Bộ luật Thi hành án sẽ thống nhất quản lý việc thi hành các loại án

19/01/2006
Bộ luật Thi hành án sẽ thống nhất quản lý việc thi hành các loại án
Sau kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XI, đã có nhiều ý kiến đóng góp xây dựng Bộ luật Thi hành án. Dưới góc độ cơ quan thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, vừa qua Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã tổng hợp các vấn đề còn gây tranh cãi và đưa ra quan điểm của mình trọng việc xây dựng bộ luật lớn này.
Thi hành án - cần giao về một mối quản lý thống nhất

Về phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Thi hành án (BLTHA), Bộ Tư pháp cho rằng, tuy THA dân sự, hình sự và hành chính có những điểm khác nhau nhưng có nhiều điểm chung như phải tuân thủ nguyên tắc bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án, bảo đảm giữa kết hợp với cưỡng chế trong THA, sự gắn kết giữa THA dân sự hành chính với THA hình sự; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người phải THA, người bị kết án; bảo đảm quyền giám sát, kiểm sát hoạt động THA, bồi thường thiệt hại, điều kiện miễn, giảm nghĩa vụ THA; nguyên tắc pháp chế XHCN... Vì vậy cần xây dựng một BLTHA chung để thống nhất quản lý việc thi hành các loại án nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, phù hợp với tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 12/2002/QH 11 ngày 16-12-2002 của Quốc hội Xl.

Đối với việc THA hành chính thì phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án đã được thi hành theo thủ tục THA án dân sự, còn phần không liên quan đến tài sản như hủy quyết định hành chính, buộc chấm dứt hành vi hành chính trái pháp luật được thực hiện theo thẩm quyền quản lý cấp trên - cấp dưới nên chỉ cần bổ sung các quy định cụ thể về thẩm quyền này trong BLTHA là đủ. Vì vậy, việc xây dựng Luật THA hành chính như một số ý kiến đại biểu Quốc hội nêu ra là không cần thiết.

Tại Tờ trình số 149/CP-XDPL ngày 19-10-2005 của Chính phủ trình Quốc hội về Dự án BLTHA thì việc thống nhất quản lý nhà nước về THA được quan niệm trên nguyên tắc quản lý thống nhất cả công việc, bộ máy tổ chức và con người. Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 2-6-2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến 2020 cũng chỉ rõ từ nay đến 2010 phải "chuẩn bị các điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để thực hiện việc chuyển giao tổ chức và công tác THA cho Bộ Tư pháp".

Bộ Tư pháp sẽ là cơ quan vừa giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước, vừa trực liếp tổ chức thực hiện THA. Quan điểm của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp là không thể có một cơ chế quản lý nhà nước duy nhất để áp dụng cho mọi lĩnh vực hoạt động quản lý của Nhà nước và vì vậy cần phải xây dựng các cơ chế quản lý nhà nước một cách biện chứng, phù hợp với tính chất, đặc thù của từng lĩnh vực hoạt động cụ thể. THA, đặc biệt là THA phạt tù là một công tác rất đặc thù, gắn liền với việc thực thi quyền lực nhà nước nên không thể tách việc quản lý thống nhất nhà nước đối với công tác THA ra khỏi việc trực tiếp thực hiện công tác THA của Bộ Tư pháp.

Và những vấn đề chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc

Về vấn đề xã hội hóa THA, Ban Cán sự Bộ Tư pháp cho rằng, BLTHA cần phải ghi nhận một số quy định để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chủ trương này. Đối với công tác THA dân sự, Dự thảo BLTHA quy định một số cơ chế đã có đủ điều kiện thực hiện như việc định giá tài sản được giao cho các tổ chức chuyên môn về định giá thực hiện và người có tài sản được định giá phải chịu chi phí định giá, mở rộng địch vụ trông giữ tài sản THA để khắc phục tình trạng thiếu kho tàng hiện nay của cơ quan THA; bên được THA phải có nghĩa vụ nộp phí THA...

Cần thận trọng đặc biệt đối với công tác THA hình sự. Trong lĩnh vực này, việc xã hội hóa không đơn thuần là chuyển giao cho tư nhân thực hiện một số nhiệm vụ THA mà điều quan trọng là làm thế nào để lôi cuốn được cộng đồng, xã hội và gia đình vào quá trình giáo dục, cải tạo người bị kết án, chuẩn bị điều kiện tốt cho việc tái hòa nhập cộng đồng đối với người mãn hạn tù. BLTHA chỉ quy định những vấn đề có tính chất nguyên tắc, còn xã hội hóa như thế nào Chính phủ sẽ cụ thể hóa trên cơ sở tiến hành thí điểm, hoàn thiện từng bước. Về tổ chức và hoạt động của lực lượng cảnh sát tư pháp - vấn đề đang gây nhiều tranh cãi - cũng được Bộ Tư pháp đưa ra ý kiến rõ ràng. Nhất trí với quan điểm BLTHA chỉ nên quy định những vấn đề có tính nguyên tắc, chức năng chủ yếu liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát tư pháp, Bộ Tư pháp cho rằng việc xác định tính chất, mô hình cũng như cơ cấu tổ chức của lực lượng cảnh sát này cần phải có thời gian nghiên cứu mới có thể làm rõ được. Các vấn đề khác như cơ cấu tổ chức, thẩm quyền, biên chế, kinh phí, phương tiện hoạt động... nên quy định trong văn bản khác.

Như vậy, khi xây dựng một bộ luật lớn có liên quan trực tiếp đến hoạt động của ngành, Bộ Tư pháp đã có những quan điểm cụ thể, kịp thời trình lên cơ quan chức năng để thống nhất ý kiến. Với tinh thần góp ý để xây dựng một bộ luật có tính khả thi cao, hy vọng BLTHA khi đưa vào thực tiễn cuộc sống sẽ thực sự có ý nghĩa không những cho công tác THA mà còn sát thực tới từng người dân. Những quan điểm này của Bộ Tư pháp sẽ được đưa ra thảo luận tại phiên họp đầu tiên năm 2006 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp để xem xét.

Pháp luật Việt Nam