Như tin đã đưa, tại buổi Đối thoại về phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2007 được Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN phối hợp với Đại sứ quán Thuỵ Điển (thay mặt cho các đối tác phát triển) tổ chức hôm qua (3/12). Các đại biểu đến từ các cơ quan có chức năng PCTN, tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp của Việt Nam, tổ chức phi Chính phủ, Đại sứ quán và tổ chức quốc tế đã tích cực thảo luận, trao đổi ý kiến về tiến trình PCTN ở Việt Nam năm 2007; về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN nói chung và PCTN trong lĩnh vực giáo dục nói riêng.
Công tác PCTN còn nhiều khó khăn phía trước
Trong công tác tiến hành điều tra để xét xử xét xử các vụ án tham nhũng, kể cả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã được chỉ đạo ráo riết. TTCP xác định được cả nước có 4/400 vụ việc được các địa phương phản ánh đưa vào diện các vụ việc cần phải xem xét, giải quyết. Đồng thời, 8 vụ trọng điểm của Trung ương, Chính phủ đã chỉ đạo giải quyết, hiện đã đưa ra xét xử 5 vụ, 3 vụ còn lại sẽ tiếp tục đưa ra xét xử đến hết tháng 12. Trong quá trình này đã phát hiện thêm và đến nay đã khởi tố thêm 7 vụ việc quan trọng khác, đang tiến hành thụ lý 5 – 6 vụ nữa. Điều đó cho thấy, giữa trung ương và địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ và cố gắng để thanh tra, kiểm tra, xét xử các vụ án tham nhũng quan trọng này. Những vụ việc đã xử lý được dư luận đánh giá cao vì đúng pháp luật, có tác dụng răn đe rất tốt.
Để chỉ đạo và thực hiện công tác PCTN, đặc biệt kể từ sau khi Luật PCTN ra đời, Việt Nam đã xây dựng được một cơ chế phối hợp giữa các cơ quan PCTN ở Trung ương và địa phương, thành lập BCĐ cấp tỉnh về PCTN. Bên cạnh đó, rất nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật PCTN đã được ban hành, chỉ còn hai văn bản cụ thể là Nghị định về chuyển đổi vị trí công tác và và đề án kiểm soát thu nhập (dự kiến đến cuối năm nay sẽ ban hành), hiện đang tập huấn triển khai thực hiện các văn bản về kê khai, thẩm tra kê khai tài sản. Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền đánh giá đây là sự tập trung rất lớn của Chính phủ, của các ngành, các cấp mà TTCP đã làm vai trò tham mưu, nòng cốt để xây dựng hệ thống này.
Ngoài ra, công cuộc PCTN còn phải có sự đồng tình ủng hộ của trong và ngoài nước, đặc biệt là các tổ chức quốc tế, các quốc gia cùng khu vực. Nhờ đó, Việt Nam đã có cả tiềm lực và kinh nghiệm để thực hiện cuộc chiến PCTN. Những kết quả đó đã được đánh giá là thành công bước đầu nhưng còn nhiều khó khăn ở phía trước.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Chính phủ đã xây dựng chiến lược PCTN đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 (thực hiện NQ TƯ3), trong đó vẫn đề cốt lõi nhất là công khai, minh bạch (tài sản, thu nhập, những việc CBCC phải làm) phải được thực hiện bằng nhiều giải pháp; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội vì PCTN phải bằng sức mạnh tổng hợp (hệ thống chính trị và toàn dân) nên cần sự đồng thuận xã hội, phải có cơ chế, chính sách phát huy vai trò của nhân dân, nhân dân phải ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình, đồng thời phải có những việc làm thiết thực; tiếp tục cải cách chế độ tiền lương (quan hệ đến PCTN). CBCC phải có nguồn sống ổn định để yên tâm làm việc, tránh vướng mắc vào các hành vi có thể dẫn đến TN. Cải cách tiền lương không phải là chiến lược để giải quyết triệt để hành vi TN nhưng có thể hy vọng tiền lương hợp lý sẽ là động lực để CBCC cống hiến nhiều hơn và tự giữ mình tích cực hơn.
Toàn xã hội tích cực PCTN
Để tăng cường vai trò và trách nhiệm của xã hội trong công cuộc PCTN, ngày 27/3/2007 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/NĐ-CP qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PCTN về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN. Theo đánh giá của ông Mathieu Salomon - Cố vấn về PCTN của SIDA, Nghị định 47 đã nêu rõ vai trò cơ bản của các cơ quan nhà nước trong công tác PCTN liên quan đến MTTQVN, báo chí, DN, ban thanh tra nhân dân và công dân; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của MTTQVN trong công tác phối kết hợp và lãnh đạo chính sách PCTN. Điều đó thể hiện trước hết ở các qui định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác PCTN có sự kết hợp của MTTQVN.
Trong năm 2007, vai trò của xã hội trong PCTN đã phát huy được hiệu quả đáng kể, bước đầu đạt kết quả tốt trong việc giám sát CBCC ở khu dân cư. Văn phòng BCĐ TƯ về PCTN đã nhận được gần 8.000 đơn khiếu kiện, tố cáo CBCC, TTCP cũng xử lý hơn 4.000 đơn thư như vậy. Các vụ việc đã được tiến hành thanh tra, kết luận, xử lý kịp thời nên bước đầu tạo được khí thế trong nhân dân phát hiện, phản ánh, tố cáo các hành vi TN.
Riêng lĩnh vực giáo dục, phong trào giáo viên và nhân dân phát hiện các vụ tiêu cực, tham nhũng. Theo TS.Nguyễn Đình Cử (Viện Dân số và các vấn đề xã hội Đại học Kinh tế quốc dân), nếu không có sự lên tiếng của các phương tiện truyền thông, của nhân dân (như vụ “chạy trường” ở trường PTTH Lê Quý Đôn - TP.HCM), các cơ quan có thẩm quyền không vào cuộc, sẽ dẫn đến sự “chìm xuồng” những vụ tiêu cực, tham nhũng trong ngành giáo dục. Như vậy, sự liên kết giữa người dân và báo chí để hình thành một diễn đàn mạnh mẽ và hiệu quả để đấu tranh PCTN là rất cần thiết. Sự liên kết này đạt kết quả tốt do có hành lang pháp lý (Luật Báo chí, Luật PCTN…), sự ủng hộ của các cơ quan có thẩm quyền và sự phát triển nhanh chóng của phương tiền truyền thông hiện đại.
Toàn thể các đại biểu cũng nhất trí rằng, các thành phần trong xã hội, đặc biệt là khu vực công, giới truyền thông, các doanh nghiệp, các tổ chức phi Chính phủ…, đều cần phải đóng vai trò tích cực hơn nữa trong PCTN. Qua ý kiến của các đại biểu, buổi đối thoại đã xác định được sự cần thiết phải trao cho mọi thành phần trong xã hội quyền cũng như trách nhiệm tham gia tích cực vào việc xây dựng chính sách và các hoạt động PCTN trong thực tế. Các đối tác nước ngoài đã đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong đấu tranh PCTN - một loại tội phạm đe doạ đến sự phát triển và công tác xoá đói, giảm nghèo. Đồng thời, cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về mọi mặt trong cuộc chiến PCTN thời gian tới./.
Hương Giang