Nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật của cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn, góp phần ngăn chặn, hạn chế vi phạm pháp luật, ngày 16/12/2004, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn.
Những con số từ mô hình chỉ đạo điểm
Trước khi có Chương trình hành động quốc gia về PBGDPL, việc tập huấn, nâng cao trình độ cho cán bộ tư pháp cơ sở đã được thực hiện. Tuy nhiên, với con số hơn 10 ngàn xã, phường, thị trấn như hiện nay thì công việc này không được thực hiện thường xuyên và đồng đều vì nhiều lý do khác nhau.
Để thực hiện tốt giai đoạn I của đề án, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan tiến hành khảo sát tại 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với nhiều loại đối tượng (như cán bộ tư pháp- hộ tịch, lãnh đạo UBND, cán bộ tổ chức đoàn thể , công an cấp xã; Thẩm phán, Hội thẩm TAND cấp tỉnh và huyện; các cơ quan tư pháp cấp tỉnh; các Trung tâm tư vấn, Trung tâm trợ giúp pháp lý...). Riêng với Thẩm phán và Hội thẩm đã được thực hiện tại 64 tỉnh, thành phố trực thuọc Trung ương. Việc khảo sát nhằm nắm bắt thực trạng năng lực của cán bộ tư pháp trong công tác PBGDPL, từ đó xác định nhu cầu học tập pháp luật và nghiệp vụ PBPL của cán bộ tư pháp.
Có 15 tỉnh, thành phố được chọn làm chỉ đạo điểm trong giai đoạn I của đề án. Dưới sự hỗ trợ của Bộ Tư pháp, các hoạt động chỉ đạo điểm diễn ra khá sôi nổi. Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan liên quan đã biên soạn tài liệu cấp phát đến tận tay cán bộ tư pháp. Đây là những tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ công tác tuyên truyền và giới thiệu một số văn bản pháp luật mới ban hành. Riêng đối với 5 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, Bộ còn cấp đĩa hình tuyên truyền pháp luật đến Phòng Tư pháp cấp huyện và UBND các xã, phường, thị trấn. TANDTC cũng biên soạn và cấp đĩa hình tuyên truyền pháp luật tại phiên toà đến TAND tỉnh, huyện của 15 tỉnh chỉ đạo điểm.
Việc tập huấn cho đối tượng là cán bộ tư pháp cấp xã cũng đã được tổ chức định kỳ 1 năm/lần ở tất cả các địa phương chỉ đạo điểm. Những cuộc tập huấn này, một mặt kịp thời cập nhật những kiến thức pháp luật mới, mặt khác tập huấn kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền cho cán bộ tư pháp - một việc làm mà trước đây do kinh phí hạn hẹp các địa phương rất ít khi triển khai. Ngoài ra, các cơ quan phối hợp thực hiện đề án như Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Học viện Chính trị- hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cũng mở các lớp tập huấn cho đối tượng là thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, giảng viên Trường chính trị, công an cấp xã của một số tỉnh chỉ đạo điểm.
Coi trọng các hoạt động lồng ghép
Hai trong nhiều hình thức PBPL sinh động là lồng ghép PBPL thông qua phiên toà xét xử lưu động và qua tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, trên thực tế cũng do điều kiện về kinh phí và cơ sở vật chất nên hoạt động lồng ghép chưa phát huy nhiều hiệu quả. Đề án là cơ hội tốt để thực hiện công việc này. Có 8 Toà án cấp huyện đã được lựa chọn để tiến hành thí điểm PBPL thông qua xét xử lưu động. Năm 2006 có 10 Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý đã thực hiện làm thí điểm, và năm 2007 cũng có thêm 10 trung tâm khác được lựa chọn. Việc lồng ghép PBPL không những được tiến hành ở cơ sở, mà còn được tiến hành ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, nơi tập trung hàng ngàn lao động ngoại tỉnh. Từ mô hình thí điểm này cho thấy đây là các hình thức PBPL rất hiệu quả.
Để việc chỉ đạo điểm được tiến hành một cách hiệu quả, với vai trò là cơ quan chủ trì, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra để kịp thời nắm bắt những khó khăn. Đồng thời cũng bám sát cơ sở để có những chỉ đạo để tránh lãng phí, hình thức. Trong năm 2006, 2007 Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra tại 4 tỉnh chỉ đạo điểm, và từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục đi kiểm tra các tỉnh còn lại.
Theo tiến độ được đề ra trong đề án 4, đến hết năm 2007 là kết thúc giai đoạn I (giai đoạn chỉ đạo điểm). Bắt đầu từ 2008 việc triển khai sẽ được tiến hành đại trà trên phạm vi toàn quốc. Sẽ có một cuộc sơ kết để nhìn lại toàn bộ lộ trình của đề án. Bước đầu, có thể nói cái được lớn nhất là đề án đã làm thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền địa phương trong công tác PBPL, trong đó có yếu tố con người. Cán bộ tư pháp được nâng cao trình độ sẽ thực hiện nhiệm vụ PBPL tốt hơn thông qua công việc hàng ngày của mình. Khi mỗi cán bộ tư pháp là một tuyên truyền viên thì người dân sẽ có thêm nhiều cơ hội để hiểu luật.
Thu Hằng