Hôm nay (5/12), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và các thành viên trong Ban Chỉ đạo đã có buổi làm việc với Thành uỷ Hà Nội về việc thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. "Phải ngăn chặn tình trạng án tồn đọng, oan sai; đẩy mạnh công tác tranh tụng tại toà. Vai trò của luật sư trong quá trình tố tụng phải được phát huy, thể hiện tính dân chủ của hệ thống pháp luật XHCN" là một trong những chỉ đạo được Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh.
Chất lượng các mặt công tác tư pháp đã có chuyển biến
Báo cáo với Chủ tịch nước và các thành viên Ban Chỉ đạo tại buổi làm việc, Thành ủy Hà Nội cho biết, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, chất lượng các mặt công tác tư pháp của thành phố đã có những chuyển biến rõ nét. Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động bổ trợ tư pháp được thực hiện theo hướng tôn trọng quyền dân chủ, bảo đảm công bằng xã hội. Chất 1ượng công tác thi hành án dân sự đã được nâng lên một bước, nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng từ nhiều năm trước đã được giải quyết với sự tham gia tích cực của các ngành, các cấp. Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp đã được thành phố tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp của thành phố. Các ngành, các cấp của Thành phố đã có sự chuyển biến cả trong nhận thức và hành động trong chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ chính trị, Đề án 06-ĐA/TU của Thành uỷ, góp phần thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thủ đô.
Tuy nhiên, Thành ủy Hà Nội cũng nhận định, hạn chế lớn nhất trong việc triển khai Nghị quyết 49 là việc một số cấp uỷ, đơn vị chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của Nghị quyết, triển khai còn lúng túng. Số vụ án xét xử bị huỷ, bị sửa ở một số toà án còn nhiều, có những vụ án xét xử chưa sát với thực tiễn. Bên cạnh đó là khó khăn về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất chưa được trang bị đầy đủ, công tác bổ trợ tư pháp vẫn còn có những hạn chế trong điều kiện hội nhập.
Khắc phục ngay việc để xảy ra án oan, sai
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chỉ rõ công tác tư pháp ở Hà Nội có nhiều mâu thuẫn. Đó là số lượng vụ án nhiều và đang có xu hướng tăng lên trong khi đội ngũ cán bộ khối tư pháp vừa thiếu, vừa yếu và chậm được đào tạo theo yêu cầu nhiệm vụ. Trong khi công việc nhiều nhưng việc đầu tư về cơ sở vật chất, kinh phí chưa đáp ứng yêu cầu cũng là những hạn chế đối với công tác tư pháp của Thủ đô. Do đó, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết yêu cầu lãnh đạo thành phố Hà Nội và khối các cơ quan tư pháp của thành phố cần nghiêm túc đánh giá khuyết điểm, tìm ra giải pháp để tạo chuyển biến trong việc thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: "Việc để lọt tội phạm có thể khắc phục được, nhưng để xảy ra bắt oan người vô tội sẽ gây ra hậu quả to lớn, làm tan nát nhiều gia đình, khó có thể khắc phục được". Các cơ quan tư pháp cần khắc phục ngay việc để xảy ra án oan, sai.
Đề cập tới công tác cán bộ cho các cơ quan tư pháp, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị lãnh đạo Thành phố ưu tiên chỉ đạo việc qui hoạch, bố trí nguồn đào tạo cán bộ cho khối các cơ quan tư pháp. Bên cạnh đó, thành phố phải có chính sách để thu hút và giữ chân cán bộ làm việc cho các các cơ quan tư pháp, không thể sử dụng biện pháp hành chính, duy ý chí. Chủ tịch nước cũng yêu cầu, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp thành phố cần có kế hoạch đến hết năm 2008, tiếp tục quán triệt sâu sắc triển khai tới các cấp, các ngành Nghị quyết 49-NQ/TW, tạo sự chuyển biến mạnh hơn nữa về công tác cải cách tư pháp. Từng cấp, từng ngành của thành phố phải nhìn nhận một cách nghiêm túc, chỉ ra những yếu kém trong chuyên môn, trong đạo đức với tinh thần phê và tự phê bình cao nhất, đưa ngành của mình mạnh lên, theo kịp với yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới.
Hồng Thúy