Chiều 19/1, trao đổi với VnExpress, Bộ trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu đã khẳng định như vậy. Bộ Tư pháp vừa kiểm tra việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xử phạt hành chính. Có tới 33 trong tổng số 64 tỉnh ban hành văn bản trái luật.
- Bộ trưởng đánh giá thế nào về kết quả trên?
- Những năm gần đây, nhiều địa phương đã ban hành văn bản pháp quy về cơ bản đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của pháp luật. Nhưng với mục tiêu thu hút đầu tư, quản lý tình hình trật tự đô thị, đảm bảo an toàn giao thông, đã có một số HĐND, UBND và ngay cả cơ quan chuyên môn của UBND ban hành văn bản trái thẩm quyền, không phù hợp với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên. Trong lĩnh vực thu hút đầu tư, Thủ tướng đã có quyết định xử lý văn bản trái pháp luật của 42 tỉnh, thành phố. Năm 2005, kiểm tra trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính thì có một tỉnh thành phố ban hành văn bản trái luật. Theo thông báo của Chính phủ, các tỉnh này phải tự mình sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản sai trái đó.
Về mặt pháp lý, UBND, HĐND có thẩm quyền ban hành văn bản pháp quy phù hợp đặc thù địa phương, nhưng không được trái với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên. Đó là nguyên tắc thứ nhất. Nhưng nguyên tắc quan trọng hơn là xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền con người, vì thế chỉ có Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ mới có quyền quy định hành vi vi phạm cũng như hình thức xử lý. Địa phương nào ban hành quy phạm quản lý, đề ra chế tài xử phạt hành chính là trái pháp luật. Cục Kiểm tra văn bản pháp luật của Bộ Tư pháp đã có công văn gửi trực tiếp, đề nghị UBND các tỉnh sửa đổi.
- Nếu các địa phương viện ra nhiều lý do để không sửa đổi thì bước tiếp theo của Bộ sẽ là gì?
- Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp có quyền yêu cầu UBND các tỉnh thành đình chỉ. Họ không đình chỉ thì báo cáo Thủ tướng để Thủ tướng hủy bỏ văn bản trái pháp luật của UBND; nếu là nghị quyết của HĐND thì sẽ kiến nghị Thủ tướng đình chỉ thi hành. Trường hợp họ không đình chỉ hoặc huỷ bỏ thì Chính phủ sẽ kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Từ khi Bộ Tư pháp gửi thông báo cho các tỉnh thành, đến nay đã có địa phương nào tiếp thu, hứa sẽ sửa chữa?
- Số liệu chưa được tập hợp cụ thể, song nhiều địa phương như Bình Dương, TP HCM, Hà Giang... đã rà soát và có quan điểm rõ ràng là sẽ sửa. Việc sửa văn bản trái luật phải hoàn thành trong quý 2.
- Một số ý kiến cho rằng sẽ là bó tay địa phương nếu cứ nhất nhất tuân thủ quy định của cấp trên vì mỗi tỉnh thành có đặc thù riêng. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
- Thực tiễn bao giờ cũng sống động hơn và đi trước pháp luật. Nhưng pháp luật là cái khung để hướng dẫn, bắt mọi người, mọi cơ quan tổ chức phải tuân thủ. Trong quy định hiện nay của chúng ta gồm cả hiến pháp và pháp luật chưa cho phép các cơ quan chính quyền địa phương được ban hành quy định xử phạt hành chính.
Trường hợp quy định của pháp luật không phù hợp với tình hình thực tế địa phương thì cơ quan trung ương, nhất là bộ quản lý từng ngành, từng lĩnh vực phải phát hiện và kiến nghị Chính phủ sửa đổi bổ sung quy định trong từng lĩnh vực, nhất là vấn đề môi trường, đô thị, an toàn giao thông ở các trung tâm đô thị lớn. Địa phương có trách nhiệm kiến nghị với các bộ để sửa, chứ không được tự ý làm.
- Sở Tư pháp có trách nhiệm thẩm định, tham mưu với UBND ban hành văn bản pháp luật. Ông nhìn nhận thế nào về trách nhiệm của họ trong việc tham mưu ra văn bản trái luật?
- Đúng là các Sở Tư pháp có trách nhiệm tham mưu, thẩm định. Về nguyên tắc, anh tham mưu không đúng thì anh phải chịu trách nhiệm.
- Vậy trường hợp bị xử lý không đúng theo quy định của pháp luật thì có được bồi thường hay kiện lại cơ quan ra văn bản sai?
- Cái đấy trong pháp luật mình chưa quy định cụ thể, chỉ nói cơ quan ban hành văn bản sai phải chịu trách nhiệm. Nhưng về nguyên tắc, anh đã ban hành văn bản sai, gây thiệt hại cho người dân thì anh phải bồi thường. Người dân có quyền kiện và đòi bồi thường.
- Trong năm 2006, Bộ Tư pháp sẽ tập trung rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực gì thưa ông?
- Trước hết chúng tôi sẽ thực hiện 2 chương trình lớn của Chính phủ. Một là chống tham nhũng, hai là thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Trong đó, có việc rà soát các văn bản pháp luật, kể cả của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội, Chính phủ để đảm bảo theo đúng Luật chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vừa được Quốc hội thông qua trong năm 2005.
Một số văn bản trái luật Đà Nẵng: quyết định số 79/2003/QĐ-UB của UBND TP về việc xử phạt vi phạm hành chính của Lực lượng thanh niên xung kích trên địa bàn; quyết định số 155/2002/QĐ-UB của UBND TP ban hành qui định về xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế hành chính đối với hành vi không chấp hành quyết định thu hồi đất trên địa bàn; quyết định số 1026/QĐ-UB của UBND TP về xử phạt hành vi điều khiển xe gắn máy, môtô, ôtô chạy quá tốc độ quy định trên địa bàn; quyết định số 88/2005/QĐ-UBND của UBND TP ban hành quy định một số biện pháp xử lý đối với người đánh giày, bán sách, báo dạo và bán hàng rong không đúng quy định trên địa bàn... TP HCM: công văn số 7696/UB-ĐT của UBND TP về tăng cường kiểm tra xử phạt vi phạm quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; quyết định số 210/2004/QĐ-UB của UBND TP về quy định thủ tục xử phạt qua hình ảnh một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tại thành phố... Hà Nội: quyết định số 26/2003/QĐ-UB của UBND TP về việc quy định hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn... (Theo Tuổi Trẻ) |
Như Trang thực hiện