Trong trường hợp thật cần thiết, có thể điều chỉnh, bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

12/12/2007
Theo thông tin từ Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XII (2007 - 2011) và năm 2008.

Theo đó, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ Khoá XII gồm 128 dự án luật, pháp lệnh, trong đó có 93 dự án thuộc Chương trình chính thức (gồm 83 dự án luật, 10 dự án pháp lệnh) và 35 dự án luật thuộc Chương trình chuẩn bị.  Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008 gồm 54 dự án luật, pháp lệnh, trong đó 44 dự án thuộc Chương trình chính thức (gồm 36 dự án luật, 08 dự án pháp lệnh) và 10 dự án luật thuộc Chương trình chuẩn bị.

Để thực hiện khối lượng công việc lớn trên, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XII, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008; trình Quốc hội Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm tại kỳ họp cuối năm của năm trước. Trong trường hợp thật cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể điều chỉnh, bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và kịp thời báo cáo Quốc hội.

 Cũng theo Nghị quyết này, để thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII và năm 2008, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan khác, tổ chức có quyền trình dự án luật, pháp lệnh sớm thành lập hoặc củng cố Ban soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh; đổi mới quy trình chuẩn bị, xem xét dự án luật, pháp lệnh, dành thời gian hợp lý để thảo luận về các dự án; giữ mối quan hệ thường xuyên với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật. Cơ quan soạn thảo, cơ quan, tổ chức trình dự án luật, pháp lệnh có kế hoạch bảo đảm thực hiện đúng quy trình, tiến độ và chất lượng chuẩn bị dự án; nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về thời hạn gửi dự án luật, pháp lệnh đến Chính phủ, cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.  Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, cơ quan tổ chức trình dự án luật, pháp lệnh nhằm nâng cao chất lượng thẩm tra; các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội dành thời gian thỏa đáng để nghiên cứu, tổ chức thảo luận, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo luật, pháp lệnh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có biện pháp bảo đảm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; tập trung chỉ đạo việc chuẩn bị, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, pháp lệnh; bảo đảm để các dự án trình thông qua  được chuẩn bị kỹ cả về nội dung và kỹ thuật văn bản.  Tiếp tục củng cố bộ máy giúp việc về công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ, các bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đủ mạnh để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; có kế hoạch thu hút các luật gia, chuyên gia, nhà khoa học vào quá trình soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, pháp lệnh.

Hồng Thúy