Hội thảo quốc tế về pháp luật và chính sách cạnh tranh: Thực tiễn và thực thi tại Hoa Kỳ

29/10/2007
Với mục đích nâng cao tính thực thi của pháp luật về cạnh tranh trong thực tế, góp phần thúc đẩy văn minh thương mại đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta, ngày 26/10/2007, Trung tâm Tư vấn pháp luật Việt - Mỹ trực thuộc Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế: "Pháp luật và chính sách cạnh tranh: thực tiễn và thực thi tại Hoa Kỳ".

Tham dự Hội thảo về phía Việt Nam, có đại diện của đông đảo các Bộ ngành liên quan như: Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp, Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam… Về phía Hoa Kỳ có đại diện Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Uỷ ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ. Đây  là các chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ về lĩnh vực pháp luật và chính sách cạnh tranh. Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu tham dự trao đổi quan điểm, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng pháp luật và thực tiễn thực thi pháp luật cạnh tranh của hai nước trong thời gian qua và định hướng hoàn thiện trong thời gian tới.

Ở Việt Nam Luật cạnh tranh mới được ban hành trong vài năm gần đây trong khi ở Hoa Kỳ, luật này đã được ban hành trên 100 năm và đến nay vẫn nguyên hiệu lực (Luật Sherman năm 1890). Cạnh tranh lành mạnh là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách nhanh chóng, tăng thêm động lực để cải tiến chất lượng hàng hoá, góp phần giảm giá cho người tiêu dùng, đồng thời mang lại nhiều lựa chọn và thuận tiện hơn cho người tiêu dùng. Các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Mỹ đã chỉ rõ rằng: Chức năng của Chính phủ nhằm cải thiện kinh tế là đảm bảo tốt cạnh tranh nội địa. Cạnh tranh nội địa không chỉ quan trọng trong việc thúc đẩy cải tiến mà còn mang lại lợi ích cho ngành sản xuất trong nước… Các doanh nghiệp không phải cạnh tranh trong nước thì sẽ khó thành công trên trường quốc tế. Báo cáo phát triển thế giới (năm 2005) của Ngân hàng thế giới cũng đã tổng kết: «Rào cản cạnh tranh… thường làm giảm nỗ lực cải tiến và nâng cao năng suất của các doanh nghiệp được bảo hộ. Áp lực cạnh tranh cao hơn có thể giúp tăng khả năng cải tiến của doanh nghiệp lên thêm hơn 50%». Xuất phát từ nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của cạnh tranh đối với nền kinh tế, nhà làm luật của Mỹ đã thiết lập những quy tắc và chính sách rõ ràng và công bằng; nâng cao hiểu biết về các quy tắc, chính sách qua các vụ việc cụ thể; duy trì chương trình thực thi thống nhất nhằm đảm bảo cơ chế cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời xác định rõ các loại thoả thuận được coi là phi pháp, là cạnh tranh không lành mạnh. Tại Hội thảo các chuyên gia cũng đã trình bày và thảo luận với đại biểu Việt Nam về cách xác định một thoả thuận phi pháp, cũng như các chế tài xử lý. Theo đó, bên cạnh các chế tài phạt nhằm tác động về mặt kinh tế của các đối tượng vi phạm, ngăn cản những hành vi tương tự khác, pháp luật Mỹ còn quy định cả chế tài phạt tù.

Hội thảo thực sự là một dịp tốt để các đại biểu của hai nước trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng và thực thi pháp luật cạnh tranh cũng như cơ chế và thực tiễn giải quyết tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực này. Từ đó tăng cường và nâng cao sự hiểu biết pháp luật cạnh tranh nói riêng và chính sách, pháp luật nói chung giữa hai nước nhằm tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh vì lợi ích của mỗi quốc gia. Hội thảo cũng là cơ hội tốt giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao hiểu biết về pháp luật cạnh tranh của Hoa Kỳ, đặc biệt là trong việc đàm phán, ký kết các hợp đồng kinh tế có yếu tố nước ngoài, nâng cao tính văn hóa trong cạnh tranh.

 

Thu Phương