Vướng mắc từ thẩm quyền và mức thu lệ phí chứng thực.

12/10/2007
Khi triển khai Luật Công chứng và Nghị định 79/2007/NĐ-CP là người trực tiếp chứng thực tại cấp huyện tôi đã viết ngay bài viết phản ánh những khó khăn, vướng mắc khi triển khai Luật Công chứng và Nghị định 79/2007/NĐ-CP trên thực tế mong được trao đổi tháo gỡ .

Mặc dù có nhiều vướng mắc và lúng túng khi bắt đầu triển khai nhưng những thuận lợi cho dân trong việc phân cấp thẩm quyền cho cấp xã thực hiện chứng thực bản sao là không thể phủ nhận.  Bởi lẽ, trước đây người dân phải đi rất xa đến Phòng Công chứng,  UBND cấp huyện thực hiện công chứng, chứng thực giấy tờ thì nay đối với bản sao tiếng Việt họ chỉ cần đến UBND cấp xã, thuận lợi hơn nữa là không phụ thuộc vào nơi cư trú.

Tuy nhiên, do việc phân định thẩm quyền chứng thực quy định tại Điều 5 Nghị định 79/2007/NĐ-CP:  Phòng tư pháp cấp huyện thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ văn bản bằng tiếng nước ngoài. ( điểm a, b khoản 1).

UBND các xã, phường: Chứng bản sao từ bản chính các giấy tờ văn bản bằng tiếng nước Việt ; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ văn bản bằng tiếng Việt.

Quy định nói trên đã "bắt" người dân khi cần chứng thực các giấy tờ, tài liệu cả tiếng nước ngoài và tiếng Việt phải đến hai địa chỉ làm mất nhiều thời gian. Vì vậy, người dân đã phản ánh : "Trước đây, người dân chỉ cần đến một nơi để có thể công chứng, chứng thực được tất cả các loại giấy tờ, tài liệu. Nay, kể từ khi triển khai Luật Công chứng và Nghị định 79/2007/NĐ-CP, người dân phải đi đến nhiều nơi để làm việc này"(VietNamnet)

Về điểm này theo tôi cần nghiên cứu, bổ sung thêm quy định cho UBND cấp huyện được quyền chứng thực cả văn bản tiếng Việt và tiếng nước ngoài thì thuận lợi hơn cho công dân khỏi phải đi nhiều nơi khi cần chứng thực cả 2 loại giấy tờ nêu trên.  Khi có cả 2 cấp có thẩm quyền chứng thực người dân có quyền lựa chọn nơi chứng thực, khỏi lãng phí đối với một số địa phương cấp huyện ít giao dịch liên quan đến nước ngoài trong khi hàng ngày vẫn phải bố trí cán bộ trực giải quyết yêu cầu chứng thực của công dân..

Vấn đề lệ phí: Mức lệ phí chứng thực còn nhiều bất cập, chưa rõ ràng gây khó khăn cho việc áp dụng. Bởi lẽ mức thu lệ phí chứng thực thời điểm này vẫn đang được thực hiện theo Thông tư Liên tịch Bộ Tài chính-Bộ Tư pháp 93/2001/TTLT/BTC-BTP ngày 21/11/2001.Chứng thực chữ ký cá nhân là 10.000 đ/trường hợp. Như vậy nếu chứng nhận chữ ký của người dịch theo điểm b khoản 1 Điều 5 mức lệ phí là: 10.000 đ/trường hợp.

Về điểm này do chưa có hướng dẫn cụ thể mỗi trường hợp được hiểu là một loại tài liệu hay một chữ ký/bản. Nếu quy định trường hợp là một loại tài liệu thì khi chứng thực chữ ký được làm bao nhiêu bản. Nếu có nhu cầu nhân bản thì thu như thế nào.

Nếu trường hợp một chữ ký/bản thì cần có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng. Bởi vì qua tham khảo đã có địa phương quan niệm một trường hợp là một chữ ký trên một trang tài liệu nên khi từ 1 bản gốc nhưng cần 5 -7 bản dịch thì có nơi thu 10.000 đồng trên một chữ ký người dịch nên công dân phản ánh lệ phí quá cao so với thu nhập hiện nay. Có nơi lại quan niệm một trường hợp là trên cùng một loại tài liệu thì trong trường hợp từ 1 bản gốc nhưng cần 5-7 bản dịch, về thủ tục thì người dịch vẫn phải ký từng bản và vẫn phải chứng thực như nhau. Quy định thu lệ phí chứng thực theo tôi thời gian tới cần phải bổ sung cho rõ ràng tránh mỗi nơi thu một kiểu không đảm bảo thống nhất.

Về phí dịch thuật: Vẫn còn tình trạng mỗi nơi một kiểu. Theo tôi, nên quy định mức thu thống nhất trong cả nước kể cả lệ phí chứng thực và phí dịch thuật chứ không nên để địa phương tự quyết định. Và mức phí dịch thuật cũng cần quy định rõ mức độ đơn giản hay phức tạp của tài liệu cần dịch cho phù hợp. Người dân phản ánh: "Một trang giấy khai sinh, hay bằng tốt nghiệp đại học có lượng chữ rất ít nhưng nếu dịch sang tiếng Anh là trên 50.000 đồng/trang dịch, còn dịch sang các ngôn ngữ khác như tiếng Nhật thì giá trên 100.000 ngoài như trên là quá cao, không phù hợp với mặt bằng giá trên thị trường".

Một ví dụ cụ thể về vấn đề địa phương tự quy định mức thu lệ phí: Trước đây, đối với đăng ký hộ tịch thu theo quyết định 57 của Bộ tài chính mỗi trường hợp kết hôn thu 10.000 đ. Nay do quy định phân cấp,  HĐND tỉnh Quảng Bình đã quy định mức phí mỗi trường hợp kết hôn thu 20.000 đ/bản bắt đầu từ tháng 01/2007.( quy định ban hành kèm theo Nghị quyết 59/2006/NQ-HĐND). Vì thế mỗi trường hợp kết hôn công dân phải nộp lệ phí hộ tịch là 40.000 đồng vì theo quy định của Nghị định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch. Khi kết hôn chính quyền "cấp cho mỗi bên một bản chính". Quy định thu 20.000 đ/bản đã khiến cho khi kết hôn người dân phải nộp lệ phí gấp 3 lần trước đây, trong khi Quảng Bình là địa bàn nghèo. Nhưng nếu thu không đúng quy định thì cán bộ tư pháp lấy tiền đâu mà bù. Đã có trường hợp kết hôn, người dân nói:  "chúng tôi chỉ cần một bản, khi cần chúng tôi đi chứng thực hoặc xin cấp bản sao" nhưng cấp một bản thì  không đúng theo quy định của Nghị định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ. .

Từ những bất cập nêu trên, tôi mong sao Bộ tư pháp nghiên cứu hướng dẫn cụ thể để các địa phương có thể khắc phục được những khó khăn, bất cập trên thực tế; đảm bảo cho việc thực hiện chứng thực theo Nghị định 79/2007/NĐ-CP được thông suốt và  thống nhất trên cả nước ./.

Hoàng Hồng