọng yếu tố giới

Về phần mình, Cục TGPL đã tiến hành nhiều đợt tập huấn về giới, về TGPL cho phụ nữ và các kỹ năng thực hiện TGPL cho phụ nữ. Đặc biệt, Cục và các chuyên gia Dự án “Hỗ trợ hệ thống TGPL ở Việt Nam giai đoạn 2005 - 2009” (hay còn gọi là Dự án tổng) đã xây dựng Hướng dẫn lồng ghép giới trong hoạt động TGPL, Sổ tay về giới trong hoạt động TGPL; sưu tầm, tuyển chọn các vụ việc điển hình trong TGPL cho phụ nữ; đưa ra các biện pháp giải quyết cho các vụ việc cụ thể hoặc kiến nghị sửa đổi pháp luật về bình đẳng giới. Cục cũng nghiên cứu, thiết kế nhiều chuyên đề về TGPL cho phụ nữ, lồng ghép bình đẳng giới trong hoạt động TGPL như chuyên đề TGPL cho nạn nhân của bạo lực gia đình; TGPL cho nữ công nhân lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh; TGPL cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số… cũng như phát hành các tờ gấp phấp luật, tài liệu nguồn liên quan đến giới như Quyền bình đẳng giới, Phụ nữ với pháp luật hôn nhân gia đình, Phụ nữ với vấn đề đất đai, các quy định về hộ tịch, thừa kế… Ngoài ra, cùng với Quỹ Châu á, Cục đã xây dựng riêng một dự án về phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em và tăng cường bảo vệ nạn nhân bị buôn bán. Qua Dự án, Cục đã đánh giá và tìm kiếm mô hình thực hiện hoạt động TGPL cho phụ nữ với mục tiêu bình đẳng giới để các Trung tâm trên toàn quốc có thể áp dụng.

Còn các Trung tâm rất quan tâm tới đẩy mạnh bình đẳng giới trong hoạt động của mình, từ tư vấn, đại diện bào chữa đến tổ chức các đợt TGPL lưu động, sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL… Theo thống kê, trong tổng số vụ việc TGPL trung bình mỗi năm, có gần 50% đối tượng trợ giúp là phụ nữ. Dự án tổng quy định, phụ nữ là nạn nhân của nạn bạo lực gia đình và tội buôn bán người là một trong các nhóm đối tượng thụ hưởng và bình đẳng giới là một trong những mục tiêu quan trọng nên các Trung tâm thực hiện Dự án tổng luôn tâm niệm, ngoài các đối tượng phụ nữ theo Luật TGPL thì phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và tội buôn bán người cũng là đối tượng được TGPL miễn phí.

Mặc dù các hình thức triển khai TGPL giống với các Trung tâm nhưng cách thức triển khai của các Văn phòng TGPL cho phụ nữ lại có những đặc thù riêng với tôn chỉ chính là cung cấp dịch vụ TGPL cho phụ nữ và đảm nhiệm vai trò lồng ghép giới trong hoạt động TGPL. Các Văn phòng này thường phối hợp với các cơ quan, chính quyền phường, xã tổ chức các lớp bồi dưỡng pháp luật chuyên đề buổi tối, tạo điều kiện cho chị em tiếp xúc các văn bản pháp luật, giải đáp các tình huống, vướng mắc pháp luật cụ thể. Có những lớp học, các Văn phòng TGPL cho phụ nữ còn mời thêm đối tượng nam giới với tư cách là người chồng, người cha trong gia đình tham gia để họ hiểu, tôn trọng và thực hiện đúng các quy định pháp luật, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc, từ đó góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, nhất là tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa – những nơi vẫn tồn tại định kiến lạc hậu về vai trò của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.

Hoàng Thư